Dưa môn
Sợ môn ngứa bao nhiêu thì người ta càng thấy thích bấy nhiêu khi biến môn thành món ăn khoái khẩu.
Ai đã từng ở miền quê ĐBSCL cũng đều biết đến thứ cây “hèn mọn” là môn nước mọc hoang ở các bờ đất, mương vườn. Môn này khi đụng tới sẽ bị chất nhựa của nó gây ngứa nên được gọi là môn ngứa.
Dưa là loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, kích thích dịch vị. Làm dưa môn rộ nhất lúc mưa già. Chọn những bẹ dưa tốt, mập, cắt bỏ phần cọng nhỏ và lá, phần còn lại cắt khúc khoảng ba lóng tay, rửa sạch, cho vào cái thúng dày với chút muối, dùng bập dừa nước dọt thì ăn không ngứa. Sau đó cho vào khạp da lươn, trộn tỏi, ớt, đường, chế nước cơm vo, úp cái đĩa lớn, đậy kín nắp. Ủ chừng 5 ngày, dở nắp khạp nghe dậy mùi chua, môn ngả vàng là đã có món ăn khoái khẩu.
Mùa mưa cũng là mùa cá rô ngon nhất. Má tôi làm sạch cá rồi nướng lửa rơm cho dậy mùi thơm, gỡ lấy thịt cá ướp nước mắm cùng một số gia vị. Sau đó má cho dưa môn vào với chút nước lạnh, bắc lên bếp nổi lửa riu riu. Nước sôi, sền sệt, má nhắc xuống, rắc tiêu bột, tức thì một hương vị quyến rũ lan tỏa khắp nhà. Tôi nhanh chóng bới cơm, chan nước cá kho rồi vừa “lùa” cơm vừa gắp cá và dưa môn ăn không nghỉ.
Video đang HOT
Độc đáo nhất là dưa môn nước được má nấu chua với lươn. Không biết giữa con lươn và dưa môn có “duyên kiếp” gì mà nơi ao đầm mọc đầy môn nước cũng là nơi trú ngụ, sinh sôi nẩy nở của loài lươn. Cứ đem ống trúm tới đặt những nơi đó, bảo đảm có ngay những chú lươn mập ú, cái đuôi nhọn hoắt. Lươn rửa sạch, cắt khúc, cho vào nồi nước đã có sẵn dưa môn. Nước sôi, nêm nếm vừa ăn, nhắc xuống, múc ra tô, rải ngò om xắt nhỏ cùng một ít ớt sừng xắt lát. Thế là đã có một bữa cơm thịnh soạn.
Vốn là người không thích ăn cháo, nhưng có một thứ cháo hấp dẫn tôi từ thuở ấu thơ đến giờ, đó là cháo lươn ngó môn. Để làm món này, má tôi lựa ngó môn non đem tước bỏ vỏ rửa sạch, cắt khúc. Má làm lươn, phần tôi có nhiệm vụ nạo dừa. Anh Hai tôi mạnh tay vắt lấy nước cốt, nước dão dừa. Nồi cháo nước dão vừa sôi, gạo nở búp, má cho ngó môn vào. Khi gạo nở chín đều thì cho tiếp lươn vào. Nêm nếm vừa ăn, má cho hành lá xắt nhỏ, chế nước cốt lên mặt, nhắc xuống. Vậy là cả nhà tôi có một bữa ăn ngon, “mồ hôi mẹ mồ hôi con” tươm ướt áo.
Ở thành phố, kiếm khắp chợ không thấy bóng dáng mấy “bà già xưa” miệt vườn bán từng chén dưa môn để đem về nấu chua với tép bạc. Bất chợt nổi cơn ghiền cái mùi hăng hắc chân quê của dưa môn đã hằn sâu trong tâm thức…
Theo TNO
[Chế biến]- Mẹo muối dưa thật ngon
Ở nhiều hàng, dưa màu vàng đẹp nhưng ăn bị nhạt, không ngon do chủ hàng muối bằng nước sôi cho nhanh, khiến dưa bị chín ép.
Mời bạn tham khảo cách làm dưới đây để tự mình có được hũ dưa ngon cho gia đình nhé.
Nguyên liệu
1 kg cải xanh, loại dùng để muối dưa
500 ml nước
500 ml nước vo gạo
20 gr đường
60 gr muối, loại hạt to
3 thìa cà phê nhỏ dấm.
Cách làm
- Rau rửa sạch, đem phơi nắng xế chiều sao cho rau vừa khô nước. Không phơi quá héo. Nếu không có nắng, bạn có thể rửa sạch, để vào rổ cho ráo nước, để rổ rau cạnh góc bếp, cho rau hơi héo.
- Bắc nồi nước, nước vo gạo, đường, muối, dấm lên bếp. Hoà tan, đun sôi. Xong để nguội lại chỉ còn âm ấm. Dùng tay chấm ít nước muối, nêm khẩu vị thấy muối hơi mặn, có chút chua là được.
- Khử trùng lọ muối dưa, nắp lọ bằng cách trụng vào nồi nước đun sôi khoảng 10 phút. Lau khô.
- Cho rau vào lọ, nén vừa phải, đừng quá chặt. Bên trên cài hai thanh tre chéo nhau (bạn có thể dùng đũa gỗ, loại dùng một lần) để đè rau không bị nổi lên trên mặt nước để tránh rau bị đen.
- Đổ hỗn hợp nước muối vào. Mặt nước cao hơn mặt rau. Để nơi thoáng khoảng hai ngày là dưa vàng, rất ngon. Nếu có nắng, bạn đem phơi hũ dưa ngoài nắng một ngày, ngày hôm sau để lọ dưa ở nơi mát.
Theo ĐVO
Tác dụng của thực phẩm lên men Người cao huyết áp, tim mạch, bệnh thận không nên ăn hoặc hạn chế ăn mắm, dưa, cà muối. Lên men là quá trình trao đổi chất, qua đó chất hữu cơ bị biến đổi dưới tác dụng của các men (enzyme) của vi sinh vật. Các vi sinh vật thường được sử dụng để lên men là vi khuẩn, nấm men, nấm...