Dự báo về dịch COVID-19 trên thế giới sẽ khó khăn hơn từ năm 2023
Tác động phức tạp giữa các biến thể, vaccine và khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như việc giảm truy vết khiến quá trình lập mô hình dự báo dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Giai đoạn đầu năm 2020, chúng ta biết rất ít về virus SARS-CoV-2. Giờ đây, khi bước sang năm 2023, chỉ cần tìm kiếm trên Google Scholar sẽ thu được khoảng 5 triệu kết quả có chứa tên virus này.
Tỷ lệ người mắc COVID-19 thay đổi theo thời gian, nhưng con số này sẽ được duy trì ở một tỷ lệ nhất định. Virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và mọi người đang mắc COVID-19 và thậm chí là tái nhiễm.
Dự báo COVID-19 trở nên khó hơn
Trong những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, các mô hình đơn giản được sử dụng để dự đoán số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tác động có thể xảy ra đối với dân số, bao gồm cả nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Ở giai đoạn này, chỉ có một biến thể chính của virus SARS-CoV-2 là chủng ban đầu. Nhưng bây giờ, những giả định đơn giản đó không còn đúng nữa.
Video đang HOT
Phần lớn dân số thế giới được cho là đã mắc COVID-19 và có sự khác biệt đáng kể giữa các mức độ miễn dịch của từng cá nhân dựa trên loại vaccine và số lượng liều mà mọi người đã tiêm. Tổng cộng, 13 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng.
Mô hình dự đoán cũng hoạt động tốt khi mọi người hành động theo những cách có thể dự đoán được, cho dù đây là hành vi bình thường, trước đại dịch hoặc thời điểm áp đặt những hạn chế xã hội nghiêm ngặt. Khi mọi người thích nghi với cuộc sống có COVID-19 và tự đánh giá rủi ro cũng như lợi ích của hành vi bản thân, việc lập mô hình dự đoán trở nên phức tạp hơn.
Du khách Trung Quốc đeo khẩu trang phòng COVID-19 rời khỏi sân bay quốc tế Rome-Fiumicino, gần Rome, ngày 29/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc giảm giám sát cũng gây khó khăn hơn cho lập mô hình dự đoán. Trong thời kỳ cao điểm đối phó khẩn cấp với COVID-19, ưu tiên hàng đầu bao gồm giám sát những người nhiễm virus SARS-CoV-2 và giám sát các biến thể. Điều này tạo điều kiện xác định sớm và sẵn sàng ứng phó với các biến thể mới như Omicron. Nhưng hoạt động giải trình tự gien mẫu bệnh phẩm sau đó đã giảm đi, điều này có thể làm tăng thời gian cần thiết để xác định các biến thể mới cần quan tâm.
Dịch bệnh chưa kết thúc
Trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở sân bay Orly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Vẫn còn khác biệt lớn trong các biện pháp can thiệp dùng thuốc và không dùng thuốc trên khắp thế giới, ví dụ như việc sử dụng khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 và thông gió trong các tòa nhà. Khi các chính phủ nới lỏng và đôi khi thắt chặt lại biện pháp phòng dịch để đối phó với các áp lực xã hội và tình hình y tế, có nguy cơ các biến thể có thể xuất hiện và chọc thủng “lớp phòng thủ” mà người dân đã xây dựng.
Các giai đoạn tiếp theo của đại dịch cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi hành vi của con người. Chẳng hạn, khoảng thời gian chúng ta làm việc ở nhà và liệu chúng ta có giảm tiếp xúc xã hội khi mắc COVID-19 hay không. Không có gì chắc chắn rằng các biến thể mới trong tương lai có ảnh hưởng tương tự Delta hoặc Omicron, nhưng điều đó là có thể. Nếu điều này xảy ra, điều quan trọng là phải có sẵn kế hoạch để ứng phó trong bối cảnh mối quan tâm đến COVID-19 đang giảm dần và thông tin sai lệch gia tăng.
Chile bắt đầu xét nghiệm COVID-19 với người đến từ Trung Quốc
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 2/1, Bộ Y tế Chile đã chính thức yêu cầu mọi khách du lịch từ Trung Quốc tới nước này phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Santiago, Chile. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đây được xem là một biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron BF.7 của virus SARS-CoV-2, vốn được cho là nguyên nhân khiến hàng triệu người trên khắp thế giới mắc COVID-19 trong tuần qua.
Thông báo của Bộ Y tế Chile nêu rõ yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính đối với du khách Trung Quốc là quy định bổ sung cho tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế do đại dịch COVID-19 vừa được chính phủ nước này gia hạn đến hết tháng 3/2023.
Chính phủ Chile cũng nhấn mạnh việc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế được đưa ra trong bối cảnh số trường hợp lây nhiễm mới tăng vọt trong những ngày gần đây và là một biện pháp mang tính phòng ngừa trước tình trạng dịch tễ học "không chắc chắn" tại Trung Quốc.
Với việc chính phủ kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế, các cơ quan hữu quan tại Chile sẽ có thể duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như huy động nguồn lực để thuê thêm nhân viên y tế hoặc thiết lập các quy định về sức khỏe tại nơi công cộng.
Theo Bộ Y tế Chile, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 2.309 trường hợp mắc mới COVID-19. Với hơn 5 triệu ca nhiễm và 63.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chile là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh tại khu vực Mỹ Latinh.
Cũng trong ngày 2/1, Chính phủ Bỉ thông báo nước này sẽ xét nghiệm nước thải trên các máy bay từ Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Y tế Bỉ Frank Vandenbroucke cho biết nước này không bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với du khách từ Trung Quốc nhưng sẽ thực hiện hai biện pháp, gồm xét nghiệm mẫu nước thải trên các máy bay khởi hành từ Trung Quốc và những du khách từ Trung Quốc, có triệu chứng liên quan đến COVID-19 sẽ phải trải qua xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên.
Bộ trưởng Vandenbroucke đề nghị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng một chính sách chung của châu Âu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với du khách khởi hành từ Trung Quốc và đặt chân lên đất EU.
Hàng không châu Âu gián đoạn vì đình công tại Pháp Khoảng 1.000 chuyến bay đi và đến Pháp đã bị hủy bỏ trong ngày 16/9 trong bối cảnh các nhân viên kiểm soát không lưu của nước này đình công, gây gián đoạn hoạt động giao thông hàng không của châu Âu. Máy bay của hãng hàng không Air France tại sân bay Orly, phía nam thủ đô Paris, Pháp. Ảnh tư liệu:...