DOTA 2 và LMHT dưới góc nhìn game thủ trung lập
Bạn là game thủ, tối thiểu bạn trân trọng game mình yêu thích và thể hiện sự tôn trọng với game thủ khác, trong trò chơi khác, đó là tinh thần của game thủ thực thụ.
Bừng mắt mã đã gần mấy năm chơi DOTA rồi lui cui đánh DOTA 2, và mừng rơn khi thấy sự phát triển tích cực của Liên Minh Huyền Thoại trong làng game Việt (MOBA) ngần ấy thời gian ngắn.
Ai cũng biết, chơi game ai cũng muốn giải trí để quên đi những thực tế đâm nhạt, đâm nhàm bủa vây trong tâm trí ở cuộc sống hiện thực. Chơi game lành mạnh luôn cho ta những trải nghiệm đáng chiêm nghiệm cho đời sống hiện hữu. Và chơi game với niềm đam mê thực sự, luôn giúp ta có một động lực kiếm tìm những hạnh phúc ẩn hiện trong tương lai. Sướng phải biết nếu ta chọn game hay, tốt và sâu sắc. Và quyết tâm chọn nó, bảo vệ, xây dựng lẫn vun vén phát triển nó, đúng không nào?
Vào một ngày nào đó, trong chuỗi ngày lao đao lận đận đến long đong thời game thủ của mình. Tôi lủi thủi vào diễn đàn các game để đọc bài, xem clip, spam cùng anh chị em game thủ cho cạn hết ngày. Duyên đưa phận đẩy thế nào mà một cuộc tranh luận dẫn đến xung dột giữa một bộ phận game thủ DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại cải nhau ỏm tỏi, chợt bắn vào mắt, chọt vào tai, đấm vào mãng não tôi một cách tỉnh rụi.
Vẫn những ngôn từ đầy chất “trâu tre”, vẫn những ngôn ngữ đậm chất phá bĩnh, vẫn những ngôn phong… chóp chép đấm xoa giữa hai bên. Và tôi quyết định dành một lượng thời gian cuộc đời mình để “ngồm ngoàm” mớ chữ dài mà dai trong từng comment của 2 bên. Và bắt đầu hí hoáy vài dòng tâm sự về vấn đề này, như sau.
Về nội dung, game nào hay hơn?
Cái sai, điều đúng luôn mỏng manh trong cuộc sống hiện thực, chứ huống gì trong thế giới ảo. Đến nút [S] và nút [D] trên bàn phím cũng giáp ranh với nhau nữa là.
Và ta luôn tìm cái đúng, điều sai để phân định, định nghĩa rồi đâm rầm vào 2 từ “hay hơn” giữa game này với trò nọ. Rồi cau mặt, khịt mũi, trợn mắt, thậm chí hậm hực đến tức điên tiết nếu game này hay hơn trò mình đang chơi. Để làm gì? Khi mà cái “hay hơn” đó không có nghĩa lý gì với một người ngoại đạo mới biết về thế giới ảo, hay tập tành chơi, rồi đam mê cùng game.
Video đang HOT
Họ sẽ là thế hệ tiếp theo của 1 trong 2 game này, và họ chỉ chọn game theo sở thích, tính cách, cách nhìn của riêng họ. Họ chẳng mảy may đếm xỉa đến những cuộc tranh luận, xung đột của ta. Họ thích thì họ chơi game đó, còn không thích thì qua game kia để luyện. Đơn giản, hai từ “hay hơn” luôn xuất phát từ sự thụ hưởng cá nhân, rồi quy chụp cả đám đông, dần dà thành sự “bất di bất dịch” về khái niệm “hay hơn” của game đó khi tra google, mò facebook, lướt 4rum.
Một game thủ trung lập chia sẻ: “Với Liên Minh Huyền Thoại, cái hay là sự giản dị trong cách chơi chứ không phải giản đơn trong cách đánh. Còn với DOTA 2, cái hay là sự sâu sắc trong lối đánh nhưng chẳng rườm ra trong cách chơi – nếu thực sự muốn trải nghiệm một trò chơi thuần chất lẫn nghĩa -eSports.”
