Dự án ‘đổ bộ’ ngoại tỉnh, vùng ven trung tâm
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (BĐS) cho hay, đang có làn sóng đầu tư dự án tại các tỉnh ven Hà Nội và cho rằng, nhà đầu tư và người dân cần cảnh giác với các cơn sốt đất ảo, ăn theo thương hiệu của nhiều tập đoàn lớn…
Dự án “đổ bộ” về các địa phương
Từ năm 2017 trở lại đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp BĐS lớn đã triển khai đầu tư về các địa phương giáp ranh Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lào Cai…Số lượng các dự án ngày càng tăng cả về quy mô chiếm đất và giá trị đầu tư.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết: Ngoài Ecopark (499 ha) doanh nghiệp đang triển khai, có khá nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, lập dự án mới với tổng diện tích đất dự kiến lên tới hơn 2000 ha trong vài năm tới. Dự án tập trung vào khu vực huyện Văn Giang, Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, T&T, Mik, Hòa Phát…cũng đang nghiên cứu, đầu tư vào các dự án đô thị tại Hưng Yên.
Điển hình như Tập đoàn Mik đang đề xuất nghiên cứu quy hoạch phát triển tại đô thị Văn Giang khoảng hơn 400 ha. Dự án của Tập đoàn Hòa Phát diện tích 260 ha tại huyện Mỹ Hào. Tập đoàn T&T triển khai dự án khoảng 100 ha. “Quỹ đất phát triển các dự án đô thị đang bị thu hẹp rất nhanh. Riêng huyện Văn Giang gần như không còn quỹ đất làm dự án đô thị”, ông Lương Anh Tuấn nói. Ông Lương Anh Tuấn cho rằng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Hưng Yên còn vì tại đây đẩy nhanh cải cách hành chính, tháo gỡ các thủ tục cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Tiến Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, do quy hoạch và chương trình phát triển đô thị của tỉnh đã hoàn tất nên đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu lập dự án. Ông Tài kỳ vọng trong thời gian không xa, Bắc Ninh sẽ có những dự án đô thị quy mô lớn. Tuy nhiên, ông Tài cũng cho rằng, do giá đất giải phóng mặt bằng tại Bắc Ninh cao hơn nhiều so với một số địa phương nên nhiều nhà đầu tư thường chọn Hưng Yên và một số tỉnh khác.
Ngay tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư khởi động “cuộc chơi” mới tại các huyện trước đây được xem là xa trung tâm như Thạch Thất, Đan Phượng, Mê Linh, Hoài Đức… Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay: Hà Nội đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cụ thể là thúc đẩy phát triển sang khu vực phía Bắc sông Hồng như Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
Cẩn trọng sốt ảo
Mặc dù ngay trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều người đã chứng kiến cơn sốt đất ảo xảy ra tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) ăn theo thông tin về 2 dự án của Vingroup đề xuất nghiên cứu, triển khai. Giá đất ven khu vực dự án tăng chóng mặt, cò tạo sóng đẩy giá khiến không ít người bị thua lỗ vì chỉ sau vài tuần giá đất đã trở về với điểm xuất phát ban đầu.
Tại nhiều khu vực giáp ranh các dự án đang triển khai tại Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, giá đất cũng nhảy múa theo các đợt thổi giá của cò. Ông Nguyễn Đỗ Việt, chuyên gia về BĐS cho hay: Có tình trạng thổi giá đất ăn theo các thương hiệu lớn. Nhiều nhà đầu tư cấp 1 lập dự án để kỳ vọng bán cho nhà đầu tư cấp 2-3. “Với nhà đầu tư nhỏ lẻ thì cần cân nhắc. Sau dịch COVID-19 là khủng hoảng kinh tế sẽ kéo dài ít nhất vài năm. Biến động thị trường sau này khiến khó khăn sẽ rơi vào nhà đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân”, ông Nguyễn Đỗ Việt nói.
