Đưa cân tự động vào dự án để kiểm soát xe quá tải
Cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.
Cân tải trọng xe tải chở nguyên vật liệu tại Quốc lộ 24C, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn. Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN
Theo đó, từ 15/10/2021 – 14/10/2022, Thanh tra giao thông cả nước đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm, tước 2.244 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 82 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, kết quả nêu trên chưa phản ánh hết được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường, thực tế còn rất nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý.
Nguyên nhân được Cục Đường bộ Việt Nam chỉ rõ là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Thông tin thêm, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều quốc lộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 19, Quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh. Một số đường địa phương có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa như Hải Dương, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An… còn tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh các cảng nhỏ, bến thủy nội địa.
Video đang HOT
Vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực và thùng chở hàng gắn vào sát xi của sơmi rơmoóc có trục xoay phía cuối để chở quá tải hơn 200% lưu thông trên đường thuộc các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.
Một số Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp vận tải, mặc dù đã ký cam kết không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện chở quá tải nhưng thực tế vẫn vi phạm. Nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc kiểm tra và xử lý vi phạm tại đầu nguồn hàng chưa được duy trì thường xuyên. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.
Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi lực lượng xử lý hoặc khi bị kiểm tra thì chỉ đạo lái xe, phụ xe không chấp hành, đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm kiểm soát tải trọng phương tiện.
Để làm tốt kiểm soát tải trọng xe thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các dự án đầu tư xây dựng đường bộ mới, nhất là các dự án đường cao tốc đưa cân tự động để kiểm soát xe quá tải. Đồng thời, từng bước đầu tư trạm cân tự động trên các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư có các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các trung tâm, trạm đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với các phương tiện vi phạm, đã bị lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xử lý nghiêm các đơn vị cố tình vi phạm. Đồng thời đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện cơi nới kích thước thành thùng hàng.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt thiết bị cân cố định và có phương án để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Đồng thời, chỉ đạo và cho phép các nhà đầu tư BOT bổ sung hệ thống cân theo hướng cân kiểm tra tải trọng xe tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ.
Mặt khác, đề nghị Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động và tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông trong kiểm soát tải trọng phương tiện.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe, đồng thời sử dụng cân xách tay để kiểm soát xe quá tải. Nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các trạm cân cố định theo mô hình trạm tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực.
Cấp kinh phí để mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường sử dụng thiết bị ghi hình ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; tổng hợp các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý.
Cùng với đó yêu cầu các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp phải lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.
Yêu cầu nhà đầu tư BOT sớm khắc phục hư hỏng trên QL19 qua Bình Định
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định, Công ty Cổ phần BOT Bắc Bình Định, Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Định và Công ty TNHH BOT 36.71 khắc phục các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên các quốc lộ qua tỉnh Bình Định.
Sau khi nhận được phản ánh của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Định về các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên các quốc lộ qua địa phương, nhất là trên tuyến quốc lộ 19 (QL), Bộ GTVT đã nhiều lần chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam huy động các đơn vị quản lý đường bộ, các chủ đầu tư dự án tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, tuần tra phát hiện và kịp thời khắc phục ngay các hư hỏng; chủ động công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên quốc lộ theo quy định; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp chậm khắc phục hư hỏng làm mất an toàn giao thông trên tuyến.
Phương tiện gặp khó khăn khi tham gia giao thông trên tuyến QL19. Ảnh: TTXVN.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam với thẩm quyền được giao, có trách nhiệm rà soát hiện trạng hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên các quốc lộ qua tỉnh Bình Định, trường hợp hư hỏng thuộc trách nhiệm doanh nghiệp dự án BOT cần có biện pháp đôn đốc và xử lý nghiêm trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng BOT đã ký.
Liên quan đến vấn đề này, Khu Quản lý đường bộ III (đơn vị quản lý đường bộ tại địa phương) cũng vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị tạm dừng thu phí Trạm Km49 550, QL19, tỉnh Bình Định thuộc dự án BOT đoạn Km17 027 - Km50 00 và đoạn Km108 00 - Km131 300 trên địa bàn tỉnh Bình Định và Gia Lai, do nhà đầu tư chậm khắc phục hư hỏng mặt đường, khiến nhiều vị trí bong tróc, phát sinh ổ gà, gây mất ATGT.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17 027 - Km50 00 trên địa bàn tỉnh Bình Định và đoạn Km108 00 - Km131 300 trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo hình thức Hợp đồng BOT do Tổng công ty 36 là nhà đầu tư BOT, Công ty TNHH BOT 36.71 là doanh nghiệp dự án. Dự án có tổng mức đầu tư là 2.045 tỉ đồng và được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016. Dự án có 2 trạm thu phí gồm: Trạm thu phí Km49 550, QL19, tỉnh Bình Định và Trạm thu phí Km124 720, QL19, tỉnh Gia Lai để thu phí hoàn vốn đầu tư cho Dự án.
Mở các tuyến xe trung chuyển khách tới Bến xe miền Đông mới Phương án tổ chức phương tiện tiếp chuyển hành khách đến Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới và ngược lại vừa được Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) gửi Sở GTVT TP.HCM. Kết hợp với đơn vị trung gian trung chuyển khách Theo đánh giá của SAMCO, hiện nay, việc di chuyển của hành khách từ các khu vực trong...