Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn: Thanh tra, Công an sẽ làm rõ đúng sai
Trả lời chất vấn của ĐBQH về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đội vốn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Sắp tới con số này sẽ được Thanh tra vào cuộc kiểm toán, kiểm tra thậm chí là Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng vào cuộc để làm rõ vấn đề phát sinh đúng sai.
Nếu những đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ảnh Vương Trần.
Sáng 5.6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bắt đầu “đăng đàn” trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba về xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém…
Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt các câu hỏi liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hiện nay đã hoàn thành 99%. Hiện nay, đang cố gắng kết thúc 1% còn lại để sớm đưa vào vận hành.
Lý giải về nguyên nhân đến nay dự án này đang còn chậm, ông Thể nói “thiết bị cung cấp 99%, các hạng mục cũng đã xong 99%, chỉ còn 1% hạng mục nhỏ xây lắp và đặc biệt là chứng minh được an toàn hệ thống”.
Liên quan đến vấn đề tổng thầu, vị tư lệnh ngành này cho rằng thực hiện theo Hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định chứ không phải thi tuyển hay lựa chọn.
“Quá trình thực hiện Bộ đánh giá tổng thầu này làm rất tốt nhưng vận hành đường sắt thì đang còn thiếu kinh nghiệm”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết và lý giải rằng khi thi công đường sắt và vận hành là hai việc khác nhau. Do đó, tổng thầu còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình vận hành đường sắt.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh quochoi.vn
“Phía Bộ cũng đã làm việc với Đại sứ quán, các cơ quan Bộ Giao thông Trung Quốc để cải thiện tình hình nhằm đưa dự án vào vận hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.
Về ý kiến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng từ 8.679 tỉ lên hơn 18.000 tỉ, Bộ trưởng Thể cho hay dự án này được phê duyệt từ năm 2009. Từ năm 2009 đến 2012 là những năm trượt giá, biến động lớn về kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, quá trình vận hành, triển khai, giải phóng mặt bằng cũng là yếu tố khiến dự án đội vốn.
“Sắp tới con số này sẽ được Thanh tra vào cuộc kiểm toán, kiểm tra, thậm chí là Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng vào cuộc để làm rõ vấn đề phát sinh đúng sai. Nếu những đơn vị nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt cùng các đơn vị liên quan cố gắng sớm vận hành đường Cát Linh – Hà Đông. Sau khi vận hành sẽ tiến hành kiểm toán, quyết toán, xử lý các số liệu liên quan.
C.NGUYÊN – Đ.CHUNG -T.TRUNG
Theo Laodong
Bộ trưởng GTVT: Người dân rất mong chờ tuyến Cát Linh-Hà Đông sớm khai thác
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, yêu cầu các đơn vị sớm đưa dự án vào khai thác...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (hàng đầu, bên trái) thị sát trên chuyến tàu chạy dọc tuyến
Vận hành thương mại cuối tháng 4/2019
Sáng 15/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, dự án đang trong giai đoạn cuối để chuẩn bị đưa vào khai thác, vận hành thương mại nên tổng thầu, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phải nỗ lực, phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành dự án.
"Người dân Hà Nội đang chờ dự án sớm đưa vào khai thác để đi lại thuận lợi, giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu các bên không cùng nỗ lực giải quyết, vướng mắc không được tháo gỡ, dự án tiếp tục kéo dài. Các đơn vị liên quan và tổng thầu phải có kế hoạch phối hợp giải quyết. Sau cuộc họp này, Ban Q:DA đường sắt phải liệt kê ra các công việc, những vướng mắc và chỉ rõ ai giải quyết", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiểm tra thực tế tại một nhà ga
"Tổng thầu phải thực hiện đầy đủ các công việc từ vận hành thử, đào tạo, xây dựng quy trình trì, bảo dưỡng... theo hợp đồng. Vì vậy, tổng thầu có trách nhiệm chính trong việc kết thúc dự án, các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ tích cực tổng thầu", Bộ trưởng nói và yêu cầu Cục Đường sắt VN hướng dẫn cụ thể cho tổng thầu, Ban QLDA về sát hạch, cấp giấy phép lái tàu và các chức danh công việc. Công ty Metro Hà Nội cần thường xuyên nắm bắt tình hình về đào tạo, tay nghề của các nhân lực đang được đào tạo thực hành và tiếp nhận bàn giao lâm quản từng phần để chuẩn bị cho vận hành dự án.
"Bộ GTVT, người dân mong muốn dự án sau khi vận hành thử 3-6 tháng có thể hoàn thành để đi vào khai thác thương mại. Vì vậy, tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019. Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách", Bộ trưởng chỉ đạo.
Các nhà ga đã lắp đặt xong cổng soát vé, chờ cài đặt phần mềm
Chưa hoàn thành vận hành thử
Trước đó, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt báo cáo Bộ trưởng cho biết, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, 1% còn lại gồm các hạng mục hoàn thiện công trình ga, Depot và một số hạng mục thiết bị, trong đó có hạng mục thẻ vé tự động AFC liên quan trực tiếp đến vận hành thử liên động dự án.
"Hiện Ban QLDA đang tiến hành họp giao ban hàng tuần với các đơn vị liên quan như: Sở GTVT Hà Nội, Metro Hà Nội, tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá chất lượng an toàn hệ thống; đồng thời bố trí các văn phòng tại Depot để đôn đốc thi công, nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận từng phần dự án", ông Phương nói.
Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA đường sắt, dự án được vận hành thử từ 20/9/2018, dự kiến hoàn thành sau 3-6 tháng, nhưng đến nay chưa hoàn thành căn chỉnh liên động 5 chuyên ngành: thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực và đường ray. Các chuyên ngành khác như: thang máy, thẻ vé, điều hòa thông gió... cũng đang chờ thi công xong để nghiệm thu đưa vào vận hành thử.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thị sát khu vực đào tạo thực hành điều độ chạy tại khu Depot
Liên quan đến công tác đào tạo nhân sự thực hành tại dự án, một số bộ phận như: lái tàu và điều động chạy tàu đang được đào tạo thực hành tại dự án. Còn một số bộ phận do chuyên ngành thiết bị chưa đưa vào sử dụng, chưa được thực hành trực tiếp trên thiết bị nên chưa đáp ứng theo kế hoạch. Về phương tiện và người lái, dự án còn thiếu hồ sơ kỹ thuật để chứng nhận đăng kiểm đoàn tàu; chưa xong công tác chuẩn bị để sát hạch, cấp giấy phép lái tàu.
Về phía tổng thầu, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án cho biết đang gặp một số khó khăn dẫn đến chậm tiến độ như: chưa có sự thống nhất giữa các bên liên quan trong việc thay đổi tham số thiết bị dự án, phê duyệt vật liệu bổ sung, chậm được giải ngân, thanh toán...
Trong khi đó, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, việc giải quyết các vướng mắc về hồ sơ, thủ tục phụ thuộc vào tổng thầu. Giá trị thiết bị hạng mục còn lớn, nhưng chưa thể giải ngân do công tác lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của tổng thầu chậm; chất lượng hồ sơ không đáp ứng được yêu cầu theo quy quy định của hợp đồng EPC.
Liên quan đến chuẩn bị đưa dự án vào khai thác, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Mettro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận) cho biết, dự án không có hạng mục trang bị thiết bị văn phòng như: bàn, ghế... nên cần được xem xét, giải quyết. Đồng thời, cần có tiêu chí kết quả đào tạo vận hành thương mại làm cơ sở để đánh giá trình độ nhân lực.
Theo Zing.vn
Đại biểu Quốc hội : Dân có phải trả tiền oan cho 222 năm thu phí của 61 dự án BOT không? Đại biểu Bùi Văn Phương nêu chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể : "Dân có phải "trả tiền oan" cho 222 năm thu phí ở 61 dự án BOT không?". Sáng 5/6, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhắc tới kết quả kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán...