Đừng quên tuần mới có đến 2 “ông trùm” khu công nghiệp lên sàn
Tuần mới có 6 doanh nghiệp với hơn 470 triệu cổ phiếu lên sàn, trong số đó có Idico – doanh nghiệp vừa tiến hành IPO hơn 2 tháng trước và đang trong quá trình chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Tuần mới từ 20/11 đến 24/11/2017 có 6 doanh nghiệp sẽ đưa hơn 470 triệu cổ phiếu mới lên gia nhập sân chơi UpCOM. Trong số đó, có lẽ 2 ông trùm khu công nghiệp là Idico và Sonadezi được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
Hai tháng sau IPO, Idico đã đưa cổ phiếu lên sàn
Ngày 24/11, hơn 55,3 triệu cổ phiếu IDC của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – TNHH MTV (Idico) sẽ chính thức giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 23.940 đồng/cổ phiếu – bằng đúng giá trúng thầu bình quân trong phiên IPO tiến hành ngày 5/10 vừa qua.
Trong phiên IPO, Idico đưa hơn 55,3 triệu cổ phiếu ra đấu giá lần đầu ra công chúng. Có 656 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua, lượng đặt mua gấp 5 lần lượng chào bán. Số cổ phần Idico đăng ký giao dịch trên UpCOM đúng bằng số cổ phần chào bán trong phiên IPO.
Theo đề án, dự kiến sau cổ phần hóa, Idico có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 36% vốn điều lệ tương ứng 108 triệu cổ phiếu; bán ưu đãi cho người lao động 1,69 triệu CP (0.54%); còn 55,3 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai (tương đương tỷ lệ 18.44% vốn điều lệ); chào bán 135 triệu cổ phần (45% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược.
Ngay sau phiên IPO, Idico cũng đã tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Trong danh sách 3 nhà đầu tư “lọt vào vòng chung kết”, chỉ có 2 nhà đầu tư được chọn là SSG Group và Bitexco Group. Số cổ phần 2 nhà đầu tư này đăng ký mua là 90 triệu cổ phần. Nhà đầu tư không được chọn là Kinh Bắc City, nguyên nhân do công ty này “không đáp ứng đủ điều kiện trong hồ sơ đăng ký”.
Việc Kinh Bắc City bị loại phút cuối làm “dư” 45 triệu cổ phiếu dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược. Idico đã lên phương án chào bán số cổ phiếu còn lại này, đồng thời thông báo cho SSG Group và Bitexco để có phương án đăng ký mua thêm.
Kết quả kinh doanh, năm 2016 Idico đạt 4.422 tỷ đồng doanh thu, giảm sút 4% so với năm trước đó. Tuy nhiên nhờ khoản thu tài chính 254 tỷ đồng, tăng 144 tỷ đồng so với cùng kỳ và khoản chênh lệch lợi nhuận khác hơn 110 tỷ đồng nên kết quả năm 2016 Idico lãi sau thuế gần 450 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm 2015.
Tính đến 31/12/2016 Tổng tài sản Idico đạt 12.517 tỷ đồng, giảm hơn 1 nghìn tỷ đồng so với đầu năm; tổng nợ phải trả gần 9.000 tỷ đồng, giảm 1.280 tỷ đồng trong đó dư nợ vay ngắn hạn còn 404 tỷ đồng và dư nợ vay dài hạn còn 2.382 tỷ đồng, giảm một nửa so với đầu năm.
“Của để dành” của Idico gồm gần 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, còn 603 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 16 tỷ đồng trong quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và 1.294 tỷ đồng là vốn khác của chủ sở hữu.
“Ông trùm” khu công nghiệp tại Đồng Nai lên sàn
Sonadezi là doanh nghiệp chuyên đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và dân cư; đầu tư theo hình thức BOT, BT các công trình giao thông, tổng thầu xây dựng, tư vấn khảo sát thiết kế và thi công các công trình xây dựng.
Sonadezi có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng tương ứng 376,5 triệu cổ phiếu lên sàn UpCOM trong ngày thứ 2 đầu tuần 20/11 với mã chứng khoán SNZ. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.900 đồng/cổ phiếu.
Sonadezi tiến hành IPO đưa 131,33 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng từ tháng 12/2015. Tuy nhiên, nhà đầu tư không mấy quan tâm khi chỉ… 1% tương ứng khoảng 1,33 triệu cổ phần được bán thành công với giá bình quân 10.508 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 Sonadezi đạt 1.662 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ cho thuê khu công nghiệp đạt 162,4 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt 634,2 tỷ đồng, đóng góp 38% doanh thu; doanh thu bán hàng đạt 525,5 tỷ đồng, chiếm 32% tổng doanh thu; còn lại là doanh thu khác.
Doanh thu từ cho thuê khu công nghiệp nửa đầu năm nay giảm 63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng giảm 28%. LNST thu về 245 tỷ đồng, tăng 111% so với nửa đầu năm ngoái.
Video đang HOT
Tính đến 30/6/2017 Sonadezi còn hơn 568 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, ngoài ra còn “của để dành” là 105 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần; 355 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển; 52 tỷ đồng trong quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và gần 20 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc chủ sở hữu. Tổng cộng tài sản đạt 15.284 tỷ đồng, tăng 850 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả 9.045 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ ngắn hạn 796 tỷ đồng, và dư vay nợ dài hạn 2.605 tỷ đồng.
Petrolimex Land mang theo gần 20 tỷ đồng lỗ lũy kế lên sàn
Cũng trong ngày 20/11, 10 triệu cổ phiếu PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng dầu cũng sẽ lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.500 đồng/cổ phiếu.
PLA là công ty bất động sản Petrolimex (Petrolimex Land), thành lập tháng 9/2005 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Đến tháng 3/2010 công ty chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn gấp đôi lên 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ĐHCĐ thường niên năm 2016 đã thông qua việc tái cấu trúc lại công ty theo hướng giảm vốn điều lệ xuống còn 100 tỷ đồng bằng cách hoàn trả vốn góp cho cổ đông hiện hữu. PLA đã đăng ký lưu ký chứng khoán 10 triệu cổ phiếu.
Tính đến 18/8/2017 Petrolimex Land có 5 cổ đông lớn sở hữu 84,95% vốn điều lệ trong đó riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nắm tỷ lệ chi phối 51%.
Kết quả kinh doanh của PLA không được khả quan khi 2 năm liên tiếp 2015 và 2016 đều báo lỗ lần lượt 33,6 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016 vốn chủ sở hữu công ty còn 97,7 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 100 tỷ đồng. PLA cũng ghi nhận còn lỗ lũy kế gần 20 tỷ đồng đến hết năm 2016.
Doanh nghiệp nuôi, kinh doanh cá sấu lên sàn
Ngày 24/11, CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex) cũng đưa 11,7 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán FRM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.200 đồng/cổ phiếu. Trong số này có 4.161.200 cổ phiếu đang thuộc diện bị hạn chế giao dịch – đây là số cổ phiếu ESOP và 4,1 triệu cổ phiếu phát hành cho nhà đầu tư chiến lược GTNfoods.
Tháng 12/2015 công ty tiến hành IPO đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 5/2016. Từ khi cổ phần hóa đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Cơ cấu cổ đông của Forimex cũng rất cô đặc khi 4 cổ đông lớn sở hữu đến 96,21% vốn, bao gồm cổ đông chiến lược GTNfoods (35,04%); Tổng công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (26,21%); bà Nguyễn Thị Mai Lan (16,85%) và bà Trịnh Thị Hương (18,11%).
Ngoài hoạt động trồng rừng, trồng cây cao su, Forimex còn nuôi kinh doanh cá sấu, thịt cá sấu, sản xuất kinh doanh da cá sấu… Hiện công ty có 3 trại nuôi cá sấu và showroom trưng bày sản phẩm tại quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh và tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
Một doanh nghiệp có cái tên khá lạ là CTCP Tô Châu sẽ đưa 10 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TCJ từ 24/11/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.800 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp thủy sản – CTCP Tô Châu: giá chào sàn 2.800 đồng/cổ phiếu
Một doanh nghiệp có cái tên khá lạ là CTCP Tô Châu sẽ đưa 10 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán TCJ từ 24/11/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 2.800 đồng/cổ phiếu.
CTCP Tô Châu được thành lập từ việc góp vốn của 3 thành viên sáng lập, với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, trong đó riêng Tổng công ty Lương thực Miền Nam góp 70% vốn. Tháng 6/2007 công ty tiến hành tăng vốn điều lệ lên 55 tỷ đồng, và năm 2008 công ty tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Từ đó đến nay chưa tiến hành tăng thêm vốn.
CTCP Tô Châu là thành viên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và phòng công nghiệp thương mại Việt Nam VCCI. Công ty hiện hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chế biến đông lạnh thủy sản và thức ăn thủy sản.
Năm 2016 công ty mua vào 192 tấn cá tra nguyên liệu và 207 tấn cá fillet; lượng cá tra fillet bán ra 440 tấn, nhận gia công 9.344 tấn cá fillet; gia công 16.443 tấn thức ăn. Doanh thu năm 2016 đạt hơn 105,5 tỷ đồng, còn lợi nhuận thu về 2,8 tỷ đồng.
Năm 2017 công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 95 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 1 tỷ đồng. Về sản lượng, dự kiến xuất khẩu 450 tấn; gia công 6.500 tấn cá fillet.
Trong ngày 20/11, sàn UpCOM còn đón nhận hơn 8,64 triệu cổ phiếu PBK của CTCP Điện lực dầu khí Bắc Cạn. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Trí thức trẻ
Sau một tuần sôi động, NĐT đừng quên tuần mới có thêm 7 mã cổ phiếu chào sàn
Việc chỉ số Vn-Index lên bám sát ngưỡng 870 điểm vào cuối tuần qua cũng là một điểm nhấn để nhà đầu tư chờ đợi một tuần giao dịch mới.
Tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến khá nhiều kỷ lục được lập nên khi hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của Vincom Retail lên sàn. Kỷ lục đầu tiên là thanh khoản sàn HoSE đạt mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập, với 575 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương ứng 20.220 tỷ đồng. Dù không khớp lệnh một đơn vị nào nhưng VRE được thỏa thuận 415 triệu cổ phiếu tại giá 40.600 tỷ đồng, tương đương 16.849 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại mua 396,6 triệu đơn vị và bán 260 triệu đơn vị.
Tuần qua, ngày 6/11 cũng là ngày sàn HoSE đạt thanh khoản lớn thứ 2 trong năm 2017 với 6.244 tỷ đồng tương ứng 170 triệu cổ phiếu (bao gồm cả thỏa thuận).
Dư âm của tuần giao dịch vừa qua đọng lại lớn nhất nằm ở cổ phiếu VRE. Còn tuần mới từ 13-17/11/2017 có đến 7 doanh nghiệp đưa gần 76 triệu cổ phiếu lên sàn. Điều chắc chắn, tuần này sẽ khó có cổ phiếu tạo tiếng vang lớn. Tuy nhiên, việc chỉ số Vn-Index lên bám sát ngưỡng 870 điểm vào cuối tuần qua cũng là một điểm nhấn để nhà đầu tư chờ đợi một tuần giao dịch mới.
Trong 7 cổ phiếu lên sàn tuần tới, có đến 3 mã cổ phiếu niêm yết trên HNX bao gồm hơn 9,3 triệu cổ phiếu BTW của Cấp nước Bến Thành; 10,9 triệu cổ phiếu NBW của Cấp nước Nhà Bè và 20 triệu cổ phiếu DTD của CTCP Đầu tư và Phát triển Thành Đạt. Còn lại 4 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Doanh nghiệp ngành xây dựng - CTCP Đầu tư và Phát triển Thành Đạt
Toàn bộ 20 triệu cổ phiếu DTD của công ty sẽ niêm yết trên HNX từ 16/11/2017 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu. Thành Đạt là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây dựng cơ bản, thương mại bê tông thương phẩm và một số hoạt động khác.
Tiền thân là một công ty xây dựng, thành lập năm 2001, đến nay qua 4 lần tăng vốn, tháng 8/2016 Thành Đạt nâng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng như hiện nay. Tính đến 15/9/2017 Thành Đạt có 2 cổ đông lớn, đều là 2 lãnh đạo công ty, sở hữu 23% vốn điều lệ.
Xây lắp 1 - Petrolimex
Ngày 14/11, toàn bộ 11,5 triệu cổ phiếu PCC của CTCP Xây lắp 1 - Petrolimex cũng lên niêm yết trên HNX. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 20.100 đồng/cổ phiếu.
Xây lắp 1 - Petrolimex tiền thân là Công ty Xây lắp 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, là đơn vị xây lắp chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam chuyên nhận thầu xây lắp các công trình tiếp nhận, vận chuyển và cấp phát sản phẩm dầu mỏ... thành lập tháng 3/1969.
Năm 2001 công ty chuyển thành công ty cổ phần và đăng ký công ty đại chúng từ tháng 6/2007. Lần gần đây nhất công ty tiến hành tăng vốn điều lệ vào đầu năm 2017 này, lên 115 tỷ đồng như hiện nay.
Tính đến 25/7/2017 PCC1 có 3 cổ đông lớn nắm giữ 50,44% vốn điều lệ công ty, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sở hữu 30%; Tổng CTCP Bảo hiểm sở hữu 10% và cá nhân ông Phạm Minh Tâm sở hữu 10,43%.
Cấp nước Nhà Bè
Đáng chú ý, có đến 4 doanh nghiệp ngành nước cùng lên sàn tuần tới trong xu thế chung doanh nghiệp ngành nước rầm rộ lên sàn thời gian gần đây. Toàn bộ 10,9 triệu cổ phiếu NBW của Cấp nước Nhà Bè chuyển giao dịch từ sàn UpCOM sang niêm yết trên HNX. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 16.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 9/11 vừa qua, toàn bộ số cổ phiếu NBW cũng đã bị hủy đăng ký giao dịch trên UpCOM. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM là 19.000 đồng/cổ phiếu.
Cấp nước Nhà Bè được CPH từ doanh nghiệp Nhà nước và chính thức hoạt động theo hình thức CTCP từ tháng 1/2007 với vốn điều lệ ban đầu 109 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.
Cơ cấu cổ đông của Cấp nước Nhà Bè đến 8/6/2017.
Tính đến 8/6/2017 Cấp nước Nhà Bè có 3 cổ đông lớn nắm giữ 83,46% vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn sở hữu 53,44% vốn. Doanh thu của công ty cũng chủ yếu từ việc cung cấp nước sạch, chiếm xấp xỉ 98% tổng doanh thu.
Cấp nước Bến Thành
Cấp nước Bến Thành sẽ đưa hơn 9,3 triệu cổ phiếu BTW lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 15.900 đồng/cổ phiếu. Cấp nước Bến Thành là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2007 với vốn điều lệ ban đầu 93,6 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm cổ phần hóa, công ty chưa hề tiến hành tăng vốn điều lệ.
Tính đến 15/5/2017 Cấp nước Bến Thành có 3 cổ đông lớn nắm giữ 82,52% vốn điều lệ, trong đó Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) sở hữu 53,15% vốn.
Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc
Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc (VPW) mới là doanh nghiệp ngành nước đầu tiên lên sàn UpCOM trong tuần tới với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.100 đồng/cổ phiếu.
Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc tiền thân là Nhà máy nước Vĩnh Yên, được thành lập năm 1963 nhằm cung cấp nước sạch cho nhân dân thị xã Vĩnh Yên. Lần gần đây nhất, năm 2016, công ty tăng vốn điều lệ lên trên 111 tỷ đồng như hiện nay. UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là là đơn vị nắm giữ đên 96,75% vốn điều lệ.
Doanh thu hàng năm của công ty chủ yếu là hoạt động bán nước máy, chiếm 85 đến 92% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu hoạt động xây lắp, lắp đặt và các khoản khác. Lợi nhuận sau thuế 2 năm gần đây 2015 - 2016 đều chưa đến 1,5 tỷ đồng.
Trên BCTC năm 2016, kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ về phần tăng vốn điều lệ năm 2016. Đây là lần tăng vốn bằng hình thức nhận bàn giao tài sản từ Nhà nước, các công trình do Công ty là chủ đầu tư từ nguồn ngân sách cấp. Công ty đã thực hiện ghi nhận tăng vốn nhưng chưa phù hợp với quy định của một công ty cổ phần...
Cấp thoát nước Tây Ninh
Toàn bộ 10,57 triệu cổ phiếu WTN của Cấp thoát nước Tây Ninh sẽ gia nhập sàn UpCOM từ 16/11 tới đây với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.000 đồng/cổ phiếu. WTN tiền thân là Trung tâm Cấp thủy Tây Ninh trực thuộc Quốc gia sản xuất Cấp thủy cục Sài Gòn thời trước giải phóng. Năm 2015 công ty thực hiện IPO bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Toàn bộ 2.412.027 cổ phần đã được bán hết với giá đấu thành công bình quân 10.000 đồng/cổ phần.
Ngoài ra, trong phương án cổ phần hóa được phê duyệt trước đó, còn 2,4 triệu cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước nắm giữ 5,5 triệu cổ phần, và một phần chào bán ưu đãi cho người lao động trong công ty. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu gần 105,77 tỷ đồng.
Tính đến 17/3/2017, Cấp thoát nước Tây Ninh có 3 cổ đông lớn, nắm đến 92,39% vốn điều lệ, trong đó riêng UBND tỉnh Tây Ninh nắm 52%, còn lại CTCP Hải Đăng sở hữu 35,01% và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Hành sở hữu 5,38%.
Cũng như các doanh nghiệp ngành nước khác, doanh thu từ cung cấp nước máy chiếm xấp xỉ 97% tổng doanh thu công ty. Đây cũng là mảng mang lại phần lớn lợi nhuận cho công ty.
Ngoài ra, trong ngày 14/11, sàn UpCOM còn đón thêm 2,2 triệu cổ phiếu HLE của CTCP Chiếu sáng Hải Phòng với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.100 đồng/cổ phiếu.
Theo Trí thức trẻ
Sonadezi - "ông trùm" khu công nghiệp tại Đồng Nai lên Upcom vào ngày 20/11 Sonadezi sẽ đưa 376,5 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM với giá tham chiếu 10.900 đồng. Sở GDCK Hà Nội vừa quyết định chấp thuận cho Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) được đăng ký giao dịch 376,5 triệu cổ phiếu trên UpCOM với mã chứng khoán SNZ. Giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 3.765 tỷ đồng....