Được kết nạp Đảng trên chiến hào
Nhắc đến “Đất thép thành đồng” là nhớ về Củ Chi, vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát và những chiến công oanh liệt của một thời mưa bom, bão đạn… Củ Chi hôm nay đang khoác lên mình chiếc áo mới của ấm no, sung túc. Trong những bài học lịch sử của các em học sinh nơi đây, có một nhân vật luôn xuất hiện, đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (trong ảnh).
Me mất sớm, Út Đực (tên thường gọi của Tô Văn Đực) phải làm thuê, làm mướn nuôi thân. Năm 1960, Đồng khởi nổ ra, Tô Văn Đực, 20 tuổi, xin gia nhập lực lượng du kích xã Nhuận Đức. Hành trang theo anh vào cuộc chiến là nghề sửa xe đạp và kỹ thuật cơ giới học được từ những năm tha phương kiếm sống.
Chỉ huy Xã đội Nhuận Đức phân công Út Đực vào công xưởng sản xuất vũ khí của xã. Bằng dụng cụ thô sơ và những sáng kiến cải tiến của Tô Văn Đực, xưởng đã sản xuất ra các loại súng mô phỏng súng ngựa trời, súng trường, súng cạc-bin, súng K54 và côn 12 ly. Đầu năm 1965, tên tuổi Tô Văn Đực được biết nhiều hơn với chiếc mìn gạt chống các loại xe tăng M113, M118 vì loại vũ khí này gây ra nhiều tổn thất cho quân địch. Chuyện làm mìn gạt cũng diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Trận càn Crimp của Mỹ vào đầu năm 1966 có quy mô lớn với nhiều xe tăng, máy bay yểm trợ càn quét sâu vào vùng giải phóng. Từ các loại bom bi do máy bay Mỹ rải thảm xuống làng mạc còn sót lại, Tô Văn Đực đã sáng chế thành loại mìn gạt và chiến công đầu tiên là nhiều chiến xa M113, M118 của địch phải đứt xích, bỏ thây sắt ở chiến trường.
Từ kết quả này, việc sản xuất mìn chống tăng đã được phổ biến cho nhiều vùng để anh em du kích vừa trực tiếp chiến đấu vừa nâng cao chất lượng mìn. Chính vì thế, những trái mìn gạt, mìn gài, những bệ phóng bom bi ra đời… hàng loạt sau đó. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Tô Văn Đực được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 26 tuổi, lễ kết nạp diễn ra ngay chiến hào chống càn. Tô Văn Đực còn được tặng thưởng bốn huân chương các loại và các danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt xe tăng” bằng chính những trái mìn do mình làm ra. Đặc biệt, anh đã vinh dự được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
SAU giải phóng, Tô Văn Đực tiếp tục công tác tại Trung đoàn Gia Định. Năm 1992, ông về hưu với quân hàm trung tá. Thời gian đầu rời quân ngũ, ông mở một cơ sở cơ khí chuyên sửa xe cải tiến ở Hóc Môn để cùng vợ nuôi các con ăn học. Năm 2000, con trai lớn ra trường có việc làm ổn định, ông về quê nhà Nhuận Đức mua lại mảnh đất ruộng phèn sình lầy. Những ngày đó, người anh hùng trong cuộc chiến năm xưa ra sức tháo chua, rửa phèn, đào mương, lên liếp trồng cây ăn trái, trồng rau, nuôi heo. Để đầu tư cho sản xuất, ông đã dùng lương hưu của hai vợ chồng đi học hỏi kinh nghiệm và sưu tầm cây giống, vật nuôi ở các tỉnh, mang về nuôi trồng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ cũ kỹ đơn sơ mà ấm cúng, vợ ông (cũng là trung tá công an nghỉ hưu) bẻ nhành mận đầy trái mời khách. Vừa ăn mận vừa nghe tiếng lá hát xào xạc cùng tiếng gù của những con cu đất, chúng tôi như quên đi tất cả ồn ào của đô thị. “Về đây sinh sống, cứ mỗi chiều nghe tiếng chim kêu, lòng lại quặn thắt nhớ những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, nhớ những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến. May mắn là tui còn sống, chứng kiến được độc lập, thanh bình nên cho dù thế nào đi nữa tui cũng phải ráng để không phụ lòng anh em”- ông Út Đực tâm sự.
Với tinh thần của người chiến sĩ quân giới năm xưa, ông tìm lại đồ nghề cơ khí làm một số dụng cụ và mìn (mô hình), trao tặng Nhà truyền thống huyện Củ Chi để trưng bày. Là một nhân vật lịch sử, ông thường kể cho lớp trẻ về những ngày tháng chiến đấu ác liệt của quân dân Củ Chi anh hùng.
Trong những ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi lại tìm đến người “Anh hùng mìn gạt” huyền thoại, biểu tượng của Củ Chi đất thép năm xưa. 75 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, “Anh hùng mìn gạt” tiếp tục có những đóng góp cho quê hương. Tiếp xúc với ông, chúng tôi nhận ra sự bao dung, độ lượng và cốt cách của một anh hùng dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ trọn lời thề, khí tiết, kiên trung với cách mạng, với nhân dân.
Văn Tài
Theo_Báo Nhân Dân
Gặp "Anh hùng thông tin" thành cổ Quảng Trị năm xưa
Sau nhiều lần xung phong đi lính mà không được nhập ngũ do thiếu cân nặng, ông Thoảng đã nhét gạch vào người để được vào quân ngũ. Nhờ mưu trí, đảm bảo thông tin, ông được phong Anh hùng khi chỉ vừa tròn 20 tuổi...
Video đang HOT
Ông là Mai Ngọc Thoảng (SN 1953) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người được mệnh danh là "con chim đầu đàn" trên mặt trận thông tin trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Nhét gạch vào người để đủ cân đi bộ đội
Trong những ngày cả nước đang rộn ràng kỷ niệm 69 năm ngày Quốc Khánh của đất nước (2/9/1945 - 2/9/2014), chúng tôi đã có dịp đến thăm và trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Anh hùng LLVTND) Mai Ngọc Thoảng, quê Thanh Hóa, để được nghe ông kể và ôn lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc.
Người lính "Anh hùng thông tin" Mai Ngọc Thoảng chụp ảnh năm 1972, sau 81 ngày đêm chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.
Căn nhà ông Thoảng nằm sát bên con phố nhỏ ở phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn. Đón tiếp chúng tôi tại nhà riêng là người đàn ông có mái tóc đã bạc trắng, dáng người thấp đậm. Tuổi đã ngoài 60 tuổi, dù bị thương tích đầy mình do chiến tranh nhưng ông vẫn còn rất nhanh nhẹn và hoạt bát. Cái danh "con chim đầu đàn" trên mặt trận thông tin tại Thành cổ Quảng Trị mà ông được phong tặng quả không hề sai.
Ông Thoảng sinh ra và lớn lên tại Chiến khu Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa trong gia đình có 8 anh chị em. Bố ông là một người lính dân công hỏa tuyến, tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường nên ngay từ nhỏ ông đã nung nấu ý chí được vào quân ngũ đi đánh giặc như cha mình. Chính vì thế mà khi chưa học xong lớp 8, chàng thanh niên nhỏ con đã xung phong để được vào quân ngũ, ra chiến trường.
Ông Thoảng nhớ lại: "Lúc đó trong xã có đợt tuyển quân, mấy lần tôi xung phong đi nhưng không được vì tôi còn là học sinh, mới 17 tuổi, người cũng gầy, nhỏ bé, chỉ có 38kg. Vì thấy tôi quyết tâm đi bộ đội nên nhiều người "mách nước" là bỏ gạch vào người cho đủ cân mới được đi. Tôi làm theo và đã tăng từ 38kg lên 43kg, thế là được đi bộ đội theo mong ước".
Nhà báo Tào Hòa - PV Phòng phát thanh Quân Đội (Đài Tiếng nói Việt Nam) phỏng vấn ông Thoảng sau khi có thành tích xuất sắc giữ vững thông tin trận chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Sau khi vượt qua được vòng tuyển quân, ông Thoảng lên đường nhập ngũ huấn luyện rồi được đưa vào Đại đội 18, Trung đoàn 42, Sư đoàn 320B (nay thuộc Sư đoàn 390). Đơn vị của ông được điều động tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, với nhiệm vụ đảm bảo đường dây thông tin phục vụ chiến đấu.
Thời gian bắt đầu cùng đơn vị vào chiến trường tham gia cuộc chiến giải phóng Quảng Trị là những ngày tháng chiến tranh cam go và ác liệt nhất trong đời lính của ông Thoảng. Trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị là kỷ niệm ông không bao giờ quên được.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, biết bao người con của đất Việt đã hi sinh anh dũng trên mảnh đất thiêng Quảng Trị. Biết bao đồng đội của ông đã nằm lại nơi dòng sông Thạch Hãn. Chiến công vẻ vang của bản thân góp vào chiến thắng tại Thành cổ Quảng Trị không phải là lí do chính mà mỗi năm ông Thoảng đều đặn quay trở chiến trường xưa.
Anh hùng LLVTND Mai Ngọc Thoảng với di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi trở lại chiến trường xưa không phải là để sống mãi với cái danh hiệu mà mình đã có được ở nơi đây. Trở lại là để gặp lại những đồng đội cũ, để tri ân những người đồng đội của tôi, những người đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên mảnh đất này. Đó là ký ức lớn nhất trong đời mà tôi không bao giờ quên được", ông Thoảng chia sẻ.
