Dùng thuốc ngừa thai sao cho đúng?
Công dụng của thuốc ngừa thai (TNT) nằm trong tên gọi, nhưng trên thực tế, ngày càng nhiều người khai thác tác dụng phụ của thuốc.
Thay vì NT, họ dùng để chữa mụn, bệnh phụ nữ… Cũng có người kết tội thuốc này là nguyên nhân của nhiều loại bệnh, kể cả bệnh vô sinh.
Một bạn gái bị mụn đầy mặt đi khám bác sĩ (BS) da liễu. Sau khi chẩn đoán, BS này cho bạn dùng TNT. Kết quả mỹ mãn, làn da của cô mịn màng như uống phải thuốc tiên. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm. Không ít cô gái đã tự kê toa TNT cho mình để có làn da mịn “như da em bé”. Điều mà những người tự làm BS rút ra được là: hên – xui. Hên thì hết mụn, xui thì tìm đến Bệnh viện Da liễu để… điều trị tiếp. Không chỉ dùng để trị mụn, TNT còn được dùng để làm hồng hào, mịn da… điều chỉnh kinh nguyệt.
Những người sử dụng thuốc với mục đích này cho rằng trong TNT có nội tiết tố, chỉ cần uống theo đúng kiểu NT là điều hòa được nội tiết tố trong cơ thể. Do đó những triệu chứng rong kinh, hay kinh nguyệt không đều TNT đều điều chỉnh được!
Đã có người, sau thời gian khá dài dùng TNT đến khi muốn có con lại lâm vào cảnh… “chờ hoài không thấy”, và họ cho rằng đây là hậu quả của việc sử dụng TNT khi còn trẻ (!?). Người ta cũng quy kết cho TNT là đã gây ra đau đầu, buồn nôn, đau tức đôi gò bồng đảo, nám da!
TNT có thể làm đẹp da, hết mụn? BS Huỳnh Huy Hoàng – BV Da Liễu TP.HCM cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây mụn. Những trường hợp da mặt bị nhờn, nổi mụn do nội tiết tố hoạt động “quá mức” thì dùng TNT hiệu quả. Tuy nhiên với những nguyên nhân gây mụn khác như: thức khuya, ăn uống, vệ sinh da mặt không đúng cách, lỗ chân lông bị bít… thì TNT không có tác dụng”.
Video đang HOT
TS Lê Thị Thu Hà – BV Từ Dũ TP.HCM giải thích về việc dùng TNT trị rong kinh như sau: “TNT dạng uống mỗi ngày một viên, trong thành phần của thuốc có cả hai loại nội tiết là estrogen và progestin có tác dụng điều hòa kinh nguyệt nên có thể dùng trong những trường hợp rong kinh chức năng. Nếu rong kinh, rong huyết do nguyên nhân thực thể thì không tác dụng. Các loại TNT uống khác như NT khẩn cấp, NT dành cho bà mẹ đang cho con bú (chỉ có progestin) thì không có tác dụng kể trên. Các loại TNT khác như: dạng tiêm, dán, cấy que cũng không làm điều hòa kinh nguyệt được.
Riêng viên TNT khẩn cấp chỉ có tác dụng đúng với tên gọi của nó, tức là chỉ dùng khi gặp “sự cố”, chẳng hạn như bao cao su lủng, quan hệ ngoài ý muốn. Tuyệt đối không được dùng TNT khẩn cấp thường xuyên hay trị mụn bởi loại thuốc này không những gây rối loạn kinh nguyệt, rất khó điều trị mà tỷ lệ NT nếu lạm dụng cũng không cao, chỉ khoảng 86%”.
Về vô sinh, BS Nguyễn Hữu Trung – Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định: “TNT không gây vô sinh, điều này đã được các nhà khoa học chứng minh. TNT chỉ ức chế buồng trứng trong thời gian sử dụng thuốc, khi ngưng dùng TNT, buồng trứng hoạt động trở lại bình thường”. Còn về ý kiến dùng TNT để có làn da đẹp, BS Nguyễn Hữu Trung khuyên: “Nếu chỉ vì làm đẹp mà sử dụng TNT thì không nên. Tốt nhất, chỉ dùng thuốc khi vừa muốn NT vừa muốn làm đẹp da”.
Trên thị trường có nhiều loại TNT, mỗi loại thuốc đều có ưu khuyết, có loại “hiền” với người này nhưng lại “dữ” với người kia. Ví dụ, TNT dạng chích có ưu điểm ngừa được ba tháng, không cần nhớ uống thuốc mỗi ngày nhưng lại gây vô kinh và rong kinh cho một số trường hợp. Que cấy NT hiệu nghiệm trong ba năm có nhiều ưu điểm như tiện lợi cho người sử dụng nhưng cũng làm cho một số ít người bị ra huyết kéo dài, tăng cân…
Vì vậy, trong lần đầu dùng TNT, nên có sự tư vấn BS. Sau một thời gian sử dụng cũng cần đi khám và tư vấn thêm. Bên cạnh đó, những phụ nữ trên 40 tuổi được các BS khuyên không dùng TNT tổng hợp mà nên dùng nội tiết tự nhiên để tránh nguy cơ bệnh tim mạch.
Theo Phương Nam
Phụ nữ
Phát hoảng vì vô kinh sau tiêm thuốc ngừa thai
Uống thuốc hằng ngày thì dễ quên, đặt vòng lại dễ viêm... nên chị Phương chọn tiêm thuốc tránh thai. Thế nhưng sau hai lần tiêm, chị lo lắng vì cả năm sau vẫn chẳng thấy "đèn đỏ" trở lại.
Chị Phương cho biết, sau khi vỡ kế hoạch sinh cậu con trai thứ hai chỉ cách cô con gái đầu một năm, chị luôn bị ám ảnh về việc lỡ dính bầu. Vì thế, khi mới sinh được hai tháng, chị đã quyết phải tìm một biện pháp tránh thai hiệu quả cho mình. Thế nhưng, đặt vòng thì chị không hợp vì hay bị viêm nhiễm, uống thuốc hằng ngày lại hay quên, chồng chị thì nhất định không chịu dùng bao cao su vì anh cho rằng như thế chẳng còn cảm giác gì. Sau vài lần "yêu" mà vẫn thấp thỏm cảm giác lo lắng, chị Phương đã tìm được giải pháp cho mình: tiêm thuốc tránh thai, mỗi mũi có tác dụng trong ba tháng.
Sau mũi tiêm thứ nhất, chị Phương thấy mất kinh và cảm giác rất thoải mái vì vừa không lo có thai ngoài ý muốn, lại vừa không phải trải qua những ngày "không sạch sẽ". Thế nhưng, niềm vui biến thành nỗi lo khi mũi tiêm sau chị tiếp tục không thấy kinh, và kể cả khi dừng tiêm, tới vài tháng sau chị vẫn chưa có chu kỳ trở lại.
Cũng cùng chung tâm trạng này, là trường hợp của vợ chồng anh Đức (Gia Lâm, Hà Nội). Sau đám cưới, vì vợ còn bận học nốt cao học, chồng phải quay cuồng với công ty riêng vừa thành lập nên cả hai chưa muốn sinh con. Đi tư vấn, chị Nhàn, vợ anh Đức được một cô y tá tại phòng khám sản phụ khoa tư nhân khuyên nên tiêm thuốc, vừa tránh thai hiệu quả, vừa không lo bị quên. Sau khi tiêm gần một tháng, chị Nhàn thấy có máu đen lây rây suốt mười mấy ngày. Đi khám, chị được bác sĩ cho biết mình bị rong kinh và cho thuốc uống. Thế nhưng, vừa chữa được rong, thì chị lại mất kinh luôn ròng rã suốt thời gian sau đó.
"Kể từ lúc tiêm thuốc đến giờ là một năm rồi mà tôi vẫn chưa có kinh trở lại. Bây giờ, vợ chồng tôi đang mong có con, trong khi vừa rồi đi khám, bác sĩ cho biết, nang trứng của tôi mỏng, niêm mạc thì bị teo, nên tôi chưa thể có kinh và có con được. Tôi thấy hoang mang vô cùng, chỉ sợ mình bị vô sinh", chị Nhàn thổ lộ.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (phố Thái Hà, Hà Nội), thuốc tiêm tránh thai cũng như các loại thuốc tránh thai khác, tức là một loại thuốc nội tiết gây ức chế sự rụng trứng. Đây là loại thuốc tránh thai hiện đại, có hoóc môn progestin liều 150 mg. Ưu điểm của thuốc là tránh thai được lâu (3 tháng khi tiêm một mũi), hiệu quả cao, tới hơn 99%.
Bác sĩ cho biết, về lý thuyết, biện pháp tránh thai này có thể dùng cho bất cứ phụ nữ nào ở lứa tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai tự chọn.
Tuy nhiên, vì thuốc này có liều dùng cao, hấp thu chậm và khó đào thải khỏi cơ thể nên thời gian hồi phục khả năng có thai sau khi dùng thuốc cũng chậm hơn so với các biện pháp thông thường khác (như đặt vòng hay uống thuốc tránh thai hằng ngày...). Vì thế, thông thường, các bác sĩ giàu kinh nghiệm khuyên những phụ nữ chưa có con không nên sử dụng biện pháp tránh thai này.
Một trong những tác dụng phụ khác của thuốc, khiến không ít chị em từng dùng hoang mang là hay gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh.
"Thực chất, việc mất kinh trong thời gian tiêm thuốc, hay sau đó, không phải là điều gì đáng ngại lắm, vì hầu như không gây hại, nhưng nó lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý phụ nữ, khiến họ cảm thấy bất an và không ít người sợ sẽ không còn khả năng sinh con sau đó", bà Dung nói.
Theo bà, khi thấy những biểu hiện như vô kinh kéo dài, chị em không nên quá lo lắng bởi thông thường, chỉ sau một thời gian, hiện tượng này sẽ tự hết.
Ngoài ra, cũng bởi thuốc có tác dụng kéo dài, nên nếu cảm thấy không hợp, bị tác dụng phụ không chịu đựng được thì lại không thể đưa thuốc ra nhanh khỏi cơ thể.
"Mỗi biện pháp tránh thai có những ưu, nhược điểm riêng, vì thế, trước khi áp dụng bạn cần tìm hiểu kỹ xem loại nào phù hợp với mình để lựa chọn, tránh những rắc rối sau đó. Để yên tâm hơn, bạn nên đến gặp những bác sĩ sản phụ khoa giàu kinh nghiệm để được tư vấn. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy có bất kỳ hiện tượng bất thường nào bạn cũng có thể gọi cho bác sĩ để nhận được lời khuyên hữu ích", bác sĩ chia sẻ.
Bà cũng tâm sự, thực chất, đa số các bác sĩ sản phụ khoa đều ít khi tư vấn cho bệnh nhân dùng loại thuốc tiêm này, "không phải bởi vì nó không hiệu quả hay không tốt bằng các loại khác, mà bởi những tác dụng phụ của nó khiến nhiều chị em không chấp nhận được và chúng tôi thường rất ngại khi cứ phải giải thích đi giải thích lại với họ rằng việc vô kinh trong khoảng thời gian ngắn không có hại gì đâu".
Theo Vương Linh
Vnexpress
Teen và chuyện giải quyết hậu yêu đương Lứa tuổi đến bệnh viện bỏ thai nhiều nhất là độ 20 đến ngoài 30 tuổi. Trong số những chị em đến bỏ thai mỗi ngày, luôn thấp thoáng chen lẫn bóng dáng vài cháu tuổi vị thành niên. Chuyện quan hệ nam nữ trước hôn nhân bây giờ thoáng hơn, nên đưa đến việc phải giải quyết hậu quả yêu đương ngày...