Dòng sông “mất tích” sau một đêm khiến hàng nghìn người dân bàng hoàng
Một con sông đã “biến mất” một cách khó tin chỉ sau một đêm chỉ để lại một khe nứt dài 30 m khiến cho 10,000 người dân không khỏi bàng hoàng.
Tờ Daily Mail ngày 6/3 đưa tin con sông Atoyac đã “biến mất” một cách bí ẩn chỉ sau một đêm khiến hàng ngàn dân người địa phương hết sức ngỡ ngàng và hiện đang bị thiếu hụt nước nghiêm trọng.
Hàng nghìn người Mexico đã hết sức sửng sốt khi phát hiện dòng sông Atoyac rộng mênh mông nay bỗng “mất tích” chỉ trong một đêm.
Sông Atoyac nằm ở bang Veracruz, phía đông Mexico, chảy qua 8 thị trấn ở miền núi Mexico và là nguồn nước duy nhất cho 10.000 hộ dân bang Veracruz. Theo nguồn tin từ các nhà chức trách, dòng sông đột nhiên biến mất là do một khe nứt hình thành sau cơn địa chấn xảy ra trong đêm. Hiện chưa rõ cụ thể tác động của các khe nứt tới dòng sông.
Sông Atoyac chảy qua 8 thị trấn ở miền núi Mexico.
Khe nứt dài tới 30 m đã rút khô một khúc sông chỉ sau một đêm.
Người dân ở San Fermin (Mexico), nơi xuất hiện các vết nứt gãy sau cơn địa chấn, cho biết họ đã nghe thấy một tiếng động lớn và cảm thấy mặt đất rung chuyển trong đêm hôm đó. Bà Juana Sanchez, một cư dân địa phương chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi thấy nước ở các vòi không chảy nữa nên thử đi kiểm tra và phát hiện một vết nứt dài ngay dưới lòng sông và nước sông đã cạn kiệt”.
Lực lượng bảo vệ dân sự đã được huy động đến hiện trường và xác nhận một khe nứt. Giám đốc của cơ quan ứng cứu khẩn cấp, ông Ricardo Maza Limon, cho biết vết nứt hình thành là do hiện tượng “đứt gãy địa chất”. Theo thông tin từ các quan chức địa phương, hiện miệng các vết mở khá rộng, tuy nhiên nó sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm và tạo nên nhiều vết nứt mới.
Một đoạn sông cạn khô do bị vết nứt hút hết nước.
Vết nứt dài gần 3 km giữa dòng sông được xác định là nguyên nhân sự biến mất của dòng sông này.
Vết nứt kéo dài khoảng gần 3 km. Sự biến mất của con sông ảnh hưởng đến nguồn cấp nước cho hàng ngàn hộ dân cũng như nguồn nước tưới tiêu cho các trang trại mía, nguồn thu nhập chính của họ.
Sông Atoyac cũng là nguồn cung cấp nước cho sông Cotaxtla. Do đó, dòng sông cũng được các nhà chức trách xác nhận là bị hạ xuống thấp hơn mực nước thông thường. Ông Limon thông báo với người dân rằng họ đang làm việc với Uỷ ban tài nguyên nước quốc gia để tiến hành một cuộc điều tra khoa học. Các kế hoạch khẩn cấp cũng sẽ được thực hiện sớm để tìm ra giải pháp cho tình trạng thiếu hụt nước.
Theo Nguyễn Ly / Trí Thức Trẻ
Loài hoa tuyệt đẹp chỉ nở trong đêm và "tàn" ngay khi trời sáng
Hoa băng tuyết là một loại hoa vô cùng đặc biệt. Nó chỉ nở trong những đêm băng giá và tự "tiêu tan" trước khi trời rạng sáng.
Một loại hoa vô cùng đặc biệt chỉ nở trong đêm, khi thời tiết trở nên băng giá và sẽ tự "tiêu tan" trước khi trời rạng sáng. Thực chất, đây là một hiện tượng "hoá băng" của hơi nước thoát ra từ thân cây nhưng lại tạo ra thành những cánh hoa tuyệt đẹp.
Đóa hoa băng được chụp lại vào tháng 2 ở Pennsylvania. Ảnh: Nhà tự nhiên học Mary Ronan
Loài hoa này được gọi là "Hoa băng tuyết" và khác hẳn với những loài hoa thông thường. Điều kiện để chúng nở rất khắt khe. Thường chỉ nở lúc nửa đêm, khi nhiệt độ xuống thấp nhưng nhiệt độ mặt đất lại ấm hơn, ít nhất là ấm hơn so với nhiệt độ của không khí. Khi hơi nước lạnh giá thoát ra từ các vết nứt của thân cây, không khí xung quanh sẽ làm đóng băng lượng hơi nước thoát ra một cách từ từ với tốc độ ổn định. Sau khoảng vài tiếng bông hoa sẽ nở hoàn toàn.
Trong quá trình nở, những phiến băng bắt đầu hình thành, to ra, xoay tròn và cuộn vào nhau tạo thành những cánh hoa trắng muốt tuyệt đẹp. Nhưng chỉ cần bị tác động nhẹ, những cánh hoa này có thể bị vỡ cấu trúc ngay.
Sau hai tiếng, đóa hoa băng đã nở hoàn toàn.
Đây là đoạn băng đã tua nhanh của nhà khoa học nghiệp dư Forrest M. Mims III ghi lại cận cảnh khoảnh khắc đóa hoa nở và tàn ở một khu rừng gần bang Texas vào tháng 2/2014. Tuy nhiên, đến ngày 29/2/2016, đoạn băng này mới được công bố.
Vài tuần trước đây, loài hoa này được nhiều kênh thông tin truyền thông đưa tin và thường được nhắc đến với cái tên "frostflower" (hoa băng). Những bông hoa đặc biệt này cũng được ghi nhận ở các bang khác như Alabama, Texas, Indiana và Pennsylvania trong nhiều năm.
Nhà địa lý học Jim Carter thuộc Đại học bang Illinois là người đã tự trồng loài hoa này ngay trong vườn nhà mình. Ông Carter nhìn thấy loài hoa này lần đầu tiên ở miền Đông bang Tennessee năm 2003 nhưng không biết chúng là gì. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu về loài hoa này cùng một số các dạng cấu trúc băng tuyết khác. Đây là hình ảnh một đoá hoa băng tuyết do ông tự trồng ngay trong sân nhà mình được chụp vào tháng 11/2011.
Đoá hoa "cây nhà lá vườn" do chính tay ông Carter trồng trong vườn nhà mình.
Theo ông, để trồng được loài hoa này cần phải có một số loài cây nhất định và nước cũng phải đạt đến độ âm đạt chuẩn. Sau đó, cây sẽ hút nước lên mặt đất và nước sẽ rỉ qua các khe, tạo ra các mảng băng tuyết. Ngoài ra, sự ổn định nhiệt độ cũng rất cần thiết để chúng có thể nở một cách hoàn hảo. Nó sẽ ngưng quá trình nở ngay nếu nhiệt độ mất cân bằng. Ông chia sẻ: "Chỉ cần có một ngày nắng đẹp trời, những bông hoa sẽ nhanh chóng tan chảy và bốc hơi đi mất".
Theo Nguyễn Ly / Trí Thức Trẻ
Người dân cả thị trấn hoang vì thứ âm thanh kỳ quặc Cư dân một thị trấn lớn tại Mỹ đang cầu cứu các nhà chức trách chấm dứt âm thanh điếc tai bí hiểm đang làm cuộc sống của họ bị đảo lộn. Cho đến nay chưa có ai có thể xác định tại sao lại có những tiếng rít chói tai diễn ra cả ngày lẫn đêm tại thị trấn Forest Grove, Oregan,...