Động vật Australia chết mòn vì đói khát dù sống sót cháy rừng
Con người đang chạy đua với thời gian để cứu lấy những loài vật bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng, sau khi cháy rừng ở Australia thiêu rụi diện tích bằng 1/3 Việt Nam.
Giờ đây, khi lửa đang dần được khống chế, Australia đang tìm kiếm những cá thể còn lại của các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, với hy vọng khôi phục lại các quần thể, theo AP.
Đó là điều đáng buồn mà các nhà khoa học đang phải tiến hành, ở một đất nước vốn tự hào về đa dạng sinh thái, bao gồm những loài không đâu có trên Trái đất như gấu koala hay kangaroo.
“Sự im lặng ghê rợn”
“Australia là đất nước mà dù ở bất cứ đâu, bạn cũng tiếp xúc với động vật hoang dã. Con người không chỉ tự hào, mà còn trải nghiệm thiên nhiên hoang dã hàng ngày”, Christ Wright, nhà hoạt động từ tổ chức môi trường Climate Tracker, nói với Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
“Nếu bạn có vườn, bạn sẽ luôn thấy thằn lằn, chim, chồn bossom trong vườn. Nếu có trang trại, bạn sẽ luôn thấy kangaroo. Bạn luôn nghe thấy chim”, ông Wright, bản thân có trang trại ở vùng South Coast của bang New South Wales bị cháy gần như toàn bộ, chia sẻ thêm. “Nhưng giờ đây, bạn không nghe thấy chim nữa… có một sự im lặng ghê rợn… ở những nơi bị cháy”.
Ảnh trên cao cho thấy rừng bị thiêu rụi ở East Gippsland, Australia ngày 9/1. Ảnh: Getty Images.
“Tôi chưa từng thấy riêng một sự kiện nào ở Australia đã phá hủy sinh thái nhiều đến vậy, đẩy nhiều loài tới bờ vực tuyệt chủng đến vậy”, Kingsley Dixon, nhà sinh thái ở Đại học Curtin ở Perth, Australia, nói với AP.
Một con chuột túi đá đuôi bút lông đang ăn thức ăn mà nhóm của ông Guy Ballard mang tới, ảnh chụp tháng 12/2019. Ảnh: Guy Ballard/AP.
Ngay khi cháy rừng giảm đi ở New South Wales, nhà sinh thái Guy Ballard tới vườn quốc gia để tìm các cá thể chuột túi đá đuôi bút lông (brush-tailed rock wallaby), trông giống kangaroo nhỏ, với hy vọng khôi phục quần thể. Những vùng sinh sống cuối cùng của chúng đã bị cháy, và chúng có nguy cơ biến mất. Trước cháy rừng, chỉ có 15.000 cá thể trong tự nhiên.
Trước đây, nhóm của ông tìm thấy loài này sống thành nhiều đàn trong vườn quốc gia. Giờ họ thấy những thân cây bốc khói và xác chết.
“Thật kinh khủng”, ông Ballard, từ Đại học New England ở Armidale, nói với AP. “Bạn có thể ngửi thấy xác chết động vật giữa các phiến đá”.
Tàn phá kinh hoàng
Rừng và động vật hoang dã Australia vẫn luôn tồn tại sau những đợt cháy rừng. Nhưng năm nay diện tích cháy tăng vọt (104.000 km2, gần bằng 1/3 diện tích Việt Nam), cộng thêm hạn hán và nắng nóng do biến đổi khí hậu.
Dù sống sót qua “giặc lửa” nhờ trốn trong các vách đá hay chui xuống đất, động vật hoang dã cũng chịu nguy cơ từ chết đói, khát nước, và từ những kẻ săn mồi mới phát triển như cáo hay mèo.
Kể từ khi vườn quốc gia mà ông Ballard đang tìm kiếm bị cháy cách đây hai tháng, không có mưa, không có chồi non nào. Nhóm của ông băng qua những cánh rừng phủ đầy tro bụi, mang theo nước và các bao tải khoai tây, cà rốt và viên thức ăn.
“Những loài động vật này hiếm và số lượng còn ít tới mức mỗi cá thể đều quan trọng”, ông nói với AP.
Một con kangaroo chạy qua căn nhà đang cháy ở Lake Conjola, Australia ngày 31/12. Ảnh: New York Times.
Video đang HOT
Những nơi khác ở bang New South Wales, các nhân viên bảo tồn đang thả rau từ trên máy bay xuống những khu rừng đã cháy đen, hy vọng rằng chuột túi và các loài khác sẽ tìm được thức ăn.
Ở bang Victoria, giới chức ước tính rằng chuột túi đá đuôi bút lông (brush-tailed rock wallaby) đã mất 40% môi trường sống, theo đánh giá ban đầu. Một loài thú có túi hiếm khác là potoroo chân dài cũng mất ngần ấy môi trường sống.
Tổng thiệt hại đối với thiên nhiên Australia bao gồm từ 20-100 loài có nguy cơ giờ đây đã bị đẩy gần hơn tới tuyệt chủng, theo các nhà khoa học từ một số đại học ở Australia.
Một con kangaroo xấu số đã không thoát được cháy rừng ở Batlow, New South Wales. Ảnh: AFP.
“Mất đi nhiều như vậy, có lo ngại rằng không có đủ số cá thể động vật quý hiếm và thực vật để sau này bao phủ lại những vùng bị cháy”, Jim Radford, nhà sinh thái ở Đại học La Trobe ở Melbourne, nói với AP.
Đám cháy có thể đã xóa sổ một số loài trong rừng mưa, vốn đã tồn tại từ thời đại siêu châu lục Gondwana, tức là trước khi các lục địa tách ra như hiện nay, ông cho biết thêm.
Sự tuyệt vọng của koala bám thân cây cháy đen
“Thông thường mọi người coi thiên nhiên là điều nghiễm nhiên”, Chris Wright từ Climate Tracker nói với Zing.vn từ Australia. “Bây giờ chúng tôi nhận ra mối quan hệ với thiên nhiên đã bị tổn thương, thậm chí mất hẳn”.
“Đây là lời thức tỉnh đối với người dân Australia tưởng rằng thiên nhiên hoang dã sẽ luôn tồn tại. Chưa bao giờ (Australia) chịu sự mất mát thiên nhiên lớn đến vậy trong khoảng thời gian ngắn”.
Nhà sinh thái của Đại học Sydney Christopher Dickman ước tính rằng hơn 1 tỷ cá thể động vật đã chết, dựa vào số liệu về mật độ động vật đối với những loại rừng khác nhau, nhân với diện tích rừng bị cháy. Nhưng ước tính đó chưa bao gồm rơi, các loài lưỡng cư, sâu bọ và các loài không có xương sống khác.
Cây bị cháy đen ở Old Bar, New South Wales ngày 10/11. Ảnh: AFP.
“Vết thương” đau xót mà cháy rừng gây ra cho thiên nhiên Australia cũng bao gồm hàng chục triệu cá thể chồn possum và những thú có túi nhỏ khác gọi chung là “gliders” (tạm dịch: sóc bay Australia).
Dù sống trên ngọn cây và có thể nhảy khá xa bằng các màng da giữa cổ chân và cổ tay, chúng vẫn không thoát được cái chết. Giới chức bang Victoria ước tính số cá thể sóc bay giảm hơn 25% do cháy rừng.
“Regent honeyeater” là loài chim có dáng vẻ thanh cảnh lông vàng đen. Ảnh: AP.
“Hậu quả đối với một số loài là khá bi thảm”, Dickman nói với AP. “Nếu chúng ta không thể bảo vệ chúng ở đây, chúng sẽ biến mất. Không nơi nào khác có chúng”.
Hiện giờ, lửa vẫn cháy ở khu vực Blue Mountains, di sản thế giới UNESCO ở phía tây của Sydney, một trong những nơi còn sót lại của loài “regent honeyeater”, loài chim có dáng vẻ thanh cảnh lông vàng đen, vốn đã mất 95% môi trường sống kể từ khi người châu Âu di cư tới Australia.
Hiện chỉ có 300-400 cá thể chim này trong tự nhiên, Ross Crates, nhà sinh thái ở Đại học Quốc gia Australia, nói với AP. Chúng sống nhờ một loại nhựa cây, nhưng với thời tiết khô hạn hiện nay, cây không tiết ra nhựa, nhựa cây là một thứ xa xỉ, theo AP.
“Thậm chí với những con chim sống sót, chúng tôi lo ngại không biết chúng sẽ ăn và làm tổ thế nào”, ông Crates nói.
Một gấu koala được giải cứu đầu tháng 1/2020 ở Đảo Kangaroo, phía nam Australia. Ảnh: AP.
Ngay cả những khu vực thường không cháy thì lần này cũng cháy. Một số rừng mưa đã bị khô do hạn hán và nhiệt độ cực đoan, cho phép lửa cháy dễ dàng hơn.
Hiếm có hình ảnh nào đau lòng hơn là những con gấu koala bám trụ tuyệt vọng vào những thân cây cháy đen. Không giống chim hay những loài khác, chúng không thể bay đi, không thể đào đất chui xuống.
Dù koala chưa bị đưa vào dạng “sắp nguy cấp” (vulnerable – một trong những cấp phân loại trong ngành bảo tồn), quần thể koala có thể đã bị xóa sổ ở những vùng cháy.
“Môi trường sống của chúng đã giảm hẳn, và vẫn còn chưa hết mùa cháy rừng”, Mathew Crowther, nhà sinh thái ở Đại học Sydney, nói với AP.
“Koala vẫn sẽ chưa bị tuyệt chủng trong những năm tới, nhưng nếu môi trường sống bị phá hoại dần dần, cuối cùng sẽ là chết chóc… chúng ta phải nhìn vào xu hướng lâu dài… nhiệt độ và cháy rừng còn thế nào nữa trong tương lai”.
“Hầu hết mọi người tôi nói chuyện đều rất buồn. Ai cũng yêu mến gấu koala và kangaroo. Những bức ảnh gấu koala thực sự làm mọi người buồn từ sâu trong trái tim”, ông Wright nói với Zing.vn.
Theo news.zing.vn
Ám ảnh cảnh tượng ở Australia trước và sau thảm họa cháy rừng
Thảm họa cháy rừng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Australia và tàn phá nhiều cảnh quan của quốc gia này.
Hình ảnh con đường xuyên qua Vườn Quốc gia Flinders Chase, đảo Kangaroo đã làm nổi bật sự khác biệt trước và sau khi cháy rừng xảy ra ở Australia. Cho tới nay, đã có ít nhất 26 người thiệt mạng, hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, 1 tỷ động vật đã chết và ít nhất 8 triệu hectare bị thiêu cháy trong thảm họa thiên nhiên này.
Bãi biển Tathra bị bao phủ bởi tro bụi với cảnh tượng như trên sao Hỏa sau khi cháy rừng xảy ra ở New South Wales.
Cobargo nằm bên bờ biển phía nam của New South Wales trước và sau khi cháy rừng xảy ra.
Circular Quay và Cầu cảng Sydney chìm trong làn khói mù mịt từ những đám cháy rừng.
Thị trấn Cobargo xinh đẹp và bình yên bị cháy rừng làm cho thay đổi hoàn toàn.
Khói từ những đám cháy rừng ở Australia đã lan sang New Zealand và biến bầu trời trong xanh ở núi Cook chuyển sang màu cam nhạt.
Cảnh tượng ở Shoalhaven, cách Sydney 200 km về phía nam trong cùng một ngày trước và sau khi đám cháy Tianjara "càn quét" qua.
Bầu trời trong xanh ở Merimbula thuộc phía nam New South Wales chuyển sang màu cam do khói từ các đám cháy rừng.
Southern Ocean Lodge ở phía nam Australia bị cháy rừng tàn phá và thay đổi hoàn toàn cảnh quan.
Cảnh tượng ở Sở thú Mogo trước và sau thảm họa cháy rừng ở Australia.
Cầu Genoa ở bang Victoria, Australia bị lửa thiêu cháy.
Hình ảnh từ trên cáo cho thấy mức độ phá hủy của thảm họa cháy rừng ở Sarsfield, bang Victoria.
Những ngọn lửa dữ dội tiến đến gần đường Betka tại Mallacoota khi thị trấn ven biển này đối mặt với thảm họa cháy rừng đúng dịp Năm mới.
Ở Mallacoota, bầu trời chuyển sang màu đỏ ghê rợn do ảnh hưởng của cháy rừng.
Những luồng khói đen bốc lên cao ở sân golf vịnh Batemans tại bang New South Wales./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo vov.vn/MSN
Giải cứu koala Australia và chợ lạc đà Saudi vào top ảnh tuần Cháy rừng ở Australia, chợ lạc đà ở Saudi Arabia, lễ hội băng đăng ở Trung Quốc và tang lễ thu hút hàng triệu người dân Iran ở thủ đô Tehran là những hình ảnh ấn tượng trong tuần. Simon Adamczyk giải cứu một con gấu túi (koala) từ khu rừng đang cháy trên đảo Kangaroo của Australia, ngày 7/1. Những đám cháy...