Du lịch ‘làng trong phố’ bao giờ cất cánh?
Nhắc đến ‘làng trong phố’, hẳn du khách không còn xa lạ với cái tên làng cổ Đông Sơn ( phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) – nơi lưu lại dấu ấn đậm nét nền văn minh Đông Sơn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng điểm đến, kết nối tour, tuyến,… song đến nay điểm đến vẫn chưa thể hút khách du lịch.
“Tết xưa làng cổ” mang đến không gian tết đậm chất truyền thống vùng quê Bắc bộ xưa tại làng cổ Đông Sơn.
Nhiều tour kết nối hấp dẫn
Làng cổ Đông Sơn được biết đến là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, cùng với một số làng cổ khác như: làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng Nôm (Hưng Yên), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng cổ Phước Tích (Huế)… Làng cổ Đông Sơn được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao bởi hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Nằm giữa lòng phố thị tấp nập, làng cổ Đông Sơn cho đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp của không gian làng quê Bắc bộ xưa, với cây đa, giếng nước, sân đình, ao làng và bến sông. Đường làng bố cục theo hình xương cá, có trục đường chính và chia thành nhiều nhánh rẽ vào các ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Núi Nhị, ngõ Chùa… Cách bố trí kiến trúc đường làng có thể nhận ra sự sâu sắc và niềm tin của các bậc tiền nhân mà ít làng nào có được. Cùng với đó là hệ thống di tích: đình, chùa, miếu được tạo dựng và phân bố hợp lý. Có lẽ vì vậy mà đến với làng cổ Đông Sơn du khách luôn cảm nhận được sự yên bình và cổ kính.
Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tháng 3/2019, UBND TP Thanh Hóa đã công bố “Tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn”. Qua đó thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối. Tiên phong trong hành trình này trước hết phải kể đến Vietravel Chi nhánh Thanh Hóa, với chùm tour “Âm vang làng cổ Đông Sơn” bao gồm 14 chương trình khám phá, trải nghiệm. Cùng với các tour trong ngày, kết nối các điểm đến lân cận nội thành, Vietravel Chi nhánh Thanh Hóa còn xây dựng đa dạng các tour liên kết như: Lam Kinh – suối cá Cẩm Lương – Thành Nhà Hồ – làng cổ Đông Sơn – du thuyền trên sông Mã (2 ngày 1 đêm); Pù Luông Retreat – làng cổ Đông Sơn – du thuyền trên sông Mã (2 ngày 1 đêm); làng cổ Đông Sơn – đền Bà Triệu – chùa Bái Đính – chùa Đồng Yên Tử (3 ngày 2 đêm); làng cổ Đông Sơn – du thuyền Tràng An – Happy Land Mộc Châu (3 ngày 2 đêm), làng cổ Đông Sơn – đền Ông Hoàng Mười – Vũng Chùa – động Phong Nha (3 ngày 2 đêm)… Để thuận tiện cho du khách, Vietravel còn bố trí 3 địa điểm chính đón khách tham gia tour du lịch làng cổ: Hubway 7 (đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn); Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa) và Cảng Hàng không Thọ Xuân.
Gắn bó với chương trình du lịch làng cổ ngay từ những ngày đầu, bà Trần Thị Nga, Giám đốc Vietralvel Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: “Tiềm năng để phát triển làng cổ Đông Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn là rất lớn. Cùng với các giá trị văn hóa, điểm đặc biệt của làng cổ đó là không gian vô cùng yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ hơn hẳn so với khu vực trung tâm TP Thanh Hóa, mặt khác hệ thống giao thông tại đây rất thuận tiện cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa thể đưa khách đến đây bởi điểm đến chưa có sự đầu tư bài bản về dịch vụ, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Mặt khác, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư. Trong khi đó, người dân đóng vai trò chủ thể tạo nên sức hấp dẫn cho điểm đến. Bởi vậy, mặc dù có nhiều cố gắng nỗ lực để phát triển các tour kết nối đến làng cổ Đông Sơn, song đến nay chưa thu hút được sự quan tâm của khách du lịch”.
Video đang HOT
Chờ đợi “cú hích”
Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển du lịch tại làng cổ còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung tu bổ, tôn tạo một số di tích. Trong khi đó, việc gìn giữ cấu trúc ngôi nhà cổ cũng như không gian làng cổ gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu về diện tích ở tăng lên; các công trình xây mới khó quản lý về phong cách kiến trúc, quy mô xây dựng ảnh hưởng đến không gian chung…
Nhằm kịp thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nâng cao đời sống của Nhân dân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1980/QĐ-UBND, ngày 2/6/2020 về việc phê duyệt đề cương Đề án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.
Theo đề án, giai đoạn 2022 – 2025 sẽ tu bổ, tôn tạo từ 3 – 5 nhà cổ phục vụ du lịch và khai thác homestay; phục hồi 2 cổng làng (phía Nam và phía Bắc); tu bổ, phục hồi các cổng ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng; xây dựng 2 khu vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du lịch và đảm bảo vệ sinh môi trường… Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi làng cổ, hình thành dự án giãn dân và tái định cư.
Đề án cũng chính là cơ sở pháp lý để địa phương tăng cường công tác quản lý, đầu tư xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn. Theo đó, TP Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa và các ngành, đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề án để đề án chính thức được triển khai.
Cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các sở, ngành và chính quyền TP Thanh Hóa, nhằm đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, tháng 1/2023, phường Hàm Rồng đã tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” tại làng cổ Đông Sơn. Thời điểm bắt đầu diễn ra chương trình chính là những ngày cận kề Tết Nguyên đán, Nhân dân và du khách được hòa mình vào không gian phiên chợ tết xưa của người Việt, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi, hối hả sắm tết. Đến với không gian văn hóa “Tết xưa làng cổ”, du khách còn được tham gia những trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn mang đậm không khí tết cổ truyền dân tộc; thưởng thức ẩm thực hương vị quê hương; tham quan, vãn cảnh các điểm di tích lịch sử trên địa bàn phường Hàm Rồng… gợi nhớ tết xưa. Các hoạt động kéo dài từ ngày 17/1 đến 26/1 (tức ngày 26 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão).
Mặc dù thời gian diễn ra các hoạt động “Tết xưa làng cổ” không dài, song đã góp phần mang đến cho người dân làng cổ Đông Sơn nói riêng, Nhân dân và du khách thập phương nói chung cảm nhận được không khí tết cổ truyền cùng những giá trị văn hóa truyền thống. Từ Đề án Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa cùng với sự hưởng ứng của người dân về “Tết xưa làng cổ” đã, đang gợi mở cho làng cổ Đông Sơn những hướng đi mới và sự kỳ vọng về một điểm đến hấp dẫn của TP Thanh Hóa nói riêng, xứ Thanh nói chung trong tương lai.
City tour khám phá thành phố bên sông
Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà.
City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.Cuối tháng 9/2023, Sở Du lịch tổ chức chuyến thực tế cho đại diện UBND các địa phương nhằm khảo sát các sản phẩm du lịch về đêm tại TP. Hồ Chí Minh-nơi có các sản phẩm city tour đặc sắc, đa dạng trải nghiệm, như: Trải nghiệm du thuyền trên sông Sài Gòn, dịch vụ tham quan trên xe buýt 2 tầng... Đây là cơ hội để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm city tour, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch ở các thị trường lớn, nhiều tiềm năng.
Tour xe đạp tham quan TP. Đồng Hới của Công ty TNHH du lịch Thám hiểm Phong Nha Explorer chính thức đưa vào khai thác vào đầu năm 2023. Lựa chọn sản phẩm này, du khách sẽ thực hiện một chuyến dạo quanh thành phố bằng xe đạp, đi qua nhiều điểm di tích lịch sử, khám phá nét văn hóa và các món ăn đặc trưng của Đồng Hới. Khi mùa du lịch hè qua đi cũng chính là thời điểm sản phẩm city tour bằng xe đạp này bắt đầu rộn ràng.
Theo anh Từ Thanh Hải, Giám đốc công ty, lựa chọn loại hình du lịch này chủ yếu là du khách đến từ các nước phương Tây. "Với họ, vào mùa thu-đông, thời tiết ở Đồng Hới khá dễ chịu, lại không quá đông đúc, giá cả dịch vụ cũng không quá cao nên đây là thời điểm thích hợp để trải nghiệm thành phố bằng xe đạp-loại phương tiện mà du khách nước ngoài đặc biệt thích thú", anh Hải chia sẻ.
Điểm đến đầu tiên trong tour trải nghiệm này là khám phá chợ Đồng Hới. Đây cũng là địa điểm được yêu thích nhất trên hành trình kéo dài gần 3 giờ đồng hồ của du khách bằng xe đạp quanh nội thành Đồng Hới.
Tour khám phá TP. Đồng Hới bằng xe đạp.
Điều thu hút du khách phương Tây ở khu chợ lớn nhất thành phố chính là những món ẩm thực riêng có, tạo nên sức hấp dẫn, mới lạ mà bản thân du khách chưa một lần được trải nghiệm trong đời. Hành trình tiếp tục đi thăm làng chài Bảo Ninh, nhà thờ Tam Tòa, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, quảng trường Hồ Chí Minh và một số điểm kiến trúc đặc trưng của Đồng Hới.
Ông Stephan, du khách đến từ Anh hào hứng chia sẻ: "Tôi đã đến Đồng Hới nhiều lần nhưng lần này, chuyến khám phá bằng xe đạp quanh thành phố thú vị hơn rất nhiều khi tôi có thời gian nhiều hơn để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Đồng Hới. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời mà ai cũng nên thử khi đặt chân đến đây".
Là vùng đất ven sông, sát biển, Đồng Hới có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, nhiều giá trị ẩm thực độc đáo. Với vị trí giao thông thuận lợi, Đồng Hới trở thành lựa chọn của khách du lịch trong và ngoài nước những năm trở lại đây.
Ngoài xe đạp, du khách có thể thực hiện một chuyến city tour thú vị bằng xe máy tự lái hoặc phương tiện phổ biến nhất là xe điện. Đây là phương tiện được rất nhiều du khách nội địa lựa chọn bởi sự thuận lợi, thích hợp cho việc khám phá chi tiết các điểm đến. Chưa kể, các chuyến đi thường được dẫn dắt bởi những lái xe là người dân địa phương, đồng thời là một hướng dẫn viên với vốn hiểu biết văn hóa bản địa sâu sắc cũng là điểm nhấn thú vị cho chuyến hành trình.
Ông Phan Văn Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải du lịch và thương mại Đồng Thành cho biết, HTX ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch để tham quan các điểm văn hóa, ẩm thực, trung tâm thương mại, du lịch trên địa bàn thành phố. Sau 6 năm đi vào hoạt động, HTX hiện có 20 xe điện chuyên phục vụ khách du lịch, được phép di chuyển trên 27 tuyến đường thuộc nội thành TP. Đồng Hới. Khi đến Đồng Hới, ngoài mục đích để di chuyển giữa các địa điểm, xe điện thường được du khách lựa chọn để dạo quanh khám phá thành phố, thưởng thức ẩm thực.
Thưởng thức ẩm thực tại chợ Đồng Hới-điểm nhấn thú vị nhất trong hành trình city tour Đồng Hới.
Nếu muốn chiêm ngưỡng thành phố ở một góc nhìn khác, bằng một phương tiện khác thì "Du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử"-một sản phẩm mới do Công ty TNHH Nhật Lệ Travel khai thác chính là lựa chọn lý tưởng. Trên quãng đường từ cửa sông Nhật Lệ đến cầu Nhật Lệ 2, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thành phố hai bên bờ sông, trong đó, đáng nhớ nhất là vào thời khắc hoàng hôn buông xuống, thành phố lung linh ánh đèn. Trên hành trình thú vị này, du khách cũng có thể dừng chân, thưởng thức ẩm thực hoặc trải nghiệm dịch vụ câu cá trên sông.
City tour hay tour khám phá thành phố là loại hình du lịch khám phá một địa phương, thành phố nào đó theo kế hoạch, trong thời gian nửa ngày hoặc 1 ngày. Trên hành trình đó, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa đời sống của người dân. Hiện, city tour phát triển rất mạnh mẽ tại các trung tâm du lịch lớn, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Riêng tại TP. Đồng Hới, theo phân tích của một số doanh nghiệp lữ hành, city tour vẫn còn mờ nhạt bởi chưa được xây dựng, khai thác một cách bài bản, hợp lý. Mặt khác, nguồn khách chính hiện nay là khách nội tỉnh và một phần khách nội địa. Trong khi đó, muốn phát triển city tour đòi hỏi đa dạng nguồn khách, đặc biệt là khách quốc tế, khách đi theo các tour trải nghiệm văn hóa kết hợp tham quan, mua sắm những ngày trong tuần.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Từ Thanh Hải, Đồng Hới hiện không còn là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách nước ngoài bởi nơi đây thiếu những trải nghiệm mới mẻ. Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng không mặn mà để phát triển các sản phẩm mới thu hút lượng khách nước ngoài.
Trên hành trình khám phá TP. Đồng Hới bằng xe đạp, du khách sẽ trải nghiệm làng chài Bảo Ninh. Nhưng, theo anh Hải, điểm đến của du khách chỉ là đạp xe qua bán đảo, rồi ngắm nghía các chòi rớ và tàu cá neo đậu dọc tuyến đường Nhật Lệ. Không có bất kỳ một điểm đến cụ thể nào để du khách có thể tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của vùng đất hay trải nghiệm quy trình chế biến hải sản của ngư dân nơi đây. Phần vì không có sự thống nhất ngay từ ban đầu, phần vì người dân sợ ảnh hưởng đến quy trình chế biến hải sản nên... từ chối đón khách.
Thực tế cho thấy, so với các sản phẩm du lịch khác, city tour Đồng Hới còn khá đơn điệu, chưa thực sự có điểm nhấn để thu hút khách. Chưa kể, đội ngũ lái xe điện còn thiếu kỹ năng, thiếu chuyên nghiệp, còn xảy ra tình trạng giành giật khách. Một số nhà hàng, quán ăn, các điểm kinh doanh dịch vụ còn tình trạng "chặt chém" giá cả. Các điểm tham quan di tích, lịch sử còn thiếu thông tin. Đó là một trong rất nhiều những điểm hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm city tour Đồng Hới.
Điều đó cho thấy, muốn phát triển các sản phẩm city tour, cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để xây dựng một tour tuyến hợp lý, đặc sắc, mang đến cho du khách những trải nghiệm city tour thực sự khác biệt.
Hòn ngọc xanh giữa núi rừng Tuyên Quang Đó là tên gọi mà người dân và du khách đã đặt cho điểm du lịch Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Na Hang là một hồ thủy điện sinh thái nằm giữa núi rừng mênh mông với 8.000ha diện tích mặt nước và nhiều suối, thác hấp dẫn. Khách du lịch chụp hình bên dòng thác Khuổi Nhi. Đường về...