Duterte hứng chỉ trích vì nói đùa về chủ quyền Biển Đông
Các thượng nghị sĩ Philippines kịch liệt chỉ trích Tổng thống Duterte sau khi ông tuyên bố chỉ “nói đùa” về lời hứa bảo vệ chủ quyền Biển Đông năm 2016.
“Tôi nghĩ vị trí tổng thống là một việc nghiêm túc. Nếu pha lời đùa cợt vào đó, người dân có thể không phân biệt được đâu là lời nói giỡn, đâu là phát ngôn chính thức”, thượng nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến hôm nay, thêm rằng Tổng thống Rodrigo Duterte không nên đưa ra những phát ngôn gây hoang mang về chính sách quốc gia.
Lời chỉ trích được Lacson đưa ra sau khi Duterte hôm qua thừa nhận những phát ngôn về “bảo vệ chủ quyền” của ông năm 2016 là “câu đùa đơn thuần khi vận động tranh cử”, đồng thời gọi những người tin vào nó là “ngu ngốc”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình tối 5/5. Ảnh: Philstar .
Phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử 5 năm trước, Duterte từng tuyên bố ông sẽ lái mô tô nước gắn quốc kỳ Philippines tới bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, sau khi nhận câu hỏi từ một ngư dân về vấn đề chủ quyền. Bãi cạn này bị Trung Quốc kiểm soát từ tay Philippines năm 2012.
Thượng nghị sĩ Lacson lưu ý những tuyên bố của Duterte cũng sẽ tác động tới các cơ quan chính phủ khác, đồng thời làm “giảm nhẹ” những thông điệp mạnh mẽ của các quan chức chính quyền trong vấn đề Biển Đông.
Video đang HOT
“Những tuyên bố mạnh mẽ về chính sách của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đều bị gạt bỏ bởi những gì Tổng thống nói sau đó”, Lacson cho hay.
Lời thừa nhận “nói đùa” của Tổng thống Duterte khiến thượng nghị sĩ Risa Hontiveros đặt câu hỏi về “sự cứng rắn” của ông trong quan hệ với Trung Quốc. “Không một quốc gia nào, kể cả người bạn thân nhất, sẽ coi trọng chúng ta, khi chúng ta có một lãnh đạo không thể tôn trọng lời nói của mình”, bà nêu ý kiến.
Hontiveros cho biết vấn đề Biển Đông không phải trò đùa, đồng thời lưu ý lực lượng vũ trang, hải quân và cảnh sát biển Philippines, cùng Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản đang làm nhiệm vụ tại khu vực giúp mang lại sinh kế cho ngư dân Philippines. “Tổng thống không nên đùa về cuộc sống và sinh kế của người dân”, thượng nghị sĩ cho hay.
Trong một tuyên bố khác, thượng nghị sĩ Leila de Lima cho rằng phát ngôn của Duterte chứng minh “ông thực sự không có kế hoạch đòi quyền chủ quyền trên Biển Đông”. “Ông ấy thậm chí còn gọi những người tin vào lời hứa tranh cử của mình là ngu ngốc”, Lima nói.
Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã kêu gọi Duterte rút lại những tuyên bố liên quan đến Biển Đông và Trung Quốc gần đây, bao gồm phát biểu “ngư dân Trung Quốc có thể đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông”, hay phán quyết của năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, “chỉ là giấy lộn để ném vào sọt rác”.
“Nếu Tổng thống không rút lại những phát ngôn công khai đó, ông ấy biết rằng chúng có thể ràng buộc chính quyền Philippines cả trong hiện tại và tương lai”, Carpio cho hay.
Duterte nói phán quyết Biển Đông là 'giấy lộn'
Tổng thống Philippines nói phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực không có giá trị giữa các nước và sẽ "vứt vào sọt rác" nếu nhận được.
"Họ nộp đơn kiện. Chúng ta thắng. Nhưng văn bản đó trên thực tế giữa các quốc gia chẳng là gì cả", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói trên truyền hình ngày 5/5. "Đưa phán quyết đó cho tôi. Tôi sẽ nói rằng đó chỉ là giấy lộn và tôi sẽ vứt vào sọt rác".
Năm 2013, chính quyền Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Duterte, nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), cho rằng "đường chín đoạn" do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần được tuyên bố là vô căn cứ.
PCA tháng 7/2016 ra phán quyết, tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, phán quyết của PCA không có cơ chế thi hành.
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trên truyền hình ngày 5/5. Ảnh: Inquirer.
Trung Quốc từng nhiều lần bác bỏ phán quyết này. Duterte năm 2019 cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị trao cho Philippines cổ phần lớn trong liên doanh khai thác khí đốt ở Biển Đông nếu Manila "quên" phán quyết năm 2016 của PCA.
Tổng thống Philippines từng thể hiện quan điểm mâu thuẫn về phán quyết của PCA. Năm 2018, chính phủ của ông cho rằng phán quyết này "vô dụng" vì không có khả năng thực thi. Một năm sau, Duterte tuyên bố không từ bỏ phán quyết và sẽ tìm kiếm cơ chế thực thi.
Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi hơn 200 tàu Trung Quốc từ ngày 7/3 neo đậu tại bãi Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Các tàu Trung Quốc sau đó tỏa đi những khu vực khác trong quần đảo Trường Sa rồi rút về.
Philippines cho rằng các tàu cá trên do "dân quân biển Trung Quốc" điều khiển. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, cho biết đây là "tàu cá" đang neo đậu tránh thời tiết xấu, bất chấp các tàu này nhiều ngày neo đậu trong khu vực và không đánh bắt dù thời tiết thuận lợi.
Giới chức Philippines ngày 4/5 tuyên bố bác lệnh cấm đánh bắt vào mùa hè hàng năm do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông. Philippines khuyến khích ngư dân khai thác hải sản trong vùng biển nước này tuyên bố thuộc lãnh thổ và quyền tài phán của họ.
Khu vực Biển Đông. Đồ họa: CSIS .
Lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp do Trung Quốc áp đặt từ năm 1999, bao gồm các khu vực của Biển Đông cũng như các vùng biển khác ngoài khơi Trung Quốc. Trung Quốc tuần trước tuyên bố sẽ thực thi lệnh cấm đánh bắt cá từ 1/5 đến 16/9, áp dụng tại khu vực Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trên Biển Đông, trong đó gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/4 khẳng định lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương công bố vi phạm luật quốc tế và quyền tài phán của quốc gia.
Quy chế cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc đẩy Philippines về phía Mỹ Nhiều chỉ dấu cho thấy phe chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh đã thắng thế trong chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte. Manila đang dần rời ra Trung Quốc và trở về quỹ đạo cũ: dựa vào Mỹ trong các vấn đề an ninh. Cách hành xử hung hăng của Trung Quốc khiến Tổng thống Philippines Duterte không có nhiều lựa...