Ta không thể nào so sánh đàn bà hay đàn ông – ai mới thực sự là con người đích thực? Và ta chẳng thể nào đong đo đếm lượng trên trời có bao nhiêu sao, dưới đất có bao nhiêu cây cối? Dễ hiểu thôi, đàn bà và đàn ông đều là con người, và sự tồn tại của họ trên Trái Đất này là sự bù đấp xen kẽ cho nhau để duy trì giống nòi. Và trên trời có sao, dưới đất có cây cối, để minh chứng ,trên hay dưới đều có vẻ đẹp thần bí của riêng mình.Và Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 đều có chỗ đứng riêng trong mỗi game thủ.
Liên Minh Huyền Thoại có nhiều giải đấu, nên chơi?
Nhìn quanh quất tại nơi tôi sống, chẳng thấy một giải đấu DOTA 2 nào mọc lên, mà chỉ tàn những giải GCafe dành cho Liên Minh Huyền Thoại. Đã có lúc dợn sóng hoài nghi vào chính DOTA 2, và đã có khi ghen tỵ trong sự vị kỷ của game thủ DOTA 2 trước vô số giải đấu của Liên Minh Huyền Thoại.
Đó là sự choáng ngợp của các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại hay chán chường về DOTA 2 khi lèo tèo giải đấu phong trào dành cho giới game thủ bình dân tại Việt Nam?
Nhưng nếu bạn là game thủ DOTA 2, đam mê với tựa game này, thì tôi khuyên bạn đừng quá lo lắng rồi chưng hửng với game mà mình yêu thích. Bởi DOTA 2 vẫn chưa có một NPH nào tại Việt Nam, chưa có thì làm sao có những giải đấu phòng trào đến chuyên nghiệp một cách quy chuẩn và ổn định được. Bạn không thể nào so sánh với một chiếc Honda và Yamaha, khi mà Yamaha thì có chủ còn Honda thì chưa.
Hãy cứ chơi phây phây cùng game đã trót đam mê, rồi đợi một ngày nào đó nhưng không xa vời mà than vãn đó là viễn cảnh, chắc chắn sẽ có một NPH cho DOTA 2 tại Việt Nam. Khi ấy, bạn sẽ nhớ quay nhớ quắt cảm giác trước kia, bởi khi đó sẽ có nhiều giải đấu cho bạn tha hồ tham gia đến bỡ ngỡ đó có phải sự thật không.
Đừng bận tâm đến miệng lằn lưỡi mối, vì bạn là game thủ DOTA 2, bạn sẽ đi con đường riêng của mình, mặt xác những gì họ nghĩ. Bạn ghét phải chơi theo sự khuôn khổ hay răm rắp vâng lệnh ai đó. Bạn là kẻ thích vượt đèn đỏ, bạn hiểu ý tôi chứ? Nếu có ai đánh đổng bạn với cái câu, “Ê, qua Liên Minh Huyền Thoại chơi đi, nhiều giải lắm nha mậy!”. Thì hai delete họ ra suy nghĩ ngây tức thì.
Tôi luôn dành sự trân trọng và ngưỡng mộ những game thủ nhiệt huyết, đam mê và tâm huyết với DOTA 2 trong cộng đồng eSports Việt. Chính cái khó khăn đã tôn vinh vẻ đẹp thực sự của những con người đam mê thực thụ cùng game mà họ yêu thích. Điều đó làm tôi sướng tê cả người, run đùi vì phê và sẽ vỗ tay bành bạch để châm biếm bằng ngôn ngữ cơ thể cho những ai luôn phá bĩnh cộng đồng DOTA 2.
Tất nhiên, nếu bạn là game thủ mới chơi Moba, và chẳng biết gì về DOTA 2, bạn có quyền cho mình sự so sánh với lý do chính – Liên Minh Huyền Thoại có nhiều giải đấu, nên tôi chọn để chơi.
Liên Minh Huyền Thoại đơn giản quá, nên chơi DOTA 2
Tôi hoàn toàn tôn trọng suy nghĩ “Liên Minh Huyền Thoại đơn giản quá, nên chơi DOTA 2″ nếu bạn chỉ nói vẩn vơ trong đầu, hay chuyện trò với bè bạn. Nhưng lại có một bộ phận game thủ DOTA 2 luôn cào, cà, rọt cho sạch sẽ rời khệ nệ bưng lý do này lên những diễn đàn, fanpage, để nói đổng lên cho cả cộng dồng nghe. Và tất nhiên, cộng đồng đó là Liên Minh Huyền Thoại.
Nhưng ôi thôi, đó là sự khởi nguồn cho việc xé năm chẻ bảy rồi biến thiên thành nhiều cuộc xung đột không hồi kết, chẳng điểm dừng. Mà bạn biết đấy, xung đột sẽ rất tốt để hiểu nhau hơn, nhưng trên mạng thì “trâu tre” rất ư là nhiều, luôn kéo dai dẵng đến khi cúp điện hay cái bụng kêu ục ục vì đói, thì mới mong tạm ngưng “trận chiến”. Vô tình làm mờ đi những tranh luận tích cực nào đó trong đám rừng “trâu tre” kia kia.
Trở lại vấn đề, cách chơi Liên Minh Huyền Thoại không phải đơn giản, mà chính xác là giản dị. Không có một tựa game Moba nào là đơn giản, nếu đơn giản thì hãy sang game Mobile để chơi thì thích hợp hơn.
Giản dị vì nó hợp với nhu cầu giải trí của game thủ Việt hiện nay, từ gameplay đến đồ họa gần gũi với cuộc sống vô cùng nhanh lẹ. Và hợp nhãn vì nó không làm mất thời gian để căng tròn con mắt, rồi thao láo chơi mà chẳng sợ phải nhức nhãn đau đầu.
Cũng như trong văn học, bạn không thể nào so sánh một cuốn sách tạp văn với một cuốn sách tiểu thuyết. Sách dạng nào, thì cũng có bản sắc riêng cho từng đối tượng riêng, ngoại trừ sách cấm. Và Liên Minh Huyền Thoại không thể nào so sánh với DOTA về gameplay, đồ họa dựa trên mớ lý thuyết vớ vẫn đọc mà mướt đẫm ướt mồ hôi, nếu bưng ra nói với từng game thủ bình dân như tôi. Chỉ đơn giản, game có đồ họa đẹp chưa chắc lại hot, game có gameplay chiều sâu chưa chắc lại phổ thông. Còn tùy vào người chơi, hoàn cảnh chơi, và vô số thứ khác không định hình, chẳng định dạng, chỉ thích là chơi, chỉ mê là chọn.
Hãy trở về là một game thủ thực thụ
Ở phương Đông tinh thần thượng võ luôn được đề cao trong thi đấu. Ở phương Tây tinh thần fair-play luôn được nhắc đến trong mỗi trận đấu. Và ở mọi tựa game, trong từng cộng đồng, ở chính game thủ, thì tinh thần game thủ luôn được đề cao trong thế giới ảo.
Đó là gì?
Bạn là game thủ, tối thiểu bạn trân trọng game mình yêu thích và thể hiện sự tôn trọng với game thủ khác, trong trò chơi khác, đó là tinh thần của game thủ thực thụ. Vì chúng ta là game thủ mà, hà cớ gì phải huyễn hoặc bản than vào những ích kỷ, với suy nghĩ “Game tôi chơi hay hơn game anh, blah blah…”.
Tất nhiên, nếu ai dám đụng chạm đến quyền lợi của bạn, đến hình ảnh của game mà bạn yêu thích, cảm xúc tự ái, thậm chí bị tổn thương nếu game mình đang chơi hăng say bị mồm này, miệng kia chóp chép “chém gió”.
Tức lắm, bực lắm, điên lắm, rồi từ lắm lắm đấy nháo nhào vào những cuộc trào đờm, phun bọt, nhã những ngôn từ hằn học đến trần tục cho người kia kẻ khác đọc để xem, nghe để tức. Rồi cái vòng luẩn quẩn như thít thành thòng lọng ấy, giết dần mòn cảm xúc thuần khiết còn sót lại trong bạn, nếu như quá đà, quá ngã, rồi hung húc nhập hội vào “trâu tre” một cách vô thức. Và bạn biết đấy, đã là “trâu tre” thì cái sai cũng hóa đúng, mà cái đúng thì vẫn cho là sai.
Theo VNE