Dưỡng chất nào bảo vệ nướu răng?
Bệnh nướu răng (viêm lợi) là một trong những bệnh phổ biến, nhưng đa số người bệnh không biết mình mắc bệnh nên thường chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, nướu răng dễ bị chảy máu, sưng đỏ khi đánh răng hoặc tì mạnh, các giai đoạn sau đó, có thể dẫn đến tình trạng hàm răng lung lay và rụng răng do nướu răng bị tổn thương trầm trọng.
Để ngăn ngừa bệnh nướu, ngoài việc chăm sóc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khám răng định kỳ, vấn đề bổ sung các dưỡng chất cần thiết để giúp nướu răng khỏe mạnh rất cần được quan tâm:
1. Coenzyme q10
Coenzyme q10 xuất hiện tự nhiên trong cơ thể và còn được tìm thấy trong một số thực phẩm như: cá da trơn, thịt nội tạng, ngũ cốc nguyên hạt. Coenzyme q10 tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng và cũng là chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Theo nhiều nghiên cứu, Coenzyme q10 cũng có hiệu quả tích cực trong việc ngăn ngừa bệnh viêm nướu.
Nghiên cứu ở Nhật Bản do Trường ĐH Osaka thực hiện trước đây từng cho thấy, các bệnh nhân sau khi dùng kem đánh răng có chứa Coenzyme q10 trong vòng 3 tuần sẽ giảm hẳn các triệu chứng viêm nướu.
2. Vitamin C
Vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nướu. Từ thế kỷ 18, người ta đã nhận thấy triệu chứng bệnh nướu phổ biến ở các thủy thủ đi biển dài ngày vì chế độ ăn thiếu hụt trầm trọng vitamin C.
Video đang HOT
Vitamin C cũng là chất chống oxy hóa, cần thiết cho việc sản xuất collagen (thành phần chính trong mô liên kết ở xương và răng), ngoài ra còn giúp tái tạo xương. Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Journal of Periodontology, những người thiếu hụt vitamin C có nguy cơ cao mắc bệnh viêm nướu.
Nguồn thực phẩm dồi dào vitamin C có trong rau củ, các loại trái cây như: cam, quýt, bưởi…
3. Flavonoid
Ngoài đặc tính chống oxy hóa mạnh, Flavonoid còn có tác dụng rất hiệu quả trong việc ổn định cấu trúc collagen và giảm viêm nướu. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất này từ các thực phẩm chứa Flavonoid cao như: táo, nho, dâu, trà xanh…
Một dưỡng chất quan trọng không kém có thể giúp bạn bảo vệ nướu là Beta carotene – chất chống oxy hóa có khả năng chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Vitamin A cũng cần thiết cho quá trình sản xuất collagen. Những thực phẩm thiên nhiên có nguồn Beta carotene cao được tìm thấy nhiều trong: cà rốt, rau bina, củ cải đường, bí…
Ngoài ra, một số dưỡng chất khác như vitamin D, vitamin E, acid folic, canxi, kẽm… cũng có tác dụng trong việc ngăn ngừa các bệnh về nướu.
Theo Hải Ân
Phụ nữ/About.com
4 lý do bạn nên măm cà rốt
1. Beta carotene - Tăng cường hệ miễn dịch
Nhóm chất Beta carotene là sắc tố tự nhiên trong rau quả thường có nhiều nhất trong cà rốt. Đây là một trong khoảng 500 hợp chất được hiện diện ở nhiều trái cây và rau cải. Beta-caroten được tìm thấy chủ yếu trong các loại rau quả sẫm màu như màu xanh, đỏ, vàng, cam...
Đặc biệt khi vào cơ thể, beta caroten chuyển hóa thành vitamin A. Đây là chất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, nuôi dưỡng làn da và ổn định đường tiêu hóa, thúc đẩy tế bào tăng trưởng khỏe mạnh.
