Được xây cao 6 tầng và 1 tầng hầm thì quá tốt, tôi hoàn toàn ủng hộ
Chỉ được phép cơi nới khi đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các con, chứ đừng nghiêng về lợi ích kinh doanh. Chúng ta phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 thì trường tiểu học chỉ được phép xây 3 tầng, nhưng không đề cập gì đến việc xây tầng hầm, nhưng thực tế hiện nay các trường đều rất khó khăn về cơ sở vật chất và đặc biệt là ở những trường trong nội đô, các khu đô thị lớn có quỹ đất hạn hẹp.
Chính vì những khó khăn thực tế đó đã dẫn đến việc quá tải sĩ số học sinh, học sinh phải nghỉ luân phiên vì không đủ lớp học, có trường đất hẹp nhưng lại không được xây cao tầng…vậy thì cần có sự sửa đổi về quy chuẩn xây trường học cho phù hợp với xu hướng chung của xã hội.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền: “Điều mà tôi luôn quan tâm nhất là những trang thiết bị dạy học hiện đại, tiện nghi và không gian để các con vui chơi nâng cao trí tuệ và thể chất, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học, mẫu giáo”. Ảnh: Tùng Dương.
Trước những vấn đề bất cập như hiện nay, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), đã chia sẻ quan điểm: “Tôi làm giáo dục và cũng có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, nhưng tôi không thể tưởng tượng được một lớp học có 60 đến 70 học sinh thì giáo viên sẽ dạy như thế nào?
Nếu quy định mới đây sau khi sửa đổi cho phép trường học được xây cao 6 tầng và làm 1 tầng hầm thì quá tốt rồi, tôi hoàn toàn ủng hộ việc đó vì nó phù hợp với thực tế hiện nay.
Tầng cao nhất là 6 và 7 chúng tôi làm các phòng chức năng, giáo vụ, hội trường, còn tầng hầm thì chúng tôi có thể bố trí làm khu vực bếp bán trú, hoặc nơi để xe.
Nhưng quan điểm của tôi thì có khác một chút, cá nhân tôi không quá nặng nề về vấn đề số tầng trường học đối với học sinh tiểu học. Nhưng tôi lại rất quan tâm đến vấn đề cần phải có khu vực dành cho các con vui chơi như phòng chức năng, sân bóng, sân cầu lông…phải thoáng, rộng rãi và đảm bảo an toàn.
Điều mà tôi luôn quan tâm nhất là những trang thiết bị dạy học hiện đại, tiện nghi và không gian để các con vui chơi nâng cao trí tuệ và thể chất, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học, mẫu giáo, đây là lứa tuổi các con cần có sự phát triển toàn diện.
Hiện nay xã hội phát triển không ngừng về công nghệ thông tin cũng như nhiều lĩnh vực thì phương pháp dạy học cũng đã khác, việc dạy và học không còn chỉ bó gọn trong 4 bức tường nữa”.
Rất nhiều trường học trong nội đô hiện nay còn thiếu không gian sân chơi cho học sinh. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Cô Hiền cho biết: “Việc lên cao tầng thì trong điều kiện nước ta hiện nay, nhất là các khu đô thị đông dân cư như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì nên nghiên cứu cho phép các trường được xây cao tầng.
Tuy nhiên nếu xây trường học cao tầng thì phải lưu tâm đến việc an toàn cho học sinh, vậy nên tôi thấy học sinh chỉ nên học từ tầng 5 trở xuống, tầng 6 và 7 dành cho các phòng làm việc của giáo viên, khu phụ trợ cũng như ban quản trị nhà trường.
Còn quy định mới cho chúng tôi cải tạo và sửa chữa những cơ sở cũ nâng thêm tầng, thì việc đầu tiên là tôi phải xem lại toàn bộ thiết kế cũ xem có đủ đảm bảo an toàn cho học sinh hay không, và cơi nới như thế nào.
Chỉ được phép cơi nới khi đảm bảo an toàn cho các con, chứ chúng ta đừng nghiêng về lợi ích kinh doanh, lợi ích trước mắt. Chúng ta phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết để cân nhắc rất kỹ việc này.
Nếu được phép thì cá nhân tôi sẽ phải mời các đơn vị chuyên môn đến thẩm định thực tế tại trường một cách cẩn thận, nếu như đơn vị đó phải đảm bảo an toàn chắc chắn cho chúng tôi cũng như công trình thì chúng tôi mới làm.
Tôi nghĩ những người lãnh đạo trường học có trách nhiệm và có tâm với sự nghiệp giáo dục thì đó là điều bắt buộc họ phải làm. Còn ngoại trừ những nhà giáo, những người chỉ quan tâm đến lợi nhuận thì tôi xin phép không bàn đến”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường: “Theo tôi thì học sinh lớp 8 trở lên thì có thể học trên tầng 5 và 6, còn học sinh lớp 7 trở xuống thì nên bố trí học từ tầng 1 đến tầng 4 là phù hợp, vì tầm tuổi này các em rất hiếu động”. Ảnh: Tùng Dương.
Như trường tôi thì bao nhiêu thang máy cho đủ?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội), cho biết:
“Tôi thấy nếu nhà nước có chủ trương cho phép các trường trong nội đô được xây lên 6 – 7 tầng và 1 tầng hầm như vậy là quá tốt, trong khi quỹ đất thì eo hẹp và thiếu. Đó là điều quá tuyệt vời và chúng tôi cũng mong lắm.
Còn tính về sự an toàn cho học sinh ở những trường cao tầng thì chắc chắn phải có những quy định kèm theo, và tôi nghĩ rằng các nhà quản lý trường đó bắt buộc phải tuân thủ tuyệt đối về công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, lan can bảo vệ… việc này không có ngoại lệ.
Nếu có tầng hầm thì chúng tôi sẽ làm nhà ăn, các phòng tập chức năng hoặc có thể để xe. Nhưng nếu để xe dưới tầng hầm thì cũng khá nguy hiểm về cháy nổ, chính vì vậy phải rất tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, có hệ thống cảnh báo cháy tự động cũng như đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ.
Quan điểm của tôi là tầng 6 và 7 nếu dùng làm phòng giáo vụ, các phòng của ban giám hiệu thì cũng hơi bất tiện cho việc khách cũng như phụ huynh đến làm việc với nhà trường. Nhưng nói chung là nên làm như vậy, còn từ tầng 5 trở xuống thì dành làm các phòng học.
Nhưng cũng phải đi kèm thêm với việc bắt buộc phải có thêm 2 cầu thang rộng rãi ở 2 đầu của tòa nhà để tiện cho việc thoát hiểm nếu như có tình huống xấu xảy ra.
Hơn nữa nếu trường học xây cao tầng thì có thể nghiên cứu làm thêm các khu vực vui chơi cho học sinh ở tầng giữa của tòa nhà, việc đó thuận lợi giúp cho học sinh không phải di chuyển xuống đến sân chơi ở tầng 1 trong những lúc nghỉ có thời gian ngắn”.
Theo thầy Cường thì có thể nghiên cứu làm thêm các khu vực vui chơi cho học sinh ở tầng giữa của tòa nhà. Ảnh: Tùng Dương.
Cũng theo thầy Cường: “Vấn đề nữa chúng ta cũng phải tính đến là nếu học sinh học ở tầng 5 thì lại liên quan đến việc di chuyển bằng thang máy, và học sinh tiểu học sử dụng thang máy thì đó là điều đáng phải cân nhắc.
Tôi nghĩ khi ra quy định cũ về số tầng thì các chuyên gia cũng có cái lý của họ, nếu cả chục em cùng vào thang máy thì thế nào, có sự cố thì thoát hiểm ra sao? Trong khi học sinh các em rất hiếu động, hay nghịch.
Trường xây cao tầng mà không có thang máy thì cũng không được, không lẽ mỗi thang máy phải cử một người trực vận hành trong suốt thời gian có học sinh. Mà như trường tôi có hơn 4.200 học sinh và hơn 300 cán bộ giáo viên thì bao nhiêu thang máy để phục vụ cho đủ?
Các trường đã xây theo quy định cũ từ 2 đến 3 tầng mà nay cho phép cơi nới thêm tầng cao thì theo tôi là không ổn, thứ nhất muốn xây cao tầng thì phần móng nhà phải rất tốt, trong khi những trường đã xây từ 15 năm nay mà mục đích ban đầu là xây 2 tầng thì phần móng hoàn toàn không đảm bảo.Theo tôi thì học sinh lớp 8 trở lên thì có thể học trên tầng 5 và 6, còn học sinh lớp 7 trở xuống thì nên bố trí học từ tầng 1 đến tầng 4 là phù hợp, vì tầm tuổi này các em rất hiếu động.
Nếu có gia cố để đủ chất lượng lên cao tầng thì cũng rất tốn kém, với những trường như vậy thì nên bỏ đi xây mới, vừa nhanh hơn cải tạo mà còn đảm bảo về an toàn, hơn nữa nếu làm 1 tầng hầm thì việc gia cố móng rất tốn kém và còn đi kèm với chống thấm, thông gió, thoát nước…
Vậy nên cho phép cơi nới thế nào thì nhà nước cần phải có nghiên cứu thật kỹ, chứ không nên cho làm đại trà mà phải là từng trường hợp cụ thể, tất cả phải đặt sự an toàn của học sinh lên trên hết”.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net.vn
Dễ dãi với độ cao chung cư, khắt khe với số tầng trường học, sĩ số thêm quá tải
Các cơ sở giáo dục ở các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư đều thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất xây thêm lớp.
Ngày 18/2, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Nhà trường trong đô thị - những quy định trói buộc về xây dựng cơ sở vật chất".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Đào Ngọc Tước - Phó tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết: Năm 2018, Thủ đô Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách.
Video: Bộ Xây dựng cần sửa đổi QCVN06 : 2010/BXD cho phù hợp thực tế
Tuy nhiên, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Năm học 2018-2019, số lượng học sinh lớp Một ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm trước đó.
Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em. Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em. Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sỹ số lớp học được đẩy lên cao.
Đối với các cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư đều thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học.Ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, nhiều trường sỹ số lên đến trên 60 học sinh/lớp, gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp.
Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Xây dựng cho phép nâng tầng một số trường học ở nội đô, nhưng phải tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết được vấn đề quá tải sĩ số trường công nội đô cũng như việc đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân ở các đô thị lớn.
Trong khi quỹ đất xây trường tại các đô thị ngày càng khó khăn, yêu cầu về số tầng trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06 : 2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010 liệu có còn phù hợp?".
Tới dự tọa đàm có các đại biểu:
Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.
Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội).
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế.
Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net.vn
Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy quan tâm phát triển du lịch UBND huyện Lạc Thủy(Hòa Bình) luôn quan tâm phát triển du lịch, kêu gọi, thu hút đầu tư nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch... Đến nay, huyện Lạc Thủy đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước; góp phần vào việc phát triển ngành du...