Đức: Khủng hoảng chính trị, bà Merkel chưa chắc ghế thủ tướng
Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang gặp trở ngại lớn sau khi một đối tác tiềm tàng rút khỏi đàm phán, đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị.
Bà Angela Merkel đến dự đàm phán về lập chính phủ mới hôm 19-11. Ảnh: Reuters
Bà Merkel hôm 20-11 cho biết sẽ thông báo với tổng thống rằng mình không thể lập chính phủ liên hiệp sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) có động thái nói trên.
“Là thủ tướng, tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm đất nước được điều hành tốt trong những tuần lễ khó khăn sắp tới” – bà Merkel trấn an người dân sau khi đàm phán đổ vỡ.
Thủ lĩnh FDP Christian Lindner cho biết lý do đảng này rút khỏi đàm phán cuối ngày 19-11 là họ không tìm được tiếng nói chung với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel và đảng Xanh về những vấn đề chủ chốt, như nhập cư, khí hậu và chi tiêu sau hơn 4 tuần thương thảo.
Video đang HOT
FDP muốn khống chế số lượng người xin tị nạn được Đức chấp nhận mỗi năm – một biện pháp bị đảng Xanh phản đối.
Ngoài ra, theo ông Lindner, 3 đảng trên không thể xây dựng đủ lòng tin lẫn nhau để bảo đảm chính phủ sắp tới hoạt động ổn định trong 4 năm.
Diễn biến trên khiến nước Đức đối mặt 2 lựa chọn chưa từng có thời hậu Thế chiến II: Bà Merkel lập chính phủ thiểu số với đảng Xanh hoặc tổng thống Đức kêu gọi bầu cử mới sau khi các đảng không lập được chính phủ.
Đảng của bà Merkel trở nên suy yếu sau khi số ghế tại hạ viện sụt giảm trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, một phần vì quyết định mở cửa biên giới đón hơn 1 triệu người xin tị nạn năm 2015.
Ngay trước bầu cử, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đã từ chối bắt tay với đảng của bà Merkel để lập chính phủ đại liên hiệp như từng làm trước đó. SPD hiện là đảng lớn thứ 2 tại quốc hội. Trong khi đó, bà Merkel không chịu liên minh với đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng lớn thứ 3 tại quốc hội, khiến lựa chọn của bà ngay từ đầu đã khoanh vùng với đảng FDP và đảng Xanh.
Việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới có thể tác động tiêu cực đến một loạt vấn đề, từ cải cách khu vực đồng euro, chính sách của Liên minh châu Âu đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nước, đã xuất hiện cảnh báo tình trạng không chắc chắn kéo dài sẽ có hại cho nền kinh tế.
Theo P.Võ
Người Lao Động
Bà Merkel trước cơn địa chấn của phe cực hữu
Một cơn địa chấn chính trị đã làm rúng động không chỉ nước Đức mà cả châu Âu.
Không phải Angela Merkel hay chiến thắng hiển nhiên của bà cho nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ tư, chính sự bứt phá mạnh mẽ của phe cực hữu đang làm lục địa già lo ngại.
Với 33,5% phiếu bầu đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) giành được trong cuộc bầu cử ngày 24-9, bà Merkel thắng thêm nhiệm kỳ thủ tướng Đức thứ tư. Tuy nhiên, đây là bước lùi rất lớn so với mức 41,5% phiếu bầu của CDU năm 2013. Bản thân bà Merkel cũng thừa nhận "đã hy vọng một kết quả tốt hơn".
Xếp thứ hai là đảng đối thủ Dân chủ Xã hội (SPD) với 20,5% phiếu bầu, một con số đáng thất vọng. Thành công nổi bật nhất trong kỳ bầu cử thuộc về đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD), vươn lên vị trí thứ ba với 13% phiếu bầu. Với thắng lợi này, phe cực hữu lần đầu tiên bước vào Quốc hội Đức sau 70 năm kể từ kỳ bầu cử đầu tiên năm 1949, sau Thế chiến thứ hai.
Từ cuộc bầu cử năm 2013, Đức là nền dân chủ cuối cùng ở châu Âu không có phe cực hữu trong Quốc hội. Điều này giờ đây đã thay đổi. Với quan điểm chống Hồi giáo, tuyên bố đạo Hồi không phù hợp văn hóa Đức, AfD phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel vốn đã nhận cả triệu người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi năm 2015.
Theo The Washington Post, thành công của AfD làm liên tưởng tới hình ảnh đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ở Pháp trong kỳ bầu cử vừa rồi, hay chiến thắng của ông Donald Trump ở Mỹ. Tuy nhiên, với nước Đức, vốn chịu nhiều đau thương từ lịch sử cánh hữu cực đoan dưới thời phát xít và sau Thế chiến thứ hai đã nỗ lực rất nhiều trong đối đầu phe cực hữu, sự lớn mạnh của AfD là một cú sốc quá lớn. Sự bàng hoàng càng tăng khi Đức không có nhiều "yếu huyệt" để phe cực hữu lôi kéo người ủng hộ. Kinh tế Đức ổn định, tỉ lệ thất nghiệp thấp, quyền lực và uy tín của chính phủ Đức với trong nước và cả quốc tế luôn vững vàng.
Sau hàng loạt cú sốc bầu cử từ năm ngoái đến nay, các lãnh đạo châu Âu đã rất mong đợi bà Merkel có thể củng cố lại các giá trị phương Tây. Nhưng bà Merkel, một mỏ neo của sự ổn định châu Âu, giờ gặp phải thách thức lớn ngay trên sân nhà. Kết quả bầu cử này cho thấy bà Merkel sẽ gian nan đàm phán thành lập liên minh để ra mắt chính phủ mới vào cuối tháng 12. Nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư có lẽ sẽ khó khăn hơn nhiều so với ba nhiệm kỳ trước của bà.
Theo Đăng Khoa
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
Tổng tuyển cử sớm ở Nhật Bản, sự "khôn ngoan" của Thủ tướng Abe? Ngày 21/10, cử tri tại nhiều địa phương của Nhật Bản đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến chính thức diễn ra vào ngày 22/10. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc tổng tuyển cử sớm (Ảnh: Reuters) Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm hết sức thuận lợi đối với Thủ tướng Nhật...