Du lịch mùa nước nổi An Giang
Nằm ở vùng hạ lưu Châu thổ, An Giang được hưởng thụ hương phù sa ngọt ngào từ sông mẹ Mê Công.
Thông lệ hằng năm, cứ tháng 7 âm lịch, nước từ thượng nguồn tràn về sông rạch, đồng ruộng An Giang chở theo bao quà tặng thiên nhiên là phù sa, tôm cá. Và đó cũng là tiềm năng khai thác du lịch độc đáo ở địa phương này.
Hoàng hôn trên cánh đồng luôn đẹp nao lòng.
Mùa lũ An Giang kéo dài ba tháng nhưng không dữ dằn, phá hại như ở vùng miền khác, con nước cứ dâng lên nhè nhẹ mỗi ngày. Nước tràn vào đồng ruộng, vào các lòng hồ, vào các kinh rạch hòa hợp với những rặng cây, rặng núi tạo nên một góc trời thơ mộng yên bình. Tận dụng đặc thế thiên nhiên này, những năm gần đây, An Giang đã tìm tòi khai thác thế mạnh mùa nước nổi để phục vụ du lịch tạo nên thương hiệu độc đáo. Những chuyến đi đưa du khách lướt trên đồng nước mênh mông, hứng cơn gió sông mát rượi đưa con người về lại với tự nhiên, vơi đi bao nỗi ưu phiền.
Năm nay, tuy có bất thường, nước nổi về muộn nhưng cũng làm ấm lòng người dân vùng châu thổ Cửu Long mong nhớ. Với cư dân nghèo vùng sông nước miền Tây, con nước nổi đã trở nên thân thiết và không thể vắng xa. Cho nên, khi con nước đỏng đảnh, lang thang miệt đầu nguồn tận hơn hai tháng mới chịu lần dò về “thăm” các cánh đồng biên giới, khiến ngư dân thấp thỏm. Bây giờ, nước nổi đã tràn về các huyện Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu…
Đây là thời khắc đẹp nhất để đưa du khách rong chơi trải nghiệm để hiểu rõ hơn mùa nước nổi. Khách yêu sơn thủy có thể du ngoạn về vùng Bảy Núi trải nghiệm trên các cánh đồng ngập nước, xa xa là dãy núi soi bóng nhìn thật bình yên, thư thả, đây đó trên đồng nước thấp thoáng bóng ngư dân thả lưới, giăng câu… Nếu có điều kiện, ngắm hoàng hôn khuất sau rặng núi hay ánh nắng tắt dần trên đồng nước để cảm nhận thời khắc chuyển ngày của thiên nhiên.
Rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Bảy Núi bởi đây là khoảnh khắc đẹp nhất trong năm. Mùa này, rừng tràm đầy bèo xanh trên mặt nước tạo nên thảm cỏ xanh mịn màng thỏa sức cho du khách check-in, chụp ảnh.
Ngồi trên con thuyên, lướt qua các mảng bèo xanh ngắt, ngắm các loài chim trời bay vần vũ với đủ âm sắc của chim muông tạo nên một bản hòa ca giữa trời xanh mây trắng. Khi len lách giữa không gian xanh này, du khách tận hưởng nhịp sống của thiên nhiên, thả mình lạc trôi giữa không gian tĩnh lặng của cánh rừng hay lên tháp ngắm không gian rừng núi bao la, đồng nước bạt ngàn, thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nôi.
Video đang HOT
Từ rừng núi ngược ra sông Vàm Nao, con sông dữ từng gây sạt lở nhưng nó cũng là con sông có nhiều cá tôm với những nét duyên ngầm. Và gần đây người dân xã Tân Trung, huyện Phú Tân đã tận dụng nét duyên dáng của sông để kết hợp các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác du lịch. Lòng hồ Tân Trung ngày thường là nơi trồng rau thủy sinh, nhưng trong mùa nước nổi, nước sông Vàm Nao tràn vào dâng ngập lòng hồ, tạo nên hồ nước yên ả, lòng hồ không có sóng to gió lớn nên cá tôm vào đây trú ẩn, sinh sản.
Đối với những ai yêu thiên nhiên, yêu sóng nước, nơi đây chính là điểm đến lý tưởng. Khách có thể ngồi trên nhà sàn hay trên xuồng câu cá hay tháp tùng đi theo ngư dân dỡ chà bắt cá cua, đặt lợp, tận tay hái bông điên điển để thấm thía câu “nghiêng mình nhớ đất quê”, bơi xuồng, chụp ảnh… trên những căn nhà sàn như nổi trên mặt nước. Và những món ăn dân dã đánh bắt tại lòng hồ như cua đồng, cá linh, cá lóc sẽ để lại dư vị ngọt ngào khó quên.
Du lịch trong rừng Tràm Trà Sư mùa nước nổi.
Từ Vàm Nao, du khách có thể tạt ngã ba sông Châu Đốc nổi tiếng với các làng bè được mệnh danh là Làng nổi Châu Đốc. Đây là địa điểm mang đậm nét văn hóa đặc trưng với những ngôi làng trên ngã ba sông thuộc TP Châu Đốc và huyện An Phú, thị xã Tân Châu. Mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông, du khách lên bè tham quan, cho cá ăn, mua sắm các đặc sản hay đên làng Chăm, thánh đường đê trải nghiêm phong tục tập quán của làng quê thanh bình.
Ngược về Búng Bình Thiên, hồ nước trời lớn nhất ở miền Tây, là địa danh hút khách du lịch bậc nhất ở An Giang những năm gần đây. Búng nằm cặp với sông Bình Di – một nhánh của sông Hậu thuộc huyện An Phú. Búng Bình Thiên bốn mùa mang dòng nước xanh trong, là nét đặc biệt của bức tranh thủy mặc với cảnh quan sông nước và bốn dân tộc cùng chung sống nơi đây. Trong đó, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi (Chăm Islam) có nhiều nét riêng độc đáo nhất khi vẫn giữ nguyên bản sắc, nếp sống văn hóa của mình. Không khó để bắt gặp những hình ảnh cụ già người Chăm ngồi lặng lẽ bên cầu thang nhà sàn. Chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn nằm san sát nhau, du khách còn có cơ hội ghé thăm thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah rộng lớn, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm quanh Búng, thưởng thức canh cá linh, cá lóc, bông điên điển. Đây là món ăn từng đi vào thơ ca, tiềm thức của người miền Tây.
Hiện nay, Trung tâm Xúc tiên thương mại và đâu tư An Giang đang đây mạnh hoạt đông xúc tiên du lịch, đặc biêt là du lịch sinh thái sông nước, phôi hợp Sở, ngành, huyên, thị xã , thành phố và các hô dân sinh sông trên làng bè ngã ba sông Châu đôc đê sơn mới khoảng 200 m các bè cá đoạn ngã ba sông Châu Đôc phục vụ du lịch. Sắp xêp lại Chợ nôi Long xuyên, bô trí câu tàu, ghe xuông đưa rước khách và các thương thuyền trên chợ nôi Long Xuyên. Bên cạnh đó, đây mạnh xúc tiên du lịch công đông homesay cho các hô dân tại các huyên Phú Tân, Chợ Mới, An Phú…
Làng bè ngã ba sông Châu Đốc.
Ngoài ra, các công ty du lịch lữ hành và các hộ du lịch nông dân tại An Giang cũng đang khai thác và phát triển thêm, địa phương đang từng bước tăng cường khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch mùa nước nổi, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú nhằm phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái của du khách trong và ngoài nước. Với nhiều du khách và cả nhiếp ảnh gia, mùa nước nổi là cơ hội để họ trải nghiệm, tiếp cận, quan sát và tìm hiểu các giá trị văn hóa sông nước.
Mùa nước nổi không chỉ phục vụ du lịch của An Giang mà còn là mùa mang lại nguồn thủy sản dồi dào để chế biến những món ăn đặc sản, tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị bản sắc miền Tây. Đó là món cá linh nấu bông súng, tép xào điên điển, cá lóc nướng chui, cua đồng luộc… mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ. Những thứ bình dị ấy khi hòa quyện lại đã tạo nên một bức tranh sống động để ai đã một lần đến mùa nước nổi An Giang sẽ tìm lại trong ký ức một chút gì để nhớ về tuổi thơ, làng quê cũng như hiểu rõ hơn thế nào là mùa nước nổi.
QUỐC DŨNG – THANH DŨNG
Theo nhandan.com.vn
Chênh chao trái thị vàng nơi phố phường tấp nập
Thứ quả bé mọn, chẳng mấy ngon lành dường như có phần lạc lõng giữa phố đông. Bởi cái màu vàng thanh tao giản dị kia đâu phải để người ta thèm thuồng, khao khát.
Một ngày nắng vàng như mật của tháng tám, tôi chợt thấy trên quang gánh đơn sơ của cô bán hàng rong nơi cuối phố có vài ba quả thị bé xinh xinh, vàng bóng, tròn trĩnh... Lâu lắm rồi, tôi mới thấy thức quả chân quê, mộc mạc kia trong lòng phố thị ồn ã, tấp nập. Nơi người ta vẫn bị những trái táo đỏ au, hay những trái dưa vàng, nho móng tay quyến rũ.
Mỗi năm, thị chỉ có một mùa, dĩ nhiên cơ hội được cầm trên tay thứ quả thơm thảo ấy cũng hiếm hoi hơn. Nhưng đó không phải là lý do chính để thứ quả này bị chìm khuất giữa những ồn ào tấp nập của phố phường.
Xưa nay, thị vốn là thứ quả để "chơi", để "ngửi", chứ không phải để "ăn". Các bà, các mẹ đi chợ, thường mua đôi ba trái về làm quà, đón tay cho trẻ con. Qua ngày hôm sau, thậm chí sang đến ngày mốt, lũ trẻ mới nặn cho quả thị mềm, rón rén ăn từng chút một.
Những quả thị mộc mạc, đôi lúc vẫn xuất hiện ở phố đông. Ảnh: Thegioitiepthi.vn.
Sau cái vị ngọt nơi đầu lưỡi, chất nhựa trong quả vẫn còn, chát xít ở chân răng. Vui vui, lũ trẻ chúng tôi cũng chỉ ăn được một hai quả là chán. Đã thế, hạt thị cứ trơn tuồn tuột, chẳng khác nào hạt hồng, ăn không cẩn thận là hóc như chơi. Giờ đây, khi ngồi nhớ lại những câu chuyện cũ, mấy chị em lại thương một thời ấu thơ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nơi lũ trẻ dỗ dành những hồn nhiên bằng thức quà mộc mạc, thơm thảo trong vườn.
Chơi chán rồi mới mang ra ăn, nên quả thị vốn để làm đồ chơi là chính. Thỉnh thoảng, đưa nó lên mũi hít hà, mùi thơm thoang thoảng nhẹ lan vào lồng ngực. Cứ thế, tâm hồn non nớt, ngây thơ lại ước ao được thấy cô Tấm xé vỏ thị chui ra y như câu chuyện cổ.
Cứ đến mùa thị, đám trẻ con lại hí ha hí hửng đi kiếm thật nhiều dây chun, hay những cuộn len be bé, người lớn đan áo còn thừa để đan những cái giỏ xinh xắn. Giỏ thị sẽ được treo ở ngay cửa sổ, cứ mỗi lần gió đưa tới, mùi thơm giản dị, ngọt lành lại vấn vít trong nếp nhà xưa cũ.
Chị họ tôi rất khéo tay, những chiếc giỏ bằng dây chun đựng thị của bọn trẻ con trong xóm phần lớn do chị đan. Ngày chị đi lên Hà Nội học, cây thị trong vườn đang chín rộ. Chị ngồi đan tới khuya vẫn không đủ phần cho đám em út khắp xóm. Bức thư đầu tiên gửi về nhà, chị nói nhớ chúng tôi, nhớ mùi thị thơm quá đỗi.
Cứ tới gần Trung thu, tôi lại năn nỉ bà cho đi chợ cùng. Hết sà vào hàng đồ chơi để ngắm lồng đèn, lại lân la sang hàng bánh kẹo để thòm thèm với những bánh nướng, bánh dẻo bóng bẩy và ngon mắt. Mấy quả hồng đỏ au, mòng mọng, dăm quả bưởi căng tròn càng khiến người ta thêm háo hức. Đêm rằm đã đến thật gần.
Mãi tới khi hai bà cháu ra tới hàng rau, tôi mới thấy những quả thị tròn lẳn nằm ngoan trong thúng. Ở chợ, chúng thường bị hắt hủi, chẳng bao giờ được xếp cùng với hồng, với bưởi cùng cam. Cũng chẳng ai có chủ ý hái thị ra chợ bán, chẳng qua nhà có sẵn cây, để rụng thì phí, nên mới bán chúng cùng mớ rau, hay dăm cân cà pháo.
Quả thị gắn với nhiều kỉ niệm thơ ấu ở làng quê. Ảnh: Baoquangbinh.vn.
Thế nhưng, năm nào phá cỗ, những quả thị vàng ươm, với lớp vỏ căng bóng cũng được sánh bước cùng hồng, cùng bưởi. Mấy đứa con gái cầm quả thị nâng niu trên tay như thể nó là hiện thân của mặt trăng tròn vành vạnh trên cao. Phá cỗ xong, những quả thị được cất từ mấy hôm trước mới được đem ra ăn. Có quả đã héo, vỏ nhăn nheo hết cả.
Giờ đây, về chợ quê, chẳng mấy khi tôi thấy người ta bán thị. Những cây thị già trong làng đã không chịu nổi mấy trận bão lớn, gãy đổ hết cả. Người ta cũng chẳng thiết tha mà trồng lại cây non. Thế nên, màu vàng ươm của chúng cứ vắng dần trong phiên chợ cũ.
Dạo này ở phố, người ta bán những quả thị bằng sáp thơm. Cũng màu vàng ấy, nhưng hương thơm xa lạ quá. Nó cứ găn gắt, lẫn mùi của nhựa và xộc thẳng lên mũi, ngửi lâu lại thấy đau đầu. Làm sao thứ đồ trang trí nhân tạo ấy thay thế được thứ hương thoảng thoảng, lẫn cả mùi nhựa cây của một thời ấu thơ.
Thấy những trái thị thơm, theo đôi quang gánh hay chòng chành trên chiếc xe đạp cũ vào trong phố. Tôi vừa háo hức, vừa bồi hồi. Trong gánh hàng của người phụ nữ chân chất vừa nói chuyện với tôi, có rất nhiều quả thị còn xanh. Hỏi ra mới biết chị hái chủ yếu để bán cho các bà, các cô thắp hương hay bày lên bàn thờ, chứ trẻ con bây giờ chẳng đứa nào ăn thị.
Loanh quanh trong phố, tôi mua vài quả thị, mấy trái hồng trứng cát, cùng cặp bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền với nhân thập cẩm. Những kí ức chập chờn của tuổi thơ cứ theo đó trở về.
Theo Zing
Nét đẹp làng quê qua những bức bích họa Một vùng quê thanh bình với cây cối xanh mát nay lại được tô điểm thêm bởi những bức bích họa tuyệt đẹp. Làng bích họa Chử Xá hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch trong tương lai gần. Theo VTV24