Đưa hàng nông sản lên “chợ online”
Thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi theo hướng chuyển sang mua bán trực tuyến (online). Bắt nhịp với thực tế phát triển, hỗ trợ thiết thực cho nông dân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm thúc đẩy bán hàng trên nền tảng số, mở “chợ” trực tuyến giúp các chuỗi liên kết cung ứng nông sản thông suốt.
Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương vào vụ thu hoạch và dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.
Một buổi livestream quảng bá, bán sản phẩm nông sản của Công ty cổ phần Phát triển ong miền núi (quận Đống Đa).
Trăn trở việc tiêu thụ nông sản
Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Lương Văn Phương cho biết, đơn vị có gần 1.000 cây bưởi đỏ. Thời điểm thu hoạch bưởi từ nay đến Tết Nguyên đán dự kiến cho sản lượng khoảng 50 tấn. Đây là giống bưởi quý nhưng nhiều năm qua người dân trong xã chủ yếu bán cho thương lái tới địa phương thu mua nên giá chưa được như mong muốn. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hộ trồng bưởi lo lắng hơn về đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là trăn trở của nông dân nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có hơn 174.400ha đất nông nghiệp (chiếm 51,93% tổng diện tích toàn thành phố). Những năm qua, từ việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, giá trị kinh tế cao. Trong đó, Hà Nội duy trì hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao với diện tích 40.000ha; hình thành 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên; 47 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung quy mô từ 20ha trở lên và 40 vùng trồng cây ăn quả các loại…
Từ nay đến cuối năm 2021 đầu năm 2022, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội sẽ bước vào thu hoạch như: Bưởi với diện tích 5.331ha, sản lượng dự kiến 90.627 tấn; cam, quýt diện tích 757ha, sản lượng dự kiến 6.793,7 tấn; táo diện tích 602ha, sản lượng dự kiến 8.127 tấn; chuối diện tích 1.640ha, sản lượng dự kiến 41.328 tấn và rất nhiều loại rau, màu vụ đông… Do đó, việc chủ động các giải pháp tiêu thụ nông sản để nông dân không chỉ được mùa mà còn được giá là rất quan trọng.
Nhân viên Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử Voso.vn để tiêu thụ nông sản. Ảnh: Mỹ Trang
Thiết thực hỗ trợ người nông dân
Lần đầu tiên “lên sóng” bán hàng online tại “Chợ đêm trên mây” phiên thứ tư do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao Lương Văn Phương đã tiêu thụ được hàng trăm quả bưởi. “Đây là cơ hội để hợp tác xã tiếp cận với kênh bán hàng mới, chủ động quảng bá và tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Ngoài phát trực tiếp (livestream), năm nay, một số sàn thương mại điện tử cũng đặt vấn đề với hợp tác xã đưa sản phẩm qua kênh phân phối của họ, mở hướng đi mới cho người nông dân”, ông Lương Văn Phương cho biết.
Video đang HOT
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin: Qua các kênh bán hàng online, thời gian vừa qua, hơn 4.000 tấn nhãn chín muộn của nông dân trên địa bàn huyện đã được tiêu thụ hết. Người trồng nhãn rất phấn khởi bởi thời điểm thu hoạch cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc mua bán qua chợ truyền thống không thể thực hiện.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để giúp các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp học trực tuyến miễn phí về bán hàng online, livestream… Với sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, chuyên gia, các đối tượng theo học đã có thể chủ động xây dựng kịch bản, quay clip bán hàng trực tuyến theo hướng chuyên nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức và duy trì các phiên chợ bán hàng online vào tối thứ sáu hằng tuần với tên gọi “Chợ đêm trên mây” nhằm tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất, kinh doanh có cơ hội thực hành sau khi hoàn thành khóa học. Người bán khi tham gia phải có hồ sơ đầy đủ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn chứng minh chất lượng của sản phẩm và người tiêu dùng mua sản phẩm qua “Chợ đêm trên mây” sẽ được thụ hưởng các chương trình khuyến mãi, quà tặng…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp duy trì và phát triển chuỗi cung ứng nông sản qua thương mại điện tử. Đây cũng là mục tiêu Hà Nội hướng tới để người nông dân kịp thời tiếp cận với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản qua các kênh thương mại điện tử đã và đang giúp người sản xuất và người tiêu dùng “gặp” nhau, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ và nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đang, sẽ vào vụ thu hoạch thì điều này càng thêm ý nghĩa.
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua
Những chính sách được đưa ra nhằm phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Trong tuần qua (từ ngày 20 - 25/9), những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương như thống nhất chuyển chủ trương từ "Không COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch"; thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp; nới lỏng vận tải hành khách; mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch... đã được đưa ra nhằm phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Chuyển trạng thái từ "Không COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19"
Công nhân làm việc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Trong cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã, phường, thị trấn đã thống nhất nhiều nội dung, quyết sách quan trọng; trong đó có sự thay đổi căn bản trạng thái chống dịch, phù hợp với tình hình của Việt Nam. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển chủ trương từ "Không COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19"; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái "bình thường mới", tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh; đồng thời, thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19".
Theo đó, Bộ Y tế sắp ban hành hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Hướng dẫn nhằm hai mục tiêu chính: Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp căn cứ vào tình hình dịch quyết định cấp độ dịch và các biện pháp thích ứng an toàn; chỉ đạo việc đáp ứng các chỉ số bắt buộc, đánh giá mức độ đáp ứng theo quy mô xã, phường. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá, chỉnh sửa Hướng dẫn phù hợp với từng giai đoạn.
Thủ tướng lưu ý 6 nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Thủ tưởng chỉ đạo tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và huy động y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Về xuất nhập cảnh, Tiêu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận "hộ chiếu vaccine" có tính chất đối đẳng. Bộ Thông tin và Truyền nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất các ứng dụng phòng, chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân và có giải pháp cả cho những người không có điện thoại thông minh.
Trong tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chỉ thị yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nông sản cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu trong mọi tình huống, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo và tăng cường giám sát việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP) bảo đảm tiến độ và hiệu quả; xây dựng, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT về tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án huy động phương tiện, người điều khiển phương tiện tổ chức vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông, tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã rà soát quy định do địa phương ban hành chưa đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ, đặc biệt tại tuyến tỉnh lộ, tuyến liên huyện, liên xã; chủ động bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Trong dự thảo mới (lần 2) về tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới, Bộ Giao thông Vận tải đã bỏ quy định về tiêm vaccine đối với hành khách liên tỉnh cũng như nới lỏng một số quy định về vận tải hành khách... Bộ Giao thông Vận tải quy định không tổ chức vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép. Các cảng hàng không, ga đường sắt ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5854/BCT-TTTN ngày 23/9 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn mở cửa trở lại đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) đã ký hợp đồng mua hơn 75,4 nghìn tấn gạo để hỗ trợ người dân 9 tỉnh, thành phố phía Nam trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã có 3 doanh nghiệp trúng thầu lần lượt 2 gói 25 nghìn tấn gạo và một gói 25,413 nghìn tấn gạo. Hình thức đấu thầu gạo lần này được tổ chức theo Điều 26 của Luật Đấu thầu năm 2013.
Số gạo trúng thầu lần này sẽ được vận chuyển trực tiếp đến trung tâm các huyện thị của 9 tỉnh gồm: Bình Dương, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tối đa là 15 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Đây là số lượng gạo nằm trong tổng số hơn 130.000 tấn gạo đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền cho 24 địa phương.
Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản 6561/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng.
Ngoài ra, Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến (VCCI-Workplace) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh. Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia làm thành viên Hội đồng, nhưng chỉ lãnh đạo doanh nghiệp là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc mới được cấp quyền tương tác trên nền tảng này. Các đại diện doanh nghiệp đăng ký tham gia trên website của Hội đồng tại địa chỉ website: https://covid19.vcci.vn.
Tổ chức sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ tiêu thụ nông sản tận vườn cho người dân tại xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN phát
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho nhiều nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp... gặp nhiều khó khăn, gây ra tâm lý thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng chờ trạng thái bình thường mới. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội có những chính sách cụ thể hỗ trợ người nông dân tiếp tục tổ chức sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là khi thị trường cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề xuất thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Đông theo hướng hàng hóa cho cây ngô, đậu tương, khoai tây như hỗ trợ giống, bảo vệ thực vật, chi phí làm đất... với kinh phí 76,825 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố giao về các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị thành phố cho phép các huyện mở rộng tối đa diện tích nhóm cây này (có năng suất cao vừa làm lương thực, thực phẩm vừa là nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, thời gian bảo quản lâu, thị trường dồi dào) và sử dụng ngân sách của quận, huyện để hỗ trợ theo mức hỗ trợ của thành phố.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã trình UBND thành phố dự thảo phương án tổ chức phối hợp vận chuyển người lao động các tỉnh, thành phố về Tp. Hồ Chí Minh làm việc trong thời gian thành phố khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới. Đơn vị này đề xuất 3 phương thức vận chuyển bằng đường bộ, chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10), tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11) sẽ triển khai cả 3 phương thức.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sớm phục hồi phát triển kinh tế; các doanh nghiệp chuyển đổi từ phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" sang hình thức vận hành mới mang tính bền vững và chủ động hơn, Sở Công Thương Cần Thơ ban hành hướng dẫn tạm thời phương án hoạt động đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Việc triển khai sẽ bao gồm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2021 và giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh đã thông qua Kế hoạch 142/KH-UBND về khôi phục hoạt động cảng cá, tàu cá xuất bến khai thai hải sản trở lại trong điều kiện phòng, chống dich COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Các cảng cá xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất kinh doanh của cảng phải đảm bảo có phòng cách ly y tế tạm thời, tổ y tế, lắp đặt camera tại cảng. Đồng thời, sử dụng 100% lao động là người dân đang sinh sống trên địa bàn của một huyện, thị xã, thành phố là "vùng xanh" thì người lao động được sử dụng phương tiện cá nhân đi từ nơi ở đến nơi làm việc.
Kế hoạch khôi phục hoạt động cảng cá, tàu cá xuất bến khai thai hải sản trở lại sẽ được thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày 20 - 25/9, hoàn thiện tổ chức đánh giá các điều kiện đảm bảo hoạt động cảng cá; từ ngày 20/9 đến ngày 1/10, tổ chức cho chủ tàu đăng ký xuất bến khi đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đến ngày 1/10 sẽ tổ chức đánh giá, điều chỉnh bổ sung kế cho hoạch cho phù hợp với thực tế.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh tác động. Tổ công tác đặc biệt do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.
Tuần qua, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng đã có Thông báo 3038/SGTVT-QLVT về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ thành phố Hải Phòng đi thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và ngược lại kể từ 18h ngày 23/9/2021 cho đến khi có thông báo mới để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Bắc Ninh, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai hướng dẫn phương án tổ chức vận tải hành khách và các bến xe khách. Đối với các bến xe khách trên địa bàn tỉnh và các loại hình kinh doanh vận tải gồm: xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe tuyến cố định, xe buýt nội tỉnh, xe buýt kế cận được hoạt động vận tải hành khách trong trạng thái bình thường mới; trong đó, đối với hoạt động các xe buýt nội tỉnh khẩn trương bố trí phương tiện, lái xe, phụ xe đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch để phục vụ nhân dân đi lại bằng xe buýt. Đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe khách du lịch và xe buýt kế cận, tỉnh Bắc Ninh nghiêm cấm việc đón, trả khách tại các tỉnh, thành phố có vùng dịch, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16.
Chủ động thiết lập chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp Những tháng đã qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho sản lượng tôm chế biến của tỉnh Cà Mau giảm mạnh. Không chỉ vậy, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp khác cũng gặp nhiều khó khăn, tuy chưa xuất hiện tình trạng ùn ứ nhưng vẫn mang tính chất cục bộ, nhỏ lẻ... khó...