Đức chưa áp đặt hạn chế sử dụng vaccine của Johnson & Johnson
Ngày 23/4, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (Đức) cho biết nước này quyết định chưa áp đặt hạn chế sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ), đồng thời cho biết hội đồng chuyên gia quyết định về vấn đề sử dụng vaccine sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá dữ liệu mới.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc Viện Paul-Ehrlich, ông Klaus Cichutek khẳng định vaccine của Johnson & Johnson an toàn và hiệu quả phòng COVID-19. Ủy ban Vaccine STIKO (Đức) đã đánh giá dữ liệu về vaccine của hãng và quyết định chưa hạn chế sử dụng chế phẩm này. STIKO sẽ tiếp tục nhóm họp và đánh giá dữ liệu mới vào tuần tới.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã điều tra 8 trường hợp là người Mỹ dưới 60 tuổi, chủ yếu là phụ nữ, gặp rối loạn đông máu trong 3 tuần sau khi tiêm một liều vaccine duy nhất ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Những trường hợp được ghi nhận sau khi hơn 7 triệu liều vaccine được tiêm tại Mỹ tính đến ngày 13/4.
Trong tuần này, EMA bày tỏ ủng hộ việc sử dụng vaccine của công ty dược phẩm Mỹ, song để ngỏ khả năng cho các nước thành viên Liên minh châu Âu quyết định về việc sử dụng vaccine này.
* Cùng ngày, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Thái Lan công bố lịch tiêm 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong nửa cuối năm nay. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, DDC cho biết 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm trong tháng 6, sau đó là 10 triệu liều/tháng từ tháng 7 – 11, và 5 triệu liều trong tháng 12.
Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 28/2, với ưu tiên dành cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao là các chuyên gia y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Chiến dịch tiêm chủng của nước này ban đầu dựa vào việc nhập khẩu vaccine do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển, sau đó sẽ sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) do công ty Siam Bioscience ký hợp đồng sản xuất trong nước để tiêm chủng cho khoảng 35 triệu người hoặc 50% dân số. DDC cho biết thêm Chính phủ Thái Lan đang làm việc với các đối tác tư nhân để nhập khẩu thêm 35 triệu liều vacccine ngừa COVID-19.
* Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức Bahrain cho biết nước này và Israel ngày 22/4 đã ký kết thỏa thuận công nhận việc chủng ngừa COVID-19 và “hộ chiếu xanh” của nhau nhằm xúc tiến hoạt động du lịch sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ hồi năm ngoái.
Hệ thống “hộ chiếu xanh” cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 ra vào một số khu vực nhất định. Theo thỏa thuận trên, những người đã được chủng ngừa ở một nước bằng vaccine được công nhận ở nước kia sẽ được miễn cách ly và có thể ra vào những nơi đòi hỏi phải có “hộ chiếu xanh”.
Hãng tin trên cũng cho biết vào giai đoạn sau, hai nước sẽ thực hiện thỏa thuận tương tự đối với những cá nhân được tiêm loại vaccine khác mà chưa được một trong hai nước công nhận, song không nêu rõ thời điểm bắt đầu triển khai. Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gabi Ashkenazi nhấn mạnh thỏa thuận trên sẽ giúp thúc đẩy du lịch và kinh tế của hai nước, cũng như góp phần vào cuộc chiến chống COVID-19.
Thống kê cho thấy Bahrain và Israel đều có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo Bộ Y tế Israel, hơn 5 triệu trong tổng số 9 triệu dân, tức hơn 50% dân số nước này, đã được tiêm đủ 2 liều vaccine của Pfizer/BioNTech. Trong khi đó, số liệu chính thức của Bahrain cho thấy hơn 500.000 người tại Bahrain, tức 50% dân số quốc gia vùng Vịnh này, được tiêm cả hai liều vaccine thuộc nhiều loại khác nhau.
COVID-19 tới 6h sáng 23/4: Thế giới vượt 145 triệu ca bệnh; Dịch ở châu Mỹ nghiêm trọng
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 859.000 ca bệnh COVID-19 và trên 12.500 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 145 triệu ca, trong đó trên 3,07 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (332.503 ca), Mỹ (trên 62.200 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (54.791 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (2.256 ca), Brazil (1.815 ca) và Mỹ (846 ca).
Tính từ đầu đại dịch, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với trên 584.100 ca tử vong trong tổng số trên 32,6 triệu ca nhiễm. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 186.928 ca tử vong trong số trên 16,2 triệu ca bệnh. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ vẫn đang tăng nhanh. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 332.503 ca nhiễm và 2.256 ca tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Bùng phát dịch tại nhà dưỡng lão ở Mỹ
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 16/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một ổ dịch COVID-19 đã bùng phát tại một cơ sở dưỡng lão ở bang Kentucky (Mỹ), nơi mà hầu hết những người sống và làm việc tại đây đã được tiêm vaccine ngừa bệnh, sau khi một nhân viên chưa tiêm vaccine nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 21/4, trong đợt bùng phát dịch hồi tháng trước, 46 người tại cơ sở dưỡng lão ở Kentucky đã mắc COVID-19, trong đó 22 người đã tiêm chủng đầy đủ. Trong số 3 ca tử vong có 2 trường hợp chưa tiêm vaccine ngừa bệnh. Điều tra dịch tễ cho thấy nguồn lây bệnh là một nhân viên chưa tiêm vaccine và nhiễm biến thể R.1, loại biến thể mà hiện chưa được CDC cho là đáng lo ngại. Tại thời điểm bùng dịch, 90% trong số 83 người già và 50% số 116 nhân viên ở viện dưỡng lão đã được tiêm vaccine.
Các nhà nghiên cứu tại CDC cho biết ổ dịch COVID-19 bùng phát tại cơ sở dưỡng lão trên cho thấy sự cần thiết phải mở rộng độ bao phủ của vaccine, kể cả với những người đã khỏi bệnh, cũng như có các chiến lược phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Báo cáo trên được công bố cùng ngày Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới của chương trình tiêm phòng COVID-19 sau khi đạt 200 triệu lượt tiêm chủng, sớm hơn mục tiêu đề ra là vào cuối tháng 4.
Ecuador ban bố lệnh giới nghiêm
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay quốc tế Mariscal Sucre ở Quito, Ecuador. Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Chính phủ Ecuador đã ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cũng như các quy định khác về đi lại tại nước này trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.
Theo các quy định hạn chế thực hiện đối với 16 trên tổng số 24 tỉnh thành của Ecuador, chỉ có những người hoạt động trong lĩnh vực y tế, thực phẩm và các lĩnh vực thiết yếu khác được phép đi lại vào dịp cuối tuần cũng như trong các buổi tối trong tuần. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/4 và kéo dài 28 ngày. Các nhà hàng, trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim vẫn được phép hoạt động trong những ngày cuối tuần, song công suất hoạt động phải giảm 30%.
Ecuador đã ghi nhận 365.394 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 17.965 trường hợp tử vong. Nước này hiện mới chỉ tiến hành chủng ngừa cho các nhóm đối tượng là người cao tuổi, lực lượng cảnh sát, quân đội và giáo viên.
Cuba tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới vượt mức 1.000 ca/ngày
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại La Habana, Cuba, ngày 15/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuba lại có thêm một ngày ghi nhận số ca mắc mới COVID- 19 vượt mức 1.000 ca/ngày. Theo đó, giới chức đảo quốc Caribe này cho biết đã có thêm 1.207 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Cuba cũng ghi nhận thêm 12 ca tử vong mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 97.967 ca, trong đó có 559 ca tử vong.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cảnh báo nguy cơ lây lan của biến thể mới nguồn gốc tại Nam Phi tại nước này, do vậy theo ông, Cuba cần điều chỉnh các quy định phòng dịch theo hướng gắt gao hơn. Chủ tịch Diaz-Canel cho rằng nếu không hành động nhanh chóng thì sự lây lan của biến thể mới càng gia tăng.
Argentina đang trong giai đoạn "khó khăn nhất"
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Mendoza, Argentina ngày 6/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti cảnh báo nước này đang trong "khoảng thời gian tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca tử vong vượt mốc 60.000 ca. Argentina đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc mới theo ngày tăng cao trong nhiều tuần qua.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Vizzotti cho biết Argentina đã chứng kiến sự lây lan mạnh của các biến thể mới với việc số ca mắc mới tăng mạnh tại thủ đô Buenos Aires và khu vực lân cận. Trước đó, giới chức Argentina đã buộc phải siết chặt đi lại và đình chỉ các hoạt động trong nhà tại khu vực này.
Trong 24 giờ qua, Argentina đã ghi nhận 27.216 ca mắc COVID-19 và 537 ca tử vong. Nước này đang triển khai chương trình tiêm chủng, sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Một phòng thí nghiệm Argentina cho hay đã sản xuất thử nghiệm một lô vaccine Sputnik V trước khi bước vào sản xuất đại trà loại vaccine này vào cuối năm nay.
Tình hình dịch tại Uruguay phức tạp hơn
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Montevideo, Uruguay, ngày 1/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Uruguay, các y bác sĩ đang nỗ lực để cứu sống các bệnh nhân COVID-19 khi mà tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này trở nên nghiêm trọng hơn.
Với dân số chỉ 3,5 triệu dân, Uruguay đã mất đi hình mẫu về việc kiểm soát dịch COVID-19. Thống kê của AFP cho thấy tỷ lệ lây nhiễm mới trong 2 tuần qua tại nước này là 1.331 ca trên mỗi 100.000 dân -mức cao nhất thế giới. Riêng trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 3.290 ca mắc mới và 77 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 175.891 ca và 2.160 ca.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Uruguay chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa, các cửa hàng và quán bar tiếp tục mở cửa. Theo các chuyên gia y tế, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và việc giáp với Brazil -quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc- là những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh hơn tại Uruguay.
Theo thống kê, gần 75% trong tổng số 978 giường điều trị tích cực tại Uruguay đã được sử dụng. Trước tình hình này, Uruguay đang kỳ vọng việc tiêm chủng sẽ giúp cải thiện tình hình. Cho tới nay, gần 33% dân số nước này đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên trong khi đó 10% dân số đã hoàn thành việc tiêm chủng.
Dịch bệnh phức tạp ở một số nước Đông Nam Á
Công dân Campuchia tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh. Ảnh: Trần Ngọc Long - P/v TTXVN tại Campuchia
Campuchia ghi nhận 446 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Chính quyền thủ đô Phnom Penh đã cho phép Công ty Virak Buntham chuyển đổi đội xe buýt đang phải ngừng hoạt động thành những "chợ di động" để cung cấp lương thực, thực phẩm với giá hợp lý cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Takhmao (tỉnh Kandal). Hai tỉnh khác của Campuchia là Kampong Cham và Siem Reap đã thông báo kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 14 ngày, nhằm ngăn chặn dịch lây lan, trong đó có cấm bán và tiêu thụ đồ uống có cồn.
Tại Lào, số ca nhiễm cộng đồng đã giảm nhưng tính phức tạp tăng. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới. Đáng chú ý là ngoại trừ trường hợp ở Savannakhet về từ Thái Lan và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, cả 4 ca nhiễm ở thủ đô Viêng Chăn và 1 ca ở Bokeo đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng và tất cả đều có lịch sử đi lại phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Trong khi đó, Thái Lan và Philippines ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, lần lượt là 1.470 ca và 8.767 ca. Riêng Thái Lan còn ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này đầu năm ngoái, với 7 ca. Còn Hàn Quốc với 735 ca nhiễm mới, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại nước này trên mức 700 ca/ngày.
Diễn biến liên quan vaccine và tiêm chủng trên thế giới
WHO và EU phối hợp đánh giá vaccine Sputnik V vào tháng 5
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phối hợp với Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bắt đầu vòng đánh giá tiếp theo đối với vaccine Sputnik V của Nga vào ngày 10/5 tới.
Trong thông báo ngày 22/4, WHO nêu rõ quá trình đánh giá sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 tới tuần đầu của tháng 6. Một nhóm các chuyên gia của WHO và EMA đang đánh giá thực hành lâm sàng tốt (GCP) liên quan đến vaccine Sputnik V. GCP là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn cho việc thiết kế, tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát, kiểm tra, ghi chép, phân tích và báo cáo về thử nghiệm lâm sàng vaccine nhằm bảo đảm tính tin cậy, chính xác của dữ liệu và báo cáo kết quả nghiên cứu, bảo vệ quyền, sự an toàn và bảo mật thông tin của đối tượng nghiên cứu. Về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sputnik V, WHO cho biết tổ chức này vẫn đang tiếp nhận thông tin của nhà sản xuất.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Nga Sergei Vershinin đã có các cuộc thảo luận với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Geneva (Thụy Sĩ). Sau cuộc gặp, trên mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc Ghebreyesus đã hoan nghênh các nỗ lực của Nga trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vaccine Sputnik V vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp.
Nga đồng ý cung cấp vaccine Sputnik V cho Thái Lan
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết Nga đã chấp thuận trên nguyên tắc về đề nghị cung cấp vaccine Sputnik V cho quốc gia Đông Nam Á này. Chi tiết về số lượng vaccine, giá cả và thời gian giao hàng sẽ được quyết định trong các cuộc thảo luận tiếp theo giữa công ty nhập khẩu vaccine và Bộ Y tế Thái Lan.
Tại Ấn Độ, công ty phân phối Dr. Reddys Laboratories cho biết nước này sẽ nhận được vaccine Sputnik V vào cuối tháng 5, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu và điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ tiêm phòng của nước này.
Dự kiến vaccine Sputnik V sẽ được sản xuất tại Ấn Độ trong vài tháng tới. Nước này đã đặt mục tiêu có vaccine sản xuất trong nước từ quý II.
Đức muốn mua 30 triệu liều vaccine Sputnik V
Thủ hiến bang Saxony của Đức, Michael Kretschmer cho biết Đức muốn mua tổng cộng 30 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga vào các tháng 6, 7 và tháng 8 tới chứng nào Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng sản phẩm này.
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga là loại vaccine phổ biến thứ hai trên thế giới được các cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia các nước phê duyệt sử dụng. Thông tin này đã được công bố trên trang Twitter chính thức của Sputnik V. Đây là vaccine được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus, là một trong những loại vector được sử dụng nhiều nhất trong công nghệ gene. Vaccine này được đăng ký tại Nga từ tháng 8/2020 trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Mức độ an toàn và hiệu
Hàn Quốc có thể sản xuất vaccine nội địa trong năm nay
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Choi Ki-young cho biết nước này có thể phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Phát biểu tại một phiên họp quốc hội, Bộ trưởng Choi Ki-young đánh giá khả năng phát triển một loại vaccine nội địa ngừa COVID-19 trong năm nay vẫn còn rất cao. Ông nêu rõ các công ty dược Hàn Quốc đang phát triển một số loại vaccine ngừa COVID-19 và giai đoạn thử nghiệm thứ ba của một loại vaccine nội địa có thể diễn ra vào cuối năm nay. Sản phẩm này dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào đầu năm tới.
Đầu năm nay, Bộ trưởng Choi Ki-young từng nhấn mạnh Hàn Quốc cần công nghệ vaccine nội địa để nhanh chóng đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vaccine nước ngoài nhập khẩu.
Hàn Quốc đã bảo đảm có đủ vaccine của các hãng nước ngoài để tiêm cho 79 triệu người trong khi dân số nước này là khoảng 52 triệu người. Tính đến ngày 21/4, có gần 2 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nước này đang gặp khó khăn về nguồn cung do mới chỉ chốt được lịch giao vaccine AstraZeneca và Pfizer/BioNTech.
Australia triển khai tiêm chủng sớm cho người trên 50 tuổi
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech tại Sydney, Australia ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia sẽ triển khai việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho những người trên 50 tuổi ngay trong tháng tới.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết tại cuộc họp ngày 22/4, lãnh đạo chính quyền liên bang và các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã nhất trí triển khai việc tiêm chủng bằng vaccine của AstraZeneca cho những người trong độ tuổi 50-69 sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, các phòng khám công và chuyên khoa sẽ bắt đầu tiêm vaccine của AstraZeneca cho những người trong độ tuổi trên từ ngày 3/5 và các phòng khám đa khoa sẽ thực hiện tiêm từ ngày 17/5 tới.
Chính phủ Syria nhận lô vaccine đầu từ chương trình COVAX
Vận chuyển lô vaccine đầu tiên từ chương trình COVAX tại cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 22/4, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết Chính phủ Syria đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ chương trình COVAX - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, với gần 200.000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất.
Tuyên bố chung của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), WHO và Liên minh vaccine GAVI khẳng định việc chuyển giao số vaccine là rất quan trọng và kịp thời, giúp các nhân viên y tế tiếp tục cứu người trong bối cảnh hệ thống y tế Syria đang suy yếu do xung đột kéo dài. Số hàng viện trợ tiếp theo sẽ được chuyển đến trong những tuần tới và tháng tới.
Người đứng đầu phái bộ của WHO tại Syria Akjemal Magtymova nhấn mạnh dù vẫn còn nhiều thách thức, song Chính phủ Syria vẫn đảm bảo tiến độ tiêm phòng trên cả nước. Tháng trước, Syria đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu có thể tiêm phòng cho gần 20% dân số cả nước vào cuối năm nay, tương đương gần 5 triệu người tại các khu vực do chính phủ kiểm soát, vùng Đông Bắc và Tây Bắc nước này. Chính phủ sẽ triển khai nhiều nhóm y tế đến các bệnh viện và các khu vực khó tiếp cận.
Pfizer đàm phán thỏa thuận cung cấp vaccine với Ấn Độ
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng dược phẩm Pfizer cho biết đang thảo luận với Ấn Độ và cam kết cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho quốc gia này. Công ty khẳng định đã đưa ra mức giá phi lợi nhuận đối với vaccine cung cấp cho chương trình tiêm phòng quốc gia của Ấn Độ.
Ấn Độ khởi động chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 vào giữa tháng 1 vừa qua với 2 loại vaccine Covishield do Oxford-AstraZeneca phát triển và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ). Với việc nhiều bang đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga và đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các vaccine phòng COVID-19 để tăng tốc độ tiêm chủng trong nước. quả của vaccine lên tới 90% đã được tạp chí y dược hàng đầu The Lancet công nhận và đăng tải.
AU hối thúc các thành viên sớm sử dụng vaccine được viện trợ
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson cho người dân tại Klerksdorp, Nam Phi, ngày 18/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) thuộc Liên minh châu Phi (AU) ngày 22/4 đã kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 đã được viện trợ, không để số vaccine này hết hạn giống như đang xảy ra tại Malawi và Nam Sudan.
Ông John Nkengasong - Giám đốc CDC châu Phi cho rằng tình hình dịch bệnh tại châu Phi đang trong tình huống khẩn cấp, do đó, ông kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên minh châu Phi nhanh chóng sử dụng số vaccine ngừa COVID-19 được phân bổ.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Malawi cho biết sẽ tiêu hủy hơn 16.000 liều vaccine của AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất do lô vaccine này đã hết hạn sử dụng từ ngày 13/4. Số vaccine này được viện trợ cho AU thông qua cơ quan viễn thông MTN. Trong khi đó, Nam Sudan dự định không sử dụng 59.000 liều vaccine do AU cung cấp cũng vì lý do quá hạn sử dụng.
Các nước châu Phi vẫn đang tìm cách có đủ lượng vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Thực tế là nhiều nước khu vực này vẫn đang phụ thuộc vào các nguồn vaccine được tài trợ thông qua COVAX - chương trình phân phối vaccine ngừa COVID-19 dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo ông Nkengasong, đến nay, đã có 15 triệu liệu vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng để tiêm chủng tại châu Phi - lục địa có 1,3 tỷ dân. CDC châu Phi đặt mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số châu lục, tức khoảng 750 triệu người vào cuối năm 2021.
Hy Lạp và Iceland triển khai tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp và Iceland thông báo kế hoạch sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) trong chương trình tiêm chủng quốc gia, sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ủng hộ sử dụng loại vaccine này.
Theo đó, Hy Lạp sẽ triển khai tiêm vaccine J&J từ ngày 5/5 tới. Bộ trưởng Y tế Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết nước này đặt mục tiêu có 2,5 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 5 và đến tháng 6 tăng lên 4 triệu người. Để đẩy nhanh tiến độ, các điểm tiêm chủng ở Hy Lạp sẽ mở cửa cả vào cuối tuần và ở cả các bệnh viện tư. Bên cạnh đó, từ ngày 27/4, Chính phủ Hy Lạp sẽ cho phép tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho người từ 30-39 tuổi.
Tại Iceland, vaccine ngừa COVID-19 của J&J đã được phê duyệt và sẽ được sử dụng từ tuần tới, không giới hạn độ tuổi. Trước đó, lô hàng gồm hơn 2.400 liều vaccine J&J đã đến Iceland ngày 14/4 vừa qua nhưng được lưu kho để chờ kết luận của EMA về tính an toàn của loại vaccine này.
EU: Đông máu là tác dụng phụ của vaccine Johnson&Johnson Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết lợi ích tổng thể của vaccine Johnson&Johnson lớn hơn rủi ro, cho rằng đông máu là tác dụng phụ "rất hiếm gặp" của vaccine này. Hôm 20/4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết, họ đã tìm thấy "mối liên hệ có thể có" giữa vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson và sự...