Dù có dịch COVID-19, vẫn có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5
Đáng chú ý, trong tháng 5/2020, cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều tối nay (2/6), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 để đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh 46 ngày qua cả nước không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm COVID-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19 và ngay cả bệnh nhân số 91 (phi công người Anh) cũng có nhiều tiến triển.
Bô trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình KTXH tháng 5/2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực.
Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Một điều đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Đáng chú ý, trong tháng 5/2020, cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo
Video đang HOT
Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm (năng suất lúa đông xuân tăng 0,3 tạ/ha). Đáng chú ý, về giá thịt heo hiện vẫn ở mức cao mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 tăng 26,9% so với tháng trước).
Đáng chú ý, các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, các trung tâm du lịch đón lượng lớn đông du khách nội địa.
Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, do dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, thời tiết cực đoan, đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, khách quốc tế, như:
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm mạnh do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn (sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt giảm 12%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%…). Chỉ số IIP tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và trong nhiều năm qua.
“Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cộng đồng doanh nghiệp "mong ngóng" tiếp cận gói hỗ trợ
Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, song, các DN còn gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận các gói hỗ trợ.
Hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, bà Lê Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dgroup cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay, lĩnh vực giáo dục bị ảnh hưởng rất nặng nề vì dịch bệnh Covid -19. Theo đó, mọi hoạt động của công ty gần như "đóng băng" do phải thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, song hàng tháng các chi phí như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... vẫn phải thực hiện khiến doanh nghiệp (DN) như ngồi trên "đống lửa". Việc Chính phủ triển khai gói hỗ trợ đang là một giải pháp "cứu cánh" giúp các DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Lê Dung vấn đề quan tâm hiện nay đối với nhiều DN là sớm được tiếp cận ngay gói hỗ trợ này:
"Mong muốn Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước có thể truyền thông một cách rõ ràng hơn và minh bạch hơn về những cơ chế, chính sách để cho các DN trong nhóm ngành nào? DN vừa và nhỏ hay DN có số vốn như thế nào và có cần những điều kiện gì để có thể tiếp cận được nguồn vốn? Đồng thời, mong rằng cần được minh bạch hơn, được truyền thông rõ ràng hơn để chúng tôi không phải loay hoay và luôn luôn đi tìm câu hỏi không biết tìm nguồn vốn ở đâu? Mặc dù rất rõ ràng Chính phủ và Nhà nước cũng đã rất quan tâm hỗ trợ về vấn đề này", bà Lê Dung nói.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất mong ngóng chính sách hỗ trợ, giải cứu
Cùng chung suy nghĩ này, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam cho biết, nhiều DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất mong ngóng chính sách hỗ trợ, "giải cứu" từ phía nhà nước, Chính phủ.
"Hiện nhiều DN đang gặp khó khăn, có DN hiện tại công suất chỉ còn khoảng 10 đến 20%. Như nhà máy của chúng tôi chỉ duy trì ở mức độ sản xuất và đủ nuôi hệ thống, còn về lợi nhuận thì không có trong thời điểm này", ông Nguyễn Đức Cường nêu thực tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời về những giải pháp để có thể hỗ trợ cho các DN vượt qua dịch bệnh để tiếp tục trụ vững và phát triển. Tuy nhiên, việc triển khai của các bộ, ngành và các địa phương còn chậm. Đến nay, các biện pháp mới chủ yếu dừng lại ở mức giãn, hoãn, khoanh nợ, còn những biện pháp thực sự giảm được chi phí cho DN vẫn chưa được thực hiện. Cùng với đó, nhiều chính sách, những gói tín dụng đã có, nhưng thực tế theo DN phản ánh là chưa rõ ràng, cụ thể.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: "Tôi đề nghị phải triển khai sớm, triển khai tích cực những chủ trương, chính sách đã có của Chính phủ. Cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. Tôi cũng đề nghị là trong điều kiện mà dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt ở Việt Nam cần phải có chính sách để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các DN tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh để tự cứu mình để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, có thể giảm bớt áp lực phải đưa ra gói cứu trợ tiếp theo của Nhà nước đối với người lao động mất việc làm hay những người nghèo".
Cần công khai, minh bạch các gói hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất
Trong cuộc họp mới đây tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu, đối với các gói hỗ trợ người lao động và DN, các bộ, ngành, cần phải đưa ngay vào Dự thảo quy định để triển khai. Các thủ tục phải tạo được sự thuận lợi, tránh rườm rà, phức tạp để đến được tay các đối tượng thụ hưởng trong thời gian sớm nhất. Quá trình thực hiện theo hướng trực tiếp, trực tuyến và bảo đảm tính công khai minh bạch.
"Không để thất thoát, nhưng phải đúng đối tượng làm nhanh vừa quản lý chặt chẽ nhưng phải đúng đối tượng. Do đó, thủ tục phải nhanh gọn, xác nhận rõ ràng chỉ một lần thôi. Đăng ký một lần nên việc các bộ, ngành phải chia sẻ được với nhau để người dân và doanh nghiệp không phải chờ đợi lâu", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Rõ ràng, trong tình hình khó khăn hiện nay, nếu các gói hỗ trợ được triển khai càng sớm thì doanh nghiệp càng có thể nhanh chóng phục hồi nếu không thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ. Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất nhằm vượt qua khó khăn. Từ đó, làm bàn đạp ổn định sản xuất và đời sống để tiếp tục phát triển trong thời gian tiếp theo./.
Nguyễn Hằng
TP. HCM khơi thông thị trường tạo động lực phục hồi sản xuất Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tại TP. HCM giảm 2,6% do lực lượng lao động tham gia sản xuất bị cắt giảm, nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thu giảm mạnh. Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) Ghi nhận trong bốn tháng đầu năm 2020, tình...