Dù có ‘Bad Genius’, điện ảnh Thái Lan đang khủng hoảng
“ Bad Genius” – bộ phim về nạn gian lận thi cử học đường của Thái Lan – đang gây sốt tại Việt Nam và nhiều nước châu Á khác. Nhưng tại quê nhà, nó không thành công như mong đợi.
Trailer bộ phim ‘ Thiên tài bất hảo’ “Bad Genius” là bộ phim ăn khách của điện ảnh Thái Lan về vấn nạn gian lận trong thi cử.
Ở thị trường Thái Lan, Bad Genius (Thiên tài bất hảo) chỉ thu về 3,2 triệu USD (khoảng 68 tỷ đồng). Con số này giúp Bad Genius trở thành bộ phim Thái ăn khách nhất năm nay. Nhưng trong top 10 phim ăn khách nhất của năm 2017 tại thị trường Thái tính đến thời điểm này, nó chỉ đứng thứ 9 và chịu xếp sau một loạt các bộ phim đến từ Hollywood.
Không ai có thể phủ nhận sức hút của Bad Genius, từ giới phê bình đến khán giả đại chúng. Nhưng tác phẩm đặc sắc này vẫn chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, không thể xóa được đám mây đen khủng hoảng đang bao phủ thị trường điện ảnh nội địa của Thái Lan trong vài năm gần đây.
Điện ảnh Thái có một lịch sử phát triển khá lâu dài và đạt được những thành tựu đáng kể trong quá khứ. Làn sóng mới của phim Thái trong những năm 80-90 từng chinh phục hầu hết khán giả nội địa.
Trong những năm đầu 2000, trong khi điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng, nhiều bộ phim Thái vừa thành công ở sân nhà, vừa đem chuông đi đánh xứ người gây tiếng vang.
Thời hoàng kim nay còn đâu
Điển hình là Ong-bak: The Thai Warrior (2003), tác phẩm hành động với ngôi sao võ thuật Tony Ja, đã chinh phục một loạt thị trường châu Á và thậm chí lấn sân sang tận Bắc Mỹ. Bộ phim hành động với những pha võ Thái ngoạn mục và đẹp mắt có kinh phí khoảng 1,1 triệu USD đã thu về hơn 20 triệu USD, xác lập vị thế phim Thái ở thị trường quốc tế.
Thiên tài bất hảo không có doanh thu quá ấn tượng tại Thái Lan.
Bộ đôi đạo diễn Prachya Pinkaew và ngôi sao Tony Jaa tiếp tục đà thắng lợi ở cả thị trường nội địa và quốc tế với Tom-Yum-Goong (2005), thu về 27 triệu USD từ kinh phí khoảng 5 triệu USD.
Tuy nhiên, các phần tiếp theo của hai bộ phim võ thuật ăn khách này là Ong Bak 2: The Beginning (2008), Ong Bak 3 (2010) và Tom-Yum-Goong 2(2013) đều không thành công như mong đợi. Bộ đôi đạo diễn – diễn viên từng mang lại tên tuổi cho điện ảnh Thái chia tay nhau.
Tony Ja bắt đầu đầu quân cho các bộ phim hành động của Hong Kong và Hollywood như Sát Phá Lang 2 hay XXX: Return of Xander Cage.
Nhưng Thái Lan không chỉ có phim hành động. Một trong những thể loại chinh phục khán giả nội địa tốt nhất của điện ảnh nước này là những bộ phim sử thi với kinh phí lớn và dàn dựng khá công phu. Năm 2003, The Legend of Suriyothai trở thành “bộ phim quốc gia” khi có sự hỗ trợ nguồn kinh phí lớn từ Hoàng gia và ngành công nghiệp điện ảnh Thái.
Câu chuyện về nữ hoàng Suriyothai dài tới 185 phút, trở thành phim nội địa ăn khách nhất năm và thu về khoảng 350 triệu bath (khoảng hơn 10 triệu USD). Hiện nó vẫn đứng thứ 3 trong những bộ phim Thái ăn khách nhất mọi thời kỳ.
Dòng phim sử thi của Thái còn phải kể đến King Naresuan (2007), kể về hoàng đế vĩ đại của Thái Lan thế kỷ 16, thậm chí còn vượt qua cả kinh phí của Suriyothai và được chia ra làm 2 phần, thu về tổng cộng 450 triệu bath. Vị hoàng đế này sau đó còn tiếp tục lên phim thêm 3 phần nữa và vẫn thu hút được khán giả nội địa.
Nhưng nói đến phim Thái là phải nói đến phim hài và kinh dị, hoặc pha trộn hai thể loại này vào một, với đỉnh cao là bộ phim Pee Mak (Tình người duyên ma), ra mắt năm 2013 và lập tức tạo thành một cơn sốt chưa từng có tại đất nước chùa Vàng.
Tình người duyên ma có kinh phí khiêm tốn chỉ 65 triệu bath (khoảng 1,8 triệu USD) nhưng đã lập kỷ lục trở thành bộ phim ăn khách nhất tại Thái mọi thời đại với doanh thu lên đến 28 triệu USD (phim đầu tiên và duy nhất đến nay vượt mốc 1 tỷ bath tại Thái) và chinh phục nhiều nước châu Á khác.
Khán giả Việt Nam cũng bắt đầu “mê” phim Thái nhờ Tình người duyên ma. Một tác phẩm lãng mạn hài khác là I Fine Thank You Love You (2014) cũng chinh phục được nhiều khán giả với hơn 10 triệu USD tiền vé.
Những ví dụ trên cho thấy thị trường điện ảnh 65 triệu dân của Thái đã vượt qua thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, khi thị trường điện ảnh nội địa Việt Nam có nhiều khởi sắc và thi nhau lập kỷ lục thì thị trường điện ảnh Thái lại xuống dốc không phanh.
Doanh thu từ các bộ phim nội địa Thái rớt xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm gần đây, chỉ còn 18% thị phần vào năm 2016.
Video đang HOT
Tại sao khủng hoảng?
Một bài phân tích thị trường điện ảnh Thái đang khủng hoảng đăng trên tờ The Nation năm ngoái đã chỉ ra những dấu hiệu khủng hoảng của thị trường điện ảnh nội địa. Theo đó, niềm tin của khán giả Thái dành cho các bộ phim của họ xuống thấp chưa từng có.
Tình người duyên ma là tác phẩm điện ảnh Thái từng gây cơn sốt lớn.
Thị phần phim nội địa ngày càng sụt giảm và chỉ chiếm 18%, bị các bộ phim bom tấn của Hollywood bỏ xa trên sân nhà. Trong hai năm 2015, 2016, thậm chí không có bộ phim nào của Thái lọt vào top 10 bộ phim ăn khách nhất của năm.
Thêm vào đó, hãng phim GTH – hãng đứng sau thành công của một loạt phim thành công kỷ lục như Pee Mak và I Fine Thank You Love You – đã tuyên bố giải thể sau hơn 11 năm hoạt động vì thua lỗ. Đây là một cú sốc lớn đối với giới điện ảnh nước này.
Bộ phim hành động mới nhất của đạo diễn lừng danh Prachya Pinkaek dù ra mắt trong năm mới thậm chí không thu về được 10 triệu bath tại phòng vé. Sự ảm đạm của thị trường điện ảnh Thái Lan tiếp tục với một loạt thất bại khác, từ phim kinh dị đến phim hài lãng mạn.
Nhiều trong số đó, dù nhận được sự khen ngợi của giới phê bình như Freelance hay Luang Pee Jazz, đều không kích thích được thị trường điện ảnh trong nước. Thậm chí tác phẩm làm lại từ điện ảnh Hàn Miss Granny (Ngoại già tuổi 20) – rất thành công tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam – đã thất bại tại Thái dù có hãng CJ của Hàn Quốc đứng đằng sau.
Những người quản lý điện ảnh Thái hay đem nền điện ảnh Hàn Quốc ra để học hỏi. Trong khi nhiều nhà sản xuất khác hướng đến thị trường khổng lồ Trung Quốc để tìm kiếm đầu tư, ông Vicha Poolvaraluck – giám đốc của Major Cineplex Group – lại hướng đến Hàn Quốc và hợp tác với hãng CJ E&M để thành lập một công ty liên doanh tại Thái có tên là CJ Major Entertainment.
Ông hi vọng có thể thúc đẩy thị trường điện ảnh nội địa Thái đạt đến con số 50% như thị trường Hàn hay Nhật Bản làm được. Người Thái cũng mơ đến những bộ phim như Roaring Currents (Đại thủy chiến), Ode to my father, Veteran hay Snowpiercer của Hàn Quốc, những bộ phim phá kỷ lục doanh thu nội địa tại Hàn và lôi kéo được nhiều ngôi sao lớn của Hollywood.
Nhưng thành công đó có vẻ còn khá xa vời khi thị trường phim nội địa của Thái vẫn đang khủng hoảng khá nặng nề. “Thị trường phim Thái hôm nay khác rất xa khi tôi thành lập hãng Tai Entertainment 30 năm trước. Thị trường điện ảnh Thái luôn luôn khắc nghiệt, nhưng bây giờ thì khắc nghiệt hơn bao giờ hết”, giám đốc của hãng này thừa nhận.
“Tôi thực sự rất lo lắng khi thị trường nội địa rớt xuống chỉ còn 18% nhưng tôi hiểu được tại sao. Lý do lớn nhất là khán giả Thái mất niềm tin vào những bộ phim Thái bởi chất lượng sản xuất rất khác nhau và không đồng đều. Khán giả bỏ ra cùng một số tiền cho bất cứ bộ phim nào, vì vậy khi những bộ phim nội địa không xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, họ dần dần mất niềm tin vào những bộ phim Thái và chọn những bộ phim Hollywood”, ông giải thích.
Liệu có thể hồi sinh?
Thị trường điện ảnh Thái Lan có thể đang gặp khủng hoảng nhưng các nhà đầu tư và sản xuất vẫn đánh giá nó có nhiều triển vọng. Ông Vicha Poolvaraluck – chủ tịch của hãng Major Cineplex Group – nhận định rằng số lượng rạp chiếu tại Thái Lan chưa tương xứng với 65 triệu dân số nước này và vẫn còn nhiều cơ hội để tăng mạnh.
Điện ảnh Thái cần thêm nhiều tác phẩm xuất sắc như Thiên tài bất hảo.
Hiện Thái có khoảng 1.100 rạp chiếu phim, trong khi đó ở Malaysia với dân số 26 triệu người đã có 1.000 rạp chiếu. Còn ở Hàn Quốc với dân số 54 triệu người, số lượng rạp chiếu là 2.200. Trung bình mỗi người Hàn xem 4 bộ phim nội địa mỗi năm. Tỷ lệ này ở Thái thấp hơn nhiều.
Ông Vicha cũng cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh Thái vẫn tăng trưởng mỗi năm và năm ngoái đạt con số 750 triệu USD, nhưng phần lớn trong số đó đến từ các bộ phim của Hollywood. Thái Lan cũng là điểm đến yêu thích của nhiều bộ phim quốc tế. Năm ngoái có tới 63 tác phẩm quốc tế được quay ở Thái Lan.
Tuy nhiên, một thị trường điện ảnh phát triển không thể gọi là thành công nếu các bộ phim nội địa không chinh phục được khán giả nhà. Nhiều hãng phim và những đạo diễn trẻ đang quyết tâm vực dậy điện ảnh Thái bằng chất lượng thực sự chứ không phải chiêu trò hay những bộ phim hành động sáo mòn, hài nhảm pha kinh dị đã hết phép.
Và Bad Genius của đạo diễn trẻ Nattawut Poonpiriya là một ví dụ về thành công mới trong năm nay. Có một kịch bản thông minh pha trộn giữa hai thể loại “heist” (lừa đảo) và thriller (hình sự) mang hơi hướm Hollywood, nhưng Bad Genius lại rất sáng tạo khi chọn đề tài học đường và sử dụng một dàn diễn viên mới hoàn toàn.
Sự kịch tính, chất tươi mới của bộ phim lập tức chinh phục giới phê bình khi bộ phim ra mắt hồi đầu hè. Do vẫn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng “mất lòng tin” của khán giả nội địa, bộ phim không thành công như mong đợi khi chỉ thu về 3,2 triệu USD tiền vé.
Tuy nhiên, bộ phim lại chinh phục khán giả nhiều nước châu Á như Đài Loan, Hong Kong. Tại Việt Nam, nó cũng tạo nên một cơn sốt nho nhỏ khi thu về 8 tỷ đồng sau ba ngày chiếu cuối tuần. Bad Genius cũng đã giành một số giải thưởng điện ảnh quốc tế.
Liệu điện ảnh Thái có thoát khỏi khủng hoảng và hồi sinh trở lại sau cú hích Bad Genius? Có vẻ như đó mới chỉ là một cánh én (chưa thể làm nên mùa xuân) và điện ảnh Thái vẫn cần rất nhiều bộ phim xuất sắc như thế nữa mới vực dậy được nền điện ảnh nội địa nước này.
Theo Zing
'Thiên tài bất hảo': Bộ phim lôi cuốn về nạn quay cóp của người Thái
"Bad Genius" đề cập tới nhiều vấn đề nhức nhối trong học đường, đặc biệt là nạn quay cóp, với lối kể chuyện đầy sáng tạo. Từ đó, phim khơi gợi nên nhiều thông điệp xã hội ý nghĩa.
Trailer bộ phim 'Thiên tài bất hảo' "Bad Genius" là bộ phim ăn khách của điện ảnh Thái Lan về vấn nạn gian lận trong thi cử.
Thể loại: Học đường, kịch tính
Đạo diễn: Nattawut Poonpiriya
Diễn viên chính: Chutimon Chuengcharoensukying, Eisaya Hosuwan, Teeradon Supapunpinyo
Zing.vn đánh giá: 8/10
Bad Genius theo chân Lynn (Chutimon Chuengcharoensukying), một nữ sinh xuất sắc tại trường trung học. Trong đợt kiểm tra giữa kỳ, Lynn chỉ bài thành công cho cô bạn thân Grace (Eisaya Hosuwan).
Biết chuyện, Pat (Teeradon Supapunpinyo) - bạn trai của Grace - đề nghị cô nhắc bài cho hội nhà giàu trong các kỳ thi nhằm đổi lấy một số tiền lớn.
Sau vài phi vụ thành công, cả nhóm quyết định "chơi lớn" khi sang Australia để gian lận trong kỳ thi quốc tế STIC. Nhưng với số lượng câu hỏi cực lớn, họ cần tới sự trợ giúp của Bank (Chanon Santinatornkul) - một nam sinh có trí nhớ siêu phàm nhưng chính trực và thích "mách lẻo". Hàng loạt rắc rối bắt đầu từ đây.
Bad Genius hiện là bộ phim Thái Lan ăn khách nhất năm 2017 và gặt hái thành công phòng vé tại nhiều nước lân cận.
Câu chuyện hấp dẫn với cách làm phim độc đáo
Bad Genius nằm trong số ít tác phẩm nói về một chủ đề nhạy cảm nhưng thường xuyên xảy ra trong môi trường giáo dục: gian lận thi cử. Câu chuyện "gần gũi" ấy nay trở nên kịch tính hơn trên màn ảnh bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh vô cùng độc đáo.
Đạo diễn Nattawut Poonpiriya sử dụng đầy khéo léo những pha quay chậm kết hợp với tiếng đồng hồ tíc tắc và biểu cảm của nhân vật. Tính tiết trong phim diễn ra dồn dập và căng thẳng, khiến khán giả như đang ngồi trong phòng thi cùng nhóm của Lynn, nín thở dõi theo từng hành động của các nhân vật hay bước chân của giám thị.
Những góc quay cận hay toàn cảnh đều được chăm chút kỹ lưỡng và có chủ đích rõ ràng. Các tình huống trong phim cứ thế nối tiếp nhau lớp lang, và đưa người xem cứ thế cuốn vào câu chuyện của Lynn và các bạn.
Các chiêu trò nhắc bài và kế hoạch gian lận thi cử trong Bad Genius được xây dựng kịch tính như những tác phẩm giật gân của Hollywood.
Trong khoảng nửa, Bad Genis tái hiện rõ nét những chiêu trò "quay cóp" của nhóm học sinh, như viết đáp án vào tẩy hoặc dùng ký hiệu tay để ra dấu. Từng nét tô vào trang giấy, từng cử động tay của Lynn, hay mỗi câu tính nhẩm của nhân vật đều vô cùng hồi hộp, nghẹt thở.
Tới nửa sau, Bad Genius như chuyển hướng sang một bộ phim thuộc dòng "trộm cắp" (heist) với phi vụ chuyển đáp án của kỳ thi STIC từ Australia về Thái Lan. Nhóm học sinh lên từng bước kế hoạch, tập luyện, tạo tình huống, rồi thực hiện nó hết sức kịch tính.
Đội ngũ biên kịch đã khắc họa thuyết phục cách mà nhóm học trò 17 tuổi qua mặt các giám thị nhiều năm kinh nghiệm, biến "phi vụ bất khả thi" trở thành sự thật một cách đầy sáng tạo.
Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong Bad Genius. Các bài nhạc cổ điển thông thường giúp người nghe "giảm bớt căng thẳng", nhưng đặt vào bối cảnh bộ phim lại giúp tăng phần kịch tính. Nó đồng thời đóng vai trò then chốt để khắc họa dòng suy nghĩ nhân vật.
Nhìn chung, Bad Genius cho thấy khả năng làm phim của người Thái Lan đã đạt đến cấp độ quốc tế khi họ đưa người xem đi hết từ bất ngờ này qua bất ngờ khác nhờ sự thông minh trong kịch bản và cách dàn dựng toàn bộ câu chuyện.
Hiện thực xã hội bất công được phơi bày
Một thành công nổi bật nữa của Bad Genius là cách xây dựng nhân vật và tạo tình huống mâu thuẫn. Lynn vốn chỉ là một nữ sinh bình thường, có đầu óc, nhưng gánh nặng tiền bạc đã khiến cô biến chất. Tuy cố gắng hết sức để nhận học bổng, nhưng Lynn nhận ra cha cô vẫn phải đóng một khoản phí "cơ sở vật chất" cực lớn cho nhà trường.
Nghĩ tới nỗi cực khổ với đồng lương giáo viên ít ỏi của cha, cô nữ sinh trẻ tuổi buộc phải gian lận trong các kỳ thi. Đó là cách duy nhất để Lynn có thể du học và đổi đời.
Trong khi đó, gia cảnh của Bank cũng không khác Lynn là bao. Song, anh chàng lại chọn con đường chính trực và "nói không với tiêu cực". Nhưng cuối cùng, Bank cũng không thể kháng cự vòng xoáy cuộc sống và sự tàn nhẫn của nó. Chàng nam sinh có trí nhớ siêu phàm đành gia nhập Lynn để thực hiện "phi vụ cuối cùng".
Câu chuyện của Bank và Lynn để lại nhiều suy nghĩ cho người xem sau những điều mà hai cô cậu đã gây ra.
Bộ đôi Lynn - Bank có lẽ đại diện cho lớp người nghèo trong xã hội. Họ buộc phải cố gắng hết mình để đạt được thành công trong cuộc sống. Nhưng dù có nỗ lực ra sao, hai người cũng chẳng thể so sánh với những kẻ "sinh ra ở vạch đích" như Grace và Pat.
Cho tới cuối phim, Lynn và Bank cũng chỉ có hai con đường là chấp nhận số phận hoặc biến chất để làm giàu cho bản thân. Cách mà cả hai "nhúng chàm" giống như hiện thực xã hội nghiệt ngã mà không ai có thể tránh nổi.
Hai nhân vật chính còn lại, Grace và Pat, thuộc tầng lớp trên của xã hội. Bộ đôi chỉ cần vung tiền ra là có thể đạt điểm số như mong muốn mà không cần phải nỗ lực gì nhiều. Sau tất cả, họ vẫn là những kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong khi Lynn và Bank phải gánh chịu mọi rủi ro.
Nếu mọi chuyện có vỡ lở, Pat vẫn sẽ là cậu chủ của một tập đoàn lớn với số tiền thừa kế khổng lồ, còn cánh cổng đổi đời của hai người bạn kia sẽ khép lại mãi mãi. Hiện thực xã hội cứ thế được phơi bày trần trụi trong Bad Genius qua những câu thoại thẳng thắn và đầy tính triết lý.
Chutimon Chuengcharoensukying (Aobak) đặc biệt xuất sắc khi đảm nhận vai chính Lynn. Cô vốn xuất thân là một người mẫu.
Tuy nhiên, đoạn kết của bộ phim còn hơi khiên cưỡng và mang tính lý tưởng hóa cao. Các mâu thuẫn trong tác phẩm được giải quyết còn đơn giản, chưa thực sự thỏa đáng với những gì hấp dẫn ban đầu.
Dàn diễn trẻ trong Bad Genius đều hoàn thành tốt vai diễn của mình. Chỉ bằng một cú liếc mắt hay nhếch môi, họ có thể khiến người xem dễ dàng cảm nhận suy nghĩ trong lòng nhân vật.
Như Lynn và Pat, ban đầu họ chỉ là đám học sinh ngoan hiền, toát lên vẻ ngô nghê, thánh thiện. Nhưng khi dần bước vào con đường tội lỗi, khán giả chỉ còn thấy sự tinh ranh và lạnh lùng. Sự biến chuyển ấy được các diễn viên thể hiện rất tinh tế, thuyết phục.
Bad Genius nhìn chung là một tác phẩm đáng xem nữa của điện ảnh Thái Lan. Bộ phim cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của những nhà làm phim xứ chùa vàng, từ kịch bản cho tới cách dàn dựng nên một bộ phim giải trí thương mại đầy hấp dẫn.
Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Thiên tài bất hảo.
Theo Zing
5 lý do khiến phim về thiên tài 'quay cóp' gây bão khắp châu Á Bộ phim về các học sinh thiên tài sử dụng trí thông minh để gian lận thi cử được đánh giá là 'không xem phí cả đời'. Phim Thái Bad Genius vừa ra mắt đã tạo nên cơn sốt tại quê nhà với tổng doanh thu hơn 76 tỷ đồng. Trailer phim còn gây bão trên mạng xã hội của nhiều quốc gia...