Dự án bất động sản ‘đứng hình’ vì cán bộ chùn tay?
Việc hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của TPHCM bị bắt và đưa ra xét xử thời gian qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ hiện tại khiến công việc ở nhiều sở, ngành bị ùn ứ.
Ách tắc
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nói rằng, dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) có quy mô 91ha đã mất 3 năm nhưng chưa thể làm xong thủ tục.
“Kế hoạch sử dụng đất công ty đăng ký đến nay cũng đã hết hạn, khi xin gia hạn thì không được chấp thuận. Điều này khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vay lãi ngân hàng cũng như lãi phải trả cho các đối tác liên doanh”, bà nói.
Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương gửi văn bản lên Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm (Empire City) tại khu chức năng số 2 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 mà công ty làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư nêu 5 vướng mắc, trong đó có việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư liên quan tăng vốn góp thực hiện dự án, hồ sơ gửi đi từ ngày 16/7/2018 nhưng đến nay, các sở, ngành vẫn chuyển lòng vòng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, cho rằng, công tác giải quyết công việc của các cơ quan, ban, ngành ở TPHCM còn nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Ông Đực nêu ví dụ, công ty của ông có một dự án nhỏ khoảng 3.700m2 nhưng đóng tiền sử dụng đất mãi không xong.
Sợ trách nhiệm
Nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp lý như nhau, vì sao các dự án nhà ở TPHCM bị vướng, còn các địa phương khác thì không? Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, như pháp luật chưa thật sự đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu luật “khung”, luật “ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của bộ, ngành đề xuất luật.
“Việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế do một số cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết”, ông Châu nói.
Trong văn bản số 1255/UBND-ĐT của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn có nội dung thừa nhận nhiều dự án bất động sản gặp khó là do cán bộ sợ trách nhiệm.
Video đang HOT
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước”, văn bản nêu.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, năm 2019, TPHCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% số dự án so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 67 dự án) và 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Người đứng đầu chính quyền TPHCM nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp.
“Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của TPHCM và nguồn lực kinh doanh của các nhà đầu tư, uy tín của các sở, ngành. Tuy nhiên, có những vướng mắc về cơ chế, quy trình thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Trung ương mà TPHCM không thể giải quyết. UBND TPHCM sẽ đăng ký với Văn phòng Chính phủ để báo cáo những khó khăn trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TPHCM”, ông Phong nói.
TPHCM nên phát triển phong trào “3G”, gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh, đề xuất.
Duy Quang
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: "Sẽ không có một nhân sự tích cực nào bị cho nghỉ việc"
Dù đánh giá khó khăn phía trước còn rất nhiều, đặc biệt với doanh nghiệp xây dựng, nhưng ông Lê VIết Hải cho rằng, vẫn cần có một cái nhìn lạc quan.
Tranh thủ thời gian giữa những cuộc họp liên tục của một doanh nghiệp Xây dựng lớn đang phải đối mặt với hệ lụy của đại dịch Covid-19, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ ngắn gọn: "Đại dịch Covid - 19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hòa Bình không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng này".
Nguồn việc và sản lượng giảm 30 - 40%
Ông Lê Viết Hải cho biết, ảnh hưởng thấy ngay đầu tiên là thị trường bất động sản du lịch. Nhiều dự án bất động sản du lịch như: shop house, khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí... đang thi công đã bị tạm dừng hoặc thi công cầm chừng. Các dự án chuẩn bị triển khai đã dừng lại chưa triển khai.
Trong khi đó, đây là mảng thi công chính của Hòa Bình.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, việc bán hàng của các chủ đầu tư cũng bị chậm lại cùng với việc tạm ngưng thi công theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
Do đó, nguồn việc và sản lượng của Hòa Bình bị giảm sút 30 - 40%, trong khi nhiều khoản chi phí để vận hành doanh nghiệp không thể cắt giảm được.
"Sớm nhất, đến tháng 6 tình hình dịch bệnh mới bớt phức tạp. Và chậm nhất là kéo dài đến quý 3 năm nay. Như vậy, khó khăn phía trước sẽ còn rất nhiều" - Chủ tịch của Xây dựng Hòa Bình dự báo.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, cần có một cái nhìn lạc quan. Dù dịch vẫn còn nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần phải vận hành trở lại đi cùng sự kiểm soát phòng dịch tốt nhất.
"Nếu không vận hành thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao, khó khăn chồng chất khó khăn" - Ông Hải nhấn mạnh - "Tôi tin rằng, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, các Chính phủ cho phép đi lại giao thương bình thường thì hoạt động kinh tế sẽ khôi phục và trỗi dậy mạnh mẽ".
"Dù dịch vẫn còn nhưng các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần phải vận hành trở lại"
Làm gì để sau dịch có thể trỗi dậy mạnh mẽ?
Chia sẻ về những giải pháp vượt "bão", ông Lê Viết Hải cho biết, Hòa Bình đang áp dụng một loạt giải pháp để duy trì bộ máy quản lý hoạt động kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn, đồng thời, giúp Tập đoàn nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng.
Những giải pháp đó gồm ba nhóm tái cấu trúc: Tái cấu trúc hệ thống quản lý, tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc về tài chính.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hòa Bình, việc tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên Internet, không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở.
Theo đó, Hòa Bình áp dụng Hệ thống Tác nghiệp Online để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường, áp dụng tối đa các hệ thống internet hiện có phục vụ cho việc họp trực tuyến và áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc theo quy trình kể cả phê duyệt các hồ sơ thanh toán mà không cần phải in ấn.
Về Tái cấu trúc nguồn Nhân lực, Hòa Bình hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm.
Một điểm đáng chú ý trong nhóm giải pháp là xây dựng một chuỗi cung ứng nhân sự có chất lượng cao, hình thành "Hệ Sinh thái Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình".
Theo đó, nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời giao cho các công ty thành viên, công ty mua bán sáp nhập, các đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn.
Về tái cấu trúc tài chính, Hòa Bình đặt mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
Sự khác biệt mà công ty xây dựng này thực hiện, là lập một quỹ thuộc Công đoàn, khuyến khích mọi người góp một phần tiền lương. Trong đó, riêng Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc đóng 60%-80% tiền lương.
Do dự án xây dựng trên toàn thị trường bị giảm sút nên giá của nhiều mặt hàng sẽ giảm theo. Ông Lê Viết Hải đã chỉ đạo các đơn vị mua hàng, bán thanh lý vật tư phế liệu phải khai thác hệ thống mua sắm điện tử của Công ty và vận dụng tối đa cơ chế "đấu giá" để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch.
Đồng thời, phòng Dự thầu cần cập nhật thường xuyên hơn giá mua hàng qua đấu giá điện tử cũng như căn cứ mức giảm các chi phí khác từ thành quả của việc tái cấu trúc để nâng cao tính cạnh tranh của giá dự thầu.
"Chính phủ cần giãn tiến độ đóng thuế"
Bên cạnh việc "tự lực cánh sinh" để sống sót qua đại dịch, Chủ tịch của Hòa Bình kiến nghị, trước mắt, Chính phủ cần giãn tiến độ đóng thuế, miễn giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khó khăn.
Đồng thời, Chính phủ nên miễn giảm tạm thời việc đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Hải đề xuất, ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ cần triển khai nhanh các dự án đầu tư công, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bất động sản và giảm bớt lượng lao động thất nghiệp.
Ngô My
Hội môi giới đề xuất lên 6 giải pháp "cứu" doanh nghiệp bất động sản Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đề xuất lên Chính phủ 6 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết do tác động của dịch Covid-19 thị trường bất động sản đang bước vào thời kỳ vô cùng khó...