Đứt ruột lá đơn của người mẹ khốn khổ xin cho con “đi tù vô thời hạn”
Trái ngược với nhiều bà mẹ có con bị tù tội mong ngóng con trở về bà Yến lại “cầu khẩn” trước tòa cho con mình “bị ở tù vô thời hạn vì nó trở về sẽ gây tai họa”
Đã đứt ruột sinh con, bà lão Võ Thị Yến (70 tuổi, ngụ thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) những ngày cuối đời lại một lần nữa đứt ruột khi viết lá đơn với một yêu cầu với dạng cực kỳ hi hữu ấy.
Đứt ruột lá đơn của người mẹ gửi chính quyền xin cho con “đi tù vô thời hạn”
Người điên gây họa
Sức ám ảnh của những vụ trọng án do đối tượng Sinh gây ra in hằn trong tâm trí mỗi người dân vùng quê Lương Mai. Người ta sợ hãi đến mức khi từng có thông tin “thằng Sinh sắp mãn hạn tù”, ai nấy cũng xôn xao lo lắng: Nó đã từng giết vợ và em trai, liệu rồi đây sẽ đến lượt ai trong hàng xóm. Cũng một phần từ nguyên do này mà bà lão Yến sau nhiều ngày suy nghĩ đã quyết định viết lá đơn nêu trên.
Bà lão thuật lại tai họa đầu tiên xảy ra từ mùa hè năm 1997. “Bữa đó tui đang gặt lúa dưới đồng thì đứa cháu nội hớt hải chạy đến khóc thét bảo rằng bố giết mẹ. Nghe vậy chân tay tui rụng rời, chạy vội lên nhà thì sự đã rồi…”, bà nghẹn ngào không thể nói hết câu. Thì ra bữa đó chỉ vì ghen tuông vô cớ, nghi ngờ vợ mình “cặp bồ” nên Sinh đã vác dao sát hại vợ. Hơn một năm sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử đối tượng Sinh về tội giết người, nhưng xét thấy đối tượng này mắc bệnh tâm thần nên y được chuyển vào Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần Kim Long (TP Huế).
Khổ nỗi ở chỗ Sinh chưa bao giờ thừa nhận mình bị mắc bệnh tâm thần và có những lúc khôn khéo một cách bất thường nên trong thời gian được điều trị tại đây, dăm lần bảy lượt hắn tìm cách trốn khỏi trung tâm trở về nhà quấy quá mẹ già. Bà lão nhớ nhất đợt con trai “đào tẩu” vào đầu năm 2000, Sinh chạy thoát về nhà nhưng như lời bà nói: “Nó suốt ngày lang thang giữa rừng rú trốn mọi người, chỉ đến khi bụng đói meo mới len lén tìm về lục lọi thức ăn. Hôm công an xã đến bắt quay trở lại trung tâm, nó ngồi tiếp chuyện “ngon lành” lắm rồi bất ngờ nói láo “Tao đi tiểu tiện” rồi chạy chốn khiến mọi người lại phải lùng sục hết hơi mới truy bắt được”.
Một thời gian sau đó, khi thấy khả năng đối đáp lưu loát của đối tượng này, Trung tâm chữa bệnh tưởng rằng hắn đã thoát điên nên quyết định trả về địa phương. Những ngày đầu, biết tin gã điên về làng nên mọi người “bán tính bán nghi” tìm đến hỏi han và ai cũng yên tâm vì thấy Sinh dẻo mồm đến nỗi cả cán bộ xã, xóm giềng ngồi “thăm dò” đều nhất trí: “Hắn đã khỏi mọi bệnh về thần kinh”. Cộng với việc Sinh luôn tỏ ra ăn năn hối cải, tu chí làm ăn sau khi gây ra cái chết tức tưởi của vợ, mọi người ai nấy đều hồ hởi: “Thôi yên tâm rồi. Cũng mừng cho bà cụ Yến từ nay hết khổ”.