Phân tích về diễn biến mới của thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hà, cho biết: Nhu cầu thực chiếm rất ít trong các giao dịch với các dự án BĐS xa Hà Nội, xa trung tâm. Trừ một số dự án của nhà đầu tư uy tín có khả năng sinh lời, nhiều dự án này chủ yếu thể hiện “cuộc chơi” của các nhà đầu tư với nhau. Một số điểm tại Hòa Lạc, Gia Lâm sốt đất vừa qua bộc lộ rất rõ dấu hiệu này.
Dự án đầu tư vào Hưng Yên cũng cần chia làm hai nhóm. Với các dự án ven Ecopark thì phản ánh nhu cầu thực còn các dự án ở xa như thành phố Hưng Yên, hoặc quá xa Hà Nội thì rõ ràng là nhu cầu thực không nhiều. Tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa cũng vậy. Một số “đợt sóng” nhỏ xuất hiện từ việc ăn theo các “ông lớn” còn nhu cầu ở thực về nhà ở vẫn chỉ rơi vào các quận nội thành Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…
Video đang HOT
Các dự án mà doanh nghiệp triển khai tại một số địa phương ngoài Hà Nội chủ yếu đáp ứng nhu cầu đầu tư. Phải là người có tiềm lực tài chính tốt mới có thể mua sản phẩm này. Đây là dấu hiệu cần cảnh báo cho nhà đầu tư và cả chính quyền địa phương khi cấp phép dự án. Hiệp hội cũng đã đưa cảnh báo, làm sao không để lãng phí nguồn lực xã hội.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên nhân tạo những đợt sóng nhỏ từ các dự án xa trung tâm Hà Nội là: Trên thị trường thứ cấp, việc đầu tư vào dự án trung tâm Hà Nội, TPHCM không dễ dàng vì suất đầu tư lớn.
Minh Tuấn
Xuống tay 700 tỷ, con trai chủ tịch mới 'chào sới' đã thu lãi đậm
Những thương vụ mua cổ phiếu của các quý tử nhà giàu đã thu về cho họ thêm một khoản tiền lớn sau khi chốt lời.
Con trai chủ tịch ra tay
Ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, vừa thông báo đã hoàn tất mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG. Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 27/3 đến 21/4/2020. Tạm tính, ông Trần Vũ Minh vừa chi khoảng 400 tỷ đồng mua số cổ phiếu này.
Như vậy trong chưa đầy 2 tháng, ông Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG với số tiền chi ra trên 700 tỷ đồng.
Lần trước đó ông Trần Vũ Minh xuống tiền mua cổ phiếu khi HPG đang giao dịch quanh mức giá từ 17.000 đến 19.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó HPG tăng mạnh, hiện giao dịch quanh mức giá 21.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ông Trần Vũ Minh đã lãi khoản tiền lớn sau hơn 1 tháng đầu tư.
Trong khoảng thời gian từ 15/1 đến 3/2, ông Đỗ Vinh Quang, con trai chủ tịch Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
9X tiền tỷ mua cổ phiếu, làm chủ tịch CLB bóng đá
Với thị giá cổ phiếu SHB trong khoảng thời gian đó dao động quanh mức 7.500 đồng/cp (trước điều chỉnh), số tiền mà ông Vinh chi ra khoảng 270 tỷ đồng. So với thời điểm ông Đỗ Vinh Quang hoàn tất mua vào, SHB đã tăng tăng 170% (tính giá giá điều chỉnh). So với đầu năm thì cổ phiếu này tăng tới 230%!
Với pha bắt đáy ngoạn mục trên, lượng cổ phiếu vị doanh nhân trẻ sinh năm 1995 đang nắm giữ - bao gồm cả số cổ trả cổ tức - có trị giá 770 tỷ đồng, tăng 500 tỷ so với thời điểm mua. Bên cạnh đó, ông Vinh còn có quyền mua 9 triệu cổ phiếu phát hành mới với giá 90 tỷ đồng và tạm lãi 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Giang, con trai ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) đã đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn và/hoặc thỏa thuận từ 15/4-14/5.
Trước giao dịch, ông Nguyễn Đức Giang không sở hữu bất kỳ cổ phiếu VPB nào trong khi ông Nguyễn Đức Vinh đang nắm giữ hơn 32,4 triệu cổ phiếu VPB.
Trên thị trường, cổ phiếu VPB đã có từng có giai đoạn là một trong những cái tên tăng mạnh nhất hồi đầu năm 2020. Từ vùng giá quanh mức 19.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2019, VPB liên tục leo dốc lên đạt đỉnh 28.350 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gần 50% sau 2 tháng.
Tuy nhiên sau đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cổ phiếu này quay đầu giảm sâu và có thời điểm chỉ còn 16.000 đồng trước khi hồi phục về mức 18.650 đồng/cổ phiếu, giảm 34%. Tạm tính theo thị giá hiện tại, số tiền ông Nguyễn Đức Giang phải chi ra cho thương vụ này vào khoảng 220 tỷ đồng.
Sếp lớn đua nhau mua
Không chỉ con các đại gia mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cũng đua nhau mua cổ phiếu. Bốn lãnh đạo thuộc Công ty Đầu tư Thế giới Di động vừa hoàn tất mua 115.000 cổ phiếu trong số 490.000 cổ phiếu đăng ký qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh, từ ngày 23/3 đến 21/4. Tỷ lệ giao dịch thành công là 23,5%.
Theo đó, người đăng ký mua cổ phiếu nhiều nhất là Thành viên HĐQT Đặng Minh Lượm với 290.000 đơn vị. Tuy nhiên, ông Lượm không mua cổ phiếu nào và giữ nguyên lượng nắm giữ là 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương 0,2% vốn. Nguyên nhân chưa hoàn thành giao dịch là thay đổi kế hoạch tài chính cá nhân.
Trong số 70.000 cổ phiếu đăng ký, Giám đốc Tài chính Vũ Đăng Linh mua thành công 10.000 đơn vị do không thu xếp kịp nguồn tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Linh nâng tỷ lệ nắm giữ lên gần 0,1%, tương ứng 386.144 cổ phiếu.
Kế toán trưởng Lý Trần Kim Ngân chỉ mua 50% trong khối lượng 50.000 cổ phiếu đăng ký do điều kiện thị trường không thuận lợi. Bà Ngân hiện sở hữu 261.176 cổ phiếu.
Người duy nhất mua đủ khối lượng đăng ký là ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT. Sau khi mua xong 80.000 cổ phiếu, ông Hiểu Em có 558.200 cổ phiếu, tương đương 0,1% vốn.
Tại Vinamilk, 6 lãnh đạo hoàn tất mua 472.690 cổ phiếu trong số 1,4 triệu đơn vị đăng ký, tương đương với tỷ lệ giao dịch thành công là 33,8%. Người đăng ký mua nhiều nhất là bà Mai Kiều Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, với số lượng 400.000 cổ phiếu. Bà Liên cũng là lãnh đạo duy nhất mua đủ khối lượng đăng ký. Sau giao dịch, CEO Vinamilk nâng lượng nắm giữ lên 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương 0,3% vốn.
Ông Lê Thành Liêm, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tài chính, Kế toán trưởng đã mua 52.690 cổ phiếu trong số 200.000 đơn vị đăng ký. Giao dịch thực hiện qua phương thức khớp lệnh. Ông Liêm hiện nắm giữ 411.151 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn.
Trong 200.000 cổ phiếu đăng ký, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Nhân sự - Hành chính - Đối ngoại chỉ mua 10% qua phương thức khớp lệnh. Bà Hương hiện sở hữu 91.814 cổ phiếu VNM.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Việt (mã chứng khoán ANV) vừa thông báo đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu ANV để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ 29/4 đến 25/5/2020.
Hiện ông Doãn Tới đang sở hữu hơn 67,3 triệu cổ phiếu ANV tương ứng 52,77% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Nam Việt.
Đại gia y tế ăn quả lớn nhất thập kỷ
Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco (DNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với lợi nhuận tăng vọt 7,5 lần so với cùng kỳ, lên 8,2 tỷ đồng. Đây là kết quả ấn tượng nhất của doanh nghiệp này trong 6 năm qua. Đó là nhờ doanh nghiệp đã xoay sở nhanh chóng khi tháng 2/2020 đầu tư thêm các dây chuyền và máy móc, đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, trang phục chống dịch.
Giá cổ phiếu DNM sáng 24/4 tiếp tục tăng mạnh sau 3 phiên tăng trần liên tiếp. Từ mức 24.600 đồng hôm 20/4, giá cổ phiếu DNM hiện lên tới 33.000 đồng/cp, và nếu so với hồi đầu năm thì đã tăng khoảng 4,5 lần.
Mới đây, doanh nghiệp này đã duyệt phương án sửa chữa cải thiện phân xưởng thuộc Nhà máy Sản xuất vật tư Y tế Quảng Nam với mức đầu tư 100 tỷ đồng để sản xuất khẩu trang tự động ngay trong quý 2/2020.
Cổ phiếu TNG của Công ty Đầu tư và Thương mại TNG gần đây hồi phục mạnh mẽ, từ mức dưới 8.000 đồng hồi cuối tháng 3 có lúc lên gần 14.000 đồng/cp. TNG có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang sản xuất những trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
CTCP Bột giặt Lix (LIX) gần đây cũng ghi nhận cổ phiếu tăng mạnh, từ mức khoảng 40.000 đồng hồi đầu tháng 4 lên khoảng 55.000 đồng/cp như hiện tại. Lợi nhuận DN tăng gấp đôi lên 32 tỷ đồng trong quý 1. Đây là mức cao nhất trong 11 năm qua nhờ thành công trong việc bán sản phẩm nước rửa tay khô On1 giữa đại dịch.
Đại gia Quảng Nam nhận trái đắng
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia gốc Quảng Nam - Lê Phước Vũ vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2 niên độ tài chính (NĐTC) 2019 - 2020 từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/3/2020 với lợi nhuận tăng mạnh gần 280% so với cùng kỳ lên 200 tỷ đồng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/4, cổ phiếu HSG tăng trần 6,9% lên 6.790 đồng/cp sau khi đã tăng trần trong phiên liền trước. Tính từ đầu tháng 4 tới nay, cổ phiếu của ông Lê Phước Vũ đã tăng gần 50% từ mức 4.550 đồng lên mức hiện tại.
Đây là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn vì những nỗ lực chống đại dịch Covid-19. HSG của ông Vũ đã thoát hiểm nhờ hệ thống hàng trăm cửa hàng bán lẻ nội địa và kênh xuất khẩu tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ và bán hàng trực tuyến...
Tuy nhiên, so với cách đây khoảng 3 tháng, giá cổ phiếu HSG vẫn còn giảm nhiều.
Ông Lê Phước Vũ đã mua vào 2,05 triệu cổ phiếu HSG (tổng đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu) trong khoảng thời gian từ 17/1-14/2 khi mà giá cổ phiếu ở quanh mức 8.000-9.000 đồng/cp. Với mức giá hiện tại, ông Vũ đang bị thua lỗ.
Bảo Anh
Cú "bẻ lái" ngoạn mục của "vua thép" Trần Đình Long khi vượt qua 2 đại gia Đông Âu Bất ngờ đã diễn ra trong bảng xếp hạng các tỷ phú chứng khoán Việt trong tuần vừa qua khi "vua thép" Trần Đình Long có bước "đại nhảy vọt" từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 3. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng là người duy nhất trong top 5 ghi nhận mức tăng về tài sản sau khi...