Anh hùng thông tin tuổi 20
Ký ức về "thời hoa đỏ" của ông Thoảng cùng đồng đội là từ năm 1972, khi đơn vị ông chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, đặc biệt là chận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ. Đơn vị của ông phải ngày đêm lăn lộn xông pha tiền tuyến, nơi nguy hiểm nhất để kết nối liên lạc trên khắp các chiến trường.
Kỷ niệm mà ông Thoảng nhớ nhất tại trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị cũng là chiến công mà ông đã chiến đấu anh dũng và được công nhận là Anh hùng. Ký ức đó, ông Thoảng khắc ghi mãi trong cuộc đời mình, đến ngày hôm nay ông vẫn nhớ như in.
Ông Thoảng bên tấm hình chụp lưu niệm ngày được ra thăm mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 95 tuổi năm 2005.
Ông Thoảng bên những tấm hình ghi lại một thời oanh liệt và Danh hiệu Anh hùng LLVTND treo trang trọng trong căn nhà nhỏ.
"Vào giữa tháng 7 năm 1972, quân địch đánh chiếm ác liệt tại Quảng Trị. Chính vì thế mà thông tin liên lạc giữa trận địa với Sở chỉ huy liên tục bị đứt. Anh em đồng đội trong đơn vị tôi hi sinh nhiều lắm nhưng vẫn không sao nối được liên lạc. Thông tin trực chiến bị đứt quãng liên tục làm cho chiến trường mất phương hướng. Lúc đó, nếu không nối được liên lạc thì sẽ thương vong rất nặng nề, thậm chí có thể mất cả trận địa".
Ông Thoảng kể tiếp: "Khi được giao nhiệm vụ ra trận địa nối lại dây liên lạc bị đứt, tôi tự nhủ bằng giá nào cũng sẽ quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Sợ tôi cũng hi sinh như những đồng đội khác, anh em trong đơn vị đã làm lễ tiễn biệt, "truy điệu sống", coi như tôi đã hi sinh. Khi tôi tới trận địa, bom địch trút như mưa ở sông Thạch Hãn. Mặc cho bom đạn bắn phá tôi vẫn quyết bơi ra giữa sông để tìm đầu giây bị đứt".
Lúc đó, khi đã tìm được đầu dây bị đứt nhưng ông Thoảng cũng không biết phải làm sao nối lại được. Trong đầu ông nghĩ, nếu có nối bình thường như những người đồng đội đi trước thì bom địch cũng đánh cho đứt tiếp, thông tin liên lạc lại bị mất.
"Một ý nghĩ đã lóe sáng trong đầu tôi. Tôi nghĩ ra cách dùng miệng mình để ngậm hai đầu dây bị đứt nối chúng lại để thông tin được thông suốt, còn lại hai tay và hai chân thì bơi để giữ thăng bằng. Mặc cho bom Mỹ bắn phá liên tục, có lúc tưởng chừng tôi sẽ không tránh khỏi được cái chết, nhưng may mắn đã luôn ở bên tôi. Mọi người ở đơn vị không thấy tôi về cứ nghĩ tôi đã chết nhưng không hiểu sao thông tin vẫn thông suốt được. Khi xong nhiệm vụ, tôi trở về đơn vị, ai cũng bất ngờ mừng đến phát khóc", người Anh hùng thông tin nói.
Hành động mưu trí của ông đã làm cho thông tin được thông suốt từ Sở chỉ huy đến trận địa. Một điều đặc biệt nữa là vào thời điểm ông đang dùng miệng ngậm nối dây liên lạc, bơi giữa sông cũng là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện chỉ huy trực tiếp chiến dịch.
Anh hùng thông tin Mai Ngọc Thoảng ngày ấy bây giờ.
Sau này ông Thoảng cũng mới được biết điều này và nghe kể lại, Đại tướng đã nhắc nhở đơn vị của ông và ra lệnh: "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn" (Quang Sơn - biệt hiệu đơn vị của ông Thoảng), và tuyên dương thành tích đã đạt được khi giữ vững liên lạc, trong đó có thành tích của ông Thoảng.
Thành tích phi thường của ông Thoảng đã góp công lớn vào chiến thắng 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Một năm sau ngày ghi công, vào ngày 23/9/1973, ông Thoảng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Lúc này ông Mai Ngọc Thoảng mới tròn 20 tuổi.
Sau khi đất nước hòa bình ông Thoảng được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau trong quân đội. Nhiệm vụ nào ông cũng vượt qua, đạt thành tích tốt. Năm 1987, người "Anh hùng thông tin" lập gia đình cùng với bà Nguyễn Thị Lan (SN 1956) quê huyện Hà Trung.
Hai ông bà sinh được hai người con gái. Năm 1993, ông Thoảng về hưu, được người dân khu phố bầu làm một số công tác trong chính quyền địa phương cho đến bây giờ...
Thái Bá
Theo Dantri
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ gặp mặt nhân dịp 69 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Hôm nay 16-8, Bộ Công an tổ chức Lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân; đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể, cá nhân và phát động phong trào thi đua đặc biệt hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân,...