ĐV hoang dã: Không bán thì cho bệnh viện
Ngay sau khi mẫu động vật hoang dã được bệnh viện xin về làm thuốc, các tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng phản đối. ENV “tố” bệnh viện sai luật, bệnh viện khẳng định mình đúng.
Tận dụng cho… đỡ phí
Như tin đã đưa, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội bàn giao các mẫu vật động vật hoang dã bị tịch thu. Mục đích làm thuốc chữa bệnh. Ngay sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) lên tiếng phản đối đề xuất này. Đồng thời, đề nghị UBND Hà Nội và các cơ quan chức năng không chuyển giao sản phẩm.
Trước thông tin trái chiều, ông Trần Quốc Bình, GĐ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã lên tiếng. Ông Bình cho hay, bệnh viện được biết, xác động vật hoang dã sau khi bị bắt giữ để trong kho, hoặc tiêu hủy. Đây là xác động vật chết, không thể quay lại môi trường. Trong khi đó, nếu được tận dụng, chúng trở thành những vị thuốc quý.
Loài sao la tại vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh)
“Nếu được phép của cơ quan hữu quan đồng ý cho tiếp nhận, giúp chúng tôi chế phẩm mẫu thuốc và huấn luyện học viên trẻ… đó là việc rất tốt. Bệnh viện không thu mua sản phẩm hay khuyến khích dùng. Đây chỉ là vấn đề tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có cho đỡ phí”, ông Bình nói.Tuy nhiên, ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc ENV phản đối: ” Việc này không chấp nhận được vì bất cứ lý do gì”.
ENV quan tâm tới mục đích sử dụng cuối cùng đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp. Các sản phẩm thuốc được bảo chế sẽ được phục vụ nghiên cứu khoa học hay được bán cho bệnh nhân, người tiêu dùng? Các sản phẩm được đưa vào sử dụng, bán… sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.
“Chúng ta vẫn tin tưởng rằng có thể chữa trị bệnh bằng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Trên thực tế, khoa học hiện đại ngày nay có đủ điều kiện để chữa trị các loại bệnh này. Giá trị của động vật hoang dã và môi trường là giá trị bền vững, cần được quan tâm nhiều hơn giá trị kinh tế tức thời”, ông Trần Việt Hưng nói.
Gian nan cách xử lý
Không chỉ có việc bệnh viện xin mẫu động vật hoang dã làm thuốc hiện nay mới gây tranh cãi. Thời gian qua, việc xử lý tang vật động vật hoang dã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Trên thực tế, có nhiều trường hợp tang vật được bán thanh lý.
Gần đây nhất, đầu tháng 1/2013, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã thu giữ một số lượng lớn động vật hoang dã do vận chuyển trái phép. Bao gồm 16 con cầy vòi đốm (tổng trọng lượng 42 kg) và các loại động vật khác như 49 kg rắn rồng, 78 kg rắn lãi, 59 kg lươn, 70 kg ếch, 17 kg tôm hùm… Sau đó, toàn bộ số động vật hoang dã bán được 33 triệu đồng.
Video đang HOT
Nhiều động vật hoang dã sau khi cơ quan chức năng tịch thu được đem bán thanh lý (Ảnh minh họa)
Trước đó, năm 2010, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh sau khi bắt giữ được 52 cá thể tê tê bị buôn bán trái phép. Sau đó, 34 cá thể tê tê còn sống được phát mại, 18 cá thể chết được tiêu hủy.
Cuối tháng 7/2011, Chi cục Quản lý thị trường và một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tịch thu một lô hàng, trong đó có 102 cá thể rùa biển. Sau đó, viêc xử lý gặp nhiều khó khăn, phía các cơ quan chức năng cho bán đấu giá số rùa này. Lập tức, các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã, rùa biển… phản đối mạnh mẽ…
Theo ông Nguyễn Văn Quân (ENV) con đường dẫn tới sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã đi qua nhiều mắt xích từ thợ săn tới người tiêu dùng. ENV không ủng hộ việc bán đấu giá các tang vật. Bởi điều này vô tình hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán. Tiêu hủy giúp ngăn chặn nguồn cung, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Có phạm luật?
Ông Nguyễn Phi Hùng, trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nêu quan điểm: “Xác động vật hoang được chuyển giao cho cơ sở y tế làm thuốc đã được luật pháp cho phép. Bệnh viện xin mẫu động vật hoang dã bị tịch thu, hoàn toàn tuân thủ đúng pháp luật”.
Ông Hùng dẫn chứng Theo Thông tư 90/2008 của Bộ NN và PTNT hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu. Trong đó cho phép chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.
Tuy nhiên, đại diện ENV có quan điểm khác. Cụ thể, tang vật là động vật hoang dã thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006 của Chính phủ không được phép sử dụng cho mục đích thương mại. Với bất kỳ mục đích nào, thuốc xét cho cùng là sản phẩm thương mại. Như vậy việc sử dụng các tang vật này là vi phạm pháp luật.
Ông Trần Văn Hưng cho rằng: “Chúng tôi chưa chứng kiến nghiên cứu khoa học nào nói rằng sản phẩm này có thể sử dụng làm thuốc. Đa phần đều là kinh nghiệm dân gian, truyền miệng. Hơn thế nữa, căn cứ của phác đồ điều trị cũng như quy trình chế biến các sản phẩm động vật hoang dã, chúng tôi cũng chưa từng thấy qua”.
Tổ chức này đề nghị xử lý các tang vật là động vật hoang dã còn lại mà các cơ quan chức năng đang lưu giữ theo phương án: Chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại Hoặc tiến hành tiêu hủy.
Theo Thông tư 90/2008/TT-BNN ngày 28/08/2008 hướng dẫn xử lý tang vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong nước đã chết hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của chúng:
1. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:
a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.
b) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.
2. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:
a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.
b) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
c) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.
Theo 24h
Đường trên cao: Rung rinh nhà cao tầng?
Nhiều người dân sống và làm việc trong nhà cao tầng ở hai bên đường cao tốc trên cao phản ánh thường cảm giác "rung nhẹ và chóng mặt" vào giờ cao điểm.
Nhiều độc giả đang sống và làm việc tại các tòa nhà cạnh đường cao tốc trên cao (vành đai 3) Hà Nội phản ánh với PV về những tiếng ồn và sự rung nhẹ ở các tòa nhà.
Để xác thực thông tin, chúng tôi đã khảo sát ở một số tòa nhà cao tầng hai bên đường. Chị Nguyễn Thị Hà, sống trong căn hộ chung cư tầng 5, Khu đô thị thuộc địa phận thôn Mễ Trì Hạ (huyện Từ Liêm, Hà Nội) bên cạnh đường trên cao vừa khánh thành. Căn hộ nhà hướng ra phía đường Phạm Hùng, chị Hà thường mở cửa sổ ngắm cảnh đường phố. Tuy nhiên, kể từ khi tuyến đường cao tốc trên cao thông xe, cửa kính nhà chị luôn đóng kín để tránh tiếng ồn. Nhất là vào thời điểm ban đêm, các xe trọng tải lớn hoạt động phát ra tiếng "ầm ầm" kèm theo sự cảm nhận của chị về một rung động nhỏ ở cửa kính.
Anh Ngô Xuân Vinh hiện đang làm việc trong tòa nhà Vinaconex và CEO ở đường Phạm Hùng phản ánh thời gian gần đây, anh có cảm nhận thấy tiếng ồn nhiều hơn. Thỉnh thoảng, anh Vinh cảm giác như có một rung động nhỏ, chóng mặt, buồn nôn khi mở cửa kính nhìn xuống đường. "Khi làm việc chúng tôi thường đóng kín các cửa kính lại, thậm chí kéo rèm kín để tránh tiếng ồn".
Những người trong các tòa nhà cao tầng cạnh đường trên cao có cảm giác rung động khi xe qua (Ảnh: Hồng Phú)
Có mặt tại tầng 7 của tòa nhà CEO đường Phạm Hùng, thời điểm 17h chiều ngày 3/11, đúng giờ tan tầm, chúng tôi quan sát thấy số lượng xe đổ về tuyến đường này càng lúc càng đông. Càng tiến sát về phía cửa kính hướng ra đường Phạm Hùng, chúng tôi có cảm nhận tiếng ồn rõ hơn. Mỗi khi xe có trọng tải lớn qua đường trên cao vành đai 3, phát ra những tiếng "ầm ầm". Cùng với đó, chúng tôi cảm nhận sự ù tai, chóng mặt, nhìn tấm kính tòa nhà có cảm giác bị rung nhẹ.
Tuy nhiên, càng lên đến các tầng cao hơn, tiếng ồn càng giảm hơn so với các tầng phía dưới. Trên tầng 21 tòa nhà CEO, tiếng ồn giảm rõ rệt, sự rung động cũng khó cảm nhận hơn. Tuy nhiên, đó là khi cửa kính luôn luôn đóng kín, chỉ cần hé một tấm cửa kính nhỏ ngay lập tức những tiếng "ù ù" lọt vào trong phòng. Xuống bên dưới đường Phạm Hùng, chúng tôi không còn cảm nhận rung động.
Cùng chung cảm nhận, anh Mạnh Hà, nhân viên văn phòng tại tầng 6 tòa nhà văn phòng khu đô thị thuộc xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, nhiều lúc đang làm việc cũng thấy "rung rinh" khi có xe trọng tải lớn đi qua. Anh Hà kể: "Lần đầu tiên cảm nhận rung động, chúng tôi tưởng có động đất ở Hà Nội. Về sau, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn". Theo các nhân viên tòa nhà nơi anh Hà làm việc, sự rung động rõ nhất có thể cảm nhận từ tầng 5 đến tầng 10 tòa nhà.
Tại tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, một số cư dân cũng phản ánh với phóng viên về tình trạng tiếng ồn gia tăng những ngày gần đây. Ông Nguyễn Văn Trạch, sống trong tòa nhà này cho biết, lượng tiếng ồn thời gian gần đây gia tăng hơn. Vào giờ cao điểm hay ban đêm là thời điểm tiếng ồn lớn nhất. Khi nghe tiếng ồn lớn, có cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Tuy nhiên, ông Trạch không có cảm giác tòa nhà rung lắc.
Anh Dương Minh, tài xế xe Bắc Nam xuất phát từ bến xe Mỹ Đình đến TP.HCM thường xuyên đi qua đường trên cao, cho hay: "Đường mới rất chắc chắn, lại không bị ùm tắc như đi đường phía dưới. Tuy nhiên, có hạn chế là đi đường trên cao không nhìn thấy được cảnh quan hai bên, tiếng ồn đúng là nhiều và khó chịu hơn trước".
Hai bên đường trên cao đầu tiên của Hà Nội có nhiều nhà cao tầng (Ảnh: Hồng Phú)
Liên quan đến hiện tượng này, kỹ sư xây dựng cầu đường Nguyễn Ngọc Dũng, công tác tại một công ty xây dựng công trình giao thông giải thích, cảm nhận rung động của người dân là điều dễ hiểu. Theo kỹ sư Dũng, trên đường phố lớn, tập hợp nhiều xe sẽ gây ra hỗn hợp tiếng ồn với nhiều tần số khác nhau, nhất là những phương tiện lạc hậu, kém chất lượng gây ra tiếng ồn lớn. Khi những xe có trọng tải lớn lưu thông, phát ra tiếng ồn lớn "ầm ầm" nghe rất khó chịu, có cảm giác ù tai. Chính sóng âm từ xe trọng tải lớn phát ra, dội vào các tòa nhà gây ra hiện tượng va đập âm thanh lớn làm cho con người có cảm giác chóng mặt, ù tai, tường nhà, của kính rung động. Nhất là những người sống trong các tòa nhà cao tầng, cửa sổ làm bằng kính luôn đóng kín nên sự va đập âm thanh càng lớn và cảm nhận sự rung động càng rõ.
Kỹ sư Lê Ngọc Dũng ví dụ, nếu ở trên các tầng cao của tòa nhà, đóng lại các của kính, mở loa với âm thanhg công suất lớn cũng sẽ có cảm giác tường nhà rung bần bật. Trên thực tế, đường trên cao vẫn có rung lắc, nhất là những đường dầm thép. Ví dụ như có thể cảm nhận rõ rung lắc khi đi qua cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, Long Biên...
Tuyến đường vành đai 3, giai đoại 2 đoạn Mai Dịch -Bắc hồ Linh Đàm chính thức được đưa vào khai thác từ ngày 21/10/2012.
Đường vành đai 3 Hà Nội là tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội, dài khoảng 65 km, đi qua các quận và huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh.
Đường vành đai 3 thực chất là kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn, bao gồm toàn bộ các tuyến đường sau: đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Phạm Văn Đồng, đường Khuất Duy Tiến, đường Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp. Riêng đoạn từ Ninh Hiệp đến đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài gồm nhiều đường nội thị nhỏ đi qua các điểm khống chế Việt Hùng - Đông Anh - Tiên Dương - Nam Hồng (nằm phía Nam của đường sắt vành đai Bắc).
Theo quy hoạch cho giai đoạn I, đoạn Nội Bài - Mai Dịch - Thanh Xuân - Pháp Vân - cầu Thanh Trì cấu thành bởi đường đô thị hai bên kết hợp với đường cao tốc đô thị ở giữa. Hiện đường cao tốc trên cao phía Nam cầu Thanh Trì đã hoàn thành đến đoạn đầu đường Nghiêm Xuân Yêm (gần sông Tô Lịch). Trong giai đoạn II, sẽ làm 8,912 km gồm 385 mét đường và 8.527 mét cầu cạn chính tuyến, gồm 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp.
Trên đường vành đai 3 có 3 cây cầu lớn là cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng. Đường vành đai 3 giao cắt với quốc lộ 5 ở Sài Đồng, đường cao tốc Thăng Long tại ngã tư Trần Duy Hưng.
Theo 24h