Đường lậu “nóng” sông Châu Đốc
Tôi hỏi ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: “Nếu chọn một điểm hiện nay để “xem” đường nhập lậu thì nên chọn điểm nào?”. Ông Hải nói ngay không cần đắn đo: “Châu Đốc”!
Một điểm “xuống hàng đường” trên sông Châu Đốc. Ảnh: T.B
Sông Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang, đoạn từ thị xã Châu Đốc lên đến ngã ba rẽ vô kênh Bà Muỗi bên Campuchia chừng 3 cây số được xem là quãng sông “ nóng” nhất hiện nay về đường nhập lậu. Mỗi ngày ước tính có khoảng 300 tấn đường được “chảy” trên quãng sông này để vào Việt Nam trước sự thờ ơ của cơ quan chức năng.
Tôi về thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang) khi trời vừa chập choạng tối và bắt xe ôm đi ngay lên cánh đồng Vĩnh Nguơn – nơi tiếp giáp với biên giới Campuchia, những mong sẽ “chộp” được vài tấm hình ấn tượng về chuyện “vác đường lội đồng”. Nhưng anh xe ôm Nguyễn Thái nói rằng, “cảnh đó diễn ra cách đây 3 – 4 năm chứ bây giờ thì họ chuyển hướng rồi”, làm tôi cụt hứng.
Tuy nhiên, anh xe ôm vui tính đã mở cho tôi một lối thoát khi chúng tôi vừa đặt chân qua bên kia cột mốc biên giới, nơi Campuchia vừa xây xong một casino khá hoành tráng: “Nếu anh muốn đi xem đường lậu thì ngay sáng mai thuê thuyền đi trên sông Châu Đốc, vì bữa nay đi đường bộ bị “bịt” hết rồi”.
Đột nhập qua biên giới
Video đang HOT
Chỉ mất 10.000đ để “đóng xâu” cho ông gác cây cầu khỉ nối giữa hai nước Việt Nam – Campuchia là tôi đã đặt chân lên “đất bên ngoài tổ quốc” rồi. Tờ bạc màu vàng mệnh giá 10.000đ là có thể thay cho tấm hộ chiếu để sang một nước khác. “Xuất ngoại” mà như thế này, rẻ chưa từng có!
Đoạn kênh Ba Muỗi dẫn nước từ xã Pung Xăng, huyện Pray Chusa, tỉnh Tà Keo của Campuchia, chức năng của nó là để tưới cho cánh đồng Vĩnh Nguơn vào mùa khô hạn, nhưng từ ngày tình trạng buôn lậu tràn lan nơi vùng biên giữa Việt Nam và Campuchia, kênh Bà Muỗi thành đường vận chuyển hàng lậu thuận tiện nhất. Chị Thuôn Lung – người Campuchia nhưng nói tiếng Việt rất sõi – cho hay: “Trước khi xây casino thì đây là khu vực thuộc chợ Gò, nơi chứa đủ các loại hàng hóa từ Thái Lan sang để vận chuyển vào Việt Nam.
Cách đây 3 – 4 năm, chỗ này chưa có cột mốc biên giới, người dân trong khu vực ngầm hiểu về biên giới giữa hai nước để ứng xử trong việc buôn bán. Nơi đây cũng không có trạm biên phòng, mà lâu lâu cơ quan liên ngành của Châu Đốc mới đi kiểm tra đột xuất, nên việc đưa hàng hóa như tivi, đồ điện tử và các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là đường cát trắng sang Việt Nam rất thoải mái. Có thời điểm, nhà nhà buôn đường, người người buôn đường, từ già đến trẻ vác đường, họ đi trắng đồng”.
Ký ức về những năm “vác hàng lậu thoải mái” vẫn chưa phai trong lòng người đàn bà Campuchia ở vùng biên này, nhưng tình trạng tự do vác hàng lậu ồ ạt bằng đường bộ nay đã chấm dứt, vì ngay sát cột mốc biên giới đã có một trạm biên phòng của Việt Nam án ngữ.
Tôi dạo một vòng quanh chợ Gò, hàng hóa vẫn rất dồi dào, nhất là tivi và xe đạp cũ, nhưng tuyệt nhiên không thấy đường. “Vác bộ cùng lắm là được 50kg trẹo lưng, kiếm chừng 50.000 – 70.000đ nhưng nếu bị bộ đội biên phòng phát hiện và tịch thu, coi như mất 600.000 – 700.000đ như chơi, nên dân buôn đường lậu bèn chọn đường sông. Còn đường bộ chỉ buôn “cò con” thôi. Hầu như anh em biên phòng ở đây là người trong làng nên họ “lơ” cho. Cũng kiếm gạo qua ngày thôi mà” – anh Thái xe ôm phân tích.
Tình trạng vác đường qua đồng Vĩnh Nguơn nay không còn nữa.
Đường lậu “nóng” sông
Tôi quyết định thuê một chiếc thuyền du lịch với giá 200.000đ/giờ. Sau khi trao cho tôi tấm cạc ghi bằng hai thứ tiếng Anh – Việt, anh Nguyễn Văn B nhìn tôi bằng cặp mắt dò hỏi: “Anh đi chơi thì được chứ để viết báo, em không chở đâu, một triệu/một giờ em cũng không!”. Hỏi vì sao, B phân bua: “Đám buôn lậu vùng này rất hung hăng, nó thịt em như chơi nếu em tiếp tay cho nhà báo!”. Tôi trấn an: “Mình là khách du lịch, đi chơi cho biết vùng này chứ báo chí gì đâu mà anh sợ!”.
Nói đoạn, tôi nhét ngay máy ảnh vào túi. Thuyền chạy chừng 300m, đoạn ngã ba sông, nơi rẽ vô kênh dẫn về Núi Sam, bất ngờ một đám người từ trong nhà bước ra bến với vẻ mặt vừa trông ngóng vừa căng thẳng. Anh lái đò hất hàm về phía ấy, bảo: “Họ đợi hàng về kia kìa!”. Từ trong mép nhà nuôi cá lồng, một chiếc thuyền khẳm hàng từ bên bờ đông của sông Châu Đốc bất ngờ tăng tốc rẽ sang bờ tây. Đám người trên bờ vội vã bước xuống thuyền và nhanh chóng “giải phóng” số đường trong thuyền.
Rất nhanh chóng và… chuyên nghiệp! Không chen lấn xô đẩy ồn ào, họ làm công việc ấy vô cùng lặng lẽ và trật tự. Chưa được 10 phút, toàn bộ 50 bao đường trên thuyền đã “bay vèo”. Tôi rút máy hình ra chụp anh lái đò “một pô kỷ niệm”, nhưng kỳ thực là xoay ống kính về hướng có đám người vác đường. Anh lái đò cảnh giác: “Ấy chết anh Hai, họ cắt đường làm ăn em ngay!”. Tôi lại nhét máy ảnh vào túi…
Thấy tôi tỏ vẻ không quan tâm lắm đến chuyện đường, anh lái đò quên mất cảnh giác, bắt đầu buôn chuyện: “Hễ thuyền nào mà khẳm hàng, tủ bạt xanh, đi nép phía bờ đông, men theo các nhà nổi nuôi cá lồng trên sông thì đích thị là thuyền chở đường. Còn thuyền nào chạy nghênh ngang trên sông thì họ chở thức ăn cho cá đấy”.
Trên quãng sông chưa đầy 3 cây số ấy, chỉ 30 phút ngược sông Châu Đốc, tôi đếm cả thảy 22 thuyền chở đường lậu. Trung bình một giờ là 40 thuyền, mỗi thuyền chở 50 bao, đem số đó mà nhân lên cho một ngày thì lượng đường lậu đi trên sông Châu Đốc sẽ là… không kể xiết! Sông Châu Đốc đã “nóng” như thế từ vài tháng nay, nhất là thời điểm này, khi Tết Trung thu cận kề, các nhà làm bánh cần một lượng đường lớn mà giá đường trong nước thì vẫn cao hơn đường Thái đến 2.000đ/kg.
Bị đánh từ hai phía
Ông Nguyễn Hải – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam – lý giải: “Đường Việt Nam hiện nay đang bị “đánh” từ hai phía, một là đường lậu qua các cửa khẩu, hai là đường tạm nhập tái xuất. Tạm nhập, hiểu nôm na là các doanh nghiệp thương mại “mượn” đất mình để nhập vào, sau đó bán sang một nước thứ ba, cụ thể là bán sang Trung Quốc, vì bên đó đang sốt đường cục bộ.
Tuy nhiên, không ai có thể kiểm soát được có bao nhiêu doanh nghiệp thương mại “tự giác” trong việc “tái xuất” mà có những đơn vị chỉ tạm nhập rồi bán luôn ở trong nước, khiến thị trường đường của Việt Nam càng thêm chao đảo. Vì “tái xuất” thì giá cũng không hơn gì bán tại chỗ mà khỏi mất tiền vận chuyển, vì vậy, nhiều doanh nghiệp họ chọn cách “thuận tiện” nhất cho mình là bán luôn trong nước!”.
Tôi “tranh luận” với ông Hải, rằng do đường Việt Nam lúc nào cũng cao hơn đường Thái nên mới có tình trạng nhập lậu, nếu mình cũng hạ giá như họ thì đâu có tình trạng buôn lậu đường? Ông Hải phân tích, bên Thái, chính phủ họ có bảo hộ về giá, còn bên mình thì không. Với lại, nếu mình hạ giá đường theo họ thì buộc phải hạ giá mua mía, mà hạ giá mua mía thì khác nào tự sát! Thực ra, ngành đường cũng đã gồng mình lên để “giữ giá” bằng việc trợ giá mua mía cho nông dân, bất chấp giá đường hạ đến bao nhiêu đi nữa.
Theo ông Hải, bài toán về giá đường và chống đường lậu sẽ không tìm được đáp số, một khi tình trạng gian lận thương mại như chuyện “tạm nhập tái xuất” vẫn không được hậu kiểm một cách nghiêm túc hoặc đường lậu làm “nóng” các cửa khẩu mà cơ quan chức năng chống buôn lậu vẫn “giả vờ không biết”. Đúng như ông Hải nói, trong khi đường lậu chạy trắng sông Châu Đốc, nhưng một cán bộ của Đội quản lý thị trường số 4 ở Châu Đốc thì vẫn hồn nhiên trả lời khi tôi hỏi về tình hình chống buôn lậu 6 tháng qua: “Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chưa phát hiện ra vụ buôn lậu nào lớn, kể cả về buôn lậu đường!”.
Buôn lậu đường là câu chuyện không mới, nhưng chưa hề cũ. Nhưng chống buôn lậu cũng chỉ là giải pháp “phủi nóng” mà thôi. Chỉ khi nào giá đường trong nước không chênh lệch với đường Thái thì tình trạng buôn lậu mới được chấm dứt. Mà để “giá như nhau” thì bản thân ngành đường không thể giải được bài toán hóc
búa này.
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong năm 2011, có khoảng 300.000 tấn đường được nhập lậu vào Việt Nam. Năm 2012, với giá đường chênh lệch khoảng 2.000 – 3.000đ/kg, đường lậu từ Thái Lan lại có dịp ồ ạt nhập vào Việt Nam theo hai ngả chính: Từ biên giới Tây Nam mà vùng Châu Đốc – Tịnh Biên của An Giang được xem là tâm điểm và từ cửa khẩu Lao Bảo của tỉnh Quảng Trị.
Theo Lao Động