Bi kịch nối bi kịch
Thế nhưng quãng thời gian yên bình ấy kéo dài chưa đây 10 năm thì đứa con “Trời đánh” của bà lại tiếp tục gây nên tội ác tày trời: Giết chết chính đứa em trai “máu mủ ruột rà” của mình chỉ vì hai người có “lời qua tiếng lại” trong bàn nhậu. Sự việc đau lòng diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 28/08/2008 tại chính ngôi nhà của bà Yến. Lúc này Sinh đang ngồi lai rai với em trai, không hiểu vì câu chuyện gì mà anh em đang gật gù “chén chú chén anh” bỗng quay sang “cấu xé” nhau bằng lời nói khó nghe. Bất ngờ Sinh dùng tay xô ngã em xuống đất. Oan nghiệt thay cú đẩy khiến đầu đứa em đập mạnh vào cạnh tủ gỗ gây chảy máu. Thấy em gục xuống, gã điên chưa dừng lại và tiếp tục giơ chân dẫm đạp liên tục vào bụng em cho đến khi nạn nhân bất tỉnh.
Sau khi gây ra tội lỗi, Sinh bình tĩnh lấy nước lã rửa đầu nạn nhân khiến máu loang lổ khắp nhà. Đúng lúc này bà Yến trở về, thấy sự lạ bà hỏi thì đứa con cả đáp qua loa: “Nó say rượu ngã ấy mà” rồi thản nhiên bỏ đi. Về phần bà Yến, vào nhà thấy con út nằm bất động liền lay gọi nhưng đứa con chỉ rên rỉ xin mẹ cốc nước đá. Bà vội kêu cứu xóm làng nhưng đã quá muộn. Nạn nhân tắt thở khi đang trên đường được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Kết luận giám định pháp y cho thấy em trai Sinh bị chết do chấn thương vỡ gan gây mất máu cấp. Tháng 1/2010, một lần nữa đối tượng Lê Viết Sinh có tiền sử về bệnh tâm thần lại ra trước vành móng ngựa. Gã bị TAND huyện Phong Điền tuyên phạt 5 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Video đang HOT
Oái oăm thay bản án bị kháng cáo bởi chính mẹ ruột của hung thủ vì bà Yến cho rằng “nó làm khổ mọi người quá nhiều rồi, nay phải xử tù nó “dài hơi”". Trái ngược với nhiều bà mẹ có con bị tù tội thì ngày đêm mong con trở về, bà Yến lại “cầu khẩn” trước tòa cho con mình “bị ở tù mãi mãi”. Bà bộc bạch: “Tôi đau khổ lắm khi nói ra những lời đó nhưng tâm can tôi không đủ lòng tin ở đứa con trai “trời đánh” này. Bởi đã hai lần lạnh lùng giết vợ, rồi giết em, nếu một ngày nào đó nó trở lại xã hội, ai dám đảm bảo cho sự vụ tương tự sẽ không tái diễn”.
Ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra nửa năm sau đó, bà nhói lòng như cắt khi bị đứa con trai tội đồ quát thẳng vào mặt: “Mẹ mà lại có đề nghị kỳ cục như vậy, khác gì giết con như vậy sao?”. Trước câu hỏi ấy của đứa con tội lỗi, bà cúi đầu không nói nhưng giờ bà mới rơi lệ kể lại đằng sau sự im lặng ấy là cả một nỗi lòng chồng chất. Bà lo cho con cháu, lo lắng cho xóm giềng có thể bị quấy rầy bởi đứa con bất hiếu.
Trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận thấy hành vi của Sinh cực kỳ gây nguy hiểm đến xã hội nên đã chấp nhận tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Sinh lên mức sáu năm tù giam.
