Du lịch Thái Lan chật vật tìm nguồn khách quốc tế
Thái Lan mở cửa trở lại đón khách quốc tế, nhưng cạnh tranh gay gắt đến từ thị trường Mỹ, châu Âu có thể sẽ rào cản lớn đối với kế hoạch khôi phục ngành du lịch như trước thời đại dịch COVID-19.
Nhiều bãi biển thơ mộng tại Thái Lan vẫn đang ngóng chờ du khách quốc tế. Ảnh: Financial Review
Nigel Fisher, chủ khách sạn Banyan Tree thuộc Krabi lưu trong điện thoại bức hình chụp chính ông, ghi thời khắc người đàn ông đẫm mồ hôi nhưng hân hoan chiến thắng sau khi vượt qua rất nhiều bậc thang, dốc đã để chạm vào khối đá được người dân địa phương gọi là “miệng hố” của ngọn núi.
Hành trình trèo núi này, với tầm nhìn phóng tầm mắt rộng khắp ở trên cao, là một trải nghiệm mà Fisher cho rằng sẽ thu hút được du khách có khả năng chi tiêu cao khi họ quay trở lại vùng đất ở phía đông nam Thái Lan. Nơi đây sở hữu nhiều bãi biển đẹp hoàn hảo, cùng phong cảnh nên thơ của chuỗi đảo vốn từng đón hàng triệu du khách/năm khi dịch chưa bùng phát.
Nhưng trước hết, Fisher cần khách quốc tế quay trở lại. Khách sạn nằm bên bãi biển Tubkaek do ông quản lý hồi tuần trước kín khách, nhưng chủ yếu là khách nội địa. Chương trình kích cầu du lịch “We Travel Together” do chính phủ Thái Lan phát động đã tạo ra cú hích lớn, khi du khách được trợ giá phí phòng khách sạn. Nhưng khách quốc tế, vốn có xu hướng lưu trú dài ngày hơn, vẫn chưa xuất hiện nhiều – ông Fisher bày tỏ.
Tại Đông Nam Á, các nước đang dỡ bỏ các quy định liên quan đến phòng chống COVID-19 để thúc đẩy phục hồi du lịch. Thế nhưng lượng khách từ các thị trường trọng điểm chưa khả quan. Trung Quốc, nước chiếm 25% trong tổng số khách du lịch quốc tế tới Thái Lan năm 2019, gần như đóng băng du lịch ra nước ngoài.
Cuộc chiến Ukraine cũng tạo ra lực cản mới đối với vận tải hàng không khởi hành từ châu Âu, khi số lượng các chuyến bay từ khu vực này vốn dĩ vấn ở mức thấp. Thái Lan đặt cược vào một số thị trường gần ở Đông Á và Australia – nơi có lượng khách rục rịch quay trở lại Thái Lan.
Tại Krabi, ông Fisher đang ngắm tới quãng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 – thời điểm lượng khách từ châu Âu và Mỹ bắt đầu đổ tới Thái Lan. Tháng 9 bắt đầu thời kỳ cao điểm của mùa du lịch kéo dài đến tháng 3 năm sau. Nigel Fisher hy vọng công suất sử dụng phòng khách sạn do ông quản lý sẽ đạt tỉ lệ 60/40 giữa khách nội địa/khách quốc tế, tăng so với tỷ lệ 80/20 như hiện nay.
Tháng này, Thái Lan dỡ bỏ quy định về xét nghiệm khá rườm rà đối với khách quốc tế khi đến, sau khi đã bỏ quy định về xác nhận PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khởi hành hồi tháng 4. Tất cả đều nhằm mục đích phục hồi ngành du lịch. Đây là lý do để có thể lạc quan. “Chúng tôi rất biết ơn hỗ trợ của chính phủ. Tôi nghĩ rằng một khi mở cửa toàn bộ biên giới, người Thái sẽ đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, còn khách nước ngoài vào Thái Lan cũng đông hơn”, ông Fisher nói.
Video đang HOT
Giống như Singapore, Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc, Thái Lan hiện mở cửa đón mọi khách quốc tế đã tiêm đủ liều. Du khách đến Thái Lan không cần kết quả xét nghiệm âm tính hay phải cách ly ngắn ngày như trước nữa. Tất cả những gì cần làm là cung cấp xác nhận tiêm chủng và xác nhận bảo hiểm khi đăng ký trực tuyến trên hệ thống đăng ký nhập cảnh Thai Travel Pass.
Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan ngày 2/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Singapore cũng yêu cầu mẫu khai tương tự. Nhưng loạt các trạm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Changi đã biến mất, thay vào đó là dòng người với hành lý. Lượng khách di chuyển bằng đường hàng không qua Singapore trong tháng 5 đã tăng gấp đôi, lên mức 40% so với thời thời tiền COVID-19. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng khách châu Âu và Mỹ vẫn vắng bóng.
“Thật đáng tiếc, đà phục hồi tại châu Á bị tụt lại”, Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát biểu tại hội nghị hàng không ở Singapore hôm 17/5. Theo ông Walsh, trong quý 1 năm nay, lưu lượng di chuyển hàng không quốc tế đạt mức 48% so với năm 2019 – thời điểm dịch chưa bùng phát. Tại châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh, mức hồi phục này là 60%. Nhưng ở châu Á, tỉ lệ này mới đạt 17% so với thời điểm tiền đại dịch.
Theo Hannah Pearson, nhà sáng lập hãng tư vấn du lịch Pear Anderson có trụ sở ở Kuala Lumpur, Thái Lan, vấn đề lớn mà Đông Nam Á gặp phải trong thu hút khách quốc tế trong năm 2022 là cạnh tranh, khi “có quá nhiều nước đều mở cửa trở lại”.
Bà Hannah nhận định Đông Nam Á có lẽ đã “lỡ chuyến tàu” thu hút khách châu Âu ở kỳ nghỉ giữa năm. “Đúng là Đông Nam Á đã rỡ bỏ nhiều rào cản hạn chế đối với xét nghiệm và cách ly và đây là bước tiến lớn. Nhưng nhiều nước trong khu vực vẫn còn áp dụng quy định khách nước ngoài phải đăng ký trước trên hệ thống để xét duyệt và đó là thử thách cần phải vượt qua”, bà Hannah Pearson nói.
Theo giới chuyên gia trong ngành, cần quãng thời gian dài để du lịch tại Đông Nam Á và Thái Lan phục hồi tới ngưỡng tiền đại dịch. Suphajee Suthumpun là Tổng giám đốc điều hành tập đoàn quốc tế Dusit (Dusit International Group), hãng chuyên về lưu trú tại Thái Lan. Bà cho rằng đà phục hồi có thể sẽ mất nhiều năm.
“Để mọi thứ trở lại như bình thường, như lúc Thái Lan đón 40 triệu khách quốc tế, đó không phải là chuyện của năm nay hay năm 2023. Chúng ta cũng không thể làm theo cách như trước được. Trong quá khứ, chúng ta tập trung vào tạo dựng thân thiên, tôn trọng du khách, cung cấp dịch vụ cá nhân hóa. Nhưng ở thời kỳ hậu COVID-19, chúng ta sẽ phải bổ sung thêm một số thành tố, phải thêm vào các kết nối bản địa và trải nghiệm bản địa”, bà Suphajee Suthumpun nêu quan điểm.
Du lịch hồi phục, kinh tế Thái Lan vẫn bị 'ngáng đường' bởi lạm phát
Vào tuần trước, ngành du lịch Thái Lan đã "thở phào" sau khi biên giới lớn nhất đất nước mở cửa trở lại.
Song lạm phát gia tăng và áp lực thúc đẩy mức lương tối thiểu đang đe dọa quá trình phục hồi mong manh của quốc gia này.
Theo tờ Straits Times, Thái Lan đã có khởi đầu một năm đầy lạc quan khi Bộ Tài chính dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2022 của nước này đạt khoảng 4%. Từ đầu năm nay, Thái Lan đã đón trên 700.000 lượt khách du lịch nước ngoài, nhiều hơn mức 428.000 khách của cả năm ngoái. Nhà chức trách cho biết lượng khách du lịch tăng lên dự kiến sẽ mang lại doanh thu 1,2 nghìn tỷ baht cho quốc gia Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, lạm phát gia tăng do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan xuống còn 3,5%. Nhà phân tích rủi ro Jay Harriman, Giám đốc cấp cao của Công ty tư vấn chính sách công Bower Group Châu Á, nhận định: "Vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hy vọng phục hồi sau COVID-19 đã nhen nhóm. Nhưng hiện tại, chúng ta đã đi hết gần nửa năm và các điều kiện kinh tế toàn cầu đang trở nên vô cùng bất lợi".
Giống như nhiều quốc gia khác, quá trình phục hồi của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng không mong đợi từ cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu từ tháng 2. Cuộc khủng hoảng này cản trở tăng trưởng kinh tế, đẩy giá năng lượng và nguyên liệu thô - như lúa mì và thép - lên mức cao. Chi phí sản xuất và vận tải toàn cầu cũng tăng vọt.
"Cuộc xung đột dường như còn lâu mới kết thúc và chúng tôi dự đoán rằng giá cả hàng hóa sẽ vẫn ở mức cao cho đến năm sau", Tiến sĩ Kirida Bhaopichitr, Giám đốc dịch vụ tình báo kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI), nói và cho rằng điều này chắc chắn gây áp lực lên sức mua của người Thái.
Lạm phát toàn phần của Thái Lan vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái. Ảnh: AFP
Từ dầu ăn đến các mặt hàng chủ lực của quốc gia, như mì ăn liền Mama, tình trạng tăng giá sắp xảy ra, theo một số nhà sản xuất. Tờ The Nation dẫn một nguồn tin cho biết Giám đốc Thai Foods, công ty sản xuất mì Mama, nói với các đối tác và nhà bán lẻ của họ rằng chi phí vận chuyển, bột mì và dầu cọ leo thang đã khiến chi phí sản xuất tăng theo. Do đó, giá bán buôn cho một thùng mì 30 gói sẽ tăng từ 143 baht lên 145 baht. Tình trạng này cũng sẽ làm tăng giá bán lẻ của 1 gói mì từ 6 baht lên 6,5 -7 baht.
Giá lương thực gia tăng sẽ gây tác động nặng nề nhất đến các gia đình có thu nhập thấp. Tiến sĩ Kirida cho biết thêm rằng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những hộ gia đình này chi gần một nửa thu nhập để mua thực phẩm.
Để hỗ trợ người dân, Chính phủ Thái Lan đã triển khai một số gói kích thích để thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng. Đồng thời, giới chức cũng đưa ra các biện pháp cứu trợ có mục tiêu cho các nhóm thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, lạm phát của Thái Lan vẫn ở mức cao kể từ năm ngoái, tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm là 4,71% vào tháng 3.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 cũng đã tăng 4,65% so với năm trước, phần lớn là do giá thực phẩm, phương tiện giao thông và giá năng lượng tăng cao hơn. Tuy nhiên, vào tuần trước, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết họ hy vọng lạm phát toàn phần sẽ sớm đạt 5%.
Giá năng lượng và vận tải trong nước đã tăng lên sau khi chính phủ nâng mức trần đối với giá dầu diesel ở mức 30 baht/lít, đã được áp dụng từ tháng 12, nhằm ngăn giá dầu tăng. Tuy nhiên, biện pháp này đã hết hiệu lực vào tháng trước. Mức giá trần mới đang duy trì ở mức 35 baht/lít. Mức giá hiện tại là 32 baht/lít và sẽ được nâng dần trong những tháng tới.
Một trạm xăng PTT ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Thái Lan Apichart Pairoonrueng cho biết việc dỡ bỏ hạn chế có thể dẫn đến tăng phí vận tải - điều mà các công ty vận tải đã nỗ lực kìm hãm kể từ tháng 10. Ông nói với truyền thông địa phương: "Hiệp hội sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để thảo luận về chi phí giao thông phù hợp và khung thời gian phù hợp để thực hiện việc tăng giá".
Ngoài ra, việc các liên đoàn lao động thúc đẩy mức lương tối thiểu cao hơn trên khắp đất nước gần đây cũng đi vào bế tắc. Chính quyền và các doanh nghiệp phản đối mức lương đề xuất 492 baht/ngày, tăng từ mức dao động 313 baht - 336 baht.
Theo Tiến sĩ Kirida, dù mức lương cao hơn sẽ có lợi cho người lao động và giúp ngăn chi phí sinh hoạt tăng cao, bà cảnh báo mức tăng gần 50% mà các công đoàn đang yêu cầu có thể dẫn đến lạm phát xoắn ốc. Bà giải thích không chỉ chi phí hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng khi lương tối thiểu tăng, mà tiền lương của những người lao động không dựa trên mức lương tối thiểu cũng sẽ phải tăng.
Trong khi đó, ông Harriman cho biết những lo ngại về lao động và chi phí năng lượng tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Thái Lan.
Nhưng nhìn chung, nhà kinh tế Nonarit Bisonyabut cho biết có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Thái Lan đang trên đà phục hồi. Dù lưu ý rằng GDP không ở mức gần như trước đại dịch, nhưng con số này đã tăng 1,6% vào năm 2021 nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh, sau khi giảm 6,1% vào năm 2020.
Mặc dù biến động này còn tương đối thấp, nhưng Tiến sĩ Nonarit, nhà nghiên cứu của TDRI, cho biết ông hy vọng nền kinh tế sẽ của Thái Lan sẽ "tiếp tục đi lên, nhưng khá chậm" và nó có thể trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023.
Thành công ban đầu của mô hình hộp cát du lịch ở Thái Lan Các chương trình hộp cát du lịch của Thái Lan đã thu hút được hơn 38.000 khách du lịch nước ngoài và tạo ra doanh thu 2,33 tỷ baht (69 triệu USD) trong ba tháng triển khai kể từ 1/7. Khách du lịch tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn...