Dòng tiền quốc tế năm 2019 sẽ đi đâu?
Kinh tế toàn cầu được nhận định sẽ có những biến động lớn, kéo theo sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư, nhưng có các dự báo khác nhau về điểm đến. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn, nhưng cũng có thể chỉ ở dạng tiềm năng.
Điểm chung của các quan điểm ngược nhau
Trong năm 2019, tờ Economist dự báo, cổ phiếu của châu Âu và các nền kinh tế mới nổi sẽ “phục hận” sau một năm sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân cơ bản đầu tiên, đó là do các cổ phiếu ở châu Âu và các nền kinh tế mới nổi đang rẻ tương đối so với các cổ phiếu Mỹ. Đa số cổ phiếu trong nhóm S&P 500 đã tăng giá từ 3 – 4 lần kể từ năm 2009, bỏ xa tốc độ tăng giá của các cổ phiếu châu Âu và các nền kinh tế mới nổi.
Mức giảm giá mạnh của cổ phiếu Trung Quốc ở cả thị trường Đại lục và Hồng Kông (bình quân 20 – 30%) đang tạo ra sức hấp dẫn nhất định, mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc và sự sụp đổ của không ít định chế tài chính ngầm.
Vì vậy, các tác giả của báo cáo The World in 2019 của tờ Economist tin rằng, đặt cược vào cổ phiếu châu Âu và các thị trường mới nổi là hợp lý trong năm 2019, khi những bất định về vấn đề Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) nhiều khả năng được giải quyết vào đầu năm 2019 và các thị trường mới nổi sẽ gượng dậy sau một năm 2018 không lạc quan.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm ngược lại. Nhiều người dự đoán kinh tế toàn cầu có thể suy thoái từ cuối năm 2019, cụ thể là kinh tế Mỹ dự đoán sẽ tăng trưởng từ 2% đến dưới 3%, tăng trưởng lợi nhuận công ty không thể đạt 2 con số. Nhưng không ít nhà phân tích cho rằng, tiếp tục đầu tư vào các công ty làm ăn được ở Mỹ còn tốt hơn là mạo hiểm tại các nền kinh tế èo uột ở châu Âu và châu Á.
Kết quả điều tra ý kiến của Bank of America Merrill Lynch cho thấy, các nhà quản lý quỹ ở Mỹ đang bi quan nhất về nền kinh tế Mỹ kể từ năm 2008. Kết quả này tương đối trùng khớp với kết quả điều tra các giám đốc tài chính (CFO) do Đại học Duke công bố cuối năm 2018: gần nửa số CFO tham gia điều tra (xấp xỉ 49%) nhận định, kinh tế Mỹ sẽ đi vào chu kỳ suy giảm kinh tế từ nửa cuối năm 2019, trong khi 82% dự báo nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái từ cuối năm 2020. Kết quả điều tra của các CFO châu Á và châu Âu cũng không khả quan hơn, quá nửa ý kiến cho rằng, nền kinh tế nước họ sẽ đi vào suy thoái từ cuối năm 2019.
Những quan điểm ngược nhau này thật ra chỉ đến một điểm chung: Nếu có một nền kinh tế nào tăng trưởng vượt trội hơn mức 2 – 3%, nó sẽ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế, cụ thể là nhóm đầu tư từ Mỹ, bởi vì các nhà đầu tư Mỹ không có nhiều hy vọng đối với tương lai kinh tế Mỹ. Họ sẽ nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở nơi khác, nhưng nơi đó phải thật sự vượt trội.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Video đang HOT
Trong số các nước ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến “ nóng nhất” bởi Forbes. Bài viết của tạp chí này trích dẫn số liệu FDI giải ngân 16,5 tỷ USD vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 như một dẫn chứng cho tính hấp dẫn của kinh tế Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các nước Đông Á đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bằng cách di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Điểm hấp dẫn thứ hai quan trọng hơn, đó là việc Chính phủ tiếp tục định hướng cổ phần hóa những công ty nhà nước và tờ Forbes dự đoán, động thái này sẽ được đẩy nhanh trong năm 2019 với việc Việt Nam có kế hoạch loại bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài của các công ty nhà nước và niêm yết vào cuối năm 2019. Với dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của các đối thủ như Thái Lan, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tiềm năng. Thực tế, cổ phần hóa công ty nhà nước vẫn đang chậm hơn tiến độ, thậm chí được đánh giá là “giậm chân tại chỗ”. Năm 2018 dự kiến sẽ cổ phần hóa 85 doanh nghiệp, nhưng đến tháng 11/2018 mới có 12 doanh nghiệp được phê duyệt.
Bên cạnh đó, nhiều báo cáo phân tích của giới kinh tế nước ngoài chỉ ra rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhân công rẻ chỉ là “huyền thoại” (myth). Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho biết, chi phí nhân công ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực.
Điều này đặt ra áp lực buộc Việt Nam phải thay đổi chiến lược thu hút FDI từ thu hút dựa trên nhân công rẻ sang thu hút dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, thứ mà Việt Nam vẫn còn chưa chuẩn bị đầy đủ.
Ở một khía cạnh khác, những diễn biến trên thị trường khởi nghiệp và vốn tư nhân ở Việt Nam vẫn khá sôi động cho thấy, Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế hấp dẫn dòng vốn này trong năm 2019. Nhiều khả năng, đây sẽ là một trong những thị trường vốn năng động nhất Việt Nam trong năm 2019, với những thương vụ lớn có thể diễn ra.
Dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, vì vậy, có thể sẽ đi vào các thương vụ cổ phần hóa lớn, thị trường vốn cổ phần tư nhân và các dự án FDI đi đường vòng khỏi Trung Quốc để “tránh bão” chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, loại dự án FDI đi đường vòng đó sẽ khó bền vững.
Theo đó, Việt Nam cần đẩy nhanh cổ phần hóa, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và gỡ bỏ những trở ngại cho công ty tư nhân vừa và nhỏ phát triển.
Vấn đề là tạo niềm tin
Một số người làm quỹ đầu tư ở nước ngoài có quan tâm tới thị trường Việt Nam chia sẻ rằng, IPO ở Đông Nam Á sẽ có thể là điểm sáng mới cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2019, nhưng với điều kiện là tăng trưởng và vĩ mô ổn định, đồng thời thanh khoản thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, rủi ro với tăng trưởng nhanh của tín dụng và bất động sản ở khu vực này là điều mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan sát kỹ.
Đây cũng là một rủi ro cho Việt Nam. Đã có dấu hiệu về dòng vốn nóng nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản cao cấp của TP.HCM qua số liệu người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Trong khi đó, tín dụng cho bất động sản đang phần nào bị kiềm chế với việc áp dụng hệ số rủi ro cao hơn kể từ đầu năm 2019 và nhiều ngân hàng đang triển khai áp dụng Basel II. Rủi ro là khả năng đảo ngược dòng vốn vào bất động sản khi dòng tín dụng siết lại và vốn nước ngoài đảo chiều.
Khi thị trường bất động sản ở Úc, Hồng Kông và Thượng Hải đi xuống trong thời gian gần đây, người viết đặt câu hỏi với một số nhân sự hoạt động trong lĩnh vực này ở Thượng Hải rằng, liệu người Trung Quốc có qua Việt Nam mua nhà nhiều hơn hay không? Câu trả lời là có thể, vì người Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa danh mục ra ngoài biên giới và việc thị trường bất động sản ở TP.HCM tăng giá có gây chú ý cho các khách hàng của bạn.
Nhưng nếu có biến động lớn ở thị trường nội địa Trung Quốc, nghĩa là giá giảm mạnh thêm, họ có thể phải bán đi các khoản đầu tư ở nước ngoài để nhanh chóng rút tiền về “cứu viện” sân nhà. Hơn nữa, khi giá nhà ở Hồng Kông và Thượng Hải xuống mức hấp dẫn, như cổ phiếu Trung Quốc vậy, thì từ giữa năm 2019, có khả năng là tiền Trung Quốc ở nước ngoài sẽ chảy về trong nước để mua hàng rẻ.
Những ý kiến như vậy để thấy, cần phải rất cởi mở để tiếp nhận đủ loại quan điểm về thị trường. Có thể Việt Nam sẽ hấp dẫn vì Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng cũng có thể vốn sẽ vào Trung Quốc khi tài sản Trung Quốc đủ rẻ. Nói chung, chỉ là vấn đề định giá và chủ quan cảm nhận của những người cầm tiền lớn.
