Đột phá cho cuộc khủng hoảng Ukraine
Chính phủ Ukraine và phe chống đối đạt được thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng đẫm máu ở nước này nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết mọi nguy cơ.
Khói lửa vẫn chưa tan tại Kiev trong ngày 21.2 – Ảnh: AFP
Ngày 21.2, dưới sự chứng kiến của ngoại trưởng Ba Lan và Đức, các thủ lĩnh phe đối lập Ukraine đã ký thỏa thuận sơ bộ với Tổng thống Viktor Yanukovych, theo AFP. Nội dung chính của thỏa thuận bao gồm: tạm thay thế hiến pháp hiện hành bằng hiến pháp cũ năm 2004 để giới hạn quyền lực của tổng thống và quốc hội giữ quyền bổ nhiệm thành viên nội các, thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời trong 10 ngày tới, cải cách hiến pháp sẽ được tiến hành ngay lập tức và kết thúc vào tháng 9 nhằm “cân bằng quyền lực giữa tổng thống, chính phủ và quốc hội”.
Sau khi hiến pháp mới được thông qua sẽ tiến hành bầu cử tổng thống trước hạn chậm nhất là vào tháng 12.2014, chính phủ và phe đối lập phối hợp với Hội đồng châu Âu điều tra các vụ bạo động trong 3 tháng qua cũng theo thỏa thuận này, chính phủ không được tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cả hai bên đều chấm dứt các hành động bạo lực và tham gia tiến trình ổn định xã hội sau khủng hoảng, mọi vũ khí bất hợp pháp sẽ phải nộp về Bộ Nội vụ trong vòng 24 giờ, lực lượng an ninh chỉ được điều động để bảo vệ các tòa công sở.
Video đang HOT
Thỏa thuận mới được kỳ vọng là sẽ giúp chấm dứt tình trạng bạo lực dữ dội mấy ngày qua ở Ukraine nhưng giới quan sát vẫn lo ngại rằng khủng hoảng vẫn chưa thể kết thúc vì phần lớn người biểu tình đòi ông Yanukovych phải từ chức. Đó là chưa kể sự tham gia gây bạo động của nhiều băng nhóm cực hữu tại Kiev.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Ukraine, ít nhất 77 người thiệt mạng và 369 người bị thương trong 3 ngày xung đột đẫm máu vừa qua. Tại quảng trường Độc Lập, những người biểu tình hôm qua tiếp tục xây dựng các “bức tường” bằng lốp xe, sẵn sàng đốt phá khi bị cảnh sát mở chiến dịch giải tán. Đến sáng 21.2, cảnh sát Ukraine cáo buộc người biểu tình nổ súng và “tìm cách đột nhập trụ sở quốc hội”.
Hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo AFP. Cả ba nhà lãnh đạo đều khẳng định muốn “tìm một giải pháp chính trị” để giải quyết khủng hoảng Ukraine sớm nhất có thể. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Nga có thể sẽ “phật ý” vì EU hầu như nắm được vai trò chủ đạo trong toàn bộ quá trình từ đàm phán đến ký kết thỏa thuận giữa các bên ở Ukraine.
Cộng đồng người Việt vẫn an toàn Trả lời Thanh Niên ngày 21.2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho biết: “Tình hình nước sở tại vẫn phức tạp. Hiện cộng đồng người Việt vẫn được đảm bảo an ninh dù gặp một số khó khăn như đi lại hạn chế, giá cả nhu yếu phẩm tăng cao. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con thực hiện những biện pháp phòng ngừa như: tránh ra đường, nếu phải đi thì tránh xa điểm nóng của biểu tình, tạm gác công việc, đặc biệt là việc kinh doanh ở chợ để tránh bị kích động hoặc mất mát tài sản. Chúng tôi cũng cung cấp số điện thoại của Đại sứ quán VN (284 5542) cho bà con và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết”. Theo một số nguồn tin từ Kiev, tình trạng bạo lực chủ yếu xảy ra ở quảng trường Độc Lập còn những khu vực khác vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều về an ninh.
Theo TNO
Ukraine chìm sâu trong lửa đạn
Bất chấp tuyên bố tạm ngưng các vụ xung đột để nối lại đàm phán của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, bạo lực vẫn tiếp diễn tại thủ đô Kiev.
Quảng trường Độc Lập ở Kiev đã trở thành một bãi chiến trường - Ảnh: Reuters
Thống kê chính thức từ Bộ Y tế Ukraine cho biết ít nhất 28 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong hai ngàybạo động bùng phát dữ dội (18 và 19.2). Trước áp lực từ nhiều phía, Tổng thống Viktor Yanukovych tối 19.2 cho biết đã đạt thỏa thuận với phe đối lập để tạm "đình chiến". Tuy nhiên, thỏa thuận này "chết từ trong trứng nước" khi số lượng thương vong trong ngày 20.2 có thể còn cao hơn 2 ngày trước đó. Tờ Le Figaro dẫn lời lãnh đạo đảng Svoboda Oleh Tyahnybok, một trong 3 thủ lĩnh chính của phe đối lập, cho biết ít nhất 50 người thiệt mạng vào hôm qua. Phóng viên AFP cho biết họ đếm được 25 xác chết, trong khi Kiev chỉ thông báo có tổng cộng 67 người thiệt mạng trong 3 ngày qua.
Ngay từ rạng sáng qua, người biểu tình đã leo qua các "chiến hào" do chính họ lập trước đó để tái chiếm phần quảng trường Độc Lập bị cảnh sát kiểm soát trong hai ngày 18 - 19.2. Trước những người biểu tình đầu đội nón bảo hộ, tay cầm khiên, gậy gộc, bom xăng và cả súng ống, lực lượng an ninh phải lùi lại hàng trăm mét. Thị trưởng Kiev Volodymyr Makeyenko hôm qua tuyên bố từ chức và rời khỏi đảng cầm quyền để phản đối tình trạng bạo động. Khủng hoảng cũng đang "bén rễ" ở miền tây Ukraine, đặc biệt là tại thành phố Lviv. Hội đồng thành phố Lviv ngày 20.2 đòi quyền tự trị và tuyên bố cơ quan lập pháp địa phương sẽ chịu trách nhiệm về tương lai của thành phố và dân chúng.
Sáng 20.2, Tổng thống Yanukovych bất ngờ thông báo bổ nhiệm đô đốc Yuri Iliin làm Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine thay tướng Volodymyr Zamanar mà không cho biết thêm chi tiết. Quyết định này được đưa ra sau khi Kiev thông báo mở "chiến dịch chống khủng bố" trên toàn quốc. Trước đây, việc đối phó với người biểu tình tại quảng trường Độc Lập do cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm chống bạo động đảm nhận. Tuy nhiên, với "chiến dịch chống khủng bố", Bộ Quốc phòng Ukraine có thể điều động binh sĩ tham gia vãn hồi trật tự mà không cần đợi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, theo tờ Le Figaro. Tờ Ukrayinska Pravda đưa tin có 40 toa tàu chở binh sĩ đã khởi hành từ thành phố Poltava đến Kiev. Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo trên website rằng các binh sĩ được điều động đến Kiev để bảo vệ các kho vũ khí và cơ sở quân sự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua kêu gọi quân đội Ukraine không can thiệp vào khủng hoảng. Trước đó, ông Obama tuyên bố Kiev "phải chịu trách nhiệm chính" trong các vụ bạo động và cảnh báo những người "vượt quá giới hạn" sẽ phải chịu hậu quả. Washington cũng vừa thông báo cấm nhập cảnh đối với 20 quan chức Ukraine.
Trong nỗ lực "giải quyết khủng hoảng", ngày 20.2, ngoại trưởng 3 nước Đức, Pháp và Ba Lan đã đến Kiev để hội đàm cùng Tổng thống Yanukovych. Theo Le Figaro, EU có thể xem xét một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Ukraine như: cấm nhập cảnh, đóng băng tài khoản tại ngân hàng ở EU của những người bị cáo buộc, cấm bán vũ khí... Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các biện pháp nói trên chỉ nhằm vào các quan chức cấp cao của Ukraine bị cáo buộc trấn áp mạnh tay người biểu tình chứ không ảnh hưởng đến ông Yanukovych hoặc các thành viên nội các.
Theo TNO
Ukraine: Thủ đô chìm trong khói lửa và bạo lực Ngay sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych quay lưng với EU để bắt tay Moscow, hàng trăm ngàn người Ukraine đã xuống đường biểu tình bạo lực tại Kiev yêu cầu tổng thống từ chức. Hàng loạt các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra tại Kiev trong những ngày qua. Nguyên nhân chính là do việc tổng thống Viktor Yanukovych đã...