Bà mẹ khốn khổ chất gồng gánh nặng
Cuộc sống nhiều khi tạo ra những cảnh ngộ, những tâm trạng oái oăm và bà Yến là một trong những ví dụ cho minh chứng này. Trong cả hai phiên tòa xét xử đứa con mình, một mình bà co ro ở hàng ghế đầu tiên vì là đại diện “bất đắc dĩ” cho cả bị hại lẫn bị cáo. Xin cho con đi tù “dài dài” nhưng người mẹ ấy vẫn còn thương con lắm, khi phiên tòa kết thúc bà lão vét sạch túi được 50 ngàn đồng mua kẹo bánh gửi con theo xe tù chờ sẵn, thậm chí chẳng còn tiền đi xe buýt về nhà, may mắn có anh cán bộ Tòa án tốt bụng biết hoàn cảnh thì chở bà về. Từ đó đến nay dẫu nhớ con, thương con, mong một lần nhìn thấy mặt con nhưng cứ nghĩ đến ngày con trai ra tù bà lại bồn chồn ruột gan lo sợ.
Hết suy nghĩ, bà lại “lăn tăn” với câu hỏi không hiểu vì sao con trai bà gây hàng loạt tội ác. Bà mẹ cho hay từ nhỏ Sinh từng bị bệnh sài, ở đầu xuất hiện nốt sài lớn rất khó lành và thường xuyên rỉ máu. Không biết có phải do ảnh hưởng từ vết thương này hay không mà từ nhỏ tính nết Sinh khác hẳn so với các anh em trong nhà. “Anh Sinh bình thường ăn nói lưu loát, đối đáp lý sự nhưng cũng hay cáu gắt. Anh nhiều lần chửi bới, đánh bạn vô cớ lắm”, em gái Sinh nhận xét. Còn theo bà mẹ: “Nó càng ngày càng thay đổi tính nết, thấy lo lắng nên gia đình có đưa đi khám, mua thuốc cho uống nhưng nó nói rằng bản thân không bị bệnh việc gì phải thuốc thang”.
Những mâu thuẫn giằng xé nhiều năm, nhưng cuối cùng bà vẫn chọn một quyết định đại diện cho lợi ích chung, dù quyết định này của bà không thể thực hiện nổi. Bà từng nhiều lần băn khoăn với câu hỏi với câu hỏi nếu muốn cho con… tiếp tục ở tù thì phải làm sao nhưng “không tìm ra địa chỉ” nên viết đơn gửi đến Ủy ban xã. “Tui đã lên tận tòa án trình bày, cũng đã gửi đơn lên UBND xã nhưng không biết người ta xử lý thế nào mà chưa thấy trả lời gì hết”, bà lão kể lại.
Từ khi đứa con điên giết vợ, giết em trai rồi đi tù, một mình bà lão ngày đêm lam lũ làm đủ mọi công việc nuôi nấng năm cháu nhỏ là “tài sản” của đứa con tù tội để lại. Bà cho hay mấy bà cháu chỉ biết trông chờ vào 5 sào lúa nước phập phù năm được mùa, năm mất trắng. Do hoàn cảnh khó khăn nên hiện nay chỉ duy nhất một đứa cháu được đi học, tất cả những đứa khác đều phải nghỉ học đi làm thuê. “Không biết tui còn có thể nuôi thằng bé ăn học đến chừng nào”, bà Yến ngậm ngùi.
Bà lão dẫn tôi đến thăm ngôi nhà đã từng xảy ra án mạng. Cửa ngõ tan hoang, mấy khung sắt trơ trụi hen gỉ là những gì còn lại trong “ngôi nhà tội lỗi”. Cả chục năm nay bà lão không đủ can đảm ghé thăm nơi này, thậm chí đi ngang qua cũng không dám liếc mắt thoáng nhìn, nay có nhà báo tới thăm thì bà lão mới quay lại. Run run tay sờ tay lên cột ngôi nhà như chào lại một người quen cũ, bà lão lại áy náy: “Nó về rồi lại nhất định sẽ phát bệnh điên, không biết làm cách nào để “cái tạo” nó chú nhỉ?”.
