Du lịch vùng đồng bằng sông Hồng : Vẫn là “điệp khúc” thiếu, yếu…
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng… tuy nhiên, du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng vẫn chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trên bản đồ du lịch Việt Nam và chưa đủ hấp dẫn để du khách ở lại lâu, chi tiền nhiều.
Nhằm đẩy mạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối tour tuyến trong khu vực, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến và để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2020 – Ninh Bình, từ ngày 26 – 30.8.2019, Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Du khach tham quan tai di tich Cô đô Hoa Lư (Ninh Binh)
Sản phẩm trùng lặp
Chỉ riêng số lượng các di tích lăng tẩm, đền chùa miếu mạo ghi dấu các triều đại từng trị vì kể từ thời lập nước cho đến nay trên địa bàn châu thổ sông Hồng và các vùng ven của nó, hàng trăm làng nghề truyền thống, lễ hội văn hóa còn lưu truyền đến ngày nay đã có thể thiết kế nên những tour tuyến khác nhau với nội dung không bị trùng lặp. Bên cạnh đó, khu vực này có lợi thế là thủ đô Hà Nội – trung tâm văn hóa chính trị của cả nước là nơi đón và trung chuyển khách lớn thứ hai toàn quốc (chỉ sau TP.HCM).
Tuy nhiên hiện nay, đồng bằng sông Hồng còn thiếu các doanh nghiệp lữ hành mạnh; sản phẩm du lịch chưa độc đáo, sáng tạo mà chủ yếu là trùng lặp; thiếu các sản phẩm về đêm; việc quảng bá xúc tiến còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp; nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… dẫn đến tình trạng khách chủ yếu đi tham quan trong ngày chứ ít lưu đêm lại các tỉnh này dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và chi tiêu ngoài tour của khách cũng không cao. Chỉ riêng tỉnh Ninh Bình, sản phẩm du lịch đã na ná nhau: Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vân Long, Thung Nham, động Thiên Hà… đều di chuyển bằng thuyền qua các hang động. Sự tương tác giữa người dân và khách du lịch chưa nhiều; thiếu những tour du lịch trải nghiệm thật sự cho du khách. Sản phẩm và cách khai thác du lịch ấy chưa thể hiện được hết tiềm năng du lịch của các địa phương trong vùng và thể hiện phần nào sự lúng túng của các địa phương trong việc tự đổi mới và liên kết phát triển du lịch.
Theo nhiều chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, ngoài việc thiếu một quy hoạch tầm vĩ mô, thiếu sự liên kết nội vùng, đồng bằng sông Hồng còn thiếu những doanh nghiệp mạnh, kết nối “cuộc chơi” ở mỗi tỉnh. Bên cạnh đó, có những tỉnh lãnh đạo ngành cũng không quan tâm nhiều đến phát triển du lịch, thờ ơ với doanh nghiệp du lịch và cũng không mấy chú trọng đến quảng bá, xúc tiến, truyền thông cho các điểm đến…
Cần ưu tiên xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Video đang HOT
Khi đã xác định làng nghề, di tích, thắng cảnh… nào đó là điểm du lịch thì phải có quy hoạch và hệ thống hạ tầng đồng bộ, đầu tư cho cảnh quan môi trường, khai thác nét đặc trưng văn hóa, quà lưu niệm độc đáo và quan trọng là khách có thể tham quan trải nghiệm cùng với người dân vùng đó hoặc thưởng thức những đặc sản vùng miền đó. Nhiều doanh nghiệp góp ý, thậm chí đưa các món đặc sản của địa phương vào trong các bữa ăn của khách và có các bài giới thiệu thật hấp dẫn để khách nhớ và quay lại.
Vùng đồng bằng sông Hồng sở hữu nguồn tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, có nhiều lợi thế so với các vùng du lịch khác trong cả nước. Đó chính là những giá trị đặc thù, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù. Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay, khách du lịch lưu đêm ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng không nhiều, chủ yếu là khách tham quan trong ngày.
Để du lịch phát triển, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, vai trò của Hiệp hội Du lịch địa phương trong chỉ đạo phát triển du lịch, đặc biệt là trong việc xây dựng các phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, quản lý môi trường du lịch, quản lý điểm đến. Bà Hoàng Thị Minh Thi, Giám đốc Công ty TNHH du lịch quốc tế Nụ cười (Smile Tours) cho biết: “Với những điểm khảo sát lần này, các công ty lữ hành hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn để đưa khách đến. Tuy nhiên, việc kết nối giữa các tỉnh hiện nay chưa được tốt lắm, cần có sự phối hợp để tạo ra sự hấp dẫn, đảm bảo chất lượng, phát triển bền vững chung trong vùng”.
Các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo việc tăng cường cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành ở địa phương; giữa các địa phương trong vùng; kết nối doanh nghiệp giữa các địa phương với doanh nghiệp cả nước. Qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và có sức cạnh tranh, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch có hiệu quả.
Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương, các tỉnh, thành phố trong vùng cần phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, các chương trình du lịch chung của toàn vùng. Qua đó, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến, tạo thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch đồng bằng sông Hồng như một điểm đến hấp dẫn. Đây là một nội dung liên kết, hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế vì hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương…
THÚY HÀ
Theo baovanhoa.vn
Cần Thơ lọt top 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới: Bài học làm du lịch
Mới đây, chuyên trang về ảnh Getty Images đã công bố danh sách 15 thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới. Và bất ngờ hơn cả, thành phố Cần Thơ của Việt Nam đã vinh dự được nêu tên trong bảng xếp hạng này.
Các hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi trên chợ nổi ở Cần Thơ.
Trải nghiệm dân dã, đặc sắc hiếm có
Được biết, tiêu chí để chọn những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới không chỉ dựa trên hình ảnh trực quan mà còn dựa trên những lợi ích kinh tế, du lịch, môi trường mà nó đem lại.
Về cơ bản, kênh đào được tạo ra với mục đích nâng cao địa hình, nhằm bảo vệ bến cảng và trung tâm thành phố khỏi mực nước biển dâng cao hàng ngày và đặc biệt khi có bão lớn.
Từ đó, các thị trấn, thành phố trên mặt nước lần lượt được sinh ra với cảnh quan độc đáo, lối sống sinh động bởi địa hình đặc thù của thành phố kênh đào là nối liên giữa các tuyến đường thuỷ với không gian đô thị hiện đại.
Chính lẽ ấy, thành phố kênh đào góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động, người dân sinh sống xung quanh khu vực này.
Nằm ở hạ lưu sông Mekong với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, Cần Thơ trở thành mảnh đất trù phú, cây trái sản vật tốt tươi quanh năm đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm ẩm thực trong những chuyến du lịch sông nước thú vị.
Các điểm đến nổi tiếng có thể kể đến là chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, bến Ninh Kiều... Tại đây, hầu như mọi hoạt động trong cuộc sống thường ngày của người dân đều diễn ra trên thuyền.
Chị Hương, một du khách từ Hà Nội, đã chia sẻ về một phiên chợ trên sông như sau: "Tiếng xình xịch của máy nổ sau mỗi ghe, tiếng cười tiếng nói, tiếng trả giá khi mua hàng,... huyên náo cả một khúc sông.
Đó là một phiên chợ cũng ồn ào, náo nhiệt như bao phiên chợ khác nhưng vẫn đậm chất độc đáo chỉ riêng ở những phiên chợ trên sông nước mới có. Những chiếc xuồng máy sẵn sàng len lỏi khắp nơi để phục vụ thức ăn, nước uống cho du khách và người dân địa phương".
Cảm giác thưởng thức những tô bún nóng hổi, tô hủ tiếu thơm lừng,... hay nhâm nhi ly café sáng trên những chiếc ghe lênh đênh, bồng bềnh giữa sông nước, nhìn ngắm cảnh sầm uất mua bán của phiên chợ đem đến một trải nghiệm dân dã, đặc sắc hiếm có đối với khách phương xa, đặc biệt là du khách phương Tây.
Cô Carolyn Whitney Carter - Hoa hậu Trái đất Quần đảo Virgin (Mỹ) năm 2016 trong một lần du lịch chợ nổi Cái Răng đã chia sẻ: "Tôi thật sự bị mê hoặc bởi những loại trái cây tươi ở nơi đây như đu đủ, xoài, dừa xiêm đặc biệt là trái khóm (dứa). Một mình tôi có thể ăn hết một trái khóm to". Trước sự thích thú đặc biệt của Carter với trái dứa, mọi người trong đoàn đã gọi cô là "Miss Pineapple - Hoa hậu khóm"...
Song song quảng bá và bảo tồn
Quả thực, không phải tự nhiên Cần Thơ được xướng tên là một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch TP. Cần Thơ, trong năm 2018, TP. Cần Thơ đã đón gần 8,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 106% kế hoạch năm.
Được biết, kênh đào Cần Thơ gây dấu ấn với thế giới không bởi sở hữu vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng của các tòa lâu đài, căn nhà ven kênh giống các thành phố kênh đào châu Âu; mà bởi bản sắc bình dị, dân dã và náo nhiệt của một vùng sông nước xứ nhiệt đới.
Song, ngoài yếu tố cảnh quan và sản vật, con người cũng đóng vai trò quan trọng khiến bạn bè quốc tế ấn tượng, ghi nhớ và muốn quay trở lại nơi đây. "Nhiệt tình, đôn hậu, chất phác..." là một số tính từ các du khách nước ngoài đã mô tả lại về con người xứ này.
Thiết nghĩ, sự tăng trưởng nóng của du lịch luôn có hai mặt. Do đó, công tác quảng bá, phát triển du lịch phải được đồng hành với các giải pháp có thể bảo tồn được nét văn hoá, vẻ đẹp nguyên sơ của địa phương khỏi những tác động tiêu cực của "ngành công nghiệp không khói" này đối với thiên nhiên và con người nơi đây.
Hương Giang - Đỗ Trang
Theo baophapluat.vn
Đến Hòn Yến của Phú Yên để ngắm san hô biển tuyệt đẹp Hòn Yến đang nổi lên là địa điểm du lịch mới của Phú Yên, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước bởi biển nơi đây vẫn còn giữ được nét nguyên sơ với hệ sinh thái san hô biển tuyệt đẹp. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN). Trong khoảng thời gian thủy triều rút, rặng san hô lộ trên mặt nước...