Dùng drone cảnh báo Covid-19
Nhiều quốc gia sử dụng máy bay không người lái ( drone) để cảnh báo người dân không tụ tập đông người, giữ khoảng cách nhằm tránh lây lan Covid-19.
Theo Business Insider, một số drone đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Nice – thành phố lớn thứ 5 của Pháp – từ ngày 19/3. Những thiết bị này sẽ được gắn thêm loa để cảnh báo người dân tuân thủ các biện pháp ngăn chặn Covid-19.
Trên một số con đường, người dân đã nghe nhiều thông điệp phát đi với âm lượng lớn, như “Đừng ra đường trừ khi gặp tình huống khẩn cấp”, “Hãy tôn trọng khoảng cách an toàn”…
Một drone được cảnh sát Nice dùng thông báo cho người dân.
Drone 06, công ty cung cấp thiết bị không người lái cho chính quyền Nice, cho biết ngoài chức năng thông báo, drone sẽ thu thập hình ảnh thông qua camera gắn kèm. Mỗi máy nặng 800 gram và đường kính 30cm, theo Le Parisien.
Thị trưởng thành phố Nice, Christian Estrosi, cho biết số lượng máy bay không người lái được triển khai hiện quá “mỏng” và sẽ tăng cường thời gian tới, đồng thời tăng tần suất thông báo.
Theo Nice Matin, sau Nice, chính quyền dự kiến sẽ triển khai drone để cảnh báo người dân ở những khu vực khác. Hiện các bãi biển khu vực Nice đã bị hạn chế. “Chúng tôi thậm chí đang xem xét các biện pháp giới nghiêm”, Estrosi khẳng định.
Tây Ban Nha hôm 16/3 cũng sử dụng drone để cảnh báo người dân nên ở trong nhà thay vì ra đường để hạn chế sự lây nhiễm Covid-19, theo BBC. Một số video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát Tây Ban Nha đã dùng drone có gắn loa, yêu cầu mọi người nên rời các khu vực công cộng và trở về nhà. Việc triển khai được thực hiện sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 13/3.
Việc sử dụng drone cũng khá phổ biến tại Trung Quốc trong thời gian bùng phát Covid-19. Tuy nhiên, cách làm của nước này mạnh tay hơn, khi hệ thống còn được trang bị thêm cảm biến nhận diện khuôn mặt kể cả khi mang khẩu trang, cũng như máy đo thân nhiệt, cho phép phát hiện người nghi nhiễm nCoV giữa đám đông.
Ngoài ra, drone cũng được Trung Quốc và Hàn Quốc dùng phun thuốc khử trùng tại một số khu vực không thể tiếp cận bằng con người.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng các phương pháp kiểm dịch bằng drone nhìn chung còn hạn chế và chi phí thực hiện cao. Thực tế, drone thương mại có thể gắn các thiết bị khác lên với giá hàng chục nghìn USD, nhưng chỉ có thể vận hành thời gian ngắn (khoảng 20 phút) trước khi cạn pin.
Bảo Lâm
Châu Á dùng công nghệ để kiểm dịch thế nào
Công nghệ tiên tiến như kính tầm nhiệt sàng lọc bệnh nhân Covid-19 hay drone phun thuốc khử trùng được áp dụng rộng rãi.
Ngành công nghệ từ lâu đã quảng cáo về sản phẩm giúp cải thiện khả năng kết nối và chất lượng cuộc sống cho con người. Khi Covid-19 bùng phát, các công ty có cơ hội ứng dụng các thành tựu đột phá vào thực tế.
Các quan chức y tế khắp châu Á - Thái Bình Dương đang tìm cách sử dụng công nghệ hiện có để kiểm soát sự lây lan, như hệ thống định vị trên điện thoại giúp xác định trường hợp lây nhiễm hay phát triển ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe người dân.
Hiện số ca mắc Covid-19 đã tăng lên hơn 183.000 người ở 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự kết hợp giữa công nghệ và biện pháp truyền thống như cách ly, hạn chế tụ tập đông người đang hỗ trợ đắc lực cho việc phòng ngừa dịch bệnh.
Hệ thống được triển khai tại tòa nhà ở Thâm Quyến kiểm tra thân nhiệt, danh tính và cảnh báo người không đeo khẩu trang.
Tại Hàn Quốc, chính phủ triển khai ứng dụng "Đảm bảo an toàn và tự kiểm dịch" để theo dõi khoảng 30.000 trường hợp cách ly trong hai tuần. Nếu một người đem smartphone ra khỏi nhà, ứng dụng sẽ gửi thông báo tới giám sát viên. Tuy nhiên, ứng dụng của Hàn Quốc không hỗ trợ iPhone cho tới ngày 20/3. Hiện người dân chỉ có thể tải về trên thiết bị Android của các thương hiệu trong nước như Samsung và LG. Phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc cho biết số lượt tải đã giảm đáng kể từ ngày 14/3.
Tại Singapore, các quan chức y tế kiểm soát dịch bệnh qua mã QR. Loại mã phản hồi nhanh này xuất hiện trên taxi, địa điểm du lịch, văn phòng và trường học. Khi quét mã QR, hệ thống chuyển hướng người dân tới trang web khai báo tình trạng sức khỏe, lịch trình di chuyển và người đã tiếp xúc.
Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) thậm chí yêu cầu tất cả nhân viên, sinh viên và khách phải quét mã QR tại bất cứ điểm đến trong khuôn viên trường. "Dữ liệu này giúp nhà trường nhanh chóng xác định ai trong số 33.000 sinh viên đã tiếp xúc với một nhân viên vệ sinh mắc Covid-19", Tan Aik Na, Phó chủ tịch Đại học Công nghệ Nanyang, nói. Tuy nhiên, Claudia Thong (21 tuổi), một sinh viên của trường, phản ánh, dù mã QR được dán trong và ngoài lớp học, một số sinh viên vẫn không tuân thủ quy định.
Tại Australia, Bộ y tế nước này phát triển chatbot tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân. Tuy nhiên, hệ thống không thể tìm kiếm thông tin về "coronavirus" vì chỉ chấp nhận tối thiểu hai từ khóa. Bên cạnh đó, chatbot thi thoảng đưa ra gợi ý không liên quan đến câu hỏi. Phát ngôn viên của Bộ cho biết đang khắc phục sự cố để cung cấp tối đa thông tin về Covid-19.
Robot tuần tra, sàng lọc người nghi nhiễm Covid-19 tại một nhà ga ở Thâm Quyến.
Tại Trung Quốc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các thành phố tích cực áp sáng kiến mới trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh nhân. "Trước đây, drone chủ yếu được dùng để phát hiện cháy rừng hoặc giám sát an ninh. Hiện drone có thể quét đám đông và tìm người bị sốt cách xa hàng chục mét", Kellen Tse, Phó giám đốc công ty Smart Drone UAV nói. "Drone đo thân nhiệt của từng người rồi gửi thông báo cho họ và giám sát viên ở mặt đất".
Theo Tse, Smart Drone UAV trụ sở ở Thâm Quyến đang hợp tác với hai tỉnh của Trung Quốc để triển khai công nghệ này. "Không giống các quốc gia khác, Trung Quốc có dân số lớn, nên chúng tôi chuyển sang dùng công nghệ để kiểm dịch hiệu quả hơn", ông nói thêm.
Các trường hợp nghi mắc Covid-19 ở Thượng Hải sẽ bị theo dõi qua cảm biến gắn trước cửa nhà. Người bị cách ly chỉ được mở cửa để đổ rác và nhận hàng. Nếu ra ngoài trái phép, hệ thống sẽ thông báo cho cảnh sát địa phương.
Vào tháng 3, Baidu cho biết công ty đang phát triển thuật toán nhận diện hình ảnh cho cơ quan quản lý tàu điện ngầm ở Bắc Kinh để phát hiện người không đeo khẩu trang. Qua video an ninh trong nhà ga và toa tàu, hệ thống của Baidu sẽ gửi cảnh báo tới người không đeo khẩu trang hoặc đeo sai cách.
Ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ được ví như Silicon Valley của Trung Quốc, các tài xế vào thành phố phải quét mã QR, khai báo thông tin liên lạc và lịch sử di chuyển. Tất cả cảnh sát tuần tra đội mũ bảo hiểm với kính tầm nhiệt để sàng lọc bệnh nhân.
Tuy nhiên, các phương pháp kiểm dịch hiện đại trên còn hạn chế. Ví dụ, drone thương mại chỉ có thể vận hành 20 phút trước khi cạn pin và có giá đắt đỏ. Thậm chí, có ý kiến cho rằng các giám sát viên đã nhận "hoa hồng" từ nhà thầu để triển khai drone tại khu dân cư.
Daegu (Hà Quốc) đã cấp phép cho các công ty kinh doanh drone tư nhân hỗ trợ khử trùng khu vực công cộng. Trung bình, một drone có thể nạp 11 lít thuốc khử trùng và phun trên diện tích khoảng 1.000 mét vuông. "Mất từ 10 đến 12 phút để máy bay không người lái sử dụng hết lượng thuốc đó", một quan chức thành phố nói.
Theo vnexpress
Xem cảnh hệ thống bắn drone của Israel xử lý một chiếc drone chỉ sau vài giây Chỉ sau vài giây phát hiện thấy mục tiêu, hệ thống phòng thủ chống drone của Israel đã hạ gục chiếc drone từ khoảng cách lên tới cả cây số. Một công ty công nghệ quốc phòng ở Israel có tên Rafael Advanced Defense Systems mới đây đã trình làng phiên bản demo hệ thống phòng thủ không người lái đặc biệt có...