Dự án mua 100 tàu cá của Công ty Đức Khải: Liệu có khả thi?
Theo Phó Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam Võ Văn Trác, dự án đầu tư 100 chiếc tàu để chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực thủy hải sản của Công ty CP Đức Khải là một dự án táo bạo, ít có tính khả thi. Đối với những người dày dặn kinh nghiệm còn rất khó khăn nên không phải cứ có tiền là có thể làm được.
Đội tàu cá mà ông Phạm Ngọc Lâm tuyên bố sẽ mua
Xoay quanh câu chuyện Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đức Khải – Phạm Ngọc Lâm, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vừa trình Chính phủ đề xuất táo bạo xin hỗ trợ đầu tư 100 tàu cá loại lớn để kết hợp đánh bắt xa bờ, bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đã gây ra sự chú ý trong dư luận.
Một số ý kiến cho rằng đây là một dự án thiết thực, thể hiện lòng yêu nước của một doanh nhân, doanh nghiệp là điều rất đáng quý. Song, một số khác lại cho rằng đây thực chất chỉ là một chiêu PR của doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh bất động sản khó khăn hiện nay. Vậy, đứng dưới góc độ của những người hoạt động trong nghề sẽ nhìn nhận dự án này ra sao?
Trao đổi về dự án đầu tư 100 chiếc tàu để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản của Công ty Đức Khải, ông Võ Văn Trác – Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề Cá Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Thuỷ sản cho rằng, đây là một dự án táo bạo và rất khó thực hiện, ngay cả với những người đã dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
“Cần phải có một phương án đầu tư thật chi tiết và cụ thể. Phương án đầu tư về kinh tế, kỹ thuật là rất quan trọng và cực kỳ khó, bởi vì khi mua 100 tàu bao gồm cả tàu đánh bắt xa bờ sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của. Đó không phải là chuyện chỉ mua một chiếc tàu để đi đánh bắt thủy sản mà còn phải có các thiết bị kiểm tra hậu cần, phục vụ trên bờ, rồi đào tạo con người cho đồng bộ. Muốn làm được điều này thì phải thực sự có kinh nghiệm, phải tính toán được hiệu quả kinh tế chứ không phải chuyện đơn giản” – ông Trác cho biết.
Cũng theo ông Trác, đầu tư dưới nước là một trong những lĩnh vực đầu tư rất khó và bao giờ cũng phải đầu tư từng bước một, từ nhỏ cho đến lớn chứ không phải là đầu tư ngay một loạt. Thông thường những doanh nghiệp đầu tư lớn như vậy ở Việt Nam là rất ít.
“Một lúc đầu tư những 100 chiếc tàu mà toàn tàu lớn thì không phải là dễ. Theo tôi, nên đầu tư từng bước và phải thực tế, chứ không phải là cứ có tiền là làm được” – ông Trác nói.
Phó Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam cũng cho rằng, chưa nói đến việc mua tàu mới, riêng việc Công ty Đức Khải đầu tư 100 chiếc tàu cũ mua từ nước ngoài về, với tuổi thọ khoảng 10 năm thì cũng hoàn toàn không khả thi.
“Các tàu hiện nay Việt Nam đang sử dụng chủ yếu là tàu sản xuất trong nước, cũng có tàu nhập từ nước ngoài nhưng không nhiều. Tuy nhiên, một số trang thiết bị chúng ta nhập từ bên nước ngoài, còn đóng tàu thì do trong nước đảm nhận. Bây giờ doanh nghiệp mua tàu cũ thì càng có nhiều vấn đề hơn nữa. Nói tóm lại là kinh nghiệm thì không có, tàu thì tàu cũ lại mua từ nước ngoài về nên tôi cho rằng tính khả thi của dự án này là vô cùng thấp” – ông Trác cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với Một Thế Giới, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hiệp hội nghề cá Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An bày tỏ quan điểm không muốn bình luận nhiều về dự án của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Mưu cũng khuyến cáo việc đầu tư 100 chiếc tàu của Công ty Đức Khải sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ càng một số yếu tố, chẳng hạn như nếu sử dụng tàu cũ thì điều trước tiên là sẽ tốn nhiều nhiên liệu, chưa kể đến là tiền sữa chữa, bảo dưỡng định kỳ. Một khi xảy ra hỏng hóc thì việc tìm phụ kiện thay thế cũng hết sức khó khăn, nếu may mắn tìm được thì cũng phải mua với giá rất đắt, chính vì thế tưởng là rẻ nhưng chưa chắc đã rẻ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, những loại tàu cũ sẽ thường có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Với loại tàu mà nước ngoài bán lại, đã qua một thời gian sử dụng cả chục năm trời thì chắc chắn không lành lặn, và nguy cơ tiềm ẩn cũng cao. Cần phải tính toán đến tính an toàn và hiệu quả kinh tế. Một chiếc tàu cũ mà sử dụng vẫn tốt thì cũng không phải là rẻ” – ông Mưu cho biết.
Theo Duyên Duyên
Một Thế Giới
Đại gia mua tàu, máy bay ra Hoàng Sa: 'Không phải nói cho vui'
Đại gia Sài Gòn khẳng định, đề án mua máy bay trực thăng, tàu triệu đô nằm trong chiến lược phát triển của công ty chứ "không phải nói cho vui".
Chiều 7/7, Ông Phạm Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải (trụ sở tại quận 5, TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với báo chí để thông tin chi tiết về đề án mua trực thăng, 100 con tàu có công suất 500 - 1.500 mã lực trị giá 1.500 tỷ đồng để cùng ngư dân bám biển, đánh bắt thủy - hải sản bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải đang chia sẻ về đề án mua máy bay, tàu đánh cá giá triệu đô vào chiều 7/7
Đề án của ông Lâm sớm nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp Đảng và Nhà nước cũng như đông đảo người dân Việt Nam. Đến thời điểm này mọi thủ tục về đề án đã hoàn tất và phía công ty Đức Khải đang chờ Chính phủ phê duyệt đồng thời từng bước xúc tiến mua tàu.
"Tôi rất xúc động khi nhận được sự ưu đãi, ủng hộ của Chính phủ và nhân dân trong việc mua tàu "tấn công" vùng biển Hoàng Sa. Nhưng tôi hơi buồn vì một số người vẫn hoài nghi, bảo tôi khoe khoang để đánh bóng tên tuổi. Tôi xin nói rằng, không cần dự án này tôi cũng đã nổi tiếng với những gì tôi đã làm ở tập đoàn Đức Khải", ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng chia sẻ, ý tưởng táo bạo này là mơ ước của ông từ lâu nhưng chỉ đến khi Công ty CP Đức Khải hoàn thành 3 dự án bất động sản lớn ông mới thực hiện được.
Theo dự định, cuối năm 2014, ông Lâm mới tìm đối tác để mua máy bay và tàu đánh cá, nhưng sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã thôi thúc ông thực hiện sớm hơn.
Điều làm vị đại gia Sài Gòn áy náy là hầu hết ngư dân ta đều dựa vào kinh nghiệm truyền thống nên việc tổ chức đánh bắt, khai thác thủy hải sản còn nhỏ lẻ.
Đặc biệt, nguồn lực tài chính chưa đủ mạnh nên việc đánh bắt còn phải sử dụng các tàu có công suất nhỏ, vỏ gỗ, máy móc cũ, lạc hậu; thậm chí còn có rủi ro, tổn thất về kinh tế và con người khi gặp thiên tai...
Hình ảnh phối cảnh tàu đánh bắt, khai thác thủy - hải sản xa bờ
Trước tình hình đó, ông Lâm tự đặt câu hỏi: Yêu nước thì phải làm gì để đóng góp cho đất nước? Yêu nước là phải hành động một cách thiết thực để tạo ra sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân chứ không phải đứng đó mà hô hào.
Đáng mừng là đến thời điểm này, dù đoàn tàu chưa đi vào hoạt động nhưng một số đối tác, đặc biệt là Nhật Bản đã cam kết tiêu thụ sản phẩm thủy-hải sản từ công ty Đức Khải(trong đó cá ngừ chiếm đến 70%).
Theo ông Lâm, trước mắt công ty Đức Khải đã có kế hoạch tổ chức thực hiện hoàn tất khâu tuyển dụng, đào tạo nhân sự đến việc mua sắm phương tiện, tàu trong năm 2014 và đưa vào khai thác, sử dụng từ đầu năm 2015. Dự kiến 45 chiếc tàu đánh cá của Hàn Quốc sẽ cập bến Việt Nam vào cuối tháng 8/2014; 55 chiếc còn lại mua từ Nhật Bản và Úc cũng được nhập về trong thời gian sắp tới.
Sau khi nhận tàu, phía công ty Đức Khải sẽ triển khai cho 12 chiếc chạy thử ra vùng biển. Riêng hai chiếc trực thăng sẽ được Nhà nước quản lý và đặt trên các đảo để cứu nạn, cứu hộ trên toàn quốc.
Về nguồn vốn, ông Lâm cho biết, công ty đang dự tính vay với cơ cấu 30% vốn tự có, 70% vay. Ông Lâm cũng đang kiến nghị được vay vốn theo lãi suất ưu đãi ngư dân phát triển kinh tế biển là 3% một năm.
Tuy nhiên, do vẫn còn những rủi ro và khó khăn nhất định, công ty Đức Khải trình lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ mức lãi suất cho vay theo lãi suất 1%/năm kể từ năm thứ 2 đến năm thứ 11 (ân hạn 1 năm không tính lãi suất).
Rủi ro mà ông Lâm lo ngại nhất là vấn đề chính trị liên quan đến tình hình biển Đông, nguồn nhân lực lao động và một số cơ chế chính sách còn vướng mắc.
"Chúng tôi khẳng định chỉ là doanh nghiệp tư nhân đánh bắt thủy - hải sản theo đúng pháp luật Việt Nam và tuân thủ quy ước quốc tế. Nếu tàu bị tấn công trên biển, chúng tôi sẽ chọn phương án cho thuyền viên ghi lại hình ảnh và tạm thời bơi bằng áo phao chờ trực thăng đến giải cứu. Tôi không lo tàu bị tấn công, vì tàu của tôi có vận tốc lớn gấp 3 lần tàu thông thường", vị Chủ tịch HĐQT nói.
Được biết, chiều qua, 7/7 ông Phạm Ngọc Lâm đã trực tiếp sang Hàn Quốc để kiểm tra lần cuối chất lượng 45 con tàu có công suất lớn đã đặt mua. Sau khi hoàn tất công đoạn kiểm tra, công ty Đức Khải sẽ ký hợp đồng và vận chuyển những con tàu này về Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Hình ảnh mới nhất về đoàn tàu triệu đô của đại gia Sài Gòn sắp cập bến Việt Nam:
Những con tàu triệu đô của đại gia Sài Gòn đã được tân trang chờ ngày cập bến vùng biển Việt Nam
95 chiếc tàu có công suất từ 500 - 1.500 mã lực được trang bị hiện đại sẽ ra khơi đánh bắt thủy - hải sản, 5 chiếc còn lại dùng trong việc cứu hộ cứu nạn, hậu cần
Trong thời gian tới 12 chiếc tàu có công suất lớn sẽ được triển khai chạy thử ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt cá
Sỹ Hưng
Theo_VTC
Cận cảnh đội tàu sắp mua của đại gia Sài Gòn Trong tuần này, Công ty Đức Khải sẽ sang Hàn Quốc để đàm phán, quyết định 12 chiếc tàu đầu tiên trong đội tàu sẽ sơn ở đâu và đưa tàu về như thế nào. Kế hoạch dành hơn 1.500 tỉ đồng sắm đội tàu sắt gồm 95 chiếc để đánh bắt thủy, hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa,...