Dự báo về ngành du lịch, khách sạn đến cuối 2020 thời hậu dịch Covid-19
Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 và được dự đoán sẽ là một trong những ngành cần nhiều thời gian nhất để có thể phục hồi hoàn toàn.
Theo các nhà nghiên cứu thị trường của công ty TNHH Savills Việt Nam, nhờ có các biện pháp ứng phó nhanh chóng và kịp thời, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc cho phép mở lại một phần hoạt động kinh doanh của các nhà hàng và khách sạn trong những ngày gần đây được xem là sự khởi đầu thuận lợi cho quá trình hồi phục tại thị trường Việt Nam.
Thực tế cho thấy ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện nay vẫn có tốc độ phục hồi khá chậm, các chủ khách sạn vẫn chưa thể định hình được tình hình hoạt động trong thời gian tới và bao lâu thì nguồn cầu mới quay trở lại mức trước đại dịch.
Trong giai đoạn này, phần lớn các nhà hàng và khách sạn đều áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần hoặc hoàn toàn hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt cũng như chuẩn bị kế hoạch đi vào hoạt động trở lại. Những chiến lược này sẽ phần nào giúp bù đắp sự sụt giảm doanh thu trong ngắn hạn, tuy nhiên nguồn cầu trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi lớn cho các chủ khách sạn. Trong ngắn hạn, khách du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ là phân khúc đầu tiên phục hồi trở lại.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, yếu tố sáng tạo được xem là giá trị cốt lõi và là chìa khóa để tạo ra nguồn doanh thu mới: “Các khách sạn trong thành phố cần đưa ra những chính sách hấp dẫn để có thể thu hút nhóm khách công vụ và nghỉ dưỡng.
Hình thức “Du lịch tại chỗ” – “Staycations” là một trong những ví dụ điển hình, theo đó các khách sạn nhắm đến phân khúc khách hàng ở khu vực lân cận bằng cách mang đến những gói trải nghiệm gồm chỗ lưu trú, ăn uống và đầy đủ tiện ích. Khách hàng vẫn trải nghiệm như một chuyến du lịch thông thường ngay tại nơi họ đang sinh sống hoặc khu vực lân cận mà không cần phải đi xa.
Video đang HOT
“Chúng tôi hy vọng các nhà hàng cũng sẽ áp dụng những chiến lược tương tự bằng cách đưa ra các chương trình tiếp thị và quảng bá sáng tạo để có thể thu hút khách địa phương nhiều hơn, ví dụ như các bữa ăn cuối tuần theo chủ đề. Các hình thức lưu trú như Airbnb cũng có thể đưa ra các gói trải nghiệm cho khách hàng như cung cấp đầu bếp riêng cho du khách”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Về chi phí hoạt động, trong ngắn hạn chủ đầu tư có thể cân nhắc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời và sử dụng quỹ dự phòng để giúp duy trì hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, trong dài hạn nếu nguồn cầu không hồi phục nhanh chóng thì việc trả các khoản nợ và chi phí thuê tài sản/ đất sẽ có tác động đáng kể, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực nhà hàng và quán bar. Các nhà nghiên cứu Savills hy vọng các tổ chức tài chính và đơn vị cho thuê sẽ tích cực làm việc với chủ đầu tư để tìm ra những giải pháp cùng có lợi nhằm góp phần xây dựng và hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch.
Riêng đối với phân khúc du lịch MICE- loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác- được dự kiến sẽ là một trong những phân khúc phục hồi sau cùng vì những hoạt động này thường đòi hỏi sự tập trung lượng lớn người tham dự. Nguồn khách MICE nội địa dự kiến có thể phục hồi lại khi được Chính phủ cho phép.
Các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn phải được áp dụng nghiêm ngặt và các doanh nghiệp cũng cần cắt giảm quy mô của những buổi hội họp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, vì những buổi ra mắt dự án thường diễn ra với sự tham gia của một lượng lớn các khách hàng.
Do vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng các hình thức tổ chức sự kiện, hội thảo khác trong giai đoạn này cho đến khi việc tham gia vào những sự kiện đông người không còn là mối lo ngại và được Chính phủ cho phép. Ông Mauro đưa ra dự đoán các hoạt động MICE sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc đa số các doanh nghiệp hiện nay đều thực hiện cắt giảm chi phí cho các sự kiện và hoạt động giải trí trong ít nhất hai quý tới.
Các sự kiện quy mô nhỏ dự kiến sẽ được phục hồi trước. Các sự kiện quốc tế được tổ chức bởi các tập đoàn đa quốc gia với sự tham gia của lượng lớn khách quốc tế sẽ chỉ được tổ chức trở lại sau khi các chính sách hạn chế du lịch được dỡ bỏ và mức chi tiêu của các doanh nghiệp tăng trở lại mức trước đại dịch. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian khá dài.”
Cũng theo ông Mauro, do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021. An toàn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ngành du lịch và mọi người sẽ chỉ bắt đầu đi du lịch trở lại khi họ cảm thấy thật sự an toàn.
Nhu cầu du lịch trong nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm du khách trẻ, tiếp sau đó là việc dần mở cửa trở lại đối với một số quốc gia đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch của Việt Nam. “Chúng ta có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trải qua quá trình tương tự như Trung Quốc sau khi đại dịch được kìm hãm, theo đó thị trường Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi công suất bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam một lần nữa sẽ trở thành một minh chứng điển hình về khả năng phụ hồi sau đại dịch”, ông Mauro nói.
Kích cầu du lịch nội địa, hướng đi của các công ty lữ hành Việt
Xu hướng du lịch trong thời điểm hiện nay được du khách lựa chọn và đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà.
Dịch covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, khiến cho bao ngành nghề rơi vào khủng khoảng, đóng băng, trong đó có du lịch. Gần như 100% các công ty đóng cửa, tour bị hủy cho đến tận tháng 9-10 kéo theo đó bao người mất việc, cuộc sống khó khăn. Là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhưng dự báo cũng là ngành phục hồi trước tiên.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 tháng tiếp theo, dự kiến còn tồi tệ hơn khi mà toàn ngành du lịch gần như tê liệt do tình trạng cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh. Ngành du lịch vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào mới có thể phục hồi bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Hiện các thành phố lớn đều lần lượt mở cửa các điểm du lịch. Các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn đều đã sẵn sàng đón du khách. Tuy nhiên, bài toán làm sao vừa hoạt động đón khách vừa đảm bảo an toàn khiến các công ty du lịch thay đổi cách làm. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nghiệp vụ Chất lượng quốc tế (Golden Tour), cho biết thị trường trọng tâm của công ty không mở rộng như trước đây, thời điểm này công ty chỉ tập trung vào khách nội địa. "Hiện GoldenTour đã và đang làm việc với các đối tác khách sạn, vận chuyển các tỉnh thành để chuẩn bị các tour nội địa và dịch vụ ngắn ngày cho khách nội địa. Hiện sản phẩm tập trung vào các nhóm khách gia đình và nhóm nhỏ. Các tour tháng 5 - 6 sẽ tập trung các tour ngắn ngày và đường bộ. Đến tháng 6 - 7 khi tần suất hàng không hồi phục sẽ tiếp tục các tour nội địa miền Trung và miền Nam", ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Khách du lịch bắt đầu quay trở lại với điểm đến Tràng An-Ninh Bình.
Tính từ 16-2/5 (16 ngày), Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Các điểm du lịch của các tình thành đã mở cửa trở lại, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của khách hàng hậu đại dịch đã thay đổi. Tâm lý sợ nhiễm bệnh vẫn sẽ đeo bám, do đó yếu tố an toàn được khách hàng đặt lên hàng đầu. Những điểm đến gần, hạn chế di chuyển xa cũng là sự lựa chọn của du khách.
Chị Lan Hương, du khách ở Hà Nội cho hay: "Mấy tháng trời chỉ quanh quẩn trong nhà để tránh dịch, giờ mọi thứ trở lại bình thường nhưng không có nghĩa là chúng ta chủ quan. Gia đình tôi cũng luôn ý thức được điều đó tuy nhiên cũng không cực đoan chọn cách ở trong nhà mãi được. Vì vậy chúng tôi vẫn lên kế hoạch và chọn những điểm đến an toàn cho gia đình nghỉ ngơi trong dịp lễ này. Hạ Long là điểm đến mà chúng tôi chọn lựa vì khoảng cách gần với Hà Nội nên di chuyển bằng xe cá nhân an toàn hơn. Với lại chính quyền Quảng Ninh đã làm rất tốt trong công cuộc chống dịch Covid-19 vừa qua nên gia đình chúng tôi rất tin tưởng".
Đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa cũng là hướng phát triển của Công ty cổ phần du lịch SBTOUR. Ông Nguyễn Ngọc Bách, giám đốc công ty SBTOUR cho hay: "Sau dịch SBTOUR cũng như nhiều công ty du lịch khác cũng nhanh chóng đẩy mạnh thị trường nội địa. SBTOUR tập trung vào đối tượng là nhóm nhỏ các gia đình.
Điểm đến trọng điểm vẫn là: Sapa, Halong ngủ tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc...Còn khách đoàn thì công ty tập trung vào thế mạnh từ trước dến nay là mảng Event và Teambuilding, tổ chức các tour cho các cơ quan đoàn thể, các KCN cho CBNV đi tập huấn kết hợp nghỉ dưỡng với các tour có thời lượng 1 đến 4 ngày. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giai đoạn đầu sau dịch, công ty khởi động để duy trì lượng khách. Hy vọng cuối năm, ngành du lịch sẽ phục hòi nhanh chóng, đi vào ổn định".
Quảng Ninh là luôn là điểm đến được du khách lựa chọn.
Xu hướng du lịch trong thời điểm hiện nay được du khách lựa chọn và đưa lên ưu tiên hàng đầu đó là những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà. Lựa chọn đó giúp du khách giải tỏa cảm giác được "giải phóng" trong thời gian hậu giãn cách xã hội. Lựa chọn đó còn đảm bảo về an toàn sức khỏe, tiết kiệm ngân sách, giảm rủi ro và đem lại tâm lý yên tâm trong mỗi du khách.
Bà Nguyễn Thị Yến, giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Hanoi Trip cũng chọn cách đẩy mạnh du lịch nội địa. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Yến lý giải: "Đẩy mạnh du lịch nội địa chờ thế giới bình ổn về dịch. Tuy nhiên sẽ xảy ra tình trạng dịch vụ nội địa tăng đột biến do cầu nhiều hơn cung. Vì vậy Hanoi Trip hướng theo dòng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, detox, chữa lành. Sau dịch bệnh, người dân ý thức hơn về sức khoẻ và cuộc sống bình dị. Các sản phẩm của công ty hướng đến hướng đến đông đảo người dân. Đồng thời công ty tập trung khai thác du lịch tại các địa phương, phục vụ chính người dân địa phương. Bên cạnh đó xây dựng các Tour du lịch dành cho gia đình, nhóm bạn. Tập trung vào các điểm gần Hà Nội như Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang...".
Nắm bắt được xu hướng đó, các công ty lữ hành trong nước hướng tới đẩy mạnh kích cầu nội địa, tập trung vào các nhóm khách nhỏ, khách gia đình, điểm đến gần. Đây cũng là yếu tố có lợi cho quá trình phục hồi của ngành du lịch Việt Nam./.
Phải đến năm 2021 ngành du lịch, nghỉ dưỡng mới có thể phục hồi hoàn toàn Do ảnh hưởng của tác động kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường trước của dịch COVID-19, dự đoán việc khôi phục hoàn toàn có thể sẽ diễn ra vào năm 2021. Thực trạng ngành du lịch, khách sạn tại Việt Nam hậu Covid-19 Báo cáo mới đây của Savills cho thấy Du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong...