Đốt đời trong ma túy
Không có tiền mua nước cất pha ma túy để chích, Vàng A Tông thường dùng nước đun sôi để nguội pha, thậm chí dùng cả nước suối trong những lúc nhà hết nước đun sôi.
Coi thuốc phiện như thuốc bệnh và… nghiện
Trong câu chuyện của mình, ông Giàng A Khua (60 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Cá Giám, Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) lặp lại nhiều lần lý do nghiện: “Trước đây làm thầy mo, người dân trong bản ốm là gọi mình về cúng đuổi ma”.
Nói đoạn, ông dừng lại, mắt nhìn xa xăm về con sông Mã nước cuộn chảy về xuôi, rồi tiếp: “Theo tập quán người Mông, khi có người ốm, sau khi mời thầy về cúng ma thường dùng thuốc phiện cho người bệnh hút hoặc uống, rồi người nhà họ cũng hút, mình cũng thử. Nhiều lần châm đèn cho bố hút mình lại lấy xái thuốc ra hút chơi, rồi mình cũng nghiện không bỏ được nữa”.
Anh em, gia đình đều biết chàng thanh niên Khua nghiện, nhưng không ai ngăn cản, ai cũng nghĩ hút thuốc phiện là bình thường, của nhà trồng được nên cho hút thoải mái. Giờ thuốc phiện không còn, ông Khua chuyển sang dùng heroin, ngày có tiền thì dùng hai bi (tép), nếu không thì 2-3 ngày một bi.
Không có tiền mua nước cất, Vàng A Tông thường pha ma túy với nước đun sôi, nước suối để chích. Ảnh: L.H.V.
“Ba ngày không được bi nào là đau bụng, đi ngoài nên phải làm một bi mới đỡ”, ông Khua phân bua, rồi nhẩm tính giờ mỗi ngày phải có 50.000 đồng mua thuốc mới được.
Già yếu, kinh tế gia đình khó khăn, Giàng A Khua nói muốn cai, nhưng chưa cai được. Năm ngoái cũng một lần ông bỏ lên rừng để cai được 3 tuần, tới tuần thứ tư không chịu được phải xuống bản kiếm để hút. Trung tá Hoàng Văn Thành quay sang tôi bảo, ở đây một số hộ người Mông lấy ma túy về vừa bán vừa dùng trả thay tiền công thuê người làm nương rẫy, thậm chí đổi củi.
Những căn nhà của đồng bào Mông ở chênh vênh giữa sườn núi (bản Cá Giám, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: L.H.V.
“Nghiện hơn 40 năm, nghe nói là giờ nhà nước bắt đi cai, mình muốn được tự cai ở nhà, mong được nhà nước hỗ trợ thuốc tây để cai dần”, ông Khua dụi điếu thuốc rồi nâng bát rượu uống ực một ngụm lớn, khi đặt bát xuống rượu đã vơi phân nửa. Căn nhà nhìn bề ngoài khang trang, nhưng bên trong không có một vật dụng gì giá trị, hai chiếc giường sờn màu kê hai góc…
Rời nhà ông A Khua, trung tá Thành dẫn tôi sang nhà Vàng A Tông (con rể Giàng A Khua) để nắm thông tin, lúc này mặt trời đã khuất sau núi, sương xuống làm cái lạnh thêm buốt.
Video đang HOT
“Bà con thường đi rẫy từ khi sương còn chưa tan, khi sương xuống mới về, chỉ có đi buổi tối mới gặp được họ”, trung tá Thành nói. Nhưng không phải lúc nào thành công và gặp được các đối tượng nghiện. Mỗi khi nghe tin bộ đội Biên phòng tới làm việc là họ tìm đường trốn.
Để vào được nhà Vàng A Tông phải băng qua đoạn đường dài hơn 3km, con đường men rừng chỉ rộng chưa đầy 1m, gặp xe máy đi ngược chiều phải dừng lại nhường đường.
Căn nhà 3 gian nằm chênh vênh lưng chừng núi, nó như rộng thênh khi chỉ có chiếc giường nằm cô độc một góc với chiếc chăn mỏng cáu đen, cạnh đó là vài bộ quần áo cũ treo thành đống trên vách.
Tiếp khách, Giàng A Tông đem 3 chiếc ghế nhỏ tự đóng ra hiên ngồi. Đứa con khoảng 2 tuổi trần truồng chạy từ đâu về mắt ngơ ngác, Tông quát nó mới vào nhà mặc quần áo và ra ngồi cạnh bố.
“Nghiện hơn 40 năm, nghe nói là giờ nhà nước bắt đi cai, mình muốn được tự cai ở nhà, mong được nhà nước hỗ trợ thuốc tây để cai dần” Ông Khua giãi bày
Tôi thoáng giật mình khi nghe Tông nói mình sinh năm 1986. Người đàn ông đã có 3 con, đứa đầu nay 12 tuổi, đứa út đã lên 2, tóc để dài như nghệ sĩ, khuôn mặt nhầu nhĩ, đen sạm. Vừa gặp tôi nghĩ Tông phải ngoài 30. Tông nhớ mình lấy vợ khi mới 13 tuổi, còn vợ 11, “nói thật lúc đấy vợ em vẫn chưa là con gái”, Tông thật thà rồi lấy tay che miệng cười giấu sự thẹn thùng.
Tuy ít tuổi, nhưng Tông có bảng thành tích nghiện ma túy khá dày và nhanh, Tông nghiện đã gần 7 năm nay, chuyển sang chích được hơn 2 năm. Hằng ngày chặt nứa, làm thuê Tông kiếm được từ 100-150 nghìn đồng, tất cả đều đốt vào ma túy.
“Ngày nào hết gạo mới để phần mua về cho con, còn lại thì mua thuốc chích hết”, Tông thật thà. Những người bán, người hút trong bản và bản bên gần như Tông quen cả, đều là bạn nghiện nên thường gặp nhau khi mua ma túy, trong đó có những thanh niên chỉ 16-17 tuổi.
“Biết mình là con nghiện, cứ đưa tiền là họ (người bán – PV) đưa thuốc. Thuốc họ đóng gói về mình tự pha chế rồi lấy kim chích. Dùng nước cất thì tốt, nhưng ít tiền nên mình chủ yếu dùng nước đun sôi để nguội, bí lắm dùng nước suối. Cứ có nước pha là được”.
Nói rồi Tông kéo tay áo cho xem cánh tay phải chi chít sẹo, một đoạn ven nổi u thâm đen thành hình chữ V ngay khớp tay. Cũng vì dùng nước không đảm bảo nên phần lớn đối tượng chích chỉ được vài năm là mất mạng. Người sốc thuốc, kẻ nhiễm trùng…
Tông bảo, giờ khổ lắm cũng muốn cai, nhưng phải đi chỗ nào không có ai bán, để có lên cơn cũng không mua được. Trước khi rời nhà Tông chúng tôi mừng tuổi mấy đứa nhỏ vài chục nghìn, vừa ra đường cái đã thấy Tông phóng xe vụt qua phía sau. Chiếc xe lạng lách như người say thẳng hướng về bản Tà Cóm. “Chắc nó lại chặn tiền vừa cho mấy đứa con để đi kiếm thuốc đấy”, trung tá Thành quay lại bảo tôi.
Mỗi năm bắt 40 vụ
Đường vào bản Cá Giám (Trung Lý, Mường Lát) xe muốn tránh nhau cũng khó.
Tiếp xúc với chúng tôi, đại tá Lê Thành Nghị, Trưởng Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, khoảng từ năm 2005 trở về trước, tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy và tái trồng cây thuốc phiện diễn ra rất phổ biến, với số lượng lớn. Những năm đó, việc bắt được các đối tượng vận chuyển vài bánh heroin là bình thường.
“Mấy năm nay lực lượng chức năng làm mạnh nên số vụ, số lượng vận chuyển đã giảm nhiều. Giờ buôn bán chủ yếu đem về bản bán cho các con nghiện trong vùng. Trung bình mỗi năm bắt khoảng 40 vụ, với số lượng ma túy chỉ vài trăm gram”, đại tá Nghị nói. Tính tới tháng 11/2013, lực lượng chức năng tại huyện Mường Lát đã phá 32 vụ buôn bán và vận chuyển chất ma túy, bắt 40 đối tượng.
Do lợi nhuận từ trồng cây thuốc phiện rất lớn, nên nhiều đối tượng vẫn tìm cách tái trồng. Cây thuốc phiện trồng từ tháng 11 âm lịch năm trước, tới tháng 3 âm năm sau, mỗi sào thu được khoảng 0,5kg thuốc phiện, bán được 13 triệu đồng. Thời gian gần đây nổi lên nhiều sản phẩm chế biến từ cây, quả, rễ thuốc phiện, như mỗi bình rượu thuốc phiện (khoảng 50 quả) có giá 1,5 triệu đồng/bình. “Đây là khoản thu không nhỏ, trong khi làm nương cả năm, mỗi hécta lúa, sắn không được 10 triệu đồng, nên suy nghĩ tái trồng cây thuốc phiện luôn thường trực trong tư tưởng người Mông. Chỉ lơi lỏng là họ tái trồng ngay”, đại tá Nghị băn khoăn.
Với vùng biên, lực lượng Biên phòng được xem là nòng cốt của cuộc đấu tranh phòng chống ma túy, và an ninh quốc gia.
Thượng tá Phạm Đình Thuấn, Phó phòng Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa) cho biết, để ngăn chặn việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trong cộng đồng người Mông rất khó khăn, thậm chí bị chống đối quyết liệt.
“Tính cộng đồng của người Mông rất cao, chỉ cần là người Mông, có cùng họ thì dù ở đâu họ vẫn nhận là họ hàng. Với những dòng họ lớn như họ Giàng, Vàng, Sùng… nếu người trong họ bị bắt là cả họ kéo ra ngăn cản, gây sức ép”, thượng tá Thuấn nói. Vì vậy, việc bắt giữ phải diễn ra ngoài nơi cư trú của đối tượng, hoặc phối hợp các lực lượng khác (như công an tỉnh) để bắt giữ. Ngoài ra, các đối tượng vận chuyển cũng dần thay đổi cách thức, như chỉ cầm trên tay, gặp lực lượng chức năng là vứt vào bụi rậm, hoặc nhét vào hậu môn, vùng kín…
Trước thực tế nhiều đối tượng buôn bán ma túy sau khi ra tù lại tiếp tục tái phạm nhiều lần, hoặc cai nghiện rồi tái nghiện, thượng tá Thuấn cho biết, hiện Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đang thí điểm phương thức đấu tranh chính trị để loại bỏ ma túy khỏi cộng đồng.
Trong đó tập trung vận động những đối tượng nghiện cam kết với cộng đồng không sử dụng ma túy và để chính những người nghiện đứng lên vận động bà con trong bản từ bỏ ma túy. “Một lời nói của họ hiệu quả với cộng đồng hơn nhiều mình tuyên truyền. Nên trọng tâm của chương trình là thuyết phục được chính các đối tượng nghiện đứng ra giải thích cho bà con hiểu, dần từ bỏ ma túy. Bắt giữ là biện pháp cuối cùng mới phải dùng tới”, thượng tá Thuấn nhấn mạnh.
Còn nữa
Tháng 10/2012, lực lượng Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp Công an Lào phá vụ án vợ chồng Thạo Xay Vàng và Nàng Da Ly (thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, Lào) vận chuyển, tàng trữ ma túy. Thu giữ hơn 116kg heroin, một máy ép heroin, hóa chất điều chế, 2 súng kíp, 2 lựu đạn…
Theo Lê Hữu Việt
Những ông bố, bà mẹ tuổi 15
Từ TP. Thanh Hóa, phải đi hết cả ngày trời với quãng đường gần 300 cây số, vượt qua những con dốc quanh co, dựng đứng mới đến huyện Mường Lát. Ở các xã xa xôi Mường Lý, Mường Chanh, Phù Nhi... của huyện, đường sá còn khó khăn, điện chưa về tới bản. Những nơi này vẫn còn phổ biến nạn tảo hôn với những câu chuyện cười ra nước mắt.
Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi đi thêm hơn 30km cheo leo trên những cung đường đất. Chỉ sau một cơn mưa nhỏ, đường đã trơn trượt, lầy lội. Vừa lên tới đỉnh dốc Xa Lung, bản Xa Lung chúng tôi bắt gặp một cô gái đang ngồi bên ngôi nhà sàn, bế đứa con nhỏ với vẻ mặt nặng trĩu lo âu. Thấy khách lạ, cô gái này e ngại chạy ngay vào nhà. Chúng tôi hỏi thăm thì được biết bà mẹ "nhí" ấy tên là Hật Thị Dua. Dua vừa tròn 15 tuổi, lấy chồng từ năm 13.
Trước khi lấy chồng, Dua có đi học ở trường THCS Mường Lý. Sau buổi nghỉ cuối tuần em về nhà lấy thêm rau, gạo chuẩn bị cho tuần học mới thì bố mẹ không cho đến trường nữa. "Bố bảo học không ra được gạo, lấy chồng rồi thích làm gì cũng được. Em bảo chưa có ai lấy thì ngay hôm sau bố dẫn về một người hơn Dua một tuổi bảo cưới", Dua tâm sự.
Hật Thị Dua ngượng ngùng khi trao đổi với PV.
Cũng như Dua, Lương Thị Tọa, 16 tuổi, ở bản Ún mới 16 tuổi nhưng đã có đến hai con. Năm 2009, trong một lần đi nương, Tọa bị đám thanh niên quây lại bắt về làm vợ. Khi về tới nhà người con trai bắt mình, đang chuẩn bị làm lễ cúng ma thì Tọa bỏ chạy ra ngoài nên lần bắt vợ đó không thành. Do nhà hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em nên cuối cùng Tọa cũng được gả chồng sớm.
Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý cho biết, trường có 308 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Khoảng 5 năm trở lại đây có tới 30-40 trường hợp nghỉ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng. Vàng Pó Ly, học sinh lớp 9B mới 15 tuổi, nhưng đã lấy vợ được một năm. Vợ của Ly, Sùng Thị Dê (14 tuổi), không còn theo học nữa nên hàng ngày Dê lên nương làm rẫy cùng gia đình. "Một tuần, Ly về với vợ mấy lần?", tôi hỏi. "Không về đâu, khi nào hết gạo, hết rau mới về. Về nhiều vợ lại không cho đi học nữa", Ly cho biết.
Thào Thị Xoa, học sinh lớp 8A, ở bản Muống 1 đã lấy chồng sau đợt tết bắt vợ của người Mông năm ngoái. Xoa vốn là học sinh khá. Sau tết, Xoa vẫn lên lớp đi học bình thường. Mãi đến khi cái bụng dần to ra, em không thể đi học được nữa thì mọi người mới biết Xoa đã có chồng.
Vàng Pó Ly đã lấy vợ nhưng vẫn đi học.
Nói về việc học sinh của mình lấy vợ lấy chồng sớm, thầy Dũng cho biết, do phong tục tập quán của người dân tộc nên nhà trường không thể can thiệp. Trong mỗi giờ sinh hoạt, các thầy cô giáo cũng tuyên truyền, giáo dục các em về hôn nhân gia đình, nhưng dường như không mấy thay đổi.
Thầy Dũng lo lắng: "Theo phong tục của người Mông, con trai, con gái chỉ ở độ tuổi 13-15 đã được dựng vợ gả chồng. Cứ bắt đầu tháng 12 Dương lịch, người Mông lại ăn tết theo phong tục tập quán của họ. Trong các ngày tết Mông có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như chơi cù, chơi khẳng, các lễ hội khác... nhưng không thể thiếu tục bắt vợ. Chính vì vậy mà năm nào xã Mường Lý cũng có hàng chục đôi cưới xin theo hình thức tảo hôn".
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, hàng năm xã Mường Lý chiếm tới 30-40% các đôi tảo hôn ở huyện Mường Lát, chủ yếu tập trung ở các bản người Mông như bản Muống 1, Xì Lồ, bản Ún, Trung Thắng, Sài Khao.
Theo Lâm Nguyên
Lật thuyền trên sông Mã, 2 người mất tích Chèo thuyền qua sông Mã thu hoạch ngô về, gặp nước xiết, chiếc thuyền đã bị lật khiến 2 người bị nước cuốn mất tích tại huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Sáng 15/9, UBND xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 người đi dọc sông Mã về hạ lưu để tìm kiếm thi...