Đồng Nhân dân tệ có thể giảm thêm 10% giữa chiến tranh thương mại
Việc giảm giá đồng Nhân dân tệ có thể được tiếp tục nhằm bù đắp thiệt hại từ gia tăng thuế quan của Mỹ lên hàng Trung Quốc.
Việc giảm giá Nhân dân tệ được xem là một “vũ khí” chống lại Mỹ trong đối đầu thương mại. Ảnh: Thomas White
Theo nhà kinh tế độc lập Andy Xie, Trung Quốc có khả năng giảm giá đồng Nhân dân tệ thêm 10% nữa nếu sản phẩm của nước này tiếp tục bị chính quyền Mỹ nâng thuế lên mức 25% vào cuối năm nay.
“Việc biến động của tiền tệ phản ánh những thách thức kinh tế nên khi mức thuế quan bị gia tăng, điều chỉnh nội tệ là điều không thể tránh khỏi”, CNBC dẫn lời ông Andy Xie.
Điều này sẽ khiến những gia tăng thuế quan trở nên vô giá trị bởi khi thuế tăng, giá giảm, các doanh nghiệp sẽ thấy không có sự khác biệt nhiều.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong tuần này khi mức thuế 10% áp lên 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào ngày 24/9. Bắt đầu từ 1/1/2019, con số này sẽ được gia tăng lên ngưỡng 25%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần viện dẫn con số 375 tỷ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc để làm bằng chứng về những hành động không công bằng và cho thấy việc sử dụng thuế quan nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách.
Phía Trung Quốc từng gọi việc gia tăng thuế quan từ Washington là khẩu súng đang hướng vào đầu Bắc Kinh và thề sẽ trả đũa ngay cả khi cho thấy sự sẵn sàng đàm phán kết thúc đối đầu.
Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen trong bài phát biểu về chính sách nước này trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi cuối tháng 7 đã nhấn mạnh, Mỹ là quốc gia bắt đầu cuộc chiến với hàng loạt thuế trả đũa lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa.
“Để bất cứ cuộc đàm phán nào thành công, một bên cần dừng chĩa súng vào đối tác. Và để bất cứ cuộc đàm phán nào trở nên hữu ích, một bên cần tôn trọng lời hứa của mình. Nếu một bên liên tục thay đổi, mọi cuộc hội đàm sẽ trở nên vô nghĩa”, AFP dẫn lời.
Video đang HOT
Việc hạ giá đồng nội tệ thêm 10% sẽ khiến những nỗ lực ổn định tiền tệ dần “bay màu”. Cuối tháng trước, ngân hàng trung ương của Trung Quốc báo hiệu rằng quốc gia này không có ý định sử dụng đồng Nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại.
Theo đó, việc mất giá dần đây của đồng nội tệ Trung Quốc so với đồng USD không phải là quyết định chính sách có chủ ý từ phía Bắc Kinh bởi sự giảm giá liên tục được cho là sẽ có hại nhiều hơn với nền kinh tế lớn thứ hai này, CNBC dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Tuy vậy, người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra thiếu hài lòng với những động thái liên quan đến tiền tệ của Trung Quốc.
Cuối tháng 7, ông Trump đã thể hiện thái độ chỉ trích của mình đối với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) vì những động thái được xem là thao túng tiền tệ, gia tăng nguy cơ biến chiến tranh thương mại thành chiến tranh tiền tệ.
Trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Trump tuyên bố: “Trung Quốc, EU và các nước khác đang thao túng tiền tệ của họ và để lãi suất thấp, trong khi nước Mỹ tăng lãi suất và mỗi ngày trôi qua, đồng USD ngày càng mạnh lên, làm mất đi lợi thế cạnh tranh. Như thường lệ, đây không phải là sân chơi bình đẳng”.
Thông tin mới đây từ South China Morning Post cho biết trong tháng 9 vừa qua, đồng Nhân dân tệ tiếp tục suy giảm so với đồng USD tháng thứ 6 liên tiếp, mức sụt giảm dài nhất kể từ năm 1992. Trong quý III, đồng nội tệ của Trung Quốc suy yếu 3,95% so với đồng USD, theo số liệu của Bloomberg.
Theo theleader.vn
Không phá giá Nhân dân tệ, Trung Quốc đấu Mỹ cách nào?
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định sẽ không bao giờ phá giá đồng Nhân dân tệ vì nó mang tới bất lợi.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 19/9 đã tuyên bố nước này sẽ không phá giá đồng tiền nội tệ của mình bởi đó là quyết định có hại.
