Đồng Tháp căng thẳng ‘cuộc chiến’ dịch tả lợn châu Phi
Bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Tháp đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 25.6, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 12.800 con lợn mắc bệnh chết với tổng khối lượng gần 1.000 tấn.
Đàn lợn tại xã Tân Phú Trung, H.Châu Thành (Đồng Tháp) bị dịch tả lợn châu Phi chết, được thu gom để tiêu hủy . ẢNH: TRẦN NGỌC
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 25.6, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trủ trì buổi họp trực tuyến chỉ đạo các ngành và các địa phương nhằm tăng cường các giải pháp để bảo vệ đàn lợn trên địa bàn tỉnh.
Tiêu hủy lợn chết đến 9 – 10 giờ đêm
Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra 12/12 huyện, thị, thành phố của Đồng Tháp, với 50% số xã có lợn mắc bệnh. Thiệt hại nặng nề nhất là các huyện Châu Thành, Tân Hồng và TP.Sa Đéc…
Ông Phan Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho hay tính đến ngày 24.6, toàn huyện có 603 hộ chăn nuôi có đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng đã tổ chức tiêu hủy gần 7.800 con lợn chết với tổng khối lượng hơn 670 tấn.
Video đang HOT
Ông Phan Thanh Dũng cho hay có ngày huyện phải xử lý chôn lấp hơn 70 tấn lợn bệnh chết, do số lượng lợn chết phát sinh quá cao so với phương án xử lý nên huyện gặp khó khăn rất nhiều trong việc xử lý dịch bệnh. Một số hố chôn lấp quá tải dẫn đến xì hố, bốc mùi hôi thối, gây phản ứng cho các hộ dân xung quanh.
“Việc thu gom xử lý lợn bệnh chết khó khăn. Hôm nào xử lý xong sớm cũng khoảng 9 -10 giờ đêm anh em mới về nhà… Thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh phát sinh rất lớn, ngoài kế hoạch và dự báo của địa phương”, ông Dũng cho biết.
Lực lượng chức năng phải căng sức xử lý số lợn chết do dịch tả lợn châu Phi vượt xa dự báo ẢNH: TRẦN NGỌC
Rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Tháp, cho hay tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nhiều hộ dân chăn nuôi, nhưng bệnh chưa xảy ra đối với các hộ chăn nuôi lợn theo hình thức an toàn sinh học và trại chăn nuôi có ý thức trong phòng, ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Võ Bé Hiền, hộ chăn nuôi của tỉnh không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học, như: không kiểm soát người và phương tiện ra vào trại, sử dụng thức ăn thừa và mua các sản phẩm từ thịt lợn về tiêu thụ trong trại… nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Việc các hộ chăn nuôi “bán chạy” lợn bệnh cho thương lái và vứt lợn bệnh chết xuống sông cũng sẽ khiến cho tình trạng dịch bệnh dễ bùng phát tại Đồng Tháp.
“Virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại trong nước ít nhất 3 tháng. Do điều kiện chăn nuôi của các hộ dân chủ yến nhỏ, lẻ và sử dụng nước sông tắm nên dịch bệnh sẽ lây lan. Cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của cơ quan chức năng, chúng tôi rất mong bà con nông dân thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học”, ông Hiền nói.
Nhiều hố chôn bị quá tải do lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi chết quá nhiều ẢNH: TRẦN NGỌC
Ông Nguyễn Thanh Hùng chỉ đạo trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương và ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác phòng ngừa và bảo vệ số lượng đàn lợn hơn 170.000 con còn lại của tỉnh, tránh để dịch bệnh lan rộng.
Để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Tháp chi hỗ trợ cho người chăn nuôi 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy. Đến nay, chỉ riêng H.Châu Thành đã chi hỗ trợ cho người dân có lợn bị tiêu hủy với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Các huyện còn lại của tỉnh Đồng Tháp cũng đang triển khai chi hỗ trợ cho các hộ dân có lợn chết bị tiêu hủy theo quy định.
Theo Thanhnien
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại 20.000 con ở Đồng Nai
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn 24 xã thuộc 8 huyện, thị ở Đồng Nai gồm huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành và Tân Phú và thành phố Biên Hòa; trong đó, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, chỉ tính riêng huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom đã có 15 xã phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, Đồng Nai đã ghi nhận ổ dịch lớn nhất từ trước đến nay tại trại lợn của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom) với tổng đàn gần 20.000 con. Đây là ổ dịch quy mô rất lớn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sắp tới, Cục Thú y sẽ làm việc với Đồng Nai, bàn phương án xử lý vấn đề này.
Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy khoảng 25.000 con lợn, các địa phương đã chi số tiền rất lớn để hỗ trợ các hộ có lợn phải tiêu hủy. Dự báo thời gian tới, số lợn phải tiêu hủy vì dịch sẽ tăng lên, với quy định tiêu hủy và cơ chế hỗ trợ như hiện nay, nguồn ngân sách sẽ không đáp ứng đủ.
Theo ông Trần Văn Quang, dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai có tốc độ lây lan nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do hộ chăn nuôi thực hiện không đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống bệnh. Nhiều trang trại, dù có quy mô hàng nghìn con nhưng chuồng trại thô sơ, điều kiện vệ sinh kém. Ngoài ra, hiện mầm bệnh đã xâm nhiễm vào nguồn nước sông, suối, khi người nuôi lợn sử dụng nguồn nước này thì dịch bệnh xâm nhiễm vào trại nuôi.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, Đồng Nai chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khủ trùng; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ lợn cũng như các sản phẩm từ lợn; xử lý nghiêm việc giết mổ trái phép, vận chuyển lợn mắc bệnh; nghiêm cấm hành vi mua, bán thức ăn dư thừa làm thức ăn cho lợn, tỉnh sẽ không áp dụng hỗ trợ đối với các hộ nuôi lợn (có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy) cố tình sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi.
Theo Công Phong (TTXVN)
Ninh Bình: Chi gần 90 tỉ đồng hỗ trợ người chăn nuôi lợn Hơn 50.000 con lợn, ở 808 thôn, thuộc 130 xã, 8 huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã bị tiêu hủy vì nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chi gần 90 tỉ đồng hỗ trợ người chăn nuôi...