Đông về thẩn thơ nhớ thịt treo gác bếp Hà Giang
Vị ngọt, bùi của thịt khô quyện với mùi thơm của thảo quả, của gừng, mác khén, chao ôi là ngon!
Mùa đông bắt đầu với những cơn gió lạnh đầu tiên. Trời âm u, mây xám giăng giăng. Bầu trời như thấp xuống. Mưa lắc rắc. Những con đường đất trơn và ướt…
Lũ trẻ chúng tôi ngồi bên bếp sưởi lửa, nướng khoai rồi bàn chuyện ăn uống. Chuyện gần, chuyện xa… Cuối cùng, mắt đứa nào cũng hướng lên gác bếp. Ở đó có những miếng thịt treo sót lại từ mùa đông năm trước. Đứa nào cũng nuốt nước bọt. Ước gì được một miếng thịt nạc nguyên vùi vào gio nóng. Rồi lôi ra thổi thổi đập đập, rồi xé từng sợi nhỏ đưa vào miệng. Vị ngọt, bùi của thịt khô quyện với mùi thơm của thảo quả, của gừng, mác khén. Chao ôi là ngon!
Thịt treo gác bếp của người Tày ở Hà Giang
Vào mùa đông, người Tày Hà Giang quê tôi thường làm thịt treo gác bếp. Mọi người thường dùng thịt ba chỉ, những miếng thịt có cả nạc lẫn mỡ nhưng mẹ tôi thường cho thêm vài miếng thịt nguyên nạc làm thịt treo.
Thịt thái miếng rộng chừng 3 ngón tay, dài tầm một gang tay. Mẹ ướp thịt với muối hột, thảo quả, gừng, mác khén… và rượu trắng. Để một đêm cho thịt ngấm muối, gia vị và bắt đầu lên men (có mùi thơm rất đặc trưng) thì xiên vào que và treo lên gác bếp. Bếp trên nhà sàn người tày lúc nào cũng đỏ lửa. Với sức nóng của lửa, của các loại gia vị cay, thịt chín dần. Thịt nạc chuyển sang màu đỏ. Còn thịt mỡ chuyển dần sang trong suốt.
Sau một tuần, thịt đã khô hẳn, mẹ dỡ thịt gói vào lá chuối khô và cất lên gác bếp. Mẹ bảo, cất đúng độ để thịt không bị khô, không bị bám bồ hóng và gói cất trên gác bếp vẫn bảo quản được cả năm.
Sau một ngày lao động vất vả, mẹ thường lấy thịt treo ra nấu. Thịt được ngâm vào nước nóng cho mềm cả phần nạc, mỡ vào da khô. Sau khi rửa sạch, mẹ thái thành từng miếng thật mỏng. Mẹ xào thịt với rau cải, với lá tỏi tươi… món nào cũng rất ngon.
Video đang HOT
Thịt treo các bếp có thể xào…
… hoặc nướng rồi xé sợi
Nhưng tôi thích nhất thịt xào với lá chanh. Mùi thơm của thảo quả, của mác khén, của gừng thấm sâu trong miếng thịt như được mùi lá chanh tươi đánh thức. Bỏ một miếng vào miệng, vị ngọt bùi của thịt, mùi thơm của gia vị hòa quyện với cái mềm ngậy của thịt mỡ, dai dai của thịt nạc và giòn giòn của da lợn. Miếng này chưa trôi qua cổ họng đã muốn gắp thêm miếng nữa. Tôi đánh vèo ba bốn bát cơm mà vẫn còn thèm.
Thỉnh thoảng nhà có khách uống rượu, mẹ lấy một miếng thịt nguyên nạc rửa sạch rồi nướng trên than củi. Mẹ dùng chày nhỏ đập nhẹ rồi xé thịt thành từng thớ dài. Thớ thịt lợn không dài và dai như thớ thịt trâu nhưng vị ngọt thì hơn hẳn. Hơn nữa, thịt lợn không có vị gây của trâu, được tẩm ướp nên rất thơm.
Bố và khách ngồi uống rượu bên bếp lửa. Những câu chuyện về mùa vụ, về chuyện học hành của chúng tôi được kề cà đưa đẩy. Tôi ngồi bên hóng chuyện. Mỗi lần nhấp chén, bố lại đưa cho tôi một sợi thịt khô.
Tôi muốn bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến, để cảm nhận thật rõ cái vị ngọt đậm đà của thịt lợn, mùi thơm của mác khén, vị cay của gừng, của thảo quả thấm vào từng tế bào cảm giác. Thế nhưng lại sợ cái cảm giác ấy qua nhanh, phải đợi bố nhấp ngụm rượu sau mới lại được thấy nên tôi đành dè xẻn. Đưa lên mũi ngửi, hít hà mùi thơm ngào ngạt, rồi đưa lên nhấm. Từng chút một, để thấy vị ngọt bắt đầu lan ra từ đầu lưỡi. Nước bọt ào ra làm cơn thèm lên đỉnh điểm. Chẳng giữ được, tôi nhai ngấu nghiến. Và sau đó ngồi thẫn thờ nhìn bếp lửa và liếm môi thầm tiếc, ước gì mình ăn chậm một chút…
Thời gian qua mau, tôi chẳng còn là đứa trẻ. Cuộc sống đưa tôi rời xa ngôi làng nhỏ ven chân núi, xa ngôi nhà sàn yêu dấu. Mỗi lần bước chân xuống cầu thang, mẹ lại dúi cho tôi một gói thịt khô. Tôi đã ăn thịt treo gác bếp ở nhiều nơi nhưng chưa thấy ai làm ngon bằng mẹ. Nơi thì thịt quá mặn, nơi lại quá khô, hoặc không có đủ gia vị… Chỉ có thịt treo gác bếp của mẹ luôn hợp khẩu vị của tôi. Mỗi khi nhớ về bếp lửa giữa gian nhà sàn ấy, tôi lại thấy lòng mình ấm áp, để tiếp tục hành trình mình đã chọn.
Theo Người lao động
Gà đốt lá chúc: Lạ mà quen, quen mà lạ
Vị ngọt của gà cộng với gia vị được tẩm ướp thấm đều cùng mùi thơm đặc trưng của lá chúc khiến người ăn miếng đầu rồi lại thòm thèm thêm miếng thứ hai.
Về An Giang, Châu Đốc, Tịnh Biên... luôn là những điểm đến được ưa chuộng hàng đầu với chùa chiền, miếu mạo nổi tiếng hay những khu chợ biên giới tấp nập kẻ bán, người mua. Nhưng An Giang không chỉ có thế. Vùng đất này còn mang trong mình nhiều điều bí ẩn, đẹp đẽ nằm xa trung tâm du lịch.
Vẻ đẹp yên bình của Tri Tôn, An Giang.
Từ Châu Đốc chạy khoảng 55 km là đến Ô Thum, thuộc xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Do nằm xa trung tâm du lịch nên vùng đất này vẫn còn giữ được trong mình sự mộc mạc, hoang sơ của một vùng quê nằm nép mình bên những ngọn núi.
Hồ Ô Thum khá rộng, mênh mông nước là địa điểm được dân xê dịch tìm đến trong những năm qua. Hồ nằm sát núi Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, một trong 7 ngọn núi nổi tiếng của An Giang.
Ô Thum không chỉ có cảnh quan đẹp với rừng cây xanh mướt, mặt nước loang loáng màu đỏ ngầu hay những cánh đồng ruộng nặng trĩu vàng khi vào mùa mà còn níu chân người phương xa bằng một món ăn đặc biệt.
Nếu như Châu Đốc có bún cá, bún cua, nào mắm, nào khô... thì Ô Thum lại có gà đốt lá chúc, món ăn quen thuộc của người địa phương nay đã nức tiếng gần xa.
Gà đốt lá chúc, đặc sản của miệt Ô Thum.
Lá chúc nghe qua vừa quen, vừa lạ. Nhiều người lầm tưởng đó là lá trúc, một loại cây thuộc cùng họ với tre hoặc cho rằng người dân viết sai chính tả. Nhưng lá chúc là tên gọi chính xác. Lá có hình dáng giống như lá bưởi nhưng nhỏ hơn rất nhiều, mang mùi thơm nồng đặc trưng với lượng tinh dầu rất nhiều. Quả của loại cây này cũng rất đặc biệt khi có phần da rất sần sùi, vị chua thường được dùng ăn kèm nhiều món. Đến miệt Bảy Núi, không khó để tìm thấy loại cây này, nhưng khó tìm ở bất kỳ địa phương nào khác.
Cây chúc, một loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi.
Gà thả vườn được làm sạch, sau đó tẩm ướp đều với gia vị gồm: dầu hào, muối, ớt, sả... sao cho thật thấm. Sau đó, gà được đặt vào một chiếc nồi đã được lót sẵn sả, củ tỏi ở bên dưới và phủ lá chúc lên trên. Người nấu sẽ dùng bếp ga để đốt trong khoảng 25 phút là gà sẽ chín. Tuy nhiên, đây là phương pháp của các hàng quán. Còn theo kiểu truyền thống, gà sẽ được đặt vào nồi đất (vì giữ nhiệt rất tốt) và đốt trên bếp củi, bếp than trong khoảng 45-60 phút.
Gà sau khi đốt sẽ khô ráo bề mặt nhưng vẫn giữ được độ dai, ướt bên trong thịt. Trước khi thưởng thức, các hàng quán sẽ phủ them một ít lá chúc băm nhuyễn để món được dậy vị. Cái ngọt đặc trưng của gà cùng miếng da giòn, thấm đều gia vị kết hợp với mùi thơm đặc trưng của lá chúc đi kèm một tép tỏi đã được nung chín sẽ khiến đầu lưỡi tê tái không thôi.
Vị thơm ngon của gà đốt lá chúc khiến người phương xa nhớ về Ô Thum.
Gà đốt thường được ăn với gỏi hoặc dưa chua ngâm kèm thêm nước mắm tỏi ớt chua ngọt hoặc muối ớt có thêm nước của trái chúc. Ăn gà với cơm cũng ngon, với xôi cũng được. Có lẽ, món này càng bắt hơn khi được nhấm nháp cùng chút rượu nồng. Cắn miếng gà đầu tiên chưa hết đã khiến người ta thòm thèm thêm miếng nữa.
Gà đốt có giá khoảng 250.000 đồng/con cho khoảng 4 người ăn. Đến khu vực Ô Thum sẽ có rất nhiều hàng quán để thưởng thức món ăn này. Nhớ, đến Tri Tôn, đừng quên đặc sản này.
Theo Phunuonline
Giống khoai tây đắt nhất thế giới giá 20 triệu/kg có gì đặc biệt? Đứng sau các loại thực phẩm đắt đỏ hàng đầu thế giới như trứng cá muối, nấm cục, nhụy hoa nghệ tây... là một loại khoai tây có vẻ ngoài bình thường nhưng lại rất quý hiếm. Loại khoai tây này có tên là La Bonotte, chỉ được trồng ở Pháp và có giá bán trên thị trường là 860 USD một ký...