Du xuân Tây Bắc thưởng thức cỗ Tết bản Mường
Nếu ai đó có dịp “phượt” Tết để khám phá vẻ đẹp Tây Bắc, nên dừng chân ở các bản Mường để thưởng thức các món ăn đậm đà dư vị của đồng bào Mường.
Từ bao đời nay, đồng bào Mường vùng Tây Bắc gìn giữ những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và được thể hiện sinh động trong dịp Tết đến xuân về.
Tết đến xuân về, ở các bản Mường vùng Tây Bắc, người Mường lại trổ tài làm các món ăn truyền thống để vui Tết, thết đãi khách quý. Đó là những món ăn mang đậm bản sắc Mường được đồng bào lưu giữ và chế biến vào dịp lễ hội bản Mường, Tết nguyên đán để cùng nhau thưởng thức, vui Tết, đón xuân. Vào những ngày giáp Tết, bếp lửa của người Mường lúc nào cũng đỏ lửa, ấm áp. Đó là không gian sinh tồn từ bao đời nay của người Mường vùng Tây Bắc, nơi làm nên những món ăn truyền thống.
Xôi ngũ sắc được đồng bào Mường đồ trong dịp Tết nguyên đán.
Tết đến, xuân về, người Mường Tây Bắc chế biến nhiều món ăn khá đặc sắc như xôi màu từ gạo nếp đặc sản, lá màu hái trên rừng và trong vườn nhà. Ở bản Mường vùng Phú Thọ có đặc sản nếp gà gáy, hạt mẩy tròn, dẻo thơm, được người Mường dùng để đồ xôi. Để có được những món ngon vào ngày Tết, người Mường trong các bản Mường vùng Tây Bắc thường lấy những sản vật tự nhiên như cá suối, măng rừng, rau rừng, lóng chuối, gà ri, vịt cỏ, gạo nếp… toàn những món ngon, sạch và đậm đà dư vị.
Chả lá bưởi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ lá để dâng cúng tổ tiên của người Mường vào dịp Tết.
Trong khi chế biến, người Mường rất chú ý đến gia vị và sự kết hợp giữa các nguyên liệu để làm nên những món ngon. Chẳng hạn như món như rau rừng các loại đồ, cá tôm ướp gia vị như hạt dổi, hạt mắc khén, các loại rau thơm gói trong lá vả đồ chín rất thơm ngon.
Thịt lợn nướng thơm ngon và đậm đà dư vị vào những ngày Tết của người Mường.
Video đang HOT
Vào dịp Tết, trong mâm cỗ của người Mường không thiếu các món cá suối nướng, chả lợn cắp nách, gà nướng, cá lam, thịt lợn luộc, bánh nếp ngũ sắc, cơm lam. Ngoài ra còn có món lóng chuối (lõi non của cây chuối rừng) muối dưa, nấu canh cá suối, khi ăn sẽ giúp cơ thể tiêu độc, giải cảm.
Canh loóng chuối, món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết.
Món rau đồ của người Mường được chế biến từ nhiều loại rau như rau đắng, rau lá đốm, quả vả non, rau mã đề, hoa đu đủ đực, thái nhỏ hỗn hợp rồi cho lên chõ gỗ đồ chín. Khi ăn sẽ cho vị đắng, vị chát, vị ngọt, vị cay cay. Tết đến, người Mường không thể quên chế biến món chả cuốn lá bưởi. Dùng lá bưởi non bánh tẻ để cuốn thịt lợn, gà, cá băm nhuyễn nướng trên than hồng. Món này dùng để dâng cúng tổ tiên, sau đó cả chủ và khách đều thưởng thức mong được may mắn và xua tan bệnh tật.
Mâm cỗ lá ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc Mường Tây Bắc.
Cỗ Tết của bản Mường thường đặt trên mẹt tròn. Người Mường thường dùng lá chuối tươi hoặc lá dong, lau sạch, đặt vào lòng mẹt sau đó bày các món ăn lên trên chứ không cần dùng nhiều bát đĩa. Nhìn mâm cỗ Tết của người Mường thật sinh động, hấp dẫn và đậm chất truyền thống. Khi có khách quý từ phương xa, người Mường niềm nở đón khách, tiếp khách trên căn nhà sàn và mời khách thưởng thức những món ngon do chính bàn tay của họ chế biến.
Cỗ Tết là nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào Mường vùng Tây Bắc gắn với địa bàn sinh sống và những quan niệm nhân sinh trong dòng chảy của văn hóa bản Mường từ truyền thống cần được lưu giữ và diễn xướng trong cuộc sống hôm nay./.
Theo vov
Tháng 10, rủ nhau lên Tây Bắc khám phá ẩm thực núi rừng
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên với những ruộng bậc thang hùng vĩ, Tây Bắc còn níu chân các vị khách phương xa bởi ẩm thực bình dị, độc đáo, mang hương vị đặc trưng núi rừng.
Cơm lam (Hòa Bình): Cơm lam là món ăn nổi tiếng của người Mường Động, thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Làm từ những hạt nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng được ủ trong các ống tre, cơm lam có hương vị rất riêng, hoà quyện giữa vị dẻo của gạo nếp, ngọt của nước dừa và hương thơm mới của thân tre, tạo nên vị đặc trưng ở nơi đây. Ảnh: follow.mem.
Nậm pịa (Sơn La): Nậm pịa được làm từ ruột non của trâu, bò hoặc dê. Ruột non làm sạch, nhồi thêm thịt, tiết tươi, đuôi dạ dày, cuống tim... kèm theo gừng, sả, mắc khén, ớt, lá chanh băm, sau đó cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút để tạo món ăn sền sệt. Du khách ăn không quen có thể thấy hơi đắng lúc đầu nhưng càng ăn càng cảm thấy ngọt và thơm hơn. Ảnh: Wanderlusttips.
Rêu đá nướng (Lai Châu): Đến Lai Châu, bạn nhất định phải thử rêu đá nướng, món ăn đặc biệt của người bản Thái, Lai Châu. Cọng rêu đá xanh rì bám chặt trên những tảng đá trong lòng suối tưởng chừng bị bỏ quên theo thời gian, lại là đặc sản ngon hấp dẫn bao vị khách phương xa. Rêu đá được kẹp bởi thanh tre, nướng trên than hồng đến khi dậy mùi như cá nướng. Thực khách nên ăn rêu nướng chấm với chẩm chéo hoặc nước măng ngâm chua sẽ rất đậm vị. Ảnh: Foody, Chie_be_brave.
Chẩm chéo (Điện Biên): Chẩm chéo hay chẳm chéo là gia vị cổ truyền của dân tộc Thái Đen, tỉnh Điện Biên. Loại gia vị này phổ biến khắp vùng Tây Bắc nước ta và hấp dẫn khách thập phương. Nguyên liệu chính của món chấm này là ớt, muối, mắc khén, tỏi, hạt dổi, húng lủi, rau thơm, gừng, mùi tàu, sả. Chẩm chéo thường sử dụng để chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và các món rau sống, quả chua... Ảnh: Vivu_foods, Wintoie.
Pa pỉnh tộp (Điện Biên): Pa pỉnh tộp thực chất là món cá nướng gập. Để chế biến món này, người ta có thể sử dụng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi. Cá được mổ bụng và nhồi các loại gia vị như gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, húng, hành tươi, đặc biệt không thể thiếu mắc khén. Sau đó, người ta gập đôi cá lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đỏ hồng. Cá nướng không bị ám khói, vàng đều, tỏa mùi cay cay rất kích thích vị giác. Món ăn này không chỉ phổ biến ở Điện Biên mà còn nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Ảnh: Hoabanfood, Dienbienfood, Foody.
Thắng cố (Lào Cai): Món thắng cố truyền thống của người H'Mông ở Bắc Hà có lịch sử khoảng 200 năm. Theo dân gian truyền lại, thời chiến tranh thiếu các vật dụng nấu ăn như xoong, nồi hay chảo, người ta dùng tấm da ngựa làm cái chảo lớn và dùng con ngựa làm thực phẩm. Món thắng cố giờ đây phổ biến ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc và được nấu từ nhiều loại thịt khác nhau như ngựa, trâu, bò, lợn... Ảnh: @nguhahi.
Cốm Tú Lệ (Yên Bái): Nếu Hà Nội nổi tiếng với cốm thơm làng Vòng, Yên Bái lại làm nức lòng khách du lịch bởi cốm Tú Lệ. Cốm Tú Lệ là món quà bình dị từ những thửa ruộng bậc thang đặc trưng vùng Tây Bắc. Hạt cốm Tú Lệ mẩy, to tròn, có vị thơm rất cuốn hút. Cốm Tú Lệ có thể dùng ngay, thưởng thức cùng trà nóng hoặc thực khách đem chấm cùng chuối tiêu đều rất thơm ngon. Ảnh: Thaolinhhhh, Themdodai, Trang.inr.
Theo Zing
Bánh chưng - biểu tượng không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền Trong những ngày xuân đến rộn ràng, lòng người náo nức mừng dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta lại nghĩ đến những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Và bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong số đó. Bánh chưng đã trở thành nét đẹp của con người Việt, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời...