Du lịch nông nghiệp tạo thêm sức sống cho ngoại thành Hà Nội
Tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất…, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách.
Học sinh trải nghiệm làm nông dân tại Công viên nông nghiệp Long Việt (Sóc Sơn).
Du khách nhớ đến Hà Nội thường nhớ tới các sản phẩm văn hóa, ẩm thực mà ít nhớ ra Hà Nội còn có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Ngành du lịch Thủ đô đã và đang thúc đẩy mảng du lịch nông nghiệp, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa góp phần tạo thêm sức sống cho các vùng ngoại thành.
Quan hệ hai chiều
Du lịch nông nghiệp được những người làm du lịch đánh giá có nhiều ưu thế khi du khách đã quá quen với các sản phẩm du lịch truyền thống.
Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới cho khách khi họ được hiểu hơn về môi trường, cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt người dân và được hòa mình với thiên nhiên.
Hơn nữa, du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.
Thời gian gần đây, trên trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… – những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh.
Đến với mô hình, du khách được tận hưởng không khí trong lành, tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại…
Video đang HOT
Có thể thấy, phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng mới cho nhiều vùng ngoại thành Hà Nội.
Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.
Các làng cổ khu vực ngoại thành Hà Nội cũng là lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thu hút khách đến tham quan, sinh hoạt cùng nông dân bản địa.
Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm không chỉ được biết tới là quê hương của Thánh Gióng với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Thánh Gióng và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Lễ hội Gióng, mà còn là làng nghề trồng hoa cây cảnh đã được thành phố Hà Nội công nhận.
Theo Bí thư ảng ủy xã Phù ổng Phùng Xuân Việt, hướng phát triển du lịch của Phù Đổng hiện nay dựa trên cơ sở khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan của xã, sẽ tạo một vòng khép kín cho du khách tham quan.
Du khách có thể trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh, thăm làng hoa giấy, cảnh quan sinh thái, du lịch đồng ruộng, thưởng thức ẩm thực Phù Đổng. Hướng đi này kỳ vọng thu hút nhiều du khách đến với Phù Đổng.
Không để tiềm năng ngủ quên
Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách quan tâm nhưng thực tế cho thấy các hoạt động du lịch nông nghiệp tại Hà Nội vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.
Theo những người làm du lịch, để phát triển du lịch nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể. Thành phố cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo du lịch nông nghiệp được thực hiện quanh năm theo mùa vụ; tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp…
Xác định du lịch nông nghiệp là hướng đi khả quan, có thể góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã quan tâm phát triển loại hình này.
Huyện Đan Phượng, địa phương đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới, sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống di tích, di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống có khả năng phát triển du lịch rất tốt.
Theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, du lịch là định hướng mới của Đan Phượng, dựa trên những tài nguyên cơ bản của địa phương, trong đó chủ đạo là tài nguyên văn hóa, di tích giá trị lịch sử kiến trúc và phát triển thêm các điểm tham quan.
Với diện tích lớn dành cho canh tác nông nghiệp và trồng hoa, các loại hình trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là thế mạnh của huyện Đan Phượng.
Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch tại các quận, huyện đồng thời thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn Hà Nội. Đó là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố.
Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại khu du lịch Hải Đăng, Thanh Trì.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức được 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho 8.900 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch.
Sở triển khai Đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc.
Hiện Sở Du lịch đang xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo kiều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp Hà Nội phát triển.
Khi kế hoạch hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, du lịch nông nghiệp kỳ vọng trở thành khí thế mới góp phần thay đổi diện mạo của vùng ngoại thành Hà Nội.
Thuê villa ngoại thành Hà Nội, du khách "loay hoay" giữa những rủi ro
Nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân Hà Nội tăng cao, kéo theo sức ép về duy trì chất lượng ở một số mô hình lưu trú ngoại thành, cũng như gia tăng số vụ lừa đảo trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch vẫn bị hạn chế, tại ngoại thành Hà Nội, các khu lưu trú và những mô hình tương tự như biệt thự nghỉ dưỡng (villa), căn hộ cho thuê... đón lượng khách tăng cao, đặc biệt là dịp cuối tuần. Tuy nhiên nhu cầu tăng lên cũng là lúc những đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để lừa đảo, hoặc nhiều cơ sở chưa được kiểm định chất lượng cũng vội vàng đón khách.
Các trang mạng xã hội chia sẻ cảnh báo lừa đảo khi đặt villa ngoại thành Hà Nội.
Khó kiểm soát chất lượng
Mới đây, các diễn đàn nghỉ dưỡng ngoại thành Hà Nội xôn xao vụ việc L.Villa ở Sóc Sơn bị khách hàng phàn nàn bởi chất lượng phục vụ và ứng xử kém với khách hàng: "Bỏ 25 triệu thuê villa nhưng được ở không phải villa, mà là mấy gian phòng cạnh nhau như dãy nhà trọ, phòng khách không có, xong còn mất điện... Mà lúc bên mình phàn nàn, bên villa còn kêu sự cố phải chấp nhận, mất điện có 30 phút và đã có máy phát điện, bắt khách phải chấp nhận, còn cãi nhau tay đôi với khách, không 1 lời xin lỗi thông cảm hay đền bù gì cho khách..." - bạn Nguyễn Trà Mi, một khách lưu trú tại đây bức xúc lên tiếng.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, vị khách nêu trên cho biết cả đoàn đã có những trải nghiệm rất tệ trong chuyến đi Sóc Sơn đầu tháng 7 vừa qua, tới nay vẫn chưa nhận được những đền bù thỏa đáng. Trên các diễn đàn, vụ việc vẫn chưa lắng xuống. Không chỉ vậy, nhiều du khách khác cũng chia sẻ thêm những chuyến đi thất vọng tại một số mô hình villa ngoại thành Hà Nội.
Đại diện khu nghỉ Memory Villa tại Ba Vì cho rằng, chưa biết ai đúng ai sai, nhưng việc "đôi co" với khách hàng và cách xử lý sự cố như khu nghỉ tại Sóc Sơn nêu trên là không phù hợp, gây mất hình ảnh không chỉ cho bản thân cơ sở đó mà ảnh hưởng đến những đơn vị làm uy tín.
Đánh giá về dịch vụ này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho biết chất lượng các villa quanh Hà Nội hiện nay chênh lệch khá nhiều: "Có các villa chất lượng tốt, nhưng cũng có nhiều nơi không đảm bảo chất lượng, không đúng quy chuẩn kinh doanh lưu trú. Công ty phải thường xuyên đi kiểm tra, khảo sát thực tế thì mới dám bán cho khách, bởi đã có tình trạng hình quảng cáo một đằng, thực tế lại một kiểu". Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, chất lượng của các villa này phụ thuộc theo phong cách của chủ nhà, khác với khách sạn, resort có tiêu chuẩn rõ ràng. Thậm chí nhiều cơ sở kiểu này chưa được coi là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ lừa đảo qua mạng
Nhu cầu nghỉ dưỡng, thuê villa ngoại thành Hà Nội đang tăng cao.
Bên cạnh sự "bấp bênh" về chất lượng dịch vụ, khách hàng đặt phòng villa ngoại thành Hà Nội trên mạng xã hội cũng chịu nguy cơ bị kẻ xấu lừa tiền. Ông Trương Minh Tuấn - Giám đốc Công ty HVN Travel cho biết, thủ đoạn lừa đảo hiện nay rất tinh vi: "Hiện nay, không ít kẻ xấu đóng vai nhân viên bán phòng villa, tham gia vào các nhóm, trang mạng xã hội để tiếp cận khách hàng tư vấn hòng lừa đảo thu tiền đặt cọc, thường là 50% toàn bộ chi phí. Tinh vi hơn, có những tài khoản được lập giả mạo y hệt những người bán villa, homestay uy tín để lừa khách hàng. Thậm chí có cả các tài khoản đồng phạm vào ủng hộ những tài khoản giả này, nhằm tăng độ thuyết phục".
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty AZA Travel cho biết, giá phòng đặt qua công ty lữ hành và các cá nhân là cộng tác viên của cơ sở lưu trú không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên khi có tranh chấp xảy ra, chỉ có công ty lữ hành là đủ năng lực pháp lý để giải quyết cho khách, đồng thời chịu trách nhiệm về những gì đã cam kết với khách.
"Đánh vào tâm lý ham rẻ và đi cuối tuần, kẻ xấu hạ giá thấp, giả mạo phòng nghỉ đúng ngày theo ý khách hàng để lừa tiền. Khá nhiều vụ việc người bán biến mất sau khi nhận được tiền từ khách hàng. Còn những công ty lữ hành sẽ biết villa nào tốt, xấu, giảm thiểu rủi ro cho khách, cũng như có sức nặng với chủ cơ sở lưu trú vì là đối tác lâu dài, khối lượng giao dịch lớn" - ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.
Đại diện khu nghỉ Memory Villa tại Ba Vì chia sẻ, khi vào dịp hè cao điểm, như từ tháng 6 đến tháng 8, các ngày cuối tuần luôn luôn hết phòng sớm. Không có chuyện trống phòng cận ngày lại có mức giá ưu đãi bất thường, nhất là với các căn villa đẹp, rộng rãi và uy tín. Để tránh bị lừa, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tới chủ cơ sở để kiểm tra thông tin về phòng nghỉ hoặc về nhân viên bán hàng trước khi giao dịch đặt cọc.
"Chúng tôi khuyến khích khách hàng, trước khi chuyển khoản yêu cầu nhân viên tư vấn gửi chứng minh thư để kiểm tra trùng hợp tên chứng minh thư và tên tài khoản facebook, thậm chí gọi điện video kiểm chứng. Du khách nên yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình ảnh thực tế khu mình muốn thuê để tránh không được như mong đợi, tìm thêm nhận xét những khách hàng trước đây. Đăng thông tin tài khoản nhận tiền lên các nhóm bán hàng để kiểm tra uy tín. Thoả thuận và xác nhận rõ với nhân viên bán hàng các dịch vụ bao gồm và các dịch vụ tính phí đi kèm, nhằm tránh các chi phí phát sinh ngoài ý muốn" - chủ cơ sở này cho biết./.
Ngoại thành Hà Nội hút du khách nghỉ dưỡng biệt lập Ở ngoại thành Hà Nội, những khu nghỉ dưỡng biệt lập, vắng người đang đặc biệt thu hút du khách và thường kín phòng dịp cuối tuần. Cùng với xu hướng nghỉ dưỡng biệt lập và hướng về thiên nhiên ngày càng thịnh hành, người dân Hà Nội cũng đang tranh thủ tận hưởng và khám phá các điểm đến ngay tại Thủ...