Đức Tuấn làm mới tình ca Từ Công Phụng
Nam ca sĩ kết hợp phong cách trữ tình tiền chiến với lối hát giàu kịch tính khi thể hiện những tình khúc của nhạc sĩ hải ngoại.
Đức Tuấn ra mắt album “Lời tôi ru như mơ” tập hợp các ca khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Những nhạc phẩm trong album này được sáng tác chủ yếu vào những năm 1960-70, giai đoạn rực rỡ nhất, tiếng tăm nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Âm nhạc của Từ Công Phụng thường được xếp vào loại “nhạc sang”. Ca khúc của ông là sự kết hợp tài tình của giai điệu mượt mà, nối dài dòng tiền chiến pha trộn với chất pop-rock thời kỳ đầu du nhập vào Sài Gòn. Với ca từ đẹp đẽ, ông thể hiện nhiều chiêm nghiệm về thân phận và tình yêu.
Từ Công Phụng củng cố vị trí trong lòng người yêu nhạc với sự góp sức của những giọng hát danh tiếng. Có những bài hát đã được “đóng dấu” một số tên ca sĩ như: Lệ Thu, Tuấn Ngọc… Người yêu nhạc Từ Công Phụng có thể ngay tức khắc hình dung ra M ắt lệ cho người, Tình tự mùa xuân, Kiếp dã tràng, Lời cuối phải được hát như thế nào từ ấn tượng nghe được trước đó.
Ca sĩ Đức Tuấn mạnh dạn cùng nhóm sản xuất album tiếp cận nhạc Từ Công Phụng bằng một cách khác, nhằm mở rộng đối tượng thưởng thức tới cả những khán giả trẻ chưa từng nghe, chưa từng biết ông.
Ca sĩ Đức Tuấn. Ảnh: st.
Video đang HOT
Nam ca sĩ cùng nhạc sĩ hòa âm phối khí Lý Huỳnh Long mạo hiểm thay đổi một số bài hát bấy lâu đã bị “đóng khung” trong một lối trình diễn của các nghệ sĩ lớp trước. Anh kết hợp phong cách hát trữ tình tiền chiến sở trường (đã đem lại cho anh thành công với dòng nhạc Văn Cao, Phạm Duy) với lối hát giàu kịch tính sau thời gian dài biểu diễn các bài hát nhạc kịch.
Đức Tuấn cùng êkíp khai thác những câu chuyện bên trong mỗi bài hát như: cái chết trong bài Mắt lệ cho người sự thơ ngây bị đánh mất trong Như ngọn buồn rơi, hay niềm hạnh phúc tìm lại sau những mất mát đau thương ở bài Tình tự mùa xuân, nỗi cô đơn tột cùng trong Đêm không cùng, Kiếp dã tràng…
Nhạc sĩ Lý Huỳnh Long đặt các bài hát trong một không gian âm nhạc mới mẻ. Những chất liệu vốn gắn liền với dòng nhạc này như thính phòng, dạ vũ nay được tái hiện trong một tinh thần pop hiện đại, dù vẫn dựa trên nền tảng chính là acoustic.
Sự thay đổi này có thể đem lại bỡ ngỡ cho người nghe “cũ” nhưng lại là một dẫn dụ lý tưởng cho người nghe “mới”. Một số bài hát sau khi được thay đổi hẳn phong cách hòa âm, nhất là tiết tấu, dường như lại trở nên gần với tinh thần của tác phẩm gốc hơn, như bài Tình tự mùa xuân.
Album cũng đánh dấu sự hợp tác lần đầu của Đức Tuấn và nhạc sĩ Lý Huỳnh Long.
Hoàng Dung
Theo VNE
Ý Lan làm đêm nhạc Lam Phương tại Sài Gòn
Danh ca hải ngoại tri ân tác giả 'Kiếp nghèo' bằng 2 đêm nhạc được đầu tư dàn dựng chu đáo.
Chủ đề "Yêu thầm" của chương trình cũng chính là tình cảm mà Ý Lan dành cho dòng nhạc Lam Phương. Đã từ lâu, chị ấp ủ ý định thực hiện một đêm nhạc của ông tại TP HCM nhưng chưa được bởi số lượng ca khúc được cấp phép còn ít. Hiện, khi con số này đã nhiều hơn, nữ danh ca lập tức tổ chức đêm nhạc.
Ý Lan tri ân nhạc sĩ Lam Phương bằng 2 đêm nhạc riêng tại TP HCM.
"Những giai điệu và lời ca trữ tình, đẹp đẽ trong âm nhạc của Lam Phương đã chinh phục được tất cả tầng lớp khán giả qua bao thế hệ, không chỉ những thế hệ cha chú, mà cả thế hệ trẻ bây giờ. Chương trình là lời cảm tạ mà tôi muốn dành cho ông, vì những đóng góp lớn lao cho nền tân nhạc Việt Nam", Ý Lan nói.
Đích thân nữ ca sĩ biên tập và dàn dựng các bài hát. Chị sẽ hát một loạt ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ như: Yêu Thầm, Duyên kiếp, Chờ người, Cỏ úa, Một mình, Phút cuối, Kiếp nghèo, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương, Thu sầu, Lạy trời con được bình yên, Trăm nhớ ngàn thương, Cho em quên tuổi ngọc, Thu đến bao giờ, Em đi rồi, Hạnh phúc mang theo, Bài thơ không đoạn kết, Mưa lệ, Nghẹn ngào...
Hai đêm nhạc vào 16-17/11 tại phòng trà We, TP HCM hứa hẹn mang đến nhiều ấn tượng bởi từ lâu, giọng hát Ý Lan đã gắn bó với dòng nhạc Lam Phương tại hải ngoại. Khán giả trong nước cũng ít khi được nghe chị hát trực tiếp liên khúc Thu sầu - Lạy trời con được bình yêu, Kiếp nghèo, Em đi rồi, Thu đến bao giờ, những tiết mục thành công, góp phần tạo nên tên tuổi Ý Lan tại hải ngoại. Vài năm gần đây, CD Bài thơ không đoạn kết của nữ ca sĩ phát hành tại hải ngoại cũng nhận được rất nhiều khen ngợi của khán giả yêu nhạc Lam Phương.
Sự nhập tâm vào ca khúc tạo nên phong cách không nhầm lẫn cho danh ca hải ngoại.
Cuối tháng, Ý Lan còn tiếp tục tái ngộ khán giả TP HCM với 2 đêm nhạc hát theo yêu cầu vào 22-23/11. Chị cho biết, trong những lần biểu diễn trước đây, chị nhận được rất nhiều lời yêu cầu từ khán giả, nhưng vì thời gian không cho phép nên không đáp ứng được hết. Lần này là cơ hội để chị "trả nợ" cho những lần chưa thỏa mãn khán giả yêu nhạc.
Từ khi về nước hát, Ý Lan là cái tên được yêu thích tại các phòng trà ca nhạc. Bên cạnh giọng ca mượt mà, chị còn là người khéo ăn khéo nói. Ở chị có sự thanh lịch, dịu dàng nhưng tinh tế và sâu sắc của phụ nữ gốc Bắc. Dù đã sang tuổi ngũ tuần và lên chức bà ngoại, Ý Lan vẫn khiến nhiều người ngỡ ngàng trước nhan sắc trẻ trung cũng như chất giọng mang nhiều cung bậc cảm xúc.
Trung Sơn
Theo VNE
Phương Thanh: 'Tôi đi hát vì bị ép' Ngổ ngáo như con trai, từ bé Phương Thanh chỉ nghĩ rằng lớn lên mình sẽ là một vận động viên đá bóng chứ nằm mơ cũng không nghĩ mình có thể hát. Cô ca sĩ bất đắc dĩ Sinh trưởng trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ là công nhân viên chức lương không đủ trang trải cuộc sống...