Đưa táo ra đồng, cây nào cũng sai trĩu lại ngọt lịm, bán được giá
Những năm gần đây, một số hộ dân ở xã Nam Tân, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã đưa cây táo ra trồng trên đồng. Thời điểm này, những ruộng táo trĩu quả đang vào mùa thu hoạch với mức giá khá cao.
Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở xóm 7, xã Nam Tân (Nam Đàn) có hơn 2 sào đất, trước đây chuyên sản xuất cây màu nhưng do đất cằn cỗi, trồng ngô, lạc hiệu quả kinh tế thấp. Cuối năm 2016, qua tìm hiểu các mô hình trồng cây ăn quả trên tivi, thấy cây táo dễ trồng, mau cho quả, chị Phượng đã quyết định đầu tư cải tạo, trồng gần 300 gốc táo giống D28 và táo chua Gia Lộc.
Những cành táo trĩu quả đầu mùa. Ảnh: Diệp Phương
Thời gian đầu chị gặp không ít khó khăn. Táo trồng ở trên đồng, xa nhà nên khâu canh tác, quản lý còn nhiều vất vả. Hơn nữa, kiến thức về cây táo còn mơ hồ nên khi táo bị sâu bệnh lúng túng trong giải quyết chữa trị và vấn đề thời tiết cũng ảnh hưởng tới năng suất của táo.
“Thời điểm cây ra hoa, sắp đậu quả mùa năm ngoái vườn táo gặp phải cơn gió mạnh của bão số 2 đã làm gãy rụng hoa, còn năm nay lại bị sâu đục nhiều nên dù táo được mùa vẫn có phần ảnh hưởng đến năng suất” – chị Phượng cho biết.
Về sau, nhờ sự học hỏi từ những người trồng táo lâu năm, tự rút kinh nghiệm qua quá trình chăm trồng thực tế, vườn táo nhà chị đã trĩu quả.
Nông dân xã Nam Tân thu hoạch táo. Ảnh: Diệp Phương
Video đang HOT
Chị Phượng chia sẻ: “Táo là cây dễ trồng nhưng “khó tính”, dễ bị sâu bệnh. Do đó, việc chăm sóc đòi hỏi người trồng vừa đầu tư công sức nhưng cũng phải có kỹ thuật. Mỗi khi cây ra cành xum xuê phải tỉa bớt cành, chỉ giữ 3 – 5 cành to khỏe nhất để cây phát triển; phải thường xuyên vun gốc, làm cỏ. Yếu tố quan trọng nhất để cây táo phát triển tốt là khâu bỏ phân chuồng, tôi sử dụng nhiều phân chuồng để bón cho cây, hạn chế thấp nhất dùng thuốc hóa học. Mỗi mùa táo sẽ được bón phân 2 lần (lần 1 bón vào tháng 3 để nuôi cây, lần 2 bón vào tháng 7 để nuôi hoa, nuôi quả) với tỉ lệ khoảng 20 – 30 kg phân chuồng/gốc”.
Với gần 300 gốc táo, chị Phượng ước lượng thu hoạch được 7 – 8 tấn quả, hiện thương lái thu mua tại vườn giá 35.000 đồng/kg giống táo D28; 20.000 đồng/kg táo chua Gia Lộc; cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, làm hoa màu như trước đây, diện tích 2 sào chỉ thu khoảng 6 – 8 triệu đồng/ năm.
Cách đó không xa, gia đình anh Nguyễn Viết Minh ở xóm 7, xã Nam Tân có 2,5 ha đất trước đây trồng keo, đầu năm 2017 đã chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả, anh dành 1,5 ha để trồng táo. Đến nay, hơn 900 gốc táo đường ước tính đạt khoảng 25 tấn táo, bán với giá 35.000 đồng/kg.
Người dân Nam Tân chia sẻ, khi cây táo ra hoa đậu quả ít cần phải biết cách khứa cành để thúc quả. Ảnh: Diệp Phương
Nói về bí quyết chăm táo cho quả chất lượng, anh Minh cho hay: “Khi gần thu hoạch táo, mỗi gốc sẽ được bón lót một ít kali để quả ngọt đậm hơn. Để phòng, diệt sâu bệnh cần chế tạo “khắc tinh” của côn trùng bằng cách giã nhỏ gừng củ tươi, viên long não, cho thêm rượu vào chai nhựa, đục vài lỗ nhỏ lên thân chai để tỏa mùi rồi treo lên thân cây, hoặc mua những tấm diệt côn trùng có bán sẵn rất nhiều trên thị trường. Nếu cây ra hoa đậu quả ít cần phải biết cách khứa cành để thúc quả, còn những ngày nắng nóng phải tưới nước thường xuyên để cấp đủ ẩm cho cây”.
Bà Đặng Thị Hằng – công chức nông nghiệp xã Nam Tân cho biết: Mô hình trồng táo trên đất đồng bãi tại địa phương đang chủ yếu tự phát. Hiện có 4 hộ với tổng diện tích gần 4 ha. Tuy nhiên, trong năm nay nhận thấy hiệu quả từ mô hình nên chính quyền đã khuyến khích và có chính sách hỗ trợ 50% tiền cây giống, 30% tiền phân bón cho 2 hộ trồng táo diện tích trên 1 ha và tiếp túc hỗ trợ cho những gia đình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đồng bãi.
Theo Diệp Phương (Báo Nghệ An)
Vườn bưởi chi chít trái chín vàng ruộm ở vùng đất Yên Châu
Chỉ trồng có 50 cây bưởi Diễn trên diện tích 400 m2 nhưng ông Đào Văn Hân, bản Chiềng Thi (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) ung dung "bỏ túi" 50 triệu đồng tiền lãi mỗi năm.
Đến thăm mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đào Văn Hân ở bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, mọi người ai cũng tấm tắc khen ngợi. Vườn bưởi nhà ông Hân chỉ có 50 gốc bưởi Diễn trên diện tích 400 m2, nhưng gốc nào gốc nấy đều cho quả sai trĩu cành.
Theo ông Hân, so với các loại bưởi khác, bưởi Diễn không phải mất nhiều công sức chăm sóc mà quả lại cho chất lượng ngon, an toàn do không phải phun thuốc sâu và thời gian bảo quản được lâu.
Theo lời kể của ông Hân, năm 2009, có một nhóm sinh viên ở Hà Nội lên nhà làm đề tài tốt nghiệp. Với bản tính hiếu khách vốn có của người miền núi, ông Hân đã được nhóm sinh viên quý mến.
"Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén", tôi có nhận một cậu sinh viên làm con nuôi. Lúc hoàn thành đề tài tốt nghiệp chuẩn bị về trường, nó đưa 4 gốc bưởi Diễn ở Viện cây giống Trung ương 1 cho tôi trồng thử trong vườn. Thật bất ngờ, 3 năm sau cây bưởi bói quả, ăn rất ngon. Người thân, bạn bè ai đến chơi nhà khi được thưởng thức giống bưởi nhà tôi trồng đều tấm tắc khen. Nhiều người bảo tại sao tôi không nhân giống để phát triển kinh tế gia đình" - ông Hân nhớ lại.
Được chăm sóc tốt nên trái bưởi của ông Hân có mẫu mã quả rất đẹp
Năm 2013, bưởi Diễn được nhiều thương lái tìm mua với giá cao, thấy được hiệu quả kinh tế, ông Hân lấy một gốc ra chiết được 50 cây. Trải qua năm tháng chăm sóc cần mẫn cộng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, 50 cây bưởi được ông Hân chiết đã sinh trưởng và phát triển rất tốt. Chẳng mấy chốc, bưởi đã ra hoa và cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên.
Vườn bưởi Diễn nhà ông Hân, cây nào cũng cho quả sai trĩu cành
Theo ông Hân, giống bưởi Diễn này là bưởi chính gốc được lấy ở Viện lên cây không những khỏe mà chất lượng quả đặc biệt thơm ngon. "Trung bình mỗi gốc bưởi cho 60 quả, mỗi năm tôi xuất bán được hơn 3.000 quả. Với giá dao động từ 22.000 - 25.000đ/quả, mỗi năm, thu được 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 50 triệu đồng" - ông Hân tự tin cho biết.
Trung bình, một cây bưởi Diễn cho thu hoạch khoảng 60 quả
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc bưởi Diễn, ông Hân cho biết: 50 cây bưởi nhà tôi chăm đơn giản như đi chơi. Sau thu hái quả xong cần tỉa cảnh, cuốc xới toàn bộ đất vòng quanh cây rồi bón phân chuồng và phân lân cho cây. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả, phải biết ước lượng phân bón để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bưởi. Nếu phân quá ít, không đủ nuôi dưỡng cây thì hoa sẽ rụng và không đậu quả được. Nếu quá nhiều phân, bưởi sẽ bị khô và không mọng nước. Mỗi năm, ông Hân bón phân cho vườn bưởi 3 lần: Ra hoa, đậu quả và sau thu hoạch.
Để đỡ tốn kém chi phí và tránh dùng thuốc trừ sâu, anh Hân dùng hộp bẫy ruồi vàng cho trái bưởi
Tiết lộ về bí quyết phòng sâu bệnh cho bưởi Diễn, ông Hân cho hay: Để phòng trừ sâu bệnh, phương pháp được tôi áp dụng chủ yếu là dùng hộp bẫy ruồi vàng. Hộp này giá thành rẻ chỉ có 10 nghìn đồng/chiếc. 50 cây bưởi, tôi chỉ dùng có 6 hộp. Mua hộp thuốc dẫn dụ, diệt rồi vàng với 50 nghìn một hộp. Sau đó, lấy bông thấm vào thuốc và để vào trong hộp, trung bình khoảng từ 15 - 20 ngày thay thuốc 1 lần. Loại thuốc này rất thơm, sau khi đem tẩm với bông cho vào hộp, ruồi vàng sẽ tự bay đến đậu vào và chết. Dùng bẫy ruồi vàng khá hiệu quả, vừa hạn chế được phun thuốc sâu, vừa đỡ tốn kém chi phí.
Theo Danviet
Phục tài: U70 "đeo chứng minh thư điện tử" cho cá, thu 30 tỷ/năm Đó là lão nông Nguyễn Trung Tựu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, 67 tuổi ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương. Ông Tựu là 1 trong 101 điển hình tiên tiến được khen thưởng tại hội nghị tổng kết Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi và tôn vinh hộ nông dân điển hình...