Vì beta-carotene là một chất chống oxy hoá vì thế nó rất có lợi trong cuộc chiến chống lại bệnh tim. Những nghiên cứu đều khẳng định, dùng liều cao beta caroten có thể giảm 45% nguy cơ bệnh tim. Đồng thời những sắc tố tự nhiên của rau quả này có tác dụng kích thích sự tạo lập sắc tố melanin giúp bảo vệ làn da hữu hiệu.
Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều cà rốt vì có thể gây vàng da ở lòng bàn tay bàn chân đấy. Cà rốt nên dùng loại tươi nhất, đã qua đun nấu (tốt nhất là luộc sơ qua). Ngoài ra cần phải nhai nhuyễn cà rốt khi ăn. Để việc hấp thu vitamin A từ thực phẩm được tốt hơn thì nên chế biến cùng một ít dầu, mỡ vì beta-caroten trong cà rốt được hòa tan trong chất béo.
2. Vitamin A - Vitamin của làn da
Vitamin A là tiền chất xuất phát từ carotene thể hiện vai trò chủ yếu ở da và các niêm mạc giúp hình thành và bảo dưỡng da, xương và răng. Ngoài ra chế độ ăn uống giàu vitamin A ở dạng beta carotene có thể giúp giảm nguy cơ ung thư nhất định.
Vitamin A có tác dụng giữ cho lớp biểu mô được toàn vẹn, điều hòa sự phát triển và biệt hóa của các tế bào biểu mô da. Như vậy vitamin A có tác dụng nuôi dưỡng lớp da. Hơn thế nữa, vitamin A và tiền chất của nó có tác dụng bảo vệ da chống tia cực tím thông qua việc khử các gốc tự do. Do đó, ngày nay vitamin A được nói nhiều trong các chế phẩm bổ sung uống hoặc bôi để giúp làm chậmtiến trình lão hóa da, đặc biệt là lão hóa da ngoại sinh.
Nguồn vitamin A được tìm thấy nhiều trong gan động vật, dầu gan cá, sữa, các sản phẩm bơ sữa, trứng. Vitamin A cũng được tìm thấy trong một loạt các loại trái cây màu cam và màu xanh lá cây đậm như rau cải, cà rốt, khoai lang, bí ngô, rau bina, củ cải xanh, mù tạt xanh và xà lách.
3. Alpha carotene - Ức chế khối u tăng trưởng
Đây là chất thường bị bỏ qua nhưng lại có thể tìm thấy nhiều trong cà rốt. Theo bài báo trong NCI Cancer Weekly thì chất caroten alpha còn có thể mạnh hơn beta caroten trong các quá trình ức chế khối u tăng trưởng.
Caroten Alpha đã được tìm thấy gấp khoảng 10 lần trong việc ức chế các khối u hoạt động hơn hẳn so với phiên bản beta carotene. Và hiện nay lợi ích của chất này với sức khỏe vẫn tiếp tục được nghiên cứu.
4. Phytochemicals - Chất bảo vệ chống lại bệnh tật
Được tìm thấy trong rau, quả và hạt, những trái cây, rau có màu sắc tươi sáng - màu vàng, màu cam, đỏ, xanh lá, xanh, tím có thể làm giảm nguy cơ ung thư, cản trở quá trình lão hóa, chuyển hóa cân bằng nội tiết và kháng virus, kháng khuẩn.
Phytochemical là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy nhiều trong thức ăn thực vật để bảo vệ chống lại bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy rằng phytochemicals nếu làm việc cùng với các chất dinh dưỡng được tìm thấy trong hoa quả, rau và quả hạch có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ nhiều bệnh, bao gồm ung thư, bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, đục thủy tinh, loãng xương và tiểu đường nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, nó cũng giúp chống ôxi hóa, điều chế các enzym giải độc, kích thích hệ miễn dịch, điều chế chuyển hóa hoóc môn, kháng khuẩn và virus.
Bạn có thể hưởng lợi từ tất cả các phytochemicals và chất dinh dưỡng được tìm thấy trong thức ăn thực vật nếu ăn 5-9 phần ăn trái cây và rau mỗi ngày và ăn nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành và hạt.