Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Rào cản năng lực và tín dụng
Thời gian vừa qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng đang ở mức cao.
Sau 1 năm được quyết định chủ trương đầu tư, đến nay các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông chủ yếu vẫn trên giấy. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký, gửi tới Quốc hội (để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu) báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam với nhiều thông tin cập nhật, trong đó nêu lên vấn đề khó khăn về vốn tín dụng.
Lo chậm tiến độ
Ngoài việc cập nhật tiến độ của 3 dự án dùng vốn ngân sách, Chính phủ báo cáo thêm về tình hình lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Chính phủ cũng đề cập đến nguy cơ các dự án chậm tiến độ so với kế hoạch do thiếu vốn và các quy định liên quan.
Thực tế đã cho thấy điều này. Từng có nhiều kinh nghiệm triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP như: Hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Trần Văn Thế – Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả từng chia sẻ rằng, thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia vào dự án cao tốc Bắc – Nam là việc vay vốn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng.
“Thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng phải hỗ trợ cho vay đối với các dự án hạ tầng, nhất là những dự án giao thông. Tuy nhiên, phía các ngân hàng lại liên tục phớt lờ”, ông Thế nói và nêu ví dụ, ngay cả những dự án khả thi về tài chính, hiệu quả cao và nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương như: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Hữu Nghị – Chi Lăng.
“Để triển khai thành công cao tốc Bắc – Nam, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt yêu cầu các ngân hàng vào cuộc, cần thiết có thể tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn cho vay dài hạn”, ông Thế đề xuất.
Hay cho đến thời điểm này, việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhà đầu tư – Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang trong vai trò Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Video đang HOT
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào giữa tuần trước, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, nhóm 3 ngân hàng tài trợ vốn cho công trình cao tốc huyết mạch về miền Tây này mới thống nhất cho vay tối đa 5.800 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam ( VietinBank) cam kết cung cấp 3.300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cung cấp 1.500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cung cấp khoảng 1.000 tỷ đồng.
Nếu cộng với phần vốn hỗ trợ của Nhà nước (2.186 tỷ đồng), số vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư có thể huy động tối đa là 3.400 tỷ đồng, Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn thiếu khoảng 1.282 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư vừa được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng).
Ngoài việc không thể cung cấp toàn bộ nguồn vốn tín dụng cần thiết, rất nhiều điều kiện ngặt nghèo đã được 3 ngân hàng tài trợ vốn đặt ra để giải ngân và việc đàm phán khơi thông nguồn vốn tín dụng vẫn chưa đem lại kết quả.
Không chỉ Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, một loạt dự án BOT cao tốc khác cũng đang không thể thu xếp nổi vốn tín dụng như Hữu Nghị – Chi Lăng; Vân Đồn – Móng Cái…
Đây là lý do khiến nhiều nhà đầu tư trong nước không vội mừng, ngay cả khi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Gỡ khó vốn tín dụng
Theo báo cáo, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Về kế hoạch giải ngân vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng nguồn vốn đã bố trí theo nghị quyết của Quốc hội là 55.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 27.306 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án và xây dựng 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. 27.694 tỷ đồng hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cho 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP để đảm bảo tính khả thi.
Năm 2018, nhà nước đã giải ngân 142,141 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2019 tính đến tháng 9, toàn bộ các dự án thành phần đã giải ngân được 988,015 tỷ đồng. Năm 2020 dự kiến giải ngân khoảng 11.037 tỷ đồng.
Đối với số vốn còn lại khoảng 36.759 tỷ đồng, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phương án xử lý, hiện nay Thủ tướng đang giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền phù hợp với quy định pháp luật và nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn; trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1/1/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.
Huỷ thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam, một nửa hồ sơ có yếu tố Trung Quốc
Theo báo cáo, đến ngày 15/5/2019 đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Trong đó, số lượng nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc chiếm một nửa.
Đến ngày 26/8/2019, các Ban quản lý dự án đã trình kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển. Cụ thể, trong số 60 hồ sơ có 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc – Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam – Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc – Việt Nam; 1 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines – Việt Nam.
Chính phủ cho rằng hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiếu, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng,…
Cho nên, dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế; nội dung này đã được phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của Bên mời thầu như trên. Nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Bởi vậy, ngày 14/9/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10/10/2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong khoảng tháng 2/2020.
Linh Nga
Theo Enternews.vn
Cho vay BOT, BT đã chạm giới hạn, rất khó khơi thông vốn vào dự án cao tốc Bắc - Nam
Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.
Ngày 1/10/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 3/2019.
Liên quan đến tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các dự án BOT. Tuy nhiên phải tính toán làm sao để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng như các chỉ số an toàn của ngân hàng thương mại, hệ số an toàn vốn (CAR)...
Thời gian vừa qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng đang ở mức cao.
Theo đánh giá của NHNN, các dự án BOT, BT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhu cầu vốn vay lớn. Việc cho vay các dự án BOT, BT giao thông gây áp lực lớn cho các ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn, do nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
"Hiện tổng dư nợ và cam kết tín dụng cho các dự án BOT, BT đã chạm giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Nếu các ngân hàng không tăng được vốn điều lệ, thì rất khó khơi thông nguồn vốn vào các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc làm rõ các chính sách liên quan đến các dự án BOT, BT để hạn chế rủi ro.
Minh An
Theo Vietnamdaily.net.vn
Soi bức tranh kinh tế vĩ mô quý III Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2019 của Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,98%, được xem là mức cao kỷ lục trong vòng một thập niên gần đây, và điều này thậm chí được xem là "kỳ tích" trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng u ám và kinh tế các...