"Biến động gần đây trong tỷ giá đồng Nhân dân tệ bị xem là một biện pháp có chủ đích, nhưng điều đó là không đúng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
Phá giá một chiều đồng tiền sẽ gây hại nhiều hơn là tốt cho nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ hỗ trợ xuất khẩu bằng cách phá giá Nhân dân tệ" - Thủ tướng Trung Quốc khẳng định.
Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định, những hành động thương mại đơn phương sẽ không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.
Tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã giúp đồng nhân dân tệ phục hồi trong phiên giao dịch ngày 19/9, khi bối cảnh đồng nội tệ Trung Quốc đã mất khoảng 9% giá trị kể từ giữa tháng 4 tới nay do chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD từ Mỹ.
Sự "kém cạnh" của Bắc Kinh cũng thể hiện ra ở việc chỉ áp thuế 5%-10% đối với hàng hóa của Mỹ, để vẫn có thể đối phó nếu Mỹ quyết định tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu từ năm sau.
Trong cuộc chiến không cân sức này, Bắc Kinh đã chịu nhiều phần thiệt.
Diễn biến mới nhất của cuộc đối đầu này là Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào hôm 24/9 tới và mức thuế này sẽ được nâng lên 25% vào đầu năm 2019.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố áp thuế đáp trả đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ. Quyết định này cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9 tới.
"Chúng tôi rất lấy làm tiếc; để bảo vệ quyền lợi chính đáng và trật tự mậu dịch tự do toàn cầu, phía Trung Quốc buộc phải tiến hành giáng trả đồng bộ" - vị này tuyên bố.
Sau đó ít phút, trang web của Bộ Tài chính Trung Quốc đã đăng quyết định của Ủy ban thuế quan Quốc Vụ viện về thực hiện tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu.
Chiều ngày 18/9, tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn bộ này đã tuyên bố Trung Quốc đáp trả quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc của phía Mỹ và nói: "Hành động này của Mỹ đã đẫn tới sự không xác định cho cuộc đàm phán mới giữa hai bên. Mong phía Mỹ hãy nhận thức được những hậu quả xấu do hành động của họ gây nên và áp dụng biện pháp sửa chữa khiến người ta tin phục".
Giới quan sát nhận thấy, hành động này của Trung Quốc đã không còn mạnh mẽ như hồi ông Trump tuyên bố tăng thuế lần đầu tiên.
Tờ The New York Times ngày 19/9 cho rằng, sự đáp trả của Trung Quốc không thể ngăn cản được thế tấn công mậu dịch của ông Trump.
Trang tin Đa Chiều của Trung Quốc chú ý tới chi tiết đặc biệt hơn: ông Trump tuyên bố tăng thuế đúng lúc tiến trình đối thoại cấp cao Mỹ - Trung đang khởi động lại.
Tờ The Wall Strett Journal trước đó đã đưa tin: Bắc Kinh sẽ cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Mỹ gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin để đàm phán về vấn đề mậu dịch, thời gian diễn ra đàm phán dự kiến trong 2 ngày 27 và 28/9.
Nhưng với quyết định của ông Trump và tuyên bố chiều 18/9 đáp trả thuế quan của Trung Quốc thì hy vọng về cuộc đàm phán này đã tắt ngấm.
Trước thực tế này, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có rất ít cách để phản kháng với Mỹ trong cuộc đối đầu này: phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc gây trở ngại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nhưng theo cách nào, Trung Quốc cũng có bất lợi.
Ông Trump đã chọn ngày 18/9 - ngày "Quốc sỉ" của người Trung Quốc để đưa ra quyết định tăng thuế giai đoạn 2
Giới phân tích cho rằng, khi không còn thể đánh thuế với hàng hóa Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ gây khó cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ làm ăn của Trung Quốc như Apple hay Boeing. Một số doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu phàn nàn về những trở ngại mà họ gặp phải do căng thẳng thương mại giữa 2 siêu cường, như vấn đề hải quan, thanh tra.
Với việc gây trở ngại cho các doanh nghiệp Mỹ, Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho chính họ trở nên kém hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài khác.
Kim Hoa
Theobaodatviet.vn
"Việt Nam nổi lên là một lựa chọn thay thế Trung Quốc cho bất kỳ nhà sản xuất nào" Với những gì đang diễn ra trong những tuần gần đây, HSC cho biết, Việt Nam có những cơ hội từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Đã có một sô dâu hiệu rõ ràng cho thây rằng một sô nhà sản xuât Bắc Á đang tích cực xem xét việc chuyên một sô hoạt động sản xuât sang Việt Nam....