Đường xưa lối cũ
Mùa thu khai trường, đường phượng bay vàng úa. Đường xa tít tắp, mùa hạ rót nắng chói chang, mùa đông lao xao lá đổ, mùa xuân chúm chím cúc vàng. Đường cũ đến trường đã bao mùa nằm đợi bước chân. Tháng năm không ở lại, tôi bây giờ mãi xa.
Thuở nhỏ, tôi đến trường bằng chiếc xe cup của ba. Tôi ngồi sau xe, tay khư khư ôm cặp sách, đôi khi ngắm lưng áo ba rồi dụi đầu vào đấy lơ mơ ngủ, đôi khi háo hức tìm mấy gương mặt quen thuộc cũng đang tản bộ hoặc ngồi trên xe máy, xe đạp, xe ba gác đến trường. Mỗi sớm mai, khi mặt trời thơm thảo ban phát những tia nắng vàng óng, khi gà trống đỏ mặt tía mào rống cổ gáy, con đường làng lại bắt đầu nhịp sống rộn rã. Trẻ con tíu tít gọi nhau đi học. Người lớn hối hả gánh rau xanh mướt, gánh khoai sắn lấm đất nâu vàng, gánh những lo toan, nhọc nhằn ra chợ. Bác nông dân lùa đàn trâu thủng thẳng ra sông tắm mát. Bà cụ rục rịch dọn hàng nước bé xíu dưới gốc cây già nua. Những hàng quán bày vài thức quà dân dã như kẹo lạc, bánh khoai, chè bột lọc và thứ nước trà pha đường phèn ngọt mát ấy luôn là niềm mê mẩn của tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng đi học sớm, ba ghé vào đấy cho tôi ăn kẹo và nhấp nháp trà ngọt còn ba trầm ngâm hút thuốc. Tôi mê tít những sáng yên bình như thế, đời ba tôi chẳng mấy khi thong thả nhìn con gái nhai kẹo, toét miệng khoe răng sún đen sì.
Đấy chỉ là ngày đẹp trời, quê tôi không thiếu những mùa thiên tai. Có năm hạn kéo dài, buổi trưa hai ba con chở nhau về nhà không đằng hắng nổi một tiếng dưới cái nắng trưa im ắng đến ngột ngạt. Nắng rát da, rát thịt bất chấp mọi lớp áo mũ khoác lên người, gió Lào hun hút thổi, cuộn lớp bụi đỏ bay tung mù. Tôi nép sau lưng ba, không dám hỏi bụi có làm mắt ba cay xè, không dám phá vỡ thứ im lặng bao quanh người ba. Những trưa như thế ba nghĩ nhiều về giếng nước nhà tôi, về giếng nước nguồn của làng. Có năm hạn to, cả làng lặng lẽ sống qua từng ngày khô khốc, nín thở chờ đợi từng cơn mưa. Mùa lũ, chiếc xe cúp ít khi được dùng, ba đón tôi bằng một chiếc ghe nhỏ, loại ghe tự chế hầu như nhà nào cũng có. Mấy đứa trẻ hàng xóm cũng đi ké ghe của ba tôi, ba mẹ chúng bận đi cứu hồ tôm trong cơn nước xả. Chúng tôi thích thú ngắm dòng nước lũ đỏ ngầu, thỉnh thoảng đụn lên từng vòng xoáy lăn tăn, huyền hoặc và bất tận. Tôi khoe với ba bất kỳ vật thể nào vớt lên được như cây bèo tây nở hoa tím ngắt hay chiếc giỏ mây của nhà nào đấy bị lũ cuốn. Ba mỉm cười nhưng ánh mắt chẳng bao giờ hết đăm chiêu.
Video đang HOT
Cấp ba, tôi trọ học xa nhà, ba sắm cho tôi một chiếc xe đạp, từ đấy một mình tôi tới trường. Tôi đi qua nỗi nhớ nhà, đi qua thời thiếu nữ trong veo. Nhà trọ tôi ở cách trường gần hai cây số. Mỗi sáng, vén làn sương mù thâm u và tinh khiết, tôi đạp xe ra khỏi thành nội bằng một trong những cửa thành cũ kỹ. Ngang cầu Tràng Tiền, sương đã tan nửa vời, trời cao và trong hơn, tôi thấy bình minh lẳng lơ dát bạc lên dòng Hương Giang sâu thẳm. Cổng trường trầm mặc đứng đó, sau đoạn đường xanh mướt vòm cây long não. Tôi thích ngày đầu tuần, con đường đến trường mong manh những tà áo trắng, tôi thấy tim mình cũng mong manh và hư hao ít nhiều trong những ngày như thế, tâm trí tôi còn lang thang hơn cả vạt áo dài phấp phới trong gió. Tôi nghĩ về đời sống, nghĩ đến tương lai, số phận, đôi khi nghĩ cả những nghệ sĩ sống xa tôi nhiều thập kỉ, họ để lại tiếng thở dài yêu thương nhưng đầy trăn trở. Sau này tôi biết tim mình đã không hư hao, chỉ là nó biết cuộn thành đường gấp. Tôi tin rằng tim cũng như não, nếp gấp phải chắt chiu từng ngày.
Sau này, tôi có thêm mấy đứa bạn thân, chúng tôi cùng đường đến trường, cùng chia nỗi lo lắng bài vở, chia những tiếng cười và mộng ước khờ khạo. Có lần cả lũ rủ nhau trốn học, đạp xe ngược lên Đập Đá, lang thang khắp vùng Vĩ Dạ yên bình. Tôi đã nghĩ những ngày tháng tươi đẹp ấy sẽ không bao giờ kết thúc. Rồi thời gian dạy tôi không gì là mãi mãi. Vào ngày cuối cùng đạp xe trên con đường đến trường, tôi nhận được lá thư để quên trong giỏ rằng có một người vẫn theo tôi đi, về nhiều ngày, nhiều tháng. Tôi đã không bao giờ biết mặt người chung đường đó nhưng tôi chưa từng quên nét chữ run run và mấy dòng thơ ngây ngô đề tặng.
Giờ tôi không còn đi đường xưa lối cũ, đường đời tôi bước rộng lớn nhưng rối ren hơn nhiều. Khi vấp ngã tôi thường nhớ ba mẹ đã lam lũ cả đời, mở cho tôi con đường đến trường, con đường chiêm nghiệm cuộc sống, chiêm nghiệm chính lòng mình. Đi qua là để lại. Tôi chưa để lại gì ngoài nhỏ bé và tuổi trẻ, tôi còn phải đi nhiều, để gửi lại yêu thương.
Theo VNE
Thương người khuất núi
An Nguyên tròn ba tuổi, nói líu lo như con chim nhỏ lắm lời. Một hôm em tròn xoe mắt hỏi "nội ơi núi rừng có gì?", Nội bảo có bạt ngàn cây xanh, bạn ngàn nắng gió. Hình như nội quên nhắc những nấm mồ.
Quê mình dựa lưng vào núi, trông ra biển. Người qua đời cũng lặng lẽ về ôm núi rừng mà ngủ giấc trăm năm. Người ở lại đỏ hoe con mắt ngóng núi. Nội lớn lên không kịp thấy mặt cha, chỉ ngơ ngác đứng bên nấm mộ cha xanh um cỏ. Kể về tuổi thơ mình, nội bâng khuâng nhớ "thời đấy khổ quá, chồng mất sớm, mẹ của nội đi thêm bước nữa để có nơi nương tựa nhưng được ít lâu ông phải ra chiến trường, rồi hi sinh. Nội còn mẹ với hai đứa em, cực khổ dắt díu nhau thế mà cũng qua thời loạn lạc...".
Nội đi lấy chồng chưa tròn một năm thì bà cố đã qua đời. 18 tuổi gánh vác cả giang sơn nhà chồng, để tang cha, tang mẹ, còn hai đứa em bé bỏng mồ côi, nội thấy đất như vụn vỡ dưới chân, càng đi càng nặng trĩu, bàng hoàng. Thương người khuất núi, nội không dám buông xuôi. Ngày làm việc quần quật, đêm giấu ít khoai, gạo lén đem về cho em. Sớm tờ mờ ra đồng cày cuốc, khuya khoắt dậy chong ngọn đèn tù mù mà làm nón, dệt vải. Nội thắt lưng buộc bụng, cố dành ra ít tiền cho các em ăn học.
Trong làng không ai chịu nhiều đàm tiếu bằng nội, không ai bị mẹ chồng coi thường, bắt bẻ nhiều như nội. Ai đời đi lấy chồng mà bòn rút của nhà chồng mang về nuôi em. Buổi chiều đi gánh củi ngang triền núi thâm u, nội ngồi lại bên nấm mộ của mẹ. Nội khóc. Rừng cây ngả màu tím tái, già nua, chim xao xác bay về tìm tổ, tiếng của chúng hoang hoải xé toạc rừng chiều. Những buổi chiều như thế xếp dài, xếp dài. Rồi cũng qua. Các em nội lớn khôn, người đi gõ đầu trẻ, người lên nông trường làm công nhân.
Nhưng cơn gió bất hạnh cứ thốc mãi vào đời nội. Bố An Nguyên qua đời, nội đưa tiễn người đầu xanh. Chú nằm khuất sau rặng núi già, quên hết nhân gian. Nội ở lại, sống thay chú ngày dài tháng rộng. Hết tang chồng, vợ chú ngập ngừng lên xe hoa. Cô sống một cuộc đời mới, thương một người mới, cố lau khô giọt nước mắt ngày cũ, bỏ lại An Nguyên nơi ngôi nhà cũ. Em lớn lên hồn nhiên, hay nói cười bởi có nội thương em, thương cả phần của cha mẹ.
Em hay lấy bàn tay bé bỏng vuốt ve đuôi mắt nội chi chít vết chân chim. Nội càng nheo mắt, em cười như nắc nẻ. Ngày sau em sẽ biết đôi mắt nội nửa đời chan chứa lệ. Ngày sau em sẽ hiểu ánh nhìn khắc khoải của nội khi chiều xuống, hiểu mùi nhang trầm tỏa khắp nhà lúc đêm về, hiểu bước chân nội già nua, chậm chạp đã bao lần tiễn người về bên kia núi đồi. Ngày sau em cũng giống naội, hay ngoái lại phía sau mà thương người khuất núi.
Theo VNE
Rủ bạn đi "đập đá", bị đâm tử vong Sau khi đến nhà để rủ bạn đi "đập đá", nhưng bị bạn từ chối, Lê Xuân Hùng liền buông lời thóa mạ, chửi bới. Không kiềm chế được tức giận, người bạn đã cầm dao đâm chết Hùng. Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 0h10 ngày 16/4, vào khoảng thời gian trên Lê Xuân Hùng (SN 1991), trú phường Đông Vệ,...