Đua nhau rao bán nhà phố mặt tiền trung tâm
Bên cạnh việc giảm giá sâu cho các hộ kinh doanh, nhiều chủ nhà mặt phố khu trung tâm đã đăng tin rao bán tài sản, trong đó nhiều chủ nhà kèm dòng chữ “giá bán mùa Covid-19 có thương lượng”.
Tính đến đầu tháng 3/2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng. Trong khi đó, một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh để giữ vị trí tốt hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê. Nguyên nhân hàng loạt mặt bằng kinh doanh ở nhiều khu phố trung tâm khó tìm khách thuê là do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó là thời hạn hợp đồng thuê dài có thể lên đến 10 năm tại các khu vực ngoài quận 1 cũng là yếu tố làm nhiều khách có nhu cầu thuê từ bỏ mặt bằng.
Đến thời điểm này, khá nhiều nhà phố trung tâm thay vì đăng tin thuê đã rao bán, sang nhượng. Nhiều căn nhà rao bán hiện vẫn trong tình trạng đang cho thuê.
Theo ghi nhận tại các sàn giao dịch nhà đất cũng như các group đăng tin bán BĐS, hàng loạt nhà phố mặt tiền trung tâm Tp.HCM được rao bán giữa mùa dịch Covid-19. Trong đó, hầu hết đều đăng kèm thông tin giá thương lượng mùa dịch.
Các thông tin như “bán gấp căn góc 2 mặt tiền tại Trần Hưng Đạo, Q.5, hiện đang HĐ thuê The Coffee House giá 55 tỉ”, “Cần bán ra nhanh 2 căn mặt tiền Mai Thị Lựu, Q.1, đang cho thuê 30 triệu đồng/tháng….giá 27 tỉ”, hay “Bán nhà mặt tiền đường phường Bến Thành, Q,1 giá 86 tỉ, giá này quá bèo nhèo cho mùa dịch Covid-19…; “Bán nhà 2 mặt tiền hẻm Bùi Viện, Q.1, giá 8,7 tỉ, hiện nợ bank 5 tỉ, đang hợp tác cho thuê 60 triệu đồng/tháng, tạm ngưng hết tháng 4/2020 vì dịch Covid-19″…. xuất hiện nhan nhản trên các kênh rao bán/cho thuê cũng như các group mua bán BĐS ở thời điểm này.
Ảnh: Hạ Vy
Liên hệ theo số điện thoại rao bán, nhận thấy, đa số những chủ nhà rao bán đều đang cần tiền gấp, hoặc do vay ngân hàng để đầu tư nhà phố cho thuê, tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả nhưng tiền thu về thì không bù lại tiền lãi do dịch Covid-19. Khi được hỏi, sao không để dịch qua để khai thác cho thuê tiếp thì một chủ nhà cho rằng, trước bối cảnh này bán ra để bảo tồn dòng vốn.
Anh Ng, chủ căn nhà mặt tiền đường Mai Thị Lựu, Q.1 mua lại căn nhà hơn 80m2 với giá 23 tỉ đồng vào cuối năm 2018 (âm lịch). Giữa năm 2019 anh bỏ ra 3 tỉ để tu sửa và chào thuê với giá 30 triệu đồng/tháng tại tầng trệt. Hiện do dịch bệnh khách thuê trả mặt bằng, rao thuê vài lần không có khách, anh Ng quyết định rao bán tài sản với giá 27 tỉ đồng. Trong khi bản thân anh còn nợ ngân hàng gần 4 tỉ.
Video đang HOT
Tìm hiểu được biết, những chủ nhà rao bán tài sản ở thời điểm này đều không đủ sức cầm cự qua khó khăn. Trong khi rao thuê cũng không được, mà bán thì cũng là sự lựa chọn “bất đắc dĩ”. Anh Ng chia sẻ, thực ra nếu không vay ngân hàng đầu tư vào căn nhà phố này thì có thể anh sẽ không rao bán tài sản mà đợi dịch đi qua để cho thuê tiếp. Nhưng với tình hình này, khi dịch còn diễn biến phức tạp, khách thuê chưa rõ khi nào sẽ quay lại, trong khi trước đó đã giảm giá thuê khoảng 30% nhưng cũng không giữ được khách, cho nên anh quyết định bán để bảo tồn dòng vốn. Đợi thời cơ tính tiếp.
Theo ghi nhận, dù bán tài sản giữa mùa dịch nhưng việc giảm giá sâu chưa xuất hiện rõ nét. Đa số các chủ nhà rao bán đều để giá “thương lượng” hoặc kèm dòng chữ “giá bán mùa dịch Covid-19 có thương lượng”. Theo các chủ nhà này, có chăng là trong mùa dịch thì giá thu về sẽ cân nhắc hợp lý chứ không thể giảm giá được.
Trước đó, vào khoảng tháng 2/2020, trong buổi họp báo đại diện Savills Việt Nam nhấn mạnh, với những CĐT tiềm lực tài chính yếu, sẽ khó vượt qua dịch Covid-19, việc bán tài sản đã nằm trong kế hoạch của họ, đó là điều bắt buộc. Còn những NĐT vững tài chính vẫn cố gắng giữ tài sản, chờ dịch đi qua.
Đại diện này cũng nhấn mạnh, đây cũng là giai đoạn các NĐT khác có cơ hội lựa chọn tài sản đa dạng với giá hợp lý khi quyết định mua lại tài sản của những NĐT đang bán ra.
Hạ Vy
Thu thuế hộ kinh doanh: Ngưỡng chịu thuế quá lạc hậu
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi chỉ cần đạt doanh thu hơn 273.000 đồng/ngày là tới ngưỡng chịu thuế.
Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến nhận phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế cũng như hàng triệu người nộp thuế với lý do lạc hậu, bất hợp lý, chưa điều chỉnh đã lỗi thời... Sự bất hợp lý càng gia tăng khi Bộ Tài chính chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế đối với hộ kinh doanh.
Theo quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ nộp các loại thuế, phí như lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có).
Bộ Tài chính vẫn chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế với hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa: KT)
Bán 7 bát phở/ngày cũng phải nộp thuế
Ngưỡng xác định chịu thuế 100 triệu đồng từ nhiều năm nay được xem là quá thấp, bởi như vậy, doanh thu mỗi ngày chỉ cần đạt 273.000 đồng là phải đóng thuế. Thực tế, với mức ngưỡng này các hộ kinh doanh đều vượt xa. Thậm chí, có những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán bánh mì, bán phở dạo cũng đã vượt.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ quán cơm bình dân ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 50-60 suất. Giá mỗi suất 30.000 - 35.000 đồng. Doanh thu mỗi ngày khoảng 1,6 - 2 triệu đồng. Theo quy định hiện hành thì hộ kinh doanh này bắt buộc phải đóng thuế.
"Người đi làm công ăn lương thì được miễn trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng và sắp tới là 11 triệu đồng/tháng rồi mới tính thuế, chưa kể còn được tính thêm giảm trừ cho con cái. Như tôi bán hàng như thế này không được khấu trừ chi phí cho mình, trong khi tôi còn phải bỏ tiền mua thực phẩm, thuê cửa hàng, người làm... đủ thứ tiền", anh Hùng than thở.
Theo bà Phạm Thị Dung, chủ quán phở ở phố Thọ Lão (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thời gian gần đây, giá thịt bò cũng như nhiều loại thực phẩm khác đều tăng nên bà đã tăng mỗi bát phở từ 30.000 đồng/bát lên 40.000 đồng/bát. Như vậy, chỉ cần bán 7 tô phở/ngày là bà phải nộp thuế dù lãi hay lỗ. Điều đáng nói là bà không được trừ các khoản tiền mua thịt bò, bánh phở hay trả công người phụ bếp, dọn dẹp...
"Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho TNCN lên 11 triệu đồng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc. Tại sao những người đi làm công ăn lương thì được giảm trừ gia cảnh mà những người kinh doanh như chúng tôi lại không dược khấu trừ?", bà Dung đặt câu hỏi.
Cần công bằng giữa các đối tượng nộp thuế
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, do sự tăng trưởng của nền kinh tế nên mức thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên, chi tiêu của các cá nhân và hộ gia đình cũng tăng lên. Do đó, mức doanh thu 100 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh được quy định từ năm 2014, đến nay 6 năm là lạc hậu. Rõ ràng mức doanh thu hơn 8 triệu/tháng so với thời điểm hiện nay là quá thấp so với một cơ sở kinh doanh cá nhân hoặc hộ gia đình.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên coi hộ kinh doanh là dạng tiền khởi nghiệp, gia đình có chút vốn nhàn rỗi, có chút lao động, người già về hưu, sinh viên mới ra trường... Họ tận dụng năng lực trong gia đình để sản xuất kinh doanh.
"Hộ kinh doanh là những người thử nghiệm, tự làm và trả học phí cho giai đoạn tiền khởi nghiệp. Nếu thành công, họ sẽ tự lớn lên thành doanh nghiệp. Quản họ như doanh nghiệp cho dù thu thuế khoán, nhưng đòi hỏi máy móc tăng về bảo hiểm, kế toán, sổ sách, lao động... cũng khiến hộ kinh doanh thấy mệt mỏi thêm", ông Thịnh nói.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, tốc độ mất giá của lạm phát nhiều nên cần phải tính lại mức doanh thu như thế nào cho hợp lý, để cho người kinh doanh khi nộp thuế họ sẵn sàng chấp nhận và đặc biệt, để chống tiêu cực, chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cần phải minh bạch, rõ ràng.
"Chi phí để quản lý, theo dõi các cá nhân và hộ gia đình cũng cần phù hợp, vừa đảm bảo không sót nguồn thu. Chúng ta cũng nên thu những cái đáng thu, những cái quá bé, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mang hình thức kinh doanh cải thiện thì chúng ta cần phải linh hoạt và nhân văn", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, TS. Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) phân tích, luật Thuế TNCN liệt kê đến 10 loại hình có thu nhập chịu thuế, nhưng chỉ điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người có thu nhập từ tiền lương tiền công là bỏ sót các đối tượng còn lại.
Theo nguyên lý tính thuế bao giờ cũng lấy thu trừ chi, tương tự tính thuế thu nhập đối với doanh nghiệp. Chính sách về thuế TNCN cũng phải theo nguyên lý này mới phù hợp với xu hướng chung cũng như đảm bảo cho đời sống người dân. Việc chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc mà không thay đổi ngưỡng chịu thuế với các đối tượng khác là không hợp lý.
Ông Phong nêu rõ: Chính sách thuế phải được áp dụng đồng bộ và thống nhất. Nếu chỉ tăng cho người có thu nhập từ tiền công tiền lương thì chưa công bằng giữa các đối tượng chịu thuế khác.
Theo nhiều chuyên gia về thuế, hộ kinh doanh mà doanh thu 100 triệu đồng/năm là quá thấp, mức này đã quá lỗi thời từ nhiều năm nay. Mức giảm trừ gia cảnh được tiếp tục tăng lên trong thời gian tới mà chưa điều chỉnh ngưỡng chịu thuế cho hộ kinh doanh sẽ càng thấy rõ hơn sự bất cập trong chính sách thuế. Do đó, cần sớm điều chỉnh tăng ngưỡng chịu thuế của hộ kinh doanh để đảm bảo chính sách thuế được áp dụng đồng bộ và thống nhất. Nếu chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người có thu nhập từ tiền công tiền lương thì chưa công bằng giữa các đối tượng chịu thuế khác đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ./.
Diệp Diệp
LienVietPostBank giảm 0,5% lãi suất cho vay Lãi suất cho vay của ngân hàng chỉ từ 7%/năm, thời gian vay tối đa 12 tháng... Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) cho biết đây là chính sách mới nhất của ngân hàng áp dụng với khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh và khách hàng doanh nghiệp nhằm cùng khách hàng chia sẻ bớt tác động...