Du học sinh Việt ở Tây Ban Nha xác định tự điều trị Covid-19
Nếu mắc Covid-19, Hải Yến, quê Hà Nội, sinh viên Cao đẳng Campus Training ở thủ đô Madrid xác định tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cơ sở y tế.
Yến kể tình hình Covid-19 ở Tây Ban Nha bắt đầu căng thẳng khi người dân đổ xuống đường diễu hành, tụ tập đông nhân ngày quốc tế phụ nữ, bất chấp quốc gia này ghi nhận 589 ca nhiễm nCoV. Ngày 9/3, Yến bất ngờ khi số ca nhiễm tại Tây Ban Nha tăng gấp đôi chỉ sau một ngày, lên 1.204.
Chính phủ Tây Ban Nha cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 10/3. Nhưng thay vì ở nhà, mọi người lại tụ tập đi chơi nhiều hơn ngày thường. Lo lắng dịch bệnh có thể lây lan rộng hơn, Yến quyết định tự cách ly trong nhà.
Đến 12/3, Tây Ban Nha phong tỏa đất nước, tất cả người dân phải ở nhà ngoại trừ ra ngoài mua thực phẩm, thuốc, đi làm, đến bệnh viện hoặc trường hợp khẩn cấp, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền. Người dân bắt đầu ý thức về dịch bệnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đứng cách xa nhau ở nơi công cộng.
Đến 2/4, Tây Ban Nha trở thành vùng dịch lớn thứ ba trên thế giới và là nước thứ hai ghi nhận hơn 10.000 ca tử vong do nCoV, sau Italy. Madrid, nơi Yến sinh sống, là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 32.000 ca nhiễm và 4.175 ca tử vong. Các bệnh viện và nhà xác quá tải.
Nghĩ đến tình huống xấu nhất, Yến tìm hiểu kỹ khuyến cáo của Bộ Y tế Tây Ban Nha. Theo quy định, nếu nhiễm bệnh, người dân gọi đến cơ sở y tế theo số điện thoại đường dây nóng. Nếu người bệnh có triệu chứng nhẹ, cơ sở y tế sẽ kê đơn, gửi thuốc và đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang đến nhà. Trường hợp bị nặng như không thể tự thở, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị.
Sau khi cân nhắc, Yến quyết định sẽ tự điều trị tại nhà nếu bị bệnh vì lo vào viện, tiếp xúc nhiều ca nhiễm sẽ làm bệnh nặng hơn. “Mình mua bảo hiểm y tế tư nhân, không chi trả nếu mắc Covid-19, trong khi vào viện rất tốn kém. Vì thế mình phải chăm sóc tốt cho bản thân để ngăn ngừa lây nhiễm”, Yến giải thích thêm, cho hay 20 ngày kể từ lệnh phong tỏa đã không bước chân ra khỏi nhà trừ đi đổ rác.
Nhờ theo dõi tình hình dịch bệnh tại Tây Ban Nha, Yến đã tích trữ gạo, các loại củ, thịt cá đông lạnh để không phải đi siêu thị trong một tháng. Trên Facebook, Yến thấy nhiều người chia sẻ thuốc chữa hoặc cách tự điều trị tại nhà nhưng cô không định mua sẵn thuốc để nhường cơ hội cho người nhiễm bệnh.
Video đang HOT
Những ngày cách ly, Yến giữ cho bản thân bận rộn bằng việc tự học chương trình trên lớp, đăng ký hai khóa học tiếng Anh trên trang web Coursera, edX và học chơi đàn ukulele. Những lúc căng thẳng, cô chuyển sang tập thể dục, uống vitamin C để bồi bổ sức khỏe.
Ngày 2/4, đường sá tại thành phố Castellon, vùng Valencia vắng bóng người sau khi Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa. Ảnh: Hoàng Thảo.
Sống tại thành phố Castellon, vùng Valencia, Hoàng Thảo, quê Hà Nội, học thạc sĩ ngành Giao tiếp liên văn hóa và Giảng dạy ngôn ngữ tại Đại học Jaume I, tin tưởng vào các biện pháp phòng dịch của Tây Ban Nha. Khi Italy trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu, bố mẹ lo lắng Tây Ban Nha bị lây lan và giục con gái về nước. Sau khi cân nhắc, Thảo quyết định ở lại, làm theo lời kêu gọi của chính phủ hai nước “ai ở đâu, hãy ở yên ở đó”.
Giống như Yến, Thảo cũng mua bảo hiểm y tế tư nhân nên không được chi trả nếu mắc Covid-19. Cô xác định nếu mắc bệnh sẽ tự điều trị theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Nếu phải ra đường, cô đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách trên một mét với mọi người. Về đến nhà, Thảo đem quần áo đi giặt để khử khuẩn, rửa tay chân bằng dung dịch sát khuẩn và mở cửa sổ cho thoáng khí.
Thảo không tích trữ đồ ăn vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm nếu tiếp xúc với nhiều người tại siêu thị. Thời gian cách ly, cách hai tuần Thảo đi chợ một lần, mua nhu yếu phẩm như đồ khô, gạo, mì. Những ngày đầu phong tỏa, Thảo quan sát thấy siêu thị thường xuyên cháy hàng. Nhưng hiện tại, hàng hóa được bổ sung liên tục, nhiều hơn ngày thường để người dân không lo hết hàng.
Chương trình thực tập vào tháng 4 của Thảo đã bị lùi lại do Covid-19, chưa có phương án thay thế. Dù nhà trường vẫn tổ chức học trực tuyến kéo dài 4 tiếng mỗi ngày, cô lo lắng không thể tốt nghiệp vào tháng 7. Để không làm mình chìm trong cảm giác lo lắng, Thảo duy trì dạy trực tuyến tiếng Tây Ban Nha cho người Việt Nam và dịch online cho Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha.
Thanh Hằng, quê TP HCM, sinh viên ngành Quản trị doanh nghiệp tại Đại học Corua, thành phố Corua, quyết định trụ lại Tây Ban Nha vì “tình hình hiện nay rất khó lường, không thể so sánh ở nước nào an toàn hơn nên việc di chuyển đường dài sẽ trở nên nguy hiểm”.
Sống xa nhà, Hằng luôn chuẩn bị những loại thuốc cơ bản như hạ sốt, thuốc điện giải nên cô chỉ mua thêm vitamin, thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng mùa dịch. Do bệnh viện tại Tây Ban Nha đã quá tải, bảo hiểm lại không chi trả nếu mắc Covid-19 nên cô sợ không thể vào viện chữa bệnh.
Người dân thành phố Corua, vùng Valencia, đứng cách nhau 2 m, mang găng tay và đeo khẩu trang khi đi mua hàng. Ảnh: Thanh Hằng.
Nếu nhiễm bệnh, Hằng xác định sẽ gọi đến đường dây nóng của chính phủ Tây Ban Nha để nhận tư vấn tự cách ly và tự điều trị tại nhà. “Mình sẽ chỉ báo cho một vài người thân chứ không định chia sẻ trên các hội nhóm để tránh gây hoang mang cho người Việt Nam tại Tây Ban Nha và cộng đồng”, Hằng nói.
Từ đầu tháng 3, trường của Hằng đã chuyển sang học online 3-5 tiếng mỗi ngày giống với lịch học bình thường nên nếp sinh hoạt của cô không có nhiều xáo trộn. Vài ngày đầu sau lệnh phong tỏa, Hằng cảm thấy buồn chán vì không được đến trường, gặp mặt bạn bè, nhưng giờ cô dành thời gian tự học và tập thể dục.
Hơn một tuần nay, vào 20h, người dân thành phố Corua đổ ra ban công vỗ tay để ủng hộ các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Tiếng reo hò phá vỡ khung cảnh tịch mịch do lệnh phong tỏa mang lại, truyền cho Hằng niềm lạc quan vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Giao dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là châu Á 70.000, kế đến là châu Mỹ 50.000, châu Âu 40.000, Australia và New Zealand 30.000. Riêng Tây Ban Nha hiện có khoảng 600 du học sinh, đa số ở lại học tập.
Tú Anh
Tokyo xem xét đóng cửa trường học đến đầu tháng 5
Sau khi số lượng ca nhiễm lên đến 78 người, Tokyo, Nhật Bản, xem xét việc đóng cửa trường đến đầu tháng 5.
Ngày 1/4, NHK cùng nhiều tờ báo Nhật Bản đưa tin chính quyền thành phố Tokyo xem xét đóng cửa trường công lập đến đầu tháng 5.
Trước đó, Tokyo thông tin đang lên kế hoạch mở lại một số trường trong năm học mới vào tuần tới. Từ đầu tháng 3, hầu hết trường học ở Nhật Bản đóng cửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Shinzo Abe.
Học sinh Tokyo có thể tiếp tục nghỉ học đến đầu tháng 5. Ảnh: Kyodo.
Nếu Tokyo tiếp tục đóng cửa trường đến đầu tháng 5, học sinh ở đây không thể bắt đầu năm học mới theo lịch như hàng năm. Trong ngày 1/4, Hội đồng Giáo dục Tokyo sẽ họp, thảo luận về việc này.
Cùng ngày, phát ngôn viên cao cấp của Chính phủ cho biết Nhật Bản có số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng. Đến nay, nước này có hơn 2.200 ca nhiễm, 66 người tử vong.
Tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Hàn Quốc, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, vừa quyết định bắt đầu năm học mới qua phương pháp online sau 3 lần lùi lịch khai giảng. Kỳ thi tuyển sinh đại học cũng được dời sang tháng 12.
Nguyễn Sương
Hơn 120 quốc gia đóng cửa trường học: Nhóm học sinh nào bị ảnh hưởng nhất? Theo UNESCO, hơn 120 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp, khiến 1/4 học sinh, sinh viên thế giới (tương đương khoảng 1,2 tỷ) bị ảnh hưởng. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng do dịch bệnh còn đang tiếp tục lây lan trên diện rộng. Đã có ca nhiễm Covid-19 ở dải Gaza...