Mê muội đổi lỗi cho ma ám
Tin bệnh tật một phần nhưng bà lão này cũng mê muội đổ lỗi cho “ma quỷ” đã “xúi” con bà gây nên tội. Bà mẹ cho hay chỗ đất con trai bà xây nhà vốn là ngôi miều thờ thần linh “rất thiêng”. Chủ nhân trước của lô đất ấy cũng vì chịu không nổi tai ương mà bỏ xứ ra đi, con trai bà chỉ là “người thế thân”. Một loạt “dữ kiện” được người mẹ già xâu chuỗi dể đi đến kết luận “thằng con tui bị ma ám”. Chẳng hạn như từ khi lập gia đình, trong thời gian chung sống cùng bà Yến thì quan hệ giữa vợ chồng Sinh vốn hòa hợp hiếm khi cãi vã lớn tiếng nhưng vừa chuyển ra sống riêng, dựng nhà lên khu đất mới đúng 13 ngày thì xảy ra biến cố.
Rồi cái hôm con trai út của bà bị người anh điên giết chết, bà day dứt đến tận hôm nay bởi: “Biết con mình tính khí thất thường nên đi đâu tui cũng theo sát thằng Sinh, bình thường 10h trưa tui đã có mặt ở nhà lo cơm nước nhưng hôm đó ra Ủy ban xã xin giấy chứng nhận cho cháu đi học nên mãi hơn 11h tui mới về đến nhà. Tội nghiệp thằng em, hôm trước đã từng bước chân lên xe vào Nam làm ăn nhưng tự dưng lại nhớ nhà nên xuống xe quay về. Nếu bữa đó nó không về thì đã không chết “.
Theo Giáo Dục VN
Hủ tục man rợ: "Tiêu diệt" người bị nghi "ma rừng đội lốt người sống"
Những người bị vu vạ "ma rừng đội lốt" sẽ bị dân làng tra tấn dã man như thời trung cổ: bị hỏa thiêu, chôn sống, hành quyết dưới sông, ném đá đến chết...
Đó là những hậu quả đau lòng của một hủ tục man rợ mang tên "cầm đồ thuốc độc" trong đời sống người dân tộc H'rê ở vùng miền núi huyện An Lão (tỉnh Bình Định).
Xã hội ngày càng hiện đại, những hủ tục lạc hậu tưởng chừng cũng theo đó mà mất đi nhưng ở miền xa xôi hẻo lánh nơi đồng bào dân tộc H'rê sinh sống vẫn âm ỉ tồn tại những quan niệm mê muội "nếu "ma rừng" nhập vào ai thì phải "xử đẹp" người đó". Tệ nạn cầm đồ thuốc độc bao năm qua vẫn là một vấn đề nhức nhối của chính quyền địa phương huyện An Lão.
Nhờ có sự giúp đỡ của công an mà cặp vợ chồng già này mới dám trở về nhà. Họ bị nghi là có "đồ độc" phải trốn vào rừng 4 năm nay
Quan niệm mê muội
Theo quan niệm lạc hậu còn lẩn khuất trong một số người dân tộc H'rê, người nào chứa những hũ lớn bỏ đá trắng, tóc, phân chim, răng người, máu gà, cây ma gang, xương gà, hoặc cây pageng (ngải rừng)... thì đích thị "kẻ đó "cầm đồ thuốc độc" có quyền lực vô song". Nếu họ ghét người nào họ chỉ cần lấy những thứ đồ đó lén bỏ vào nhà, thức ăn hoặc yểm bùa là người bị hại sẽ ốm chết.
Thế nên mới từng xảy ra nhiều vụ án oái oăm như có người xuống đồng bằng về vùng biển chơi, thấy con ốc hay cành san hô đẹp đem về chưng trong nhà thì người ta nghi dùng "đồ độc" nên bị cả làng đánh chết. Hình thức sử phạt người bị "vu vạ" man rợ như thời trung cổ: Chặt tay, nhấn nước, đốt hoặc đập phá nhà, bỏ lồng trôi sông... Những người mê muội còn "cãi cố" rằng "Vậy còn là "nhẹ nhàng" đấy. Ngày xưa gia đình nào có người ốm mà nghi là bị bỏ độc còn phải khiêng nhà sàn đi nơi khác ở, nhờ thầy "Pà Dâu" cúng sau đó phải giết người "bỏ thuốc độc" để cứu tính mạng mình".
Thực tế cho thấy nhiều vụ nghi cầm đồ thuốc độ đều có nguyên do xuất phát từ các buổi lễ, sinh hoạt chung của làng và "rượu vào, lời nhảm ra" dẫn đến bi kịch.
Trong một đám tang vào tháng 4/2002, ở Thôn 4 xã An Quang, vì uống quá nhiều rượu nên trong cơn say một bà lão tự cho rằng "Tao có thuốc độc chơi". Tình cờ một thời gian sau trong thôn có hai người bị ốm liên tiếp rồi qua đời vì bạo bệnh, cũng từ đây bùng phát lên trong thôn mối nghi ngờ "mụ ấy" bỏ thuốc độc trong dân làng. Sợ hãi bị dân làng giết chết nên bà lão này phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống, nay không rõ còn sống hay đã chết.
Cũng có những vụ án "cầm đồ thuốc độc" liên quan đến các đối tượng thầy "Pà Dâu" (thầy cúng" xúi giục đồng bào. Điển hình là trường hợp thầy "Pà Dâu" Đinh Văn Số bỗng dưng cho rằng bà lão Đinh Thị Doa (76 tuổi, ngụ xã An Dũng, là "ma cầm đồ thuốc độc". Kết quả là nạn nhân đã bị đám đông đánh gãy tay, dùng lá dừa khô chất quanh người rồi châm lửa đốt cho đến khi thịt da cháy khét ngất xỉu vì đau đớn. Sau đó, dã man hơn mọi người còn tập trung lại tra tấn bà như thời trung cổ, trói bỏ vào trong bao tải dìm xuống sông nhưng may mắn được cứu thoát vì chính quyền can thiệp kịp thời.
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, từ năm 2000 đến nay đã có gần 10 vụ án mạng xảy ra vì quan niệm mê tín "cầm đồ thuốc độc", tập trung nhiều nhất ở các xã An Trung, An Vinh, An Hưng, An Nghĩa. Đa số trong các vụ người gây án không chỉ có một người mà có đến hàng chục người, có khi cả làng cùng tham gia, đặc biệt có cả Đảng viên có chức có quyền trong làng xã. Họ mang gậy gộc, vũ khí, dao, rựa đến "tự xử" người bị nghi "con ma thuốc độc" đã hãm hại cuộc sống của người làng.
Bên cạnh đó, cũng có những vụ việc "ếch chết tại miệng" khi một số người muốn "thể hiện dũng cảm, bản lĩnh hơn người" dọa dẫm người khác nên lượm gạo cúng cơm của đám tang để nhai; ăn cơm cúng trên đầu người chết; nhặt đồ tùy táng... Những người dại dột muốn "thể hiện" này thường bị dân làng bủa vây đòi "xử" vì cho rằng đây là "tay sai của quỷ dữ", "phải diệt trừ con ma thuốc độc" và "oai" đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng đã từng có người bị đuổi khỏi bản làng, phải sống cô độc chui rúc một mình giữa rừng sâu.
Mang "án tử" vì... "chõ mũi" vào chuyện người khác
Những ngày lưu lại vùng cao này tìm tư liệu phục vụ bài viết, có những lúc khách đến thăm chợt cay đắng nhận ra sự thật là đôi khi mạng người ở đây bị những đối tượng mê muội coi rẻ. Có thể chỉ vì một câu nói, hoặc thậm chí từ một hành động tốt mà người ta bỗng phải nhận "án tử" chực chờ. Vụ việc của bà lão Đinh Thị Dô (ngụ xã An Trung) là một ví dụ.
Căn nhà của bà Dô, người bị nghi "cầm đồ thuốc độc" người hàng xóm nay đã thành căn nhà hoang. Những cánh cửa sổ, cửa chính của ngôi nhà cấp 4 bị đập bể hết kính, những khung sắt cong queo được che lại bằng một vài tờ báo dán tạm bợ; cây dại mọc hoang trước hiên nhà chứng tỏ chủ nhân đã bỏ đi từ lâu; ngôi nhà hoang trống trải vắng bóng người hiu hắt trong ánh nắng xế chiều. Cách đây gần một năm, chiều ngày 26/2/2011, khi người hàng xóm uống rượu say về đánh vợ, thấy chị vợ bị chồng đánh tàn bạo đến chảy máu đầu nên bà lão uất ức chạy ra can ngăn: "Tại sao mày có ăn học mà lại đánh vợ như vậy". Bị người hàng xóm vũ phu xô ngã xuống đất, bà lão cũng tỏ ra không phải "tay vừa" khi hô hoán: "Nó đánh vợ chảy máu, làng nước đến can ngăn đi".
Sự việc tưởng chừng sẽ chấm dứt ở đây khi vợ chồng vài ngày rồi lại làm lành, hàng xóm láng giềng một thời gian lại "tắt lửa tối đèn". Thế nhưng hậu quả thì không đơn giản như vậy, hơn một tuần sau đó, khi người chồng trở lại làm việc tại một trường đại học ở Đà Nẵng bỗng xuất hiện triệu chứng đau tức ngực, thở không ra hơi, nói không ra tiếng. Dù khi đến bệnh viện, bác sĩ đã khẳng định anh bị bệnh lao và gan, những căn bệnh này đã ủ lâu ngày trong người, nay mới bùng phát. Người làng thì không nghĩ vậy mà nhất quyết cho rằng bà lão Dô đã "Cầm đồ thuốc độc" trả thù người dám xô ngã mình. Nửa đêm họ đến nhà bà Dô đập phá, ném vỡ cửa kính và yêu cầu "giải độc cho con tao". Bị oan ức, nạn nhân tìm đến chính quyền nhờ can thiệp với lời trần tình: "Bản thân tôi không có thuốc độc, nếu có đánh chết thì tôi cũng không biết làm sao". Mặc dù được chính quyền giải thích nhưng người nhà anh hàng xóm vẫn khăng khăng ngông cuồng: "Sự việc này không có cấp, ngành nào giải quyết được".
Bà lão có nhà cửa đàng hoàng nhưng bỗng thành đối tượng "vô gia cư" khi không dám về nhà vì sợ bị giết, ban đêm bà ngủ nhờ nhà những người quen, ban ngày đi làm thuê kiếm ăn. Không may hơn nữa khi gần hai tháng sau ngày xảy ra việc bà "chõ mũi vào việc người khác" thì anh hàng xóm qua đời vì bệnh gan, những kẻ mê muội càng có cớ cho rằng bà chính là "con ma đội lốt người sống" và ráo riết "truy nã" bà. Đến lúc này thì chính quyền cũng bó tay, khuyên bà không nên về nhà trong thời gian này để bảo vệ tính mạng của bản thân cũng như trật tự ở địa phương vì chẳng lẽ lúc nào cũng phải cử một đội cảnh sát theo bà "hộ tống"? Đến nay, đã hơn nửa năm trôi qua, bà lão vẫn đi làm thuê ở huyện khác "rày đây mai đó" không dám đặt chân về làng. Khó khăn chồng chất khó khăn lên vai một phụ nữ tốt bụng chỉ vì "làm ơn mà mắc oán".
Chính quyền bối rối
Các cán bộ công an giải thích để đồng bào dân tộc hiểu không có chuyện "cầm đồ thuốc độc".
Đáng buồn hơn ở chỗ người ta nhận thấy có những bản làng khá nhiều người mang quan niệm mê muội này nên cơ quan chức năng khi vào cuộc thì gặp phải sự "kháng cự tập thể". Vụ án một cán bộ Hạt bảo dưỡng đường bộ huyện bị đánh chết năm 2006 là một ví dụ. Chuyện xảy ra khi trong một đám cưới, một người rượu say và nói nhảm: "Ơ chúng mày, dạo này thằng đó nó nói khác với người làng mình, nó làm khác với người làng mình, hay nó là đứa cầm đồ thuốc độc?". Chỉ một câu nói ngớ ngẩn như vậy đã thành chủ đề bàn tán của mọi người nên người anh vợ của nạn nhân đã hại chết em với "tuyên ngôn" : "Nó là đứa xấu. Tao đâm nó để nó không hại người làng nữa". Chính quyền địa phương khi có mặt để xử lý vụ việc đã không khỏi lúng túng vì khi đó cả làng bênh "sát thủ", cho rằng anh ta "đại diện ý nguyện của làng" nên "nếu công an xử nó đi tù thì cả làng đều đi". Họ không nói đùa, mà lục đục chuẩn bị kéo trâu bò, thóc gạo để... đi tù thật.
Thượng tá Nguyễn Duy Ánh, Phó trưởng Công an huyện An Lão cho biết: "Tất cả các vụ án đều xuất phát từ những nghi ngờ không có cơ sở khoa học, chỉ theo phong tục lạc hậu và sự xúi giục của một số đối tượng quá khích dẫn đến có những hành động vi phạm pháp luật. Trước đây bệnh nhân ốm chỉ biết để ở nhà, uống rễ cây chết, rồi bắt tội người khác cho là cầm đồ thuốc độc. Chính quyền đã thực hiện tuyên truyền, nếu đau ốm phải đến bệnh viện để xác định mức độ bệnh tật mà điều trị; không được tham gia tụ tập nghị kị lẫn nhau".
Cũng theo thượng tá Ánh, quan niệm sợ cái gọi là "cầm đồ thuốc độc" đã ăn sâu vào thiềm thức một số người H'rê nên chỉ cần một nhúm tóc và giẻ rách cũng có thể là nguyên nhân gây nên một vụ nghi kị với hàng chục người tham gia. Nếu xảy ra các vụ nhỏ, ít người tham gia thì xã trực tiếp xử lý, những vụ lớn thì huyện phải vào cuộc để ngăn chặn. Tệ nạn này âm ỉ tồn tại trong cuộc sống của người dân nên mỗi lần phát sinh phải giải quyết từng vụ việc ổn thỏa để ngăn chặn kịp thời, nếu không hậu quả sẽ khó lường được.
Ông Đinh Văn Nam, Bí thư Huyện ủy An Lão cho biết: "Hủ tục này tiềm ẩn từ nhiều đời này nên để "dẹp loạn" ngay thì rất khó mà phải thực hiện từng bước". Theo vị Bí thư này, công an huyện An Lão đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án " Ngăn chặn tệ nạn cầm đồ thuốc độc trong đồng bào dân tộc thiểu số" triển khai từ năm 2001-2011 và hiệu quả thực hiện cho thấy đã bước đầu giảm thiểu số lượng vũ án liên quan.
Chia tay huyện miền núi An Lão chúng tôi vẫn nhớ mãi những khuôn mặt khắc khổ, những ánh mắt dò xét thấp thoáng sau những cánh cửa khi chúng tôi đến nhà những nạn nhân của quan niệm mê muội. Lại nhớ đến trăn trở của một cán bộ công an huyện: "Đến nay, biện pháp mà các cơ quan chức năng áp dụng để giải quyết các vụ nghi kị cầm đồ thuốc độc vẫn chỉ là kiểm điểm, vận động, hòa giải, ăn thề theo phong tục của người H'rê. Nên chăng cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học như xã hội học, tâm lý học... nghiên cứu trên phương diện xã hội, tín ngưỡng, văn hóa bản địa... để tìm ra căn nguyên và có biện pháp ngăn chặn tiến tới triệt tiêu hủ tục này"?
Những án mạng vì lý do "trời ơi"
Trong đám tang của ông Đinh Văn Thức (Tổ 9, An Hưng) qua đời vì bệnh nặng, bà Đinh Thị Gây là người cùng thôn đĩu con nhỏ, gùi theo một ché rượu trắng đến viếng. Lúc này, em trai người chết từ dưới suối trở về chỉ vào mặt người phụ nữ nói: "Mày tới đây làm gì? Chính mày đã trù úm anh tao chết nên tao phải giết mày", rồi không kịp cho "đương sự" có một lời giải thích, đối tượng này đã vác dao hạ sát người phụ nữ vô tội đến chết.
Một vụ án khác xảy ra tại xã An Quang, trong tiệc tổ chức ăn mừng lúa rẫy của nhà em gái, bà Đinh Thị Gây đến đòi uống rượu mừng nhưng vợ chồng người em không còn đồ uống. Tức giận vì bị "phân biệt đối xử" nên người chị hăm dọa: "Vợ chồng mày chết đi, tao sẽ cho làng này một con bò to, mười lít rượu ngon để uống". Vin câu nói dỗi hờn đó nên sau đó vài ngày, khi cô em gái của Gây bỗng dưng đau bụng có thể vì bị... Tào tháo rượt nhưng cả làng nhất quyết cho rằng chính bà Gây cầm đồ thuốc độc. bà Gây được công an cứu kịp thời khi cả làng lao đến hung hãn đòi xử "phù thủy".
Theo thống kê của Công an huyện An Lão (Bình Định), từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra các vụ nghi cầm đồ thuốc độc. Trong thời gian 1990-1999 có 38 người bị nghi; 7/9 xã trong huyện có xảy ra nghi, nhiều nhất là xã An Trung (10 người bị nghi), An Hưng (9 người), An Quang (9 người)... Trong 38 người bị nghi nói trên, có 28 nam, 10 nữ; 5 người đã chết, 1 người đi khỏi địa phương. Hiện còn sống lại địa phương 32 người, trong đó có người cao tuổi nhất 90 tuổi, trẻ nhất 25 tuổi; 26 người là dân thường, 6 người là cán bộ đảng viên; có người bị nghi đi nghi lại nhiều lần.
Theo sách Văn hóa các dân tốc thiểu số Bình Định (NXB Thuận Hóa - 2000), người H'rê có số lượng người tương đối đông, xếp thứ 19 về mặt dân số trong danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Người H'rê chủ yếu sống ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, người H'rê có mặt ở 4 địa phương: Quảng Ngãi (trên 90.000 người), Bình Định (trên 7.000 người), Gia Lai (trên 400) và Thuận Hải (trên 100). So với các dân tộc khác ở Việt Nam, quá trình cố kết tộc người diễn ra ở người H'rê rất sớm và rất mạnh. Người H'rê coi miền Tây Bình Định và Tây Quảng Ngãi là vùng đất mà tổ tiên họ đã khai phá từ xưa. Bên cạnh việc canh tác nương rẫy, từ rất sớm người H'rê đã biết canh tác lúa nước theo phương pháp "dẫn thủy nhập điền". Trong các tiểu gia đình, tính phụ hệ được thể hiện rất rõ qua vai trò quan trọng của người đàn ông, còn vị thế của người phụ nữ trong xã hội rất thấp.
Theo Giáo Dục VN
Bà lão 36 năm vá xe đêm giữa Sài Gòn Vừa vá xe đêm, vừa điều khiển giao thông giúp người đi đường tránh kẹt xe là hình ảnh quen thuộc của bà lão đã gần 80 tuổi tại góc đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TP HCM). Bà là Nguyễn Thị Giới (77 tuổi). "Tiệm" vá xe của bà là một góc nhỏ bên lề đường được...