Đồng Nai: Tiêu hủy hơn 2,7 tấn thịt gà nhiễm khuẩn của một công ty thực phẩm Khánh Huy
Chiều ngày 29/7, Phòng Thanh tra, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với một số đơn vị khác tiến hành tiêu hủy gần 3 tấn thịt gà nêu trên.
Đồng Nai là địa phương có tổng đàn heo, đàn gia cầm đứng đầu cả nước; nên ngoài cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn, xuất khẩu, thì trên địa bàn cũng thường xuyên phát hiện các cơ sở trữ số lượng lớn thịt gia cầm, heo,… không có nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây, lực lượng liên ngành đã phát hiện một công ty thực phẩm đang trữ gần 3 tấn thịt gà quá hạn sử dụng và nhiễm khuẩn salmonella.
Phát hiện số lượng lớn thịt gà quá hạn, biến đổi màu
Cụ thể, chiều ngày 29/7, Phòng thanh tra Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với một số đơn vị khác tiến hành tiêu hủy gần 3 tấn thịt gà nêu trên.
Theo thông tin điều tra, trước đó Phòng cảnh sát môi trường (PC05), Công an tỉnh Đồng Nai, đã phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH thực phẩm Khánh Huy (trụ sở tại tổ 18, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai). Công ty này do bà Nguyễn Thị Lương làm Giám đốc.
Tại thời điểm kiểm tra, kho đông lạnh của công ty đang chứa khoảng 3,6 tấn thịt heo và thịt gà (trong đó có khoảng 1 tấn thịt gà có nhãn mác bao bì của Công ty Thanh Bảo Hân đã hết hạn sử dụng từ ngày 19/2 và ngày 19/7/2020). Thịt gà trong nhiều bao bì đã biến đổi màu sắc. Công ty Khánh Huy không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn – vệ sinh thực phẩm.
Làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Khánh Huy là bà Lương, đã không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Lương cũng đã khai nhận mua số thịt heo là do công ty bà mua của một công ty ở Quận 9, TP.Hồ Chí Minh; còn thịt gà thì mua lại của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân, rồi đem bán lại cho một số công ty và quán cơm trên địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch để thu lợi nhuận.
Video đang HOT
Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu gửi đi phân tích và niêm phong toàn bộ số thực phẩm nói trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Về vấn đề này, đại diện Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai xác định: Qua kết quả xét nghiệm số thịt heo và thịt gà của Công ty TNHH thực phẩm Khánh Huy có 2,75 tấn thịt gà đông lạnh và thịt gà tươi, do Công ty TNHH Thanh Bảo Hân sản xuất, đã hết hạn sử dụng và bị nhiễm khuẩn salmonella.
Trong đó có một số thịt heo và khoảng 550kg thịt gà nhập khẩu đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đơn vị chức năng đã trả lại cho Công ty TNHH thực phẩm Khánh Huy.
Riêng số heo, gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị nhiễm khuẩn thì đơn vị chức năng đã giao cho địa phương để tiêu hủy.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đại diện Chi cục chăn nuôi và Thú y cho biết đây là vụ phát hiện số lượng lớn gia cầm đông lạnh quá hạn, nhiễm khuẩn. Do đó hiện tại ngành chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm. May mắn số lượng thịt trên được ngăn chặn kịp thời, chưa bị đưa ra thị trường.
Tài xế xe tải mê nuôi cút, "ăn ngủ" với đàn cút 10.000 con, mỗi ngày lãi 1,2 - 3,4 triệu đồng
10.000 con chim cút mỗi ngày đẻ 8.000 - 9.000 quả trứng. Hiện giá trứng cút ngang 420 đồng/quả, giá trứng lộn 700 đồng/quả, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn thu lãi bạc triệu mỗi ngày.
Loài vật nuôi nhạy cảm với thời tiết
Anh Trần Ngọc Hiền (SN 1964) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) xuất thân là tài xế lái xe tải, chuyên vận chuyển cám thực phẩm cho các cơ sở nuôi cút ở Phú Yên, Đồng Nai. Tiếp cận với các trang trại nuôi cút riết, anh đâm mê nghề này. Thế là trong chuyển chở cám đến cho các cơ sở nuôi cút, mỗi khi mỗi ít, anh hỏi han để học hỏi kinh nghiệm.
"Tôi sợ nếu tiết lộ mình học hỏi kinh nghiệm để về nuôi thì họ sẽ không bộc bạch, vậy nên mỗi lần chở cám đến 1 cơ sở nuôi cút tôi hỏi han một ít kinh nghiệm, kỹ thuật. Một anh tài xế hỏi theo kiểu tò mò vô hại thì chẳng việc gì họ không chia sẻ. Vậy là mỗi khi mỗi ít, dần dà tôi đúc kết được những kinh nghiệm cơ bản trong nghề nuôi cút.
Cách đây 3 năm, tôi khởi nghiệp nuôi cút với 1.500 con mua ở Phú Yên. Vừa nuôi lấy trứng tạo kế sinh nhai hằng ngày, tôi vừa học hỏi cách ấp ra trứng lộn và ấp ra cút. Sau khi tích cóp mua được máy ấp trứng giá 40 triệu đồng, lấy trứng lũ cút đẻ ra ấp nở cút con để tăng đàn dần dần, đến giờ trong chuồng tôi đã có 10.000 con cút", anh Trần Ngọc Hiền (SN 1964) ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Hiền chọn trứng cho vào lò ấp để ấp ra trứng lộn bán được giá cao hơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Theo anh Hiền, cút khó nuôi gấp nhiều lần so với gà. Do vậy, người nuôi cút phải "ăn ngủ với cút" thì mới kịp thời phát hiện bệnh của chúng để điều trị đúng bệnh, đúng thuốc thì mới mong mang lại hiệu quả.
"Thời tiết thay đổi, trời đang nắng chuyển mưa hay trời đang mưa trở nắng là lũ cút bị ảnh hưởng ngay, lập tức tỷ lệ đẻ của chúng bị giảm nghiêm trọng. Nếu như trước đó 1.000 con cút mỗi ngày đẻ 800 - 900 quả trứng thì khi thời tiết thay đổi chúng chỉ còn đẻ 500 quả", anh Hiền minh họa.
Để bảo toàn đàn cút nuôi, hầu như cả ngày anh Hiền cứ quanh quẩn ở những dãy chuồng nuôi cút của mình. Anh đi qua từng chuồng nuôi, nhìn xem lũ cút buồn hay vui, bởi khi chớm bệnh là lũ cút có biểu hiện ủ rũ ngay. Hoặc anh kiểm tra xem phân của chúng thải ra có màu gì, bởi những bệnh lũ cút thường mắc được thể hiện qua màu phân của chúng.
"Nếu thấy phân của chúng màu trắng tôi biết phải dùng thuốc gì để điều trị, nếu thấy phân màu xanh tôi biết phải dùng thuốc gì, hoặc phân màu đen thì dùng thuốc gì. Nếu chúng chớm bệnh mà không điều trị kịp thời là chúng mất sức đẻ ngay. Người nuôi cút rất cần phải rành nghề thú y. Về lĩnh vực thú y tôi tự học hỏi từ những người nuôi đi trước, hoặc từ những kỹ thuật của các công ty cung ứng cám thực phẩm, vừa học vừa thực hành lâu riết thành rành", anh Hiền bộc bạch.
Anh Trần Ngọc Hiền úm đàn út con để chuẩn bị tăng đàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cho lãi cao
Theo anh Hiền, 3 tháng sau khi thả nuôi là lũ cút bắt đầu đẻ. Lực đẻ của lũ cút tùy thuộc vào quy trình chăm sóc và mức đầu tư cho ăn của chủ nuôi. Nếu cho chúng ăn cật lực, 10.000 con cút mỗi ngày có thể đẻ từ 8.000 - 9.000 quả trứng.
Hiện nay, trứng cút ngang có giá 420 đồng/quả, vị chi 1 thiên trứng (1.000 quả) người nuôi thu được 420.000 đồng; còn trứng cút lộn có giá 700 đồng/quả, 1 thiên trứng cút lộn bán được 700.000 đồng.
Với 10.000 con cút, mỗi ngày anh Hiền thu được từ 8.000 - 9.000 quả trứng. Nếu bán trứng ngang mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ gần 3,4 triệu đến gần 3,8 triệu đồng, còn nếu ấp ra trứng lộn thì mỗi ngày anh Hiền thu vào được từ 5,6 triệu đến 6,3 triệu đồng.
Chuồng nuôi cút phải được làm vệ sinh mỗi ngày. Ảnh: Vũ Đình Thung.
"Mỗi ngày 1.000 con cút ăn 30kg cám thực phẩm, mất khoảng 225.000 đồng, với 10.000 con cút mỗi ngày tôi cho chúng ăn mất hơn 2,2 triệu tiền cám. Cứ cho bình quân hiện mỗi ngày 10.000 con cút của tôi đẻ mức thấp nhất là 8.000 quả trứng, nếu bán trứng ngang, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn thu lãi khoảng 1,2 triệu đồng, nếu ấp ra trứng lộn sẽ bán được 5,6 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn tôi còn lãi 3,4 triệu đồng", anh Hiền tính toán.
Cơ sở nuôi cút của anh Hiền đang có thu nhập cao nhờ tỷ lệ ấp ra trứng lộn của anh đạt tỷ lệ đến 97%. Để có tỷ lệ trứng lộn đạt cao, điều kiện tiên quyết là đàn cút trống làm nhiệm vụ phối giống phải tốt, thứ đến là kỹ thuật ấp phải đúng quy trình.
"Đàn cút trống phải được thay đổi thường xuyên, bởi nếu cút trống cứ giữ mãi 1 dòng sẽ dẫn tới nguy cơ bị trùng huyết, khi ấy tỷ lệ trứng lộn sẽ bị giảm ngay. Cứ 10 con cút mái cần phải có 3 con cút trống. Việc ấp trứng cũng không dễ, ấp ra cút con để tăng đàn kỹ thuật ấp khác với ấp ra trứng lộn. Ấp trứng lộn muốn mẻ trứng đạt tỷ lệ cao đòi hỏi chủ nuôi còn phải biết kỹ thuật soi để biết quả trứng nào có cồ, trứng nào không", anh Hiền chia sẻ.
Mặt nền chuồng nuôi cút phải có độ nghiêng nhất định để trứng cút đẻ ra tự lăn ra máng hứng, nếu trứng nằm trong chuồng sẽ bị lũ cút dậm vỡ gây thất thoát. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Anh Hiền cho biết thêm: Muốn không bị thất thoát thu nhập, khi đóng chuồng nuôi cút, nền chuồng phải được thiết kế có độ nghiêng nhất định, để khi cút đẻ, trứng sẽ tự động lăn ra chiếc máng hứng trứng đặt bên ngoài chuồng, nếu trứng không tự lăn ra được, còn nằm trong chuồng thì sẽ bị lũ cút dậm vỡ hết.
Tái đàn lợn tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai: Kiểm soát dịch bệnh, đưa thịt lợn lên sàn Cũng như nhiều địa phương khác, tại Đồng Nai, dịch bệnh vừa gây thiệt hại đàn lợn vừa làm gián đoạn lưu thông sản phẩm thịt lợn... Do vậy, việc kiểm soát dịch và đưa thịt lợn lên sàn giao dịch điện tử được kỳ vọng sẽ khắc phục dần các "điểm tắc" trên chuỗi cung ứng, đưa sản phẩm tiếp cận giá...