Du lịch Kiên Giang còn nhiều dư địa phát triển
Kiên Giang có nhiều tài nguyên du lịch như biển đảo Phú Quốc, Hà Tiên, rừng U Minh Thượng… Du lịch biển đảo Kiên Giang ngày càng hấp dẫn du khách.
Kiên Giang hiện là một trong những tỉnh, thành vùng ĐBSCL có lượng du khách đông nhất. Năm 2019, Kiên Giang đón 8,7 triệu lượt khách; trong đó, hơn 700.000 lượt khách quốc tế, đã vượt mục tiêu năm 2020 trong Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Bãi biển Phú Quốc xinh đẹp hấp dẫn du khách nước ngoài.
Du lịch biển đảo ngày càng hấp dẫn…
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, hiện nay, Kiên Giang có 4 vùng du lịch trọng điểm: vùng du lịch Rạch Giá – Kiên Hải và phụ cận; vùng du lịch Phú Quốc; vùng du lịch Hà Tiên – Kiên Lương và phụ cận; và vùng U Minh Thượng; với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đồng bằng, rừng, núi đồi, biển và đảo…
Theo định hướng Chiến lược Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, và Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiên Giang đã cơ bản hình thành 5/8 sản phẩm du lịch đặc thù tại Phú Quốc. Đó là du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; du lịch hội nghị cao cấp; tham quan công viên động vật hoang dã; tham quan và mua sắm tại trang trại nuôi trồng và cửa hàng sản phẩm ngọc trai; tham quan trại nuôi giống chó Phú Quốc và xem đua chó.
Các sản phẩm chính của Kiên Giang hiện nay là: du lịch thể thao biển; lặn ngắm san hô và sinh vật biển Phú Quốc; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng biển trung cấp Hà Tiên – Kiên Lương; tham quan các quần đảo tàu thủy Kiên Hải, Hà Tiên – Kiên Lương; tham quan các loài sinh vật vườn quốc gia và nghiên cứu khoa học hệ sinh thái rừng tràm ven biển U Minh Thượng…
Để hạ tầng và sản phẩm dịch vụ tốt thu hút du khách, thời gian qua, Kiên Giang là một trong những tỉnh thu hút đầu tư du lịch hàng đầu của ĐBSCL, với tổng số tiền đầu tư lên đến 337.323 tỉ đồng, cho 303 dự án với tổng diện tích 10.363ha. Trong đó, đã có 69 dự án đã hoạt động với vốn đầu tư 13.958 tỉ đồng, 72 dự án triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư khoảng 159.135 tỉ đồng và 162 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 164.230 tỉ đồng.
Nguồn vốn đầu tư mạnh đã làm diện mạo du lịch Kiên Giang khởi sắc nhanh chóng. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang đã có 762 cơ sở lưu trú với 23.389 phòng; trong đó, có 21 khách sạn 4-5 sao với 8.858 phòng. Nhất là tại Phú Quốc, các cơ sở lưu trú đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của của khách trong nước và quốc tế, có khả năng tổ chức du lịch hội nghị, các sự kiện lớn. Nhiều khách sạn tại Phú Quốc được giải thưởng của Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) trao tặng là Khu nghỉ dưỡng và villa hàng đầu thế giới, Khu nghỉ dưỡng chủ đề sang trọng bậc nhất thế giới…
Video đang HOT
Ngoài Phú Quốc là địa danh du lịch biển nổi tiếng từ lâu, Kiên Giang còn có nhiều điểm đến biển đảo độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, sau khi 3 khu du lịch được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là khu du lịch cấp tỉnh: Khu du lịch quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), Khu du lịch quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải), lượng du khách cả trong và ngoài nước đến Kiên Giang gia tăng đáng kể.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho rằng: “Sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang những năm qua có bước phát triển khá tốt, đúng hướng; góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch Kiên Giang. Tuy nhiên, hệ thống sản phẩm du lịch tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế. Sản phẩm du lịch của tỉnh phần lớn phát triển ở Phú Quốc và còn dựa nhiều vào tài nguyên sẵn có, hàm lượng chất xám kết tinh trong sản phẩm còn thấp; nhiều nơi tài nguyên du lịch vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, cá biệt để phát triển đồng bộ các vùng du lịch trong tỉnh…”.
Mặc dù những năm qua, Kiên Giang nỗ lực đầu tư, khai thác phát triển du lịch và đã trở thành tỉnh dẫn đầu về lượng khách và doanh thu của vùng ĐBSCL nhưng theo các chuyên gia, du lịch Kiên Giang còn nhiều dư địa để phát triển. Theo ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tài nguyên du lịch của Kiên Giang đa dạng, phong phú, tuy nhiên sự phát triển du lịch trên địa bàn chưa đồng đều. Nhiều khu vực có tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa khai thác, phát triển được như kỳ vọng, như: Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu vực Kiên Lương – Hà Tiên – Hòn Đất và phụ cận. Hiện nay, 84% dự án, 98% tổng mức đầu tư các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tập trung vào Phú Quốc. Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các điểm, khu du lịch khác trên địa bàn còn hạn chế…
Hy vọng, trong tương lai không xa với những nỗ lực mời gọi đầu tư, đồng tâm hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, với những hỗ trợ của chính quyền, Kiên Giang sẽ sớm đạt mục tiêu đón hơn 23 triệu lượt khách nội địa và quốc tế (trong đó, hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, 22 triệu khách nội địa) vào năm 2030 như Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Kiên Giang đã đề ra.
Bài, ảnh: Huỳnh Biển
Theo baocantho.com.vn
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Nhiều thế mạnh sẵn có
Thiên nhiên ban tặng cho Đồng bằng sông Cửu Long nguồn tài nguyên dồi dào, khí hậu ôn hòa, vùng sông nước hữu tình kết hợp với tinh hoa văn hóa đặc sắc đến từ cộng đồng 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer.
Vùng đất này có tiềm năng và lợi thế lớn về du lịch so với cả nước, tuy nhiên, chúng lại chưa được khai thác hiệu quả.
Hệ thực vật của rừng tràm Trà Sư (An Giang) mang tính đặc trưng của vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.T/Báo Tin tức
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường, Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành là thành phố Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, có bờ biển dài 700 km, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000 km; 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Đây là những tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý báu của vùng cũng như của cả nước.
Tiềm năng phát triển du lịch đặc thù
Không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, nơi giao thoa của các nền văn hóa dân tộc của người Kinh - Hoa - Chăm - Khmer. Nhiều lễ hội như: Lễ hội Bà chúa Xứ (Núi Sam, An Giang), Lễ hội kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), hội đua bò Bảy Núi (An Giang), Oóc-Om-Bóc (dân tộc Khmer), Lễ hội đua ghe ngo (Sóc Trăng, Bạc Liêu), Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Trái cây, Lễ hội Quán âm Nam Hải (Bạc Liêu)...; Đờn ca tài tử đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có nhiều bãi biển đẹp như Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc (Kiên Giang); ẩm thực dân dã mang đậm tính "khẩn hoang"...
Tất cả đều có thể khai thác, phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển - đảo; du lịch hội nghị - hội thảo (MICE); du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống... Đặc thù địa thế trong vùng cũng là lợi thế trong việc kết nối tour, tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Công.
Du khách đến hành hương, dâng lễ tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang). Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Tại Diễn đàn "Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết, trong quy hoạch đến năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan đặc trưng vùng hạ lưu sông Mê Công mang tầm quốc gia và quốc tế. Mục tiêu được tạo lập trên cơ sở lập các quy hoạch phát triển du lịch địa phương, các khu du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn vùng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long chia làm không gian du lịch phía Đông và phía Tây. Không gian du lịch phía Đông gồm 5 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử cách mạng, lưu trú tại nhà dân. Trong đó, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Không gian du lịch phía Tây bao gồm 8 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch, có nhiệm vụ điều phối khách cho toàn vùng. Định hướng chung cho không gian du lịch phía Tây là khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm nghỉ dưỡng trải nghiệm, đời sống sông nước, chợ nổi, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, lễ hội.
Từ hai không gian du lịch phía Đông và phía Tây, Đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 4 cụm du lịch. Cụm trung tâm gồm thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch với mục đích thương mại, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.
Cụm duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo như du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm hai tỉnh Long An và Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.
Cũng theo ông Trần Việt Phường, sản phẩm du lịch đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long chính là "Thế giới sông nước Mê Công" gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian Bảo tàng lúa nước, Bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo...
Đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã tương đối thành công trong việc thu hút khách du lịch. Nếu như năm 2015, toàn vùng đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 18 triệu lượt khách nội địa, tổng thu nhập từ khách du lịch của cả vùng đạt trên 8,6 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2019, lượng du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch ước chỉ đạt 30 nghìn tỷ đồng. Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ là các địa phương thu hút được nhiều khách quốc tế nhất và An Giang là địa phương thu hút được nhiều khách nội địa nhất.
Nhiều thách thức đan xen
Các tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử - Dân ca Nam Bộ thành phố Cần Thơ năm 2019. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, với tiềm năng và lợi thế rất lớn, nhưng bao năm qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long luôn bị đánh giá là tụt hậu, kém phát triển nhất trong 7 vùng du lịch của cả nước. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực và tư duy, định hướng phát triển du lịch là những yếu tố "kéo lùi" sự phát triển du lịch vùng.
Tại Hội nghị giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần thứ II năm 2019, được tổ chức vào giữa tháng 12 vừa qua tại Bạc Liêu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đánh giá, du lịch toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thật sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế; sản phẩm du lịch kém đa dạng và na ná giống nhau giữa các tỉnh; thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch để tạo ra chuỗi toàn vùng.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng, việc liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh chưa thật toàn diện nên chưa phát huy tiềm năng hợp tác giữa các bên, chưa khai thác triệt để tài nguyên du lịch của các địa phương. Nếu so sánh với các điểm du lịch ở các nước trong khu vực, các con số này vẫn tạo khoảng cách quá lớn cho toàn vùng. Đơn cử, Bangkok (Thái Lan) chỉ với 9 triệu dân, nhưng năm 2018 đã đón gần 22 triệu khách quốc tế hoặc như Singapore, dân số bằng 1/2 dân số Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng năm 2018 đã đón 18,5 triệu du khách quốc tế và ngành du lịch đem đến cho quốc đảo này gần 20 tỷ USD mỗi năm, cao hơn 3 - 4 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh và cao hơn 19 lần so với toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Trần Việt Phường cũng nhận định, thành phố Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên Cần Thơ cũng chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tàu trong phát triển du lịch. Thay vì đảm nhiệm vai trò là đầu mối phân phối, trung chuyển khách và phát huy các thế mạnh của một trung tâm đô thị vùng, các sản phẩm du lịch hiện nay của Cần Thơ lại cũng cạnh tranh trực tiếp với các địa phương khác.
Ngoài ra, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu các cơ chế, thể chế, chính sách thúc đẩy liên kết; công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế; nguồn lực du lịch chưa được đầu tư đúng mức; các địa phương làm du lịch còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; nhiều điểm du lịch bị khai thác một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường; tình trạng chèo kéo, ép khách mua hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Do vậy, chiến lược phát triển du lịch đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có những định hướng mang tính đột phá gắn với việc liên kết phát triển du lịch các địa phương trong vùng, khai thác đặc thù về tài nguyên xây dựng thương hiệu du lịch vùng để phát triển bền vững du lịch.
Nhật Bình
Theo baotintuc.vn
Danh thắng Mo So Vẻ đẹp và huyền thoại Mo So, theo tiếng dân tộc Khmer có nghĩa là Đá Trắng, tên gọi trái núi nằm tại ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang. Xung quanh Mo So còn nhiều ngọn núi khác như núi Voi, núi Mây....tạo thành một cụm danh thắng núi Mo So nổi tiếng với cảnh quan với hệ sinh thái rừng ngập...