Vấn đề Việt Nam tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng hành động của Chính phủ tạo được niềm tin cho giới đầu tư quốc tế như thế nào. Những người đi kéo vốn quốc tế về Việt Nam đã có thể kể những câu chuyện rất hay trong năm qua, nhưng nếu nó không trở thành hiện thực, họ sẽ khó kéo thêm vốn về.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên ại học Bristol, Anh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Kì vọng nào cho cổ phiếu dầu khí?
Giá dầu thô đã giảm hơn 30% so với mức giá kéo dài 52 tuần xác lập từ tháng 12/2017, chính thức bước vào thị trường giá giảm. Bên cạnh những suy đoán từ đà lao dốc của giá dầu như chỉ báo trước của cuộc suy thoái, nhóm cổ phiếu năng lượng trên toàn cầu cũng như nhóm cổ phiếu dầu khí ở thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục phá đáy.
Tháng 12/2017, giá dầu thô biến động quanh mốc 60 USD/thùng bước vào thị trường giá lên và đạt đỉnh ở mốc 76 USD/thùng sau đó lao dốc xuống quanh 42 USD/thùng vào tháng 12/2018. Giá dầu thô cũng đã phá đáy tháng 12/2016, ngưỡng hỗ trợ trong dài hạn của giá dầu quanh mốc 40 USD/thùng.
Biến động của giá dầu. Nguồn : Tradingview
Câu chuyện giá dầu giảm bắt đầu từ quý 3/2018 xoay quanh lo ngại về suy thoái của nền kinh tế toàn cầu sẽ khiến nhu cầu về dầu giảm sút, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, dự trữ dầu nội địa của Mỹ tiếp tục gia tăng cũng đẩy nguồn cung dầu lên cao, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, một chỉ số quan trọng gợi ý về sản lượng trong tương lai, đã tăng lên 88 giàn trong tuần cuối tháng 11 và dự kiến có thể tiếp tục tăng thêm.
Giá dầu và giá cổ phiếu dầu khí trên TTCK Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ và bị ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp dầu khí.
Nguồn : Tổng hợp
Khi giá dầu giảm, các doanh nghiệp dầu khí bán khí như GAS, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí và cho thuê dàn khoan như PVD, các doanh nghiệp phát triển dự án khai thác dầu khí như PVS sẽ ảnh hưởng giảm giá bán đầu ra, giá dịch vụ cung cấp hoặc giá trị các hợp đồng kí mới.
Trong khi đó, giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng tích cực đến DPM do chi phí đầu vào chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu. Ngoài ra, giá dầu giảm cũng ít ảnh hưởng đến PLX, BSR, PVT do chi phí của các doanh nghiệp này đã được phòng hộ bằng các hợp đồng dài hạn.
Kì vọng đà phục hồi trong năm 2019 đến từ tăng trưởng nhu cầu dầu thô mặc dù tình tình kinh tế vĩ mô và địa chính trị chưa thực sự ổn định. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu tiếp tục tăng cao, dự kiến tăng 1,4 triệu thùng/ ngày. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng dự báo sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 1,3 triệu thùng/ ngày trong năm 2019.
Trên phương diện phân tích kỹ thuật, giá dầu có thể phục hồi về vùng 58-60$/Barrel theo mức hồi quy Fibonacci và lý thuyết sóng elliott vào cuối quý 4/2019. Sau đó có thể tiếp tục phục hồi nếu tình hình vĩ mô trở nên ổn định hơn. Kịch bản xấu nhất là giá dầu có thể giảm về quanh 38 $/ Barrel.
Hiện tại, giá cổ phiếu dầu khí đã trở về vùng giá quý 4/2017 với mức giảm hơn 30% từ đỉnh quý 3/2018 và đang tìm đáy mới. Thật khó để kì vọng nhóm cổ phiếu dầu khí có thể trở về thời kì "hoàng kim" như trước đây, tuy nhiên tình hình cũng không quá xấu khi cổ phiếu giảm mạnh là thời điểm để mua vào và nắm giữ dài hạn.
THÀNH LONG
Theo thegioitiepthi.vn
Hơn 3.100 tỷ đồng đổ vào mua cổ phiếu sale off, VnIndex vẫn giảm sâu Tuy dòng tiền mạnh nhưng lực bán vẫn ồ ạt bởi lẽ, trước mắt là kỳ nghỉ dài của thị trường và phía sau lưng là chuỗi ngày giảm khá sâu khiến nhiều tài khoản đã ở ngưỡng force margin-bị các công ty chứng khoán ép bán. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, thị trường chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ....