Dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C trong năm 2024
Cơ quan Khí tượng Anh (Met) ngày 8/12 nhận định nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể ghi nhận mức tăng tạm thời vượt ngưỡng 1,5 độ C trong năm tới, một mốc trong lịch sử khí hậu mà thế giới có thể gia tăng cảnh báo tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), vừa diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 9/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Met, năm 2023 hầu như chắc chắn sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay và năm 2024 có thể còn nóng hơn. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2024 được dự báo tăng trong khoảng từ 1,34 độ C đến 1,58 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo của Met lưu ý rằng việc nhiệt độ Trái đất tạm thời tăng ở ngưỡng 1,5 độ C trong 1 năm không có nghĩa là nhiệt độ thế giới sẽ vượt ngưỡng tăng này trong dài hạn, song đây sẽ là lời cảnh tỉnh, kêu gọi hành động khẩn cấp tại Hội nghị COP28 nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân dẫn tới biến đổi khí hậu.
Ông Nick Dunstone, người đứng đầu dự báo trên của Met, cho rằng dự báo này phù hợp với xu hướng nhiệt độ Trái đất tăng dần 0,2 độ C trong thập kỷ và do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Tổ chức Khí tượng thế giới tháng trước cũng đã đưa ra dự báo nhiệt độ Trái đất năm 2023 có thể tăng khoảng 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tháng 11 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học, bao gồm cả Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Đại học Columbia, dự báo mức tăng nhiệt độ Trái đất có thể vượt ngưỡng 1,5 độ C trong thập kỷ này.
Hầu hết các mô hình phát thải theo Hội đồng liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy nhiệt độ thế giới trong những năm 2030 có thể vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nước Đông Âu chưa chọn được ứng viên đăng cai COP29
Các nước Đông Âu đang chạy đua với thời gian để đạt được nhất trí về quốc gia sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào năm tới.
Theo các nguồn thạo tin, Moldova đang ứng cử chủ trì các cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP29 nhưng không muốn đăng cai sự kiện này. Serbia đang cân nhắc việc chủ trì và đăng cai COP29 nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định.
Trong khi đó, Azerbaijan ngày 7/12 xác nhận sẽ tham gia chạy đua đăng cai COP29 và đã nhận được sự ủng hộ của Armenia. Tuyên bố chung của hai nước nêu rõ động thái này là cử chỉ thiện chí nhằm thúc đẩy hòa giải giữa hai nước láng giềng.
Theo quy định, vị trí chủ tịch COP luân phiên giữa các khu vực trên thế giới và các quốc gia trong khu vực liên quan sẽ thống nhất nước đại diện đăng cai hội nghị.
Chủ tịch COP đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa gần 200 quốc gia tham gia hội nghị thường niên về khí hậu này. Nước Chủ tịch COP thường đảm nhiệm cả chủ trì đàm phán và đăng cai tổ chức sự kiện.
COP29 dự kiến diễn ra ở khu vực Đông Âu. Tuy nhiên căng thẳng địa chính trị khiến khu vực này chưa nhất trí được địa điểm tổ chức hội nghị. Hiện các nước đang gấp rút thảo luận để thống nhất ứng cử viên đăng cai COP29, trước khi COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kết thúc vào ngày 12/12. Nếu các nước không thể chọn ra chủ tịch COP29, UAE có thể phải giữ vai trò này năm thứ hai liên tiếp. Trường hợp các quốc gia không chọn được nước chủ nhà, địa điểm tổ chức COP29 có thể quay trở lại Đức, nơi đặt trụ sở chính của Ban Thư ký khí hậu của Liên hợp quốc.
COP28: LHQ kêu gọi hành động tham vọng hơn để chấm dứt khủng hoảng khí hậu Ngày 6/12, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell kêu gọi các quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia UNFCCC (COP28), đang diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thực hiện các hành động tham vọng và quyết liệt...