‘Dứt khoát không để dịch lây lan trong khu công nghiệp ở Đồng Nai’
“Tỉnh dứt khoát không để lây lan dịch tại khu công nghiệp và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Phải nghiên cứu phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại nhà máy”, Thủ tướng yêu cầu.
Chiều 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và công tác kiểm soát dịch Covid-19.
Sau thời gian khá dài không ghi nhận ca mắc Covid-19, đến sáng 27/6, Đồng Nai đã ghi nhận 10 ca F0 liên quan đến ổ dịch tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).
“Tỉnh dứt khoát không để lây lan dịch tại khu công nghiệp và đứt gãy các chuỗi cung ứng. Phải nghiên cứu phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại nhà máy”, Thủ tướng yêu cầu.
Nhiều nguy cơ do gần TP.HCM
Thủ tướng đánh giá mối quan hệ giữa Đồng Nai với TP.HCM và các tỉnh miền Đông rất chặt chẽ, xung quanh diễn biến phức tạp thì tạo áp lực cho tỉnh.
Báo cáo Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết toàn tỉnh có 1 triệu công nhân, nhưng 700.000 trong số đó là người ngoài tỉnh đến làm việc. Có công ty 40.000 công nhân, đa số ở các khu trọ.
Đặc biệt, mỗi ngày có 6.000 người từ TP.HCM đến Đồng Nai làm việc và 5.000 người từ Đồng Nai đến TP.HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai chiều 27/6. Ảnh: Phạm Ngôn.
“Sáng nay, tỉnh Đồng Nai đã cho phong tỏa tạm thời một khu phố có ca bệnh liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn. Dự kiến ngày mai, Đồng Nai sẽ ban hành chỉ thị tăng cường xét nghiệm cho công nhân từ tỉnh này đến TP.HCM, Bình Dương làm việc”, ông Cường cho biết.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ rằng bản thân ông đã dự tính dịch Covid-19 sẽ đến Đồng Nai trong tuần tới. Tuy nhiên, các ca F0 đã được phát hiện vào cuối tuần, sớm hơn dự kiến.
Tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đưa ra cảnh báo: “Từ 10 trường hợp liên quan đến chợ đầu mối Hóc Môn sẽ còn phát sinh nhiều trường hợp khác”.
Video đang HOT
“Phải căn cứ tình hình dịch tễ”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo diễn biến dịch Covid-19 tại Đồng Nai có chiều hướng tăng và phức tạp hơn. Địa phương này cần xác định rõ khó khăn để chuẩn bị tâm thế, cách làm. Đồng thời, tỉnh vẫn phải phấn đấu để đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội.
Đồng Nai cần căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn ưu tiên chống dịch hay phát triển kinh tế – xã hội. Phải xác định được ưu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
“Tôi đề nghị Đồng Nai kiên quyết thực hiện bằng được nhiệm vụ kép. Nhưng cần căn cứ tình hình cụ thể để lựa chọn ưu tiên chống dịch hay phát triển kinh tế – xã hội. Phải xác định được ưu tiên”, Thủ tướng yêu cầu.
Đề cập đến việc Đồng Nai từng bắt người về từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày, Thủ tướng nhận định địa phương đã “hoảng hốt, lo sợ”, đưa ra giải pháp không phù hợp rồi phải rút lại.
“Phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội phải căn cứ vào tình hình dịch tễ. Phong tỏa rồi thì phải thần tốc xét nghiệm. Thiếu nhân lực thì Bộ Y tế sẽ bổ sung”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai phong tỏa, cách ly phải căn cứ trên tình hình dịch tễ. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tương tự như gợi ý cho TP.HCM và Bình Dương, Thủ tướng cho rằng Đồng Nai có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà thay vì cách ly tập trung ở các cơ sở không đảm bảo, dẫn đến lây nhiễm chéo. Ông nhắc nhở cách ly tại nhà nhưng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện của Bộ Y tế.
Trong tình hình diễn biến phức tạp, Thủ tướng nhắc lại tinh thần chống dịch là chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, thực hiện xét nghiệm thần tốc, cách ly nhanh, điều trị tích cực và sớm ổn định tình hình.
Đánh giá Đồng Nai có vị trí rất chiến lược đối với khu vực và cả nước về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, Thủ tướng tin tưởng hệ thống chính trị cơ sở của địa phương này làm tốt thì mọi việc sẽ trôi chảy.
Dồn mọi nguồn lực để bảo vệ khu công nghiệp
“Chúng ta giữ được Đồng Nai yên ổn trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi. Đồng Nai chịu ảnh hưởng trực tiếp từ TP.HCM”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định tại cuộc họp.
Chia thật nhỏ sẽ quản được tốt. Làm vậy để khi dịch xảy ra ở điểm nào thì ngắt được điểm đấy.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng Đồng Nai phải luôn đặt mình trong trạng thái báo động cao, có tâm thế để chủ động ứng phó nhưng không hoang mang lo lắng.
Tỉnh Đồng Nai cần chuyển sang trạng thái chủ động, tấn công dịch. Mục tiêu quan trọng trước mắt là dồn mọi nguồn lực để bảo vệ khu công nghiệp và công nhân.
“Như chúng ta biết ở Bắc Giang dịch lây rất mạnh trong khu công nghiệp, rất khó khăn trong dập dịch. Đề nghị tỉnh yêu cầu các khu công nghiệp có kế hoạch phòng, chống dịch, chủ động nắm chắc tình hình”, ông Long phát biểu.
Đồng Nai là địa phương thứ 3 Thủ tướng tới làm việc trong chuyến làm việc với 3 tỉnh Đông Nam Bộ. Ảnh: Phạm Ngôn.
Cụ thể, tỉnh phải có biện pháp bảo vệ bằng được công nhân ở nơi cư trú. Trong các phân xưởng, cần chia nhỏ hoạt động sản xuất. Thay vì dây chuyền mấy trăm người, chia ra 30 người/nhóm.
“Chia thật nhỏ sẽ quản được tốt. Làm vậy để khi dịch xảy ra ở điểm nào thì ngắt được điểm đấy. Nhà ăn đông, công nhân xếp hàng dài, lại thông khí kém thì không đảm bảo được”, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý.
Ông Long đề nghị tỉnh thành lập các tổ Covid-19 do công nhân tự quản để kiểm tra, nhắc nhở phòng dịch. Cùng với việc áp dụng bộ xét nghiệm nhanh để truy vết thần tốc, tổ này sẽ được tập huấn để tự xét nghiệm cho công nhân.
Chặn dịch vào khu công nghiệp TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vào các khu công nghiệp ở TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam là rất lớn.
"Tình hình dịch tại phía Nam, đặc biệt ở các địa phương như TP HCM, Bình Dương và một số tỉnh khác khiến Bộ Y tế rất lo ngại", Bộ trưởng Long nói, sáng 26/6.
Ông cho rằng tại TP HCM dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc tìm ra nguồn lây cho nhiều ca nhiễm rất khó khăn. Ca nhiễm tại cộng đồng tiếp tục xuất hiện nhưng không phát hiện được nguồn lây. Các ca nhiễm cũng xuất hiện ở một số công ty tại khu công nghiệp, do đó nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp là rất lớn.
TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp, dễ lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế đặt trọng tâm phòng chống dịch tại khu công nghiệp, theo Bộ trưởng Long. Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn chi tiết về phòng chống lây nhiễm tại khu vực này, như khi chưa có ca nhiễm thì cần triển khai những biện pháp nào, khi phát hiện một ca nhiễm thì làm gì, khi có nhiều ca nhiễm thì triển khai phòng, chống dịch như thế nào... Các địa phương phải áp dụng theo hướng dẫn này của Bộ Y tế.
Bộ trưởng đánh giá thời gian qua, TP HCM có những biện pháp ứng phó tương đối sớm, kịp thời và chủ động. Tuy nhiên, TP HCM phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội , theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 thì cũng không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, tình trạng giao lưu đi lại giữa các khu vực lẫn nhau, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Chúng tôi nhấn mạnh cần phải chặt cả bên ngoài và chặt cả bên trong, có như thế mới có thể kiểm soát được tốc độ lây nhiễm", Bộ trưởng Long nói.
Vấn đề tiếp theo đối với TP HCM là phải triển khai chặt, quyết liệt hơn các biện pháp xét nghiệm và phải xét nghiệm trên từng quy mô phù hợp, tức là khu vực nào cần xét nghiệm toàn dân, khu vực nào chỉ xét nghiệm những đối tượng nguy cơ... Bộ trưởng nhấn mạnh không riêng TP HCM mà các địa phương phải tăng cường xét nghiệm. Đây là mấu chốt quan trọng để kiểm soát dịch.
"Khi xét nghiệm ra ca dương tính, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh, nguồn lây ra khỏi cộng đồng mới có thể nhanh chóng chặn nguồn lây", Bộ trưởng nói.
Bộ Y tế cũng đề nghị TP HCM tăng cường tầm soát tất cả người đến các cơ sở y tế , bao gồm cả bệnh nhân và người có yếu tố nguy cơ...
Biện pháp này cũng áp dụng ở các địa phương khác, "không nên ngần ngại thực hiện giãn cách" theo từng quy mô phù hợp với tình hình dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Ngọc Thành.
Về vấn đề triển khai tiêm vaccine chậm, Bộ trưởng cho rằng khâu chuẩn bị và kịch bản cho công tác tiêm chủng có những trục trặc ban đầu.
Ông nói: "Đây là lần đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nên chắc chắn không thể nào trơn tru được, TP HCM cũng đã có những thay đổi trong cách thức thực hiện, quy trình, tổ chức điểm tiêm. Chúng tôi hy vọng trong thời gian ngắn nữa, TP HCM sẽ đảm bảo tốc độ tiêm theo yêu cầu".
Bộ Y tế khuyến cáo TP HCM phải chia nhỏ các điểm tiêm, tổ chức tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm làm tăng nguy cơ lây nhiễm tại điểm tiêm đó.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương khác khi tổ chức chiến dịch tiêm chủng phải chia khung giờ để tiêm, chia nhỏ điểm tiêm đảm bảo giãn cách xã hội, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để tránh lây nhiễm.
Phó thủ tướng: 'Nếu dịch xâm nhập vào Đồng Nai sẽ cực kỳ khó khăn' Theo Phó thủ tướng, Đồng Nai nằm sát TP.HCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có giao thương lớn với Bình Dương nên nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ "cực kỳ khó khăn". Nhận định này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra trong cuộc họp...