Đức ủng hộ nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về tình hình Syria
Đức cam kết hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho những nỗ lực chung của hai nước nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.
Khói bốc lên sau xung đột tại Kafr Ain, ngoại ô tỉnh Idlib, Syria ngày 7/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh 4 bên Nga, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Istanbul bàn về Syria ngày 27/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Merkel cho biết lãnh đạo 4 nước đã nhất trí cam kết nỗ lực hết mình để sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn bền vững và lâu dài ở tỉnh Idlib. Theo Thủ tướng Merkel, dù còn nhiều khác biệt, song các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã có “một cuộc họp hiệu quả” để đi đến một thỏa thuận cho sự cộng tác chung, bao gồm hầu hết các vấn đề quan trọng của cuộc xung đột tại Syria.
Thủ tướng Merkel cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đạt được hôm 17/9 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về thiết lập khu phi quân sự quanh Idlib. Theo thỏa thuận, quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phối hợp tuần tra tại khu phi quân sự trong khi các nhóm nổi dậy cực đoan phải rút khỏi khu vực này, trong đó có nhóm Mặt trận al-Nusra. Hôm 10/10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo các nhóm nổi dậy đã hoàn tất việc rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực phi quân sự này.
Bà Merkel một lần nữa kêu gọi nối lại tiến trình chính trị do Liên hợp quốc dàn xếp cho vấn đề Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột này không thể được giải quyết bằng giải pháp quân sự. Theo bà, khi kết thúc tiến trình chính trị này cần có các cuộc bầu cử tự do. Khi đó, mọi người dân Syria, bao gồm cả những người trong cộng đồng người Do Thái, đều có thể bỏ phiếu quyết định tương lai đất nước. Thủ tướng Merkel cũng cho biết các nhà lãnh đạo sẽ nỗ lực hết mình trong những ngày tới nhằm thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria vào cuối năm 2018.
Cuộc xung đột ở Syria bùng phát từ năm 2011, đến nay đã làm hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn. Nga, quốc gia đồng minh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, và Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia ủng hộ một số nhóm tại Syria, đã nhất trí lập một vùng đệm xung quanh Idlib, nhưng bạo lực vẫn không ngừng gia tăng.
Video đang HOT
Theo Anh Đức (TTXVN)
Phiến quân ngoan cố bám trụ, Idlib (Syria) sắp bước vào cuộc chiến sống còn
Nguy cơ xảy ra giao tranh lớn tại Idlib, Syria đang hiện hữu khi các nhóm phiến quân vẫn bám trụ nơi đây bất chấp hạn chót thực thi thỏa thuận Nga-Thổ.
Tờ Aljazeera cho biết, thời hạn chót để các lực lượng cực đoan phải rút khỏi vùng phi quân sự tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria theo một thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đã chấm dứt vào hôm nay (15/10), tuy nhiên vẫn không có tay súng nào rời khỏi khu vực này. Động thái này khiến các nhà quan sát lo ngại, giao tranh đẫm máu sẽ xảy ra nếu quân đội chính phủ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự giải phóng Idlib.
Các tay súng cực đoan HTS dự định vẫn kiên quyết ở lại Idlib và chiến đấu đến cùng. Ảnh: SANA.
Các nhóm vũ trang vẫn cố thủ
Các nhóm vũ trang phải rút khỏi khu vực phi quân sự tại Idlib như một điều kiện cuối cùng để thực thi thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chiến dịch tấn công của chính phủ Syria vào khu vực tây bắc Idlib. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi thời hạn chót đi qua, các nhóm này vẫn tuyên bố tiếp tục chiến đấu.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, cơ quan này không thấy bất cứ tay súng nào rời khỏi khu vực phi quân sự đã được vạch ra, vào thời điểm trước nửa đêm. Ông Rami Abdel Rahman người đứng đầu SOHR nhận định: "Việc các phần tử cực đoan và khủng bố không rút khỏi khu vực này sẽ tạo cho chính phủ Syria và Nga cái cớ hợp lý để tiến hành hoạt động quân sự, ít nhất là bên trong khu vực phi quân sự".
Ông cho rằng, các lực lượng chống đối, trong đó có nhóm khủng bố Hayet Tahrir al-Sham (HTS) liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, có thể đang tìm cách kéo dài thời gian bằng cách lập lờ, không hoàn toàn phản đối cũng như không hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận về việc thành lập khu phi quân sự. Cũng theo SOHR, vào ngày 13/10 đã xảy ra các vụ tấn công bằng pháo hạng nặng từ khu vực phi quân sự vào cứ điểm của quân đội tại tỉnh Hama, khiến 2 binh sỹ Syria thiệt mạng. Điều đó cho thấy thỏa thuận đã bị vi phạm và công việc rút khí tài hạng nặng khỏi khu vực phi quân sự cũng chưa hoàn tất như đã thông báo trước đó.
Vẫn chưa rõ nhóm nào là thủ phạm gây ra vụ tấn công nêu trên khi cả nhóm Mặt trận giải phóng dân tộc (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các phe phái đối đầu hiện diện trong khu vực này. NLF hiện đang kiểm soát một nữa khu vực Idlib và cũng là bên hoan nghênh thỏa thuận giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thách thức cuối cùng đối với thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ
Tỉnh Idlib là thành trì cuối cùng của các nhóm phiến quân và khủng bố - những lực lượng đã tìm cách lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad suốt 7 năm qua. Theo dữ liệu do Trung tâm nghiên cứu Trung Đông cung cấp, có khoảng 80.000 đến 90.000 tay súng nổi dậy và khoảng 30.000 phần tử cực đoan, khủng bố ở đây.
Phần lớn khu vực này do nhóm khủng bố HTS chiếm giữ, bên cạnh đó còn có sự hiện diện của nhiều nhóm phiến quân "cứng đầu" khác như Hurras al-Deen và Ansar al-Islam. Các nhóm này kiểm soát hơn 2/3 khu vực phi quân sự tại Idlib và có nghĩa vụ phải rút khỏi khu vực này trước ngày 15/10.
Theo thỏa thuận, các bên phải rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực phi quân sự hình móng ngựa trước ngày 10/10 và các tay súng cực đoan phải rời khỏi đây trước ngày 15/10.
Nhóm phiến quân Hurras al-Deen đã công khai bác bỏ thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, dù vậy nhóm này cũng đã rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực phi quân sự vào tuần trước. Còn HTS, nhóm khủng bố mạnh nhất tại Idlib đã thực hiện điều khoản đầu tiên của thỏa thuận, nhưng sau đó lại tái triển khai vũ khí hạng nặng ở một số địa điểm. Và để nhóm này tuân thủ quy định thứ hai trong thỏa thuận là điều khó khăn hơn nhiều.
Nhà phân tích Nawar Oliver thuộc Trung tâm Omran, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, sự chấp thuận của HTS là "phép thử" cuối cùng đối với thỏa thuận: "Nếu HTS phá vỡ thỏa thuận thì điều này sẽ dẫn tới một trong hai kịch bản: hoặc Thổ Nhĩ Kỳ và NLF phát động chiến dịch quân sự chống lại HTS, hoặc Nga sẽ nắm bắt cơ hội tiến vào Idlib với sự hỗ trợ của chính phủ Syria và các đồng minh", ông Nawar Oliver nói.
Tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: Reuters.
Hậu quả nếu giao tranh xảy ra?
Tổng thống Bashar Al-Assad và các quan chức cấp cao khác của chính phủ Syria tuyên bố, thỏa thuận về Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một biện pháp tạm thời. Ngày 12/10 vừa qua, quân đội Syria đã phát đi cảnh báo tới cư dân đang sinh sống ở tỉnh tránh xa những tay súng thánh chiến - những người vẫn cố thủ, chưa rút khỏi vùng đệm trước thời hạn chót.
Giới quan sát cho rằng, nếu giao tranh diễn ra tại Idlib thì đây sẽ là cuộc chiến khốc liệt nhất tại Syria trong hơn 7 năm xung đột. Bởi không giống như những trận địa mà lực lượng của chính phủ Syria đã giành được chiến thắng, dù bị vây hãm trong nhiều năm, phiến quân tại Idlib vẫn không hề suy yếu. Thêm vào đó, quân đội Syria cùng các lực lượng ủng hộ chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các nhóm phiến quân và khủng bố tại Idlib vì khu vực này là thành trì cuối cùng của chúng.
Với số lượng lớn các tay súng nổi dậy và quy mô hoạt động ở Idlib, chi phí cho chiến dịch quân sự của chính quyền Damascus sẽ bị đội lên nhiều lần. Do vậy, dù đang có được ưu thế, nhưng để giành quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idlib đòi hỏi chính phủ Syria phải có một chiến lược lâu dài và lường trước được những nguy cơ rủi ro.
Với diện tích khoảng 6.000 km2, Idlib có khoảng 3 triệu người dân đang sinh sống. Liên Hợp Quốc từng cảnh báo rằng, chiến dịch tấn công tại Idlib có thể dẫn đến một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thế kỷ 21, khi có tới 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong hai năm qua, quân đội Syria, được sự hỗ trợ từ Nga và Iran đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn trên khắp đất nước. Nếu lực lượng này giải phóng thành công Idlib thì thắng lợi đó, về cơ bản sẽ đánh dấu việc chấm dứt cuộc chiến quy mô lớn của chính phủ với các nhóm vũ trang đối lập. Tuy vậy, đây vẫn chưa phải là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột tại Syria sẽ kết thúc. Khoảng 1/4 diện tích lãnh thổ Syria vẫn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ, và tại nhiều khu vực mà quân đội nắm giữ, các nhóm phiến quân có vũ trang vẫn có thể tiến hành những cuộc tấn công quy mô nhỏ.
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị tàn phá do giao tranh, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và lực lượng người Kurd đang chiếm đóng phần lãnh thổ phía đông Sông Euphrates, việc chấm dứt chiến tranh tại Syria vẫn còn là một chặng đường dài, ngay cả khi Idlib nằm trong tay chính phủ./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN
Hội đàm bốn bên về Syria tại Istanbul Các lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ở Istanbul nhằm tìm giải pháp mới cho tình hình Syria trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp tục đe dọa nỗ lực tái lập hòa bình. Lãnh đạo 4 nước tề tựu tại Istanbul Cuộc gặp cấp cao tại Istanbul nhằm đề ra các nền tảng tiến tới kế hoạch...