Du khách thích thú khi vừa ăn hải sản tươi ngon, vừa ngắm hoàng hôn ở làng bè Long Sơn
Làng bè Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang là điểm du lịch cuối tuần hấp dẫn với người dân bản địa và du khách từ TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận ghé tới. Long Sơn nổi tiếng nhiều năm qua với mô hình nuôi hải sản trên bè, du khách đến đây sẽ được trải nghiệm du lịch sinh thái độc đáo, thưởng thức hải sản tươi ngon bậc nhất và ngắm hoàng hôn đầy thi vị ở làng bè.
Đường thăm quan làng bè Long Sơn
“Vựa nuôi hải sản” đã nuôi sống bao thế hệ người dân làng bè
Được thiên nhiên ưu đãi, Long Sơn có nguồn hải sản dồi dào được xem như “vựa hải sản” của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Làng bè Long Sơn nằm cạnh đảo Long Sơn nơi có hai con sông Chà Và và sông Dinh chảy qua. Người dân lập bè nuôi hải sản trên sông, từ đó hình thành làng chài trên sông. Nghề nuôi trồng hải sản nơi đây đã nuôi sống bao thế hệ người dân làng bè. Trong các lồng bè nuôi nhiều loại hải sản, nhưng nổi tiếng hơn cả là nuôi hàu, sò huyết, cá lồng bè. Những loại hải sản này đem đến giá trị kinh tế cao cho người dân và cũng vì đặc điểm khí hậu nguồn nước mà hàu nuôi ở đây rất to, béo và được sản lượng cao.
Làng chài Long Sơn hút khách du lịch nhờ nghề nuôi hải sản trên các lồng bè (Ảnh st)
Từ khi có nghề nuôi hải sản trên các lồng bè, làng chài Long Sơn dần thu hút khách du lịch. Các hộ dân ở đây nhanh chóng nắm bắt cơ hội dần cải tạo các lồng bè để làm điểm đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và phục vụ các món ăn từ hải sản. Ở đây bạn có thể tham khảo một số nhà hàng nổi uy tín như: Nhà hàng Hàu Hải Lựu, nhà hàng làng bè Long Sơn, nhà hàng Hàu Đức Nhỏ…
Cô gái 27 tuổi Trịnh Thị Kim, một nhân viên phục vụ 10 năm trên nhà hàng Làng bè Long Sơn đang tranh thủ quét dọn bàn ăn khi khách vừa rời đi, vui vẻ cho biết: “Em sinh ra và lớn lên ở xã đảo Long Sơn này, từ ngày có công ty nuôi hải sản ở đây tuyển lao động để phục vụ khách du lịch, vợ chồng em liền xin vô đây làm luôn, nay cũng được mười năm. Chồng em làm đầu bếp, còn em làm phục vụ. Lương 2 vợ chồng một tháng cũng được 7 – 8 triệu đồng”.
Lý do là nhân viên kỳ cựu ở đây lâu năm, dù số tiền thu nhập của cả 2 vợ chồng không nhiều, nhưng lại rất đáp ứng nhu cầu rất đời thường của gia đình Kim: “Nếu làm ở nơi khác, em không thể cho con đi theo đến chỗ làm được. Còn ở đây, ông chủ vẫn đồng ý cho cháu theo bố mẹ sang chơi. Hồi con còn nhỏ thì vợ chồng em nhờ ông bà nội trông giúp. Ông bà già yếu hơn, từ năm con 3 tuổi là vợ chồng em phải dắt cháu đi làm cùng. Gửi trẻ thì chi phí hạn hẹp, nên vợ chồng em cứ vừa tranh thủ làm, vừa để mắt con. Nay con em 5 tuổi rồi, cháu tự chờ tàu sang làng bè chơi và cũng có thể tự về nhà trước”.
“Công việc của nhà hàng bắt đầu từ 8h sáng, tới 19h tối là xong. Vợ chồng em cùng đi làm, cùng chờ nhau về. Cứ ráng đi làm, chỉ trừ đợt dịch Covid -19 phải nghỉ làm, còn lại công việc ở đây khá ổn định, nên vợ chồng em đang cố tích tiền sắp tới cho con học tiểu học” – Kim bộc bạch.
Món hàu ở đây là đặc sản đặc sắc nhất (Ảnh: T.A)
Bạn gái làm phục vụ ở đây hơn 2 năm như Khang Thị Lý, 21 tuổi, là người dân của xã đảo Long Sơn cho biết: “Em cũng là người địa phương ở đây, đi làm có việc ổn định, thu nhập 4 triệu đồng/tháng cũng không phải lương cao, nhưng được đi làm gần nhà, không phải ra đường hít khói bụi, không mất tiền xăng xe, hay tàu xe đi lại là em thấy khỏe rồi. Hầu hết 30 bạn làm ở nhà hàng này cũng đều là người cùng làng, cùng xã, biết nhau hết, nên luôn sẵn sàng giúp nhau trong công việc hàng ngày”.
“Nhà hàng ở đây được làm nổi trên nhánh sông nhỏ, nên khá tĩnh lặng. Lúc trời mưa to gió lớn cũng chỉ dập dềnh một chút, chứ không phải lo lắng gì. Em thấy ở đây không khí trong lành, công việc có ngày bận rộn, có ngày thưa vắng khách hơn, nhưng hầu như lúc nào nhà hàng có cũng khách, chủ yếu bọn em phục vụ đoàn khách lớn, nên chúng em ít khi được thảnh thơi”- Lý chia sẻ.
Cơ hội thưởng thức hương vị riêng tươi ngon của hải sản Long Sơn
Xã đảo Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có đến 54 km2 là đất liền, còn lại là đất ngập mặn. Ngoài làm ruộng, làm muối, người dân nơi đây còn sống bằng nghề nuôi hàu, cá bè, làm du lịch và chế biến hải sản.
Du khách đến đây đều được thưởng thức hải sản tươi ngon bậc nhất (Ảnh: T.A)
Để ra nhà hàng nổi trên lồng bè thưởng thức hải sản, bạn chỉ cần đứng trên cây cầu gỗ nhỏ nối từ đất liền ra là chủ nhà hàng biết bạn muốn tới bè nào, ngay lập tức sẽ có tàu sang đón bạn theo nhánh rẽ của cây cầu đó. Chỉ đi tàu chừng 10 phút trên nhánh sông nhỏ, bạn đã sang tới làng bè và có thể xuống các lồng bè nuôi hải sản để thăm thú ngay. Trong lúc đi tham quan các lồng bè, bạn có thể chọn mua luôn cá, hải sản và chủ bè ngay lập tức vớt lên cho bạn và chuẩn bị cho bữa trưa hay bữa chiều giúp bạn.
Video đang HOT
Hải sản ở đảo Long Sơn không chỉ tươi sống, thịt chắc mà còn có hương vị riêng, ngọt thơm hơn hẳn những nơi khác, có lẽ nhờ được tự nhiên ưu đãi về vùng nước, khí hậu. Hải sản được chế biến theo nhiều hình thức như: Nướng, hấp sả, tái chanh, tái mù tạt, sốt me… Các loại cá, ghẹ, tôm, cua hay ốc móng tay được làm thành nhiều món đặc sắc như cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me, lẩu canh chua cá dứa, cá tráp hấp hành, ốc móng tay nướng mỡ hành…
Nhà hàng làng bè Long Sơn có sức chứa trên 200 khách, nhà hàng được trang trí bày biện vô cùng giản dị, mộc mạc nhưng cũng không kém phần long trọng theo phong cách Hàn Quốc. Từ trong nhà hàng nhìn ra mặt sông lăn tăn gợn sóng, đón những cơn gió mát lạnh thổi vào như xua tan bao mệt nhọc trước khi thưởng thức đặc sản trên bè. Ngồi ăn hải sản tươi ngon dưới mái cọ mát rượi, đong đưa bồng bềnh nhè nhẹ theo sóng nước mang lại cho bạn cảm giác mênh mang khó tả. Vừa ăn hải sản vừa hóng gió sông nước phả vào từng đợt, bình yên đến nao lòng.
Làng bè Long Sơn lung linh buổi tối (Ảnh: T.A)
Sau khi đã ăn uống no nê, thưởng thức hết các phong vị của Long Sơn, bạn có thể kiếm 1 chiếc võng đơn ngả lưng đu đưa theo nhịp sóng bè, tận hưởng làn gió hiu hiu mát dịu nhẹ. Giấc ngủ ngắn giữa vùng sông nước sẽ làm bạn thư thái tâm hồn.
Nếu là người đam mê câu cá thì bạn đã đến đúng địa điểm, câu cá ở làng bè Long Sơn sẽ cho bạn một ngày bội thu. Khi chiều về, bạn có thể vừa ăn hải sản, vừa ngắm hoàng hôn trong ánh chiều chạng vạng đầy mê hoặc.
Đến với làng bè Long Sơn những ngày cuối tuần cùng gia đình là một lựa chọn hoàn hảo. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm ngôi nhà cổ ở Long Sơn hay còn gọi Đền Ông Trần. Căn nhà cổ này được xây dựng từ năm 1910 theo lối kiến trúc đậm chất đình làng Việt. Nhưng bố cục không như đình làng, có thể nói là phá cách. Nhà được dựng từ những nguyên liệu tự nhiên gồm gỗ quý, tre, trúc, ván tấm. Sau này tu sửa lại có thay đổi một số bộ phận bằng gạch ngói và xi măng tăng khả năng chịu đựng với thời gian.
Sau một ngày thăm thú, trải nghiệm trên làng bè Long Sơn, lúc ra về bạn có thể mua một số đồ hải sản khô, hải sản tươi làm quà. Làng bè Long Sơn thích hợp cho những ai ưa khám phá nét hoài cổ, bình dị mà nên thơ của vùng sông nước. Đặc biệt, là những du khách vốn sành ăn các món ăn hải sản tươi ngon, lại yêu thích du lịch sinh thái, thiên nhiên thì đừng bỏ lỡ cơ hội tới nơi này.
Từ Sài Gòn đến Long Sơn có hai hướng đi: Ra khỏi thành phố đi theo quốc lộ 51 hoặc qua hầm Thủ Thiêm theo hướng Cát Lái, qua phà Cát Lái theo bảng hướng dẫn chạy đến thị xã Bà Rịa. Long Sơn cách thị xã Bà Rịa khoảng chừng 35 km. Hướng 1 hay 2 cũng sẽ qua trạm thu phí trên quốc lộ 51 vài trăm mét, sau đó có một ngã ba rẽ phải là đến đảo Long Sơn.
Độc đáo với kiến trúc và lịch sử hấp dẫn của quần thể Nhà lớn Long Sơn
Nhà lớn Long Sơn hay còn gọi là đền ông Trần (xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu. Đây được xem là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Toàn bộ quần thể Nhà lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Quần thể kiến trúc khép kín này có nhiều công trình được chia thành ba khu riêng biệt như: Khu nhà thờ, khu lăng mộ ông Trần và một quần thể bao gồm nhiều nhà chức năng khác nhau như trường học, nhà chợ, nhà mát (dành cho ngư dân tránh mưa nắng), các dãy phố (dành cho lưu dân mới đến chưa có nhà ở), kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc, nhà bếp, nhà bảo tồn ghe Sấm (một trong năm chiếc ghe đầu tiên đưa đoàn ông Trần đến đảo Long Sơn)...
Nhà Lớn Long Sơn được xây dựng với phong cách pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử.
Cô Lê Thị Kiệt, người cháu và kiêm quản lý quần thể Nhà lớn Long Sơn, cho biết Nhà lớn Long Sơn do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856, người Hà Tiên) xây dựng từ năm 1910 đến 1929. Tất cả tiền bạc, tài nguyên cần thiết để xây dựng nên ngôi nhà đều là của ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện gom góp.
Nhận thấy đây là kiến trúc nhà cổ độc đáo (kiểu tựa đình làng Việt Nam) cần phải bảo tồn và đưa vào khai thác phát triển du lịch, ngày 3/8/1991, quần thể Nhà lớn Long Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc của cổng chính vào khu lăng mộ trong quần thể Nhà lớn Long Sơn được thiết kế bắt mắt khiến nhiều du khách thích thú.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số các vật dụng chính trong Nhà lớn Long Sơn đều được làm bằng các loại gỗ quý và cẩn hoa cương. Bên trong nhà, ông Trần còn lưu giữ rất nhiều đồ cổ quý giá như: bộ tủ thờ, bộ lư hương và chân đèn cổ, nhiều bức hoành phi, liễn thờ... Tất cả những vật dụng này được ông Trần sưu tầm và đem về lưu trữ sau những chuyến hàng buôn ở Sài Gòn năm xưa. Các tác phẩm trang trí trong nhà đều thể hiện giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc lẫn trang trí mỹ thuật.
Khu vực sân chính giữa các nhà được xây dựng mang đậm nét kiến trúc của Nho giáo.
Theo cô Lê Thị Kiệt, sau khi ông Trần mất (năm 1935) ngoài đạo giáo của Khổng Tử, Nhà lớn Long Sơn còn hình thành tín ngưỡng đạo ông Trần. Đạo ông Trần là pha trộn nhiều đạo giáo khác nhau, tuy nhiên mục đích chính vẫn hướng con người đến với chân - thiện - mỹ. Trong đó, ông Trần vẫn dạy con cháu giữ gìn những phong tục, tập quán của ông như: mặc quần áo bà ba, đi chân đất, tóc búi gọn gàng... Nhìn chung tất cả hoạt động từ sinh hoạt đến tính cách đều học theo ông và mang đậm chất con người vùng đất Nam Bộ.
Cô Lê Thị Kiệt cho biết thêm, hàng năm, Nhà lớn Long Sơn thu hút đông du khách thập phương vào ngày giỗ ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết trùng cửu (9 tháng 9 âm lịch) bởi hai ngày này Nhà lớn Long Sơn đều tổ chức lễ hội rất trang trọng. Các du khách đến đây chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... Ngoài ra, mỗi độ Tết đến xuân về, Nhà lớn Long Sơn cũng thu hút du khách thập phương xuất phát từ những lòng hảo tâm, mang hàng từ thiện về giúp người khó khăn hay những em học sinh nghèo hiếu học...
Báo Tin Tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh đặc sắc tại Nhà lớn Long Sơn:
Trước khi vào tham quan Nhà lớn, du khách sẽ được nghỉ chân và nghe giới thiệu về quần thể kiến trúc Nhà lớn Long Sơn tại khu vực Nhà lớn (nơi dành cho việc tập trung đón tiếp khách đoàn đến tham quan).
Cô Lê Thị Kiệt, quản lý quần thể Nhà lớn Long Sơn đang giới thiệu với du khách về việc hình thành đạo ông Trần tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một đạo giáo tổng hợp những cái hay của các đạo tại Việt Nam.
Du khách được chia đoàn theo giới tính để vào tham quan quần thể kiến trúc Nhà lớn. Du khách đến đây tham quan hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn được thưởng thức khoai mì, bánh ít trần... nhưng có một chú ý là du khách không nên chụp ảnh tại những nơi thờ cúng, chánh điện của Nhà lớn.
Bước vào bên trong ngôi Nhà lớn, du khách sẽ bắt gặp chiếc mái chèo "khổng lồ" của chiếc ghe Sấm. Chiếc ghe này đã đưa ông Trần cùng gia đình từ Hà Tiên đến Bà Rịa - Vũng Tàu để khai hoang lập nghiệp vào khoảng năm 1891.
Từ trên cao, du khách sẽ quan sát thấy ba lầu: lầu Trời, Tiên và Phật hợp với nhà Hậu thành hình chữ "khẩu". Khoảng trống ở giữa các lầu này chủ yếu dùng để thông gió và lấy ánh sáng cho các khu nhà lầu.
Mỗi khu nhà thờ lại có những chiếc cầu thang bắc qua các lầu để kết nối với nhau. Ở trên cao, du khách có thể quan sát thấy 8 mái ngói của 5 lầu là: lầu Cấm (tiền điện), Phật (chính điện), Trời, Tiên, Dài và 3 nhà trệt là: nhà Thánh, nhà Hậu (Hậu điện), nhà Đèn. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại kiến trúc cổ có một không hai tại Việt Nam.
Trong các gian nhà thờ đạo ông Trần, bộ đồ có giá trị nhất là bộ bàn ghế bát tiên, được làm bằng chất liệu gỗ cẩn hoa cương và xà cừ. Bộ bàn ghế này được con cháu ông Trần khẳng định là của vua Thành Thái từng dùng ở Bạch Dinh (TP Vũng Tàu).
Bộ tủ thờ cổ cẩn xà cừ gồm 33 chiếc có nguồn gốc từ vùng Hà Đông, Hà Nội.
Tại mỗi gian thờ lại có một bộ đồ chuyên dùng đựng nước cúng dâng lên Phật, Trời, Tiên... khác nhau.
Trong các ngôi nhà thờ, các trụ cột và xà nhà đều có treo câu đối, câu liễn và hoành phi. Đặc biệt, các bộ bao lam đều chạm trổ hình hoa, hình thú khá khéo léo, công phu và đều được tô son thiếp vàng rực rỡ.
Di vật quý nữa của ông Trần nằm ngay phía sau khu chính điện (nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo lý) hiện đang còn lưu giữ bộ ảnh chữ Nôm truyện Lục Vân Tiên. Trước đây, bộ ảnh này được vẽ trên lụa, sau này được con cháu ông Trần phục chế trên kính.
Phía sau nhà bếp còn có khá nhiều kho chứa thóc dùng cho người trong nhà và giúp đỡ dân nghèo. Nhờ những kho chứa thóc của ông Trần mà năm Giáp Thìn (1904), người dân ở miền Tây Nam Bộ bị thiệt hại do lụt đã được ông Trần mở kho chứa thóc cứu đói. Từ đó, người dân khắp nơi cảm phục ông và khi thấy ông thường cởi trần, tóc búi tó, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân không gọi tên thật mà gọi ông là ông Trần. Cho đến nay, người dân Long Sơn vẫn tôn kính gọi "ông Trần" bằng độc nhất một chữ là "Ông".
Khu nhà bếp của ngôi nhà bố trí nhiều tấm phản gỗ để người nhà và du khách thập phương nghỉ ngơi khi đến đây tham quan.
Sau khi đi tham quan các lầu chính, khu nhà thờ, du khách sẽ được người trong nhà dẫn đến tham quan và tìm hiểu về khu lăng mộ của ông Trần.
Khu lăng mộ còn có phòng riêng để chiếc "áo quan dùng chung" và các dụng cụ phục vụ công việc mai táng. Những người theo đạo ông Trần, đám tang được gọi là "đám xác" và sẽ áp dụng theo tục "chết đồng quách". Hiện nay, phong tục này vẫn còn được áp dụng cho người dân trên xã đảo Long Sơn.
Theo triết lý của ông Trần, thì "sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách" nên áo quan được dùng chung cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, khi một gia đình trong làng có tang thì những người hàng xóm xung quanh sẽ sang giúp đỡ nhà có đám tang. Đặc biệt là trong đám tang đó không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận bao thư phúng điếu. Khi đi đến mộ phần thì người chết sẽ được quấn vào chiếu cói chôn xuống đất, còn áo quan thì đưa về lại Nhà lớn Long Sơn.
Những chiếc chiếu cói được mua sẵn để chuẩn bị cho những người chết trên xã đảo Long Sơn.
Đạo ông Trần thực chất chỉ là đạo làm người. Bởi ngày xưa, ông Trần thường dạy về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu... và cứ thế mà truyền đời cho con cháu hôm nay.
3 khu lưu trú sang chảnh, có hồ bơi đẹp tại Côn Đảo Bên cạnh cảnh sắc hoang sơ thu hút du khách trải nghiệm, khám phá, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) còn nổi tiếng với loạt resort sang chảnh, có vị trí đắc địa và hồ bơi riêng sống ảo. Tạp chí danh tiếng Travel & Leisure từng bình chọn Côn Đảo là một trong những quần đảo bí ẩn